“Con dao hai lưỡi” từ các ứng dụng giải bài tập cho học sinh
(CLO) Nhiều ứng dụng (app) giải bài tập trên điện thoại đang xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Sự tối ưu của các ứng dụng giải bài tập này đang khiến cho một số bộ phận học sinh có tâm lý lạm dụng, học tập đối phó, đặt ra những lo ngại cho giáo viên và phụ huynh.
(CLO) Nhiều ứng dụng (app) giải bài tập trên điện thoại đang xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Sự tối ưu của các ứng dụng giải bài tập này đang khiến cho một số bộ phận học sinh có tâm lý lạm dụng, học tập đối phó, đặt ra những lo ngại cho giáo viên và phụ huynh.
Hàng loạt ứng dụng giải bài tập
Ứng dụng giải bài tập là phần mềm chụp ảnh qua điện thoại để tìm đáp án, lời giải của bài hoặc nhờ người khác giải đáp với tốc độ xử lý nhanh. Dễ dàng cài đặt, hoàn toàn miễn phí, thao tác đơn giản là có đáp án ngay nên các app này đang được học sinh truyền tai nhau sử dụng.
Chỉ sau vài giây, các ứng dụng này sẽ trả về cho học sinh lời giải cụ thể nhất của từng bài tập mà các em thắc mắc. Các ứng dụng hỗ trợ giải bài ở nhiều môn khác nhau như Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, nhưng phổ biến nhất vẫn là Toán.
Hàng loạt các ứng dụng giải bài tập cho học sinh. Ảnh chụp màn hình.
Đây là công cụ hữu ích giúp các em học sinh có thể tìm ra đáp án bài tập nhanh chóng và bổ sung thêm các kiến thức. Tuy nhiên, song song với những sáng tạo của bộ ứng dụng này, nhiều phụ huynh và giáo viên cũng lo ngại về những bất cập và những hệ lụy nếu như học sinh lạm dụng quá nhiều và các ứng dụng này.
Biết đến những ứng dụng giải Toán này đã hơn 1 năm nay, em Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh lớp 10 cho biết, em biết đến các app này qua sự quảng cáo từ các video trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
“Em thấy trên Tiktok nhiều người giới thiệu về các app giải bài tập này nên em đã tải và sử dụng. Ở lớp, hầu như bạn nào cũng cài sẵn những ứng dụng này trên điện thoại. Thực sự thì nó rất tiện lợi, các lời giải cũng dễ hiểu”, Ngọc Anh chia sẻ.
Bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng này làm công cụ tham khảo, nhiều em học sinh lại lạm dụng các app này khiến mất khả năng tư duy, dần ỷ lại vào phần mềm.
Sử dụng các app này và xem như vật bất ly thân, em Hoàng Nam (Đống Đa, Hà Nội), một nam sinh lớp 9 thú nhận, thỉnh thoảng cũng sử dụng những ứng dụng này để chép luôn lời giải.
“Vì là cuối cấp nên lượng bài tập về nhà của chúng em khá nhiều. Hơn nữa, ngoài việc học văn hóa ở trường lớp, em còn phải học thêm các môn. Vì vậy, để giải quyết các bài tập mà thầy cô giao cho thì những ứng dụng này làm rất nhanh, gọn”, Nam nói.
Nam cũng cho biết thêm, em thường sử dụng các app Qanda và Solvee để giúp giải bài tập. “Không phải lúc nào cũng có thể hỏi thầy cô hay bạn bè được nên các ứng dụng này giúp em rất nhiều. Đến những bài tập khá phức tạp, các app này cũng có thể đưa ra lời giải được”, nam sinh này chia sẻ.
Nên “ứng dụng” không nên “lạm dụng”
Ứng dụng giải bài tập trên điện thoại, nếu được dùng như một phương tiện để tự học, luyện tập làm bài rồi so sánh đối chiếu đáp án, cách giải bài, thì sẽ rất hữu ích và hoàn toàn có thể thúc đẩy năng lực, tư duy của học sinh phát triển.
Không thể phủ nhận lợi ích mà những ứng dụng này đem lại cho học sinh và giáo viên. Nhưng nếu không biết cách kiểm soát thì lợi bất cập hại.
Hệ lụy khi học sinh lạm dụng các ứng dụng giải bài tập này sai cách là không nhỏ.
Thầy Trần Quang, giáo viên dạy Toán bậc THPT, cho biết tình trạng sử dụng các phần mềm giải bài tập ở học sinh ngày càng phổ biến.
“Tôi đã nghĩ các em tiến bộ vượt bậc vì nhiều bài tập tôi giao, học sinh đều làm đúng và đầy đủ. Tuy nhiên, khi yêu cầu các em trình bày lại cách làm các dạng bài tương tự thì học sinh lại không thể làm được”, thầy nói.
Thầy Quang chia sẻ thêm: “Trước đây, học sinh sẽ tự mày mò, tìm tòi để giải được một bài toán khó nhưng giờ nếu đứng trước một bài toán như vậy, các em sẽ đưa điện thoại lên và chụp, thế là đã có đáp án. Như vậy, các em sẽ không được rèn kỹ năng tư duy và đương nhiên sẽ lười học hơn khi không còn lo nghe giảng để hiểu bài nữa”
Bài và ảnh: Quỳnh Anh