Con chó trong tâm thế linh vật
–
Thứ sáu, 16/02/2018 07:14 (GMT+7)
Con chó vốn vật nuôi quen thuộc trong đời sống xã hội của người Việt, vì vậy không khó để nhìn thấy hình ảnh tượng chó đá ở khắp các đền chùa, miếu mạo, kể cả tượng thờ canh giữ mộ phần ở nghĩa trang.
Chó đá được sùng kính, đặt trước đền chùa miếu mạo hoặc các nhà giàu ở phía bắc.
Đặc biệt phía Bắc, vùng Hà Nội, Sơn Tây, trong phong tục, tín ngưỡng dân gian chó đá còn được thờ cúng, và không ít câu chuyện kỳ bí trong việc sử dụng tượng chó đá để trấn yểm. Và không chỉ có người Việt, chó cũng là một trong những vật linh trong hệ thống linh vật Nhật Bản.
Linh khuyển chùa Cầu
Chùa cầu Hội An hay còn gọi là Chùa Nhật Bản được thương nhân Nhật xây dựng cách đây khoảng 400 năm. Từ ngày đầu được sử dụng thì hai đầu cầu phía Đông đã có hai chú chó, một đực, một cái đặt đối xứng trên hai bệ gỗ nhỏ, và đối diện phía đầu Tây là hai con khỉ. Cả bốn linh vật tạc bằng gỗ, sơn son thiếp vàng cao khoảng 80cm, được người dân Hội An kính cẩn gọi là linh hầu và linh khuyển. Bốn hình tượng này được coi là linh vật biểu tượng trấn giữ công trình.
Theo sách sử, năm 1633, tình hình quan hệ giữa Nhật Bản với các nước có biến động, Nhật Hoàng ra lệnh “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa giao thương, đồng thời yêu cầu những Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương. Các gia đình người Nhật ra đi, cơ sở kinh doanh ở Hội An được thương nhân Hoa kiều tiếp quản.
Chúa Nguyễn đã giao Chùa Cầu cho người Minh Hương quản lý và có nhiệm vụ chăm lo sửa chữa cầu. Năm 1653, làng Minh Hương ở Hội An đã đề xướng lên chúa Nguyễn đề nghị tu sửa cầu, và cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu nằm ở phía Tây để thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế) cùng Trừng Hán Cung, thờ Quan Công và Minh Hương Phật tự, thờ Phật Quan Âm.
Theo thần thoại Nhật Bản, Namazu là một con cá trê có cơ thể khổng lồ. Do vậy, mỗi khi di chuyển, đuôi của nó quẫy mạnh khiến trái đất rung chuyển. Namazu được miêu tả là bị các thần linh giam giữ trong lớp bùn dưới các hòn đảo của Nhật Bản, khi các vị thần không cảnh giác, Namazu sẽ quẫy cơ thể và gây nên những trận động đất, núi lửa kinh hoàng.
Người Nhật cho rằng con Namazu có đầu ở tận quê nhà Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ nhưng lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua. Vì vậy Chùa cầu được thương nhân Nhật xây dựng vào những năm mua bán thịnh vượng ở Hội An, còn được gán cho chức năng như một thanh kiếm cắm chặt xuống lưng thủy quái để tránh tai họa cho quê nhà.
Vì vậy, hình ảnh hai chú chó vốn được người Nhật coi là linh vật có mặt ở Chùa Cầu là việc không có gì lạ. Trên Chùa Cầu còn có khắc văn bài bằng chữ Hán: “Thiên cẩu song tinh an cấn thổ, Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân”. Tạm dịch là: Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn, Hai tướng tử vi định giữ cung khôn.
Chó đá trong tín ngưỡng Việt
Vài năm qua, có một đại gia nổi danh trong giới văn nghệ sĩ xây ngôi biệt phủ ở vùng ven Hà Nội, thu thập hàng trăm con chó đá ở khắp đình chùa miếu mạo phía Bắc làm bộ sưu tập riêng. Trong tâm thứ người Miền Bắc, những gia đình giàu chôn chó đá để canh giữ cửa nhà và thể hiện sự quyền uy, phú quý của gia chủ, hoặc để thay đổi dương cơ, âm phần, tránh được những hiểm họa do thế đất xấu gây ra…
Còn dân gian chôn chó đá để xua đuổi tà ma, quỷ quái. Tín ngưỡng thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt. Thậm chí có câu chuyện truyền miệng linh thiêng về cặp chó đá trước cổng trường Đại Học Hàng Hải. Đôi chó này sau rất nhiều năm tỉnh tọa trước cổng trường, được gỡ mang đi nơi khác. Trường gặp nhiều tai ương, thậm chí sinh viên, cùng giáo viên bị đắm tàu trong khi thực tập. Nhà trường đành phải mang đặt lại cặp chó đá về nguyên vị.
Ngoài ra trong dân gian còn kể về chuyện cặp chó đá ở thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), đã giúp dân làng tránh khỏi nạn giặc cướp. Cặp chó đá này có niên đại khoảng 300 năm, tạc bằng đá xanh nguyên khối với đường nét, hoa văn sắc xảo, từ Thanh Hóa mang ra cung tiến.
Dân làng coi đây là vật thiêng bảo vệ cho làng bình yên qua những ngày giặc giã náo loạn. Bô lão trong làng còn kể câu chuyện ngày giặc Pháp kéo về càn quét, đốt phá làng. Một tên lính Pháp nhìn thấy cặp chó đá do sợ hãi đã giương súng bắn vào phần đầu con bên trái dẫn đến bị biến dạng. Khoảng năm 1946, chính phủ cách mạng lâm thời có sơ tán một kho hàng bí mật về cất giữ tại làng.
Một toán cướp đầy đủ vũ trang kéo vào làng định cướp tài sản và kho hàng. Tiếng kẻng báo nguy dồn dập vang lên. Dân làng cùng với lực lượng bảo vệ đã dũng cảm đánh tan cuộc cướp bóc. Nhiều người cho rằng tay không, chống lại được toán cướp vũ trang thành công là nhờ hai “ông” linh khuyển ra sức bảo vệ. Và từ đó, hai vị chó đá vẫn bền bỉ sừng sững trước cổng làng mang ý nghĩa trấn giữ đến hôm nay.