Con người trong bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam
- Nghiên cứu triết học
- Triết học Văn hóa
Mục lục bài viết
Con người trong bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam
Xét cho cùng, một dân tộc luôn và chỉ có thể tồn tại cùng với nền văn hoá do nó, vì nó, tức là “của nó”; đánh mất nền văn hoá của mình đồng nghĩa với xoá bỏ dân tộc mình mặc dù người ta hiện diện như một thực thể sinh học. Như thế, văn hoá gắn bó với phẩm chất, tính cách của dân tộc và chỉ trở thành đích thực khi nó mang trong bản thân “dòng máu sáng tạo” của chính dân tộc mình. Các nền văn hoá Hy Lạp, Trung Hoa cổ đại hoặc văn hoá cổ truyền Việt Nam… là sản phẩm đương nhiên của sự “nhào nặn lại tự nhiên” của mỗi dân tộc; là tài sản, vốn liếng riêng của mỗi cộng đồng. Văn hoá in dấu ấn mọi mặt của đời sống đa diện của một cộng đồng, dân tộc nhất định và dấu ấn đó chính là “bản sắc dân tộc của văn hoá” hay “bản sắc văn hoá dân tộc”. Bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, đặc điểm, tính cách, cách thức để tồn tại và biểu hiện (thể hiện) của một cộng đồng xã hội – dân tộc cụ thể, riêng biệt; nhờ nó, người ta mới có thể xác định được một dân tộc giữa quần thể các dân tộc trong nhân loại chung. Khi sáng tạo ra văn hoá, con người – dân tộc đặt mình vào trong đó, thể hiện bản sắc dân tộc vào cái sản phẩm do chính mình sản xuất. Tuy nhiên, bản sắc dân tộc của văn hoá không phải là kết quả của sự dịch chuyển máy móc cái bản sắc dân tộc sang cái văn hoá. Như trên đã nói, văn hoá là sáng tạo, hơn nữa, đó là sự sáng tạo lại chính bản thân con người nhằm tạo ra một đời sống “chân – thiện – mỹ”, một “hiện thực thứ hai”, một “tự nhiên mới bên cạnh tự nhiên đã có”. Bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ là hình ảnh trung thực về đời sống của một cộng đồng – dân tộc cụ thể, mà điều chủ yếu hơn – đó chính là chuẩn mực, mục tiêu, mơ ước và lý tưởng của cộng đồng đó. Vì thế, cũng như văn hoá nói chung, bản sắc dân tộc của văn hoá vừa là bằng chứng sống, vừa là khuôn mẫu thực của con người trong cộng đồng dân tộc.
Trong một quan niệm chung nhất, có thể xem bản sắc văn hoá như là sự thể hiện phẩm chất nhân văn của một dân tộc trong tính riêng biệt, đặc trưng của dân tộc đó. Phẩm chất nhân văn này vừa mang cái nhân bản đích thực của con người chung, của tính loài nhân loại; vừa mang cái nhân bản cụ thể, hiện thực của một cộng đồng – dân tộc nhất định.
Trong một quan niệm cụ thể hơn, bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam có thể được nhìn nhận ở một số khía cạnh chủ yếu: – Cái cốt lõi, chủ yếu, trung tâm và cũng là cái linh hồn chung; – Các đặc điểm, các nội dung cụ thể, xác định; và – Các phương thức tồn tại, cách biểu hiện và các hình thức phổ biến nhất định.
1. Trước hết, bao trùm và thấm đượm trong toàn bộ văn hoá dân tộc ta là tình thương yêu con người, tôn trọng cuộc sống con người và đề cao nhân phẩm người. Từ trước đến nay, đối với dân tộc Việt Nam, con người luôn được coi là tài sản quý giá nhất của gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng và đất nước. Điều “nhân”, “nghĩa” trở thành nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị xã hội cao nhất và xuyên suốt mọi hoạt động của cá nhân cũng như của xã hội. Chữ “Thiện” lấy “vì người” làm nền tảng, tiêu chí cho mọi quan hệ xã hội. “Vì người”, người ta sẵn sàng chịu mọi thiệt thòi, thậm chí quên cả bản thân mình. Cũng chính “vì người” mà những kẻ vốn “coi của nặng hơn người”, “bạc tình, bạc nghĩa” bị xã hội khinh chê. Từ xưa đến nay, “yếu tố con người – vì người” luôn là nền tảng và giá trị nhân bản tối ưu của bản sắc văn hoá Việt Nam.
Với tinh thần vì con người, nhân dân ta đã coi yêu nước, tự tôn dân tộc là một phẩm chất cao quý của mọi người Việt Nam. Mỗi người dân, từ ý thức đến hành động, đều “lúc bình là nông, lúc chiến là binh”. Truyền thống yêu nước của ông cha ta bao hàm cả tinh thần hội nhập dân tộc, giao lưu cộng đồng quốc tế. Chúng ta bao giờ cũng coi trọng và duy trì tình giao hảo lân bang, hoà hiếu với bên ngoài, luôn mở cửa tiếp nhận những giá trị văn hoá mang tính nhân văn. Phát huy bản sắc dân tộc và hội nhập với nền văn hoá tương đồng ở khu vực là hai mặt của sự phát triển ý thức văn hoá dân tộc. Ngày nay, “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” và “hội nhập, giao lưu quốc tế” cần được coi như một bước phát triển mới của tinh thần dân tộc Việt Nam hiện đại.
2. Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà con người có những đức tính cần cù lao động và tiết kiệm của cải như nhân dân ta. Cuộc sống được tạo dựng bởi chính lao động của mình đã khiến người xưa biết giữ gìn sức người, sức của bằng việc sắp xếp hợp lý lao động để “một công được đôi ba việc”. Cũng do sống bằng chính lao động của mình, người ta dễ bằng lòng, thích thú với một cuộc sống giản dị, thanh bạch; phê phán lối sống xa hoa, hoang phí “đem của đổ đi”, “ném tiền qua cửa sổ”. “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” không phải là triết lý sống khổ hạnh mà thể hiện sự hài hoà giữa làm và ăn, giữa cung và cầu, giữa vận hội và thách thức trong cuộc sống thực tại. “Cần kiệm” được coi là chuẩn mực chặt chẽ để đánh giá con người và tiềm năng phát triển xã hội về nhiều mặt.
Cũng vậy, ham học và quý trọng người hiền tài là một phẩm chất cao quý của nhân dân ta được hình thành ngay từ buổi đầu buổi đầu dựng nước và được đề cao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, góp phần tạo nên một nền văn hiến Việt Nam giàu sức sống trí tuệ. Học cho nhà, cho làng xã, cho nước, cho dân và cũng là cho mình. Bể học được người đời coi là vô bờ, từ “học ăn, học nói” đến học nghề, học chữ; không chỉ học chữ nghĩa thánh hiền mà chính là học “đạo làm người”, học điều hay lẽ phải cho “nên người”. Muốn tu thân lập nghiệp không thể không học ở bàn dân thiên hạ và phải “học đến già”. Đã hiếu học thì phải quý trọng thầy – những người đã có công khai tâm khai trí, bởi “không thầy đố mày làm nên”.
Truyền thống dân tộc ta còn bao hàm cả thái độ tích cực trong sáng tạo và hưởng thụ đời sống văn hoá thẩm mỹ. Đối với nhân dân ta, cái “Mỹ” chỉ có giá trị thật sự khi nó chứa đựng, biểu hiện cái “Thiện” và đấu tranh cho cái “Thiện”. Cũng như cái “Mỹ”, cái “Thiện” không bao giờ thiếu cái “Chân”, bởi “Chân” là gốc rễ của “Mỹ”, của “Thiện”. Các thuần phong mỹ tục cũng như những sinh hoạt văn hoá dân gian (và nhiều khi cả sinh hoạt văn hoá cung đình) và các sáng tác văn chương, công trình kiến trúc, tranh tượng (kể cả tranh tượng tôn giáo) đều hướng tới cái Thật – Tốt – Đẹp. Ngay cả trong lối sống và sinh hoạt thường nhật, cái đẹp với tính chất như một nhu cầu tự nhiên luôn được duy trì, phát triển. Cái đẹp kiểu Việt Nam mang sắc thái riêng, giản dị, thanh nhã, tinh tế, sâu sắc và sâu đậm tình cảm chân thực. Từ cung cách sinh hoạt, ứng xử, ánh mắt, nụ cười cho đến bức tranh làng Hồ, Hàng Trống, họa tiết chùa Trăm Gian, Chùa Một Cột… rất đơn sơ mà chứa đựng nét văn hoá thẩm mỹ, giàu chất lý tưởng cao đẹp.
Văn hoá thẩm mỹ được biểu hiện trong cách ứng xử và giao tiếp của con người Việt Nam. Chân thật và quý trọng lẫn nhau được xem là tập tính phổ biến trong quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng. Nó được coi là điều kiện đầu tiên, chủ yếu để con người có thể xích lại gần nhau, cảm thông với nhau. Có vậy, ta mới có được điều “Tín”: tin người và được người tin. Vì thế, chữ “tín” luôn được coi trọng; đánh mất nó, người ta có thể bị cộng đồng khinh ghét, thậm chí bị gạt ra khỏi mọi quan hệ hữu ái. Đi liền với những điều trên là tính khiêm tốn. Khiêm tốn, khiêm nhường là “chất”, là “độ” và cũng là cung cách đối xử tự nhiên trong quan hệ xã hội, cộng đồng.
“Dĩ hoà vi quý” không phải là sự thoả hiệp dễ dãi, sợ tranh đấu và nước đôi tuỳ tiện. Hoà là hoà hợp để có sức mạnh trong giữ nước, trong lo liệu việc nhà, việc làng xã, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thanh bình của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng. Con người cá nhân hoà trong gia đình, gia đình hoà trong cộng đồng, đất nước, nhưng không gạt bỏ tính đa dạng “mỗi người mỗi vẻ”, “mỗi nhà mỗi cảnh”, “mỗi làng mỗi thói”. Nhờ “hoà”, đất nước ta mới giữ được độc lập, thống nhất; gia đình mới hoà thuận bền vững và con người luôn được tôn trọng. Giờ đây, chữ “hoà” cũng là cơ sở để “lợi ích cá nhân hài hoà với lợi ích xã hội”, là nội lực để hội nhập với các cộng đồng bên ngoài. Chính nhờ biết “hoà” mà từ lâu, 54 dân tộc anh em đã gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất – dân tộc Việt Nam.
Văn hoá dân tộc ta cũng minh chứng cho mối quan hệ chung sống với tự nhiên (thiên nhiên) ngay từ thời người Việt cổ. Đó là một “cộng đồng người – trời đất” gần như đồng nhất với nhau; trong đó, con người biết thích nghi, giữ gìn và lợi dụng tự nhiên một cách hợp lý, luôn duy trì một lối sống hoà hợp với cái đại thế giới bên ngoài. Trong lịch sử tư tưởng của dân tộc, cha ông ta không có những học thuyết, sách vở kinh điển chuyên luận về trời đất, tạo hoá theo kiểu “duy tự nhiên”, nhưng cũng không hề có quan niệm chỉ đề cao xã hội theo kiểu “duy xã hội” như ở một số nước khác trên thế giới. Sống với tự nhiên mà không trở về hoang sơ, thụ động và sống với xã hội mà không thực dụng, thiển cận, “hội chứng kỹ trị”. Cuộc sống của con người luôn là sự hoà hợp giữa người và tự nhiên, không thể có cái này mà lại thiếu cái kia. Có lẽ “Tết trồng cây” là một biểu tượng độc đáo của văn hoá mới, trong đó chúng ta vừa tiếp nhận tích cực truyền thống bảo vệ và sáng tạo lại tự nhiên, vừa chủ động “văn hoá hoá” cả tự nhiên lẫn con người.
Xét về mặt “cái Tâm” và quan hệ “đối nhân xử thế”, văn hoá Việt Nam coi trọng nguyên tắc có lý – có tình. Đó là biểu hiện của một quan niệm sống toàn vẹn, sâu sắc mang ý nghĩa nhân văn sinh động, linh hoạt. “Đạo làm người” hay phẩm chất nhân cách người Việt vừa có lý vừa có tình, trong lý có tình và trong tình có lý. Chính sự hài hoà giữa lý tỉnh táo và tình sâu sắc đã làm cho các biểu tượng, tác phẩm văn hoá của dân tộc ta bao giờ cũng mang tính triết lý, tính trữ tình phù hợp với nhu cầu phát triển tinh thần, ý thức của con người và dân tộc. Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, con người cần sống thấu lý đạt tình theo tinh thần xã hội chủ nghĩa và tránh rơi vào “duy lý” lạnh lùng, vị kỷ, cũng như “duy tình” tuỳ tiện, vô luân thường hiện hành ở các nước tư bản phát triển.
3. Phương thức tồn tại và cách biểu hiện của văn hoá Việt Nam là lấy thực tiễn dân tộc – cộng đồng làm cốt lõi, nền tảng. Thực tiễn là thước đo để văn hoá chắt lọc và nâng cao phẩm chất con người, là cơ sở và mục tiêu để văn hoá dân tộc trở thành sự kết tinh những phẩm chất tinh thần, ý thức của cả cộng đồng. Như thế, tính thực tiễn của văn hoá Việt Nam đã tránh được hai thái cực phi văn hoá là thực dụng thiển cận, lợi ích hẹp hòi và ảo tượng thần bí, mơ ước hão huyền. Ngay cả khi các sinh hoạt văn hoá được bao phủ trong lớp màn hương khói siêu nhiên, thần kỳ thì bên trong chúng vẫn nổi lên cái “bản thể” của hiện thực, vì hiện thực. Xét cho cùng, văn hoá của chúng ta tồn tại, phát triển chính là nhờ nó luôn mang trong bản thân cái “thực tiễn – tinh thần” (C.Mác) phù hợp với một cộng đồng vốn có những nét khá riêng biệt, đặc thù về con người, xã hội và tự nhiên. Cần lưu ý rằng, phương thức tồn tại của văn hoá Việt Nam là luôn ở thế “động”, “động” để phù hợp với nhu cầu phát triển thực tiễn của con người, của cộng đồng dân tộc. Chính vì vậy, khi nói văn hoá cũng như con người Việt Nam uyển chuyển, linh hoạt thì trước hết là nói đến năng lực “biện chứng” đó.
Sáng tạo vừa là bản chất, vừa là lý do và phương thức, cách thức vận hành của văn hoá. Mỗi nền văn hoá dân tộc đều có “kiểu” sáng tạo đặc trưng của riêng mình. Để thích nghi với điều kiện kinh tế – xã hội, tự nhiên, văn hoá Việt Nam bao giờ cũng mang tính phổ biến, đại chúng, gần gũi, gắn kết với toàn cộng đồng. Nó trở thành cái được mọi người thừa nhận, thể hiện và là của mỗi người nhưng lại không phải của riêng ai. Mỗi thành viên trong cộng đồng vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của sáng tạo văn hoá; đồng thời, cũng là đối tượng, khách thể của văn hoá. Có lẽ không ở đâu như ở ta, văn hoá đúng là “folklore” (gốc từ tiếng Anh: folk – nhân dân, lore – trí thức); trong đó, sáng tạo của cá nhân riêng lẻ dần dần được xã hội hoá, mang dấu ấn của cả cộng đồng.
Các biểu tượng, khuôn mẫu, thiết chế và giá trị văn hoá chỉ thực sự mang tính sáng tạo khi chúng sống trong đời sống của đông đảo quần chúng và được mọi người tham gia sáng tạo lại. Sự sáng tạo văn hoá của cha ông ta có xu hướng “nhìn ngang – nhìn rộng – nhìn sâu”. “Nhìn ngang” làm cho văn hoá có tính dân chủ, bình đẳng trong sáng tạo và tiếp nhận giá trị văn hoá; “nhìn rộng” làm cho văn hoá như một thuộc tính phổ biến, mọi mặt và là thói quen thường nhật; còn “nhìn sâu” đòi hỏi văn hoá phải hàm chứa những sáng tạo thể hiện ý tưởng, tâm thức sâu kín nhất của con người. Một câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen…” không chỉ là cái tình với cái đẹp thiên nhiên, mà hơn thế, chính là cái “hồn người”, “đạo làm người”, và là một triết lý về cách sống trong xã hội.
Văn hoá của dân tộc ta là một nền văn hoá theo phương thức “mở”; “mở” với bên ngoài và “mở” với chính bản thân nó. Ở đây, cỗ máy chế biến và tấm màng lọc của văn hoá bản địa rất tinh tế, uyển chuyển, song cũng rất rộng lớn, nghiêm khắc. Ông cha chúng ta xưa kia học Tứ Thư, Ngũ Kinh nhưng lại tạo ra một nền văn hiến tự chủ, tự cường và rất tự hào vì “Phong tục Bắc, Nam cũng khác”. Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn của các nước Âu, của Mỹ và Luận cương của Lênin để viết nên Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó không phải là sự bắt chước, “nhái” lại hay thực dụng chủ nghĩa, mà là sự tiếp nhận mang tính sáng tạo sao cho phù hợp và làm giàu văn hoá dân tộc, trong đó kể cả bản sắc văn hoá. “Cái ngoại lai” trở thành tài liệu, kinh nghiệm, bài học; và, trong một số trường hợp, là nguyên liệu chế biến, tái tạo đối với văn hoá nội địa. Vì nhu cầu, lợi ích và mục đích chung của cộng đồng dân tộc, của văn hoá dân tộc – đó là nguyên tắc “cứng” của tất cả những hình thức sáng tạo hoặc “sáng tạo lại” (đối với tiếp nhận văn hoá nước ngoài) trong văn hoá Việt Nam. Trên tinh thần đó, bản sắc dân tộc của văn hoá không đứng im mà có biến đổi khác đi, trở nên phong phú và sinh động hơn, song vẫn là chính nó.
Về mặt nội sinh, văn hoá Việt Nam luôn phát triển theo tiêu chí “Lấy dân làm gốc”; trong đó, chuẩn mực trung tâm, giá trị mang tính quyết định là xuất phát từ người lao động và vì quần chúng lao động. Điều cần chú ý ở đây là, văn hoá truyền thống nước ta đã thu hút mọi giá trị tư tưởng của các tầng lớp người trong xã hội khi những giá trị đó tham gia tích cực vào động lực của giữ nước và dựng nước. Thơ văn của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều đã báo hiệu tinh thần yêu nước, ý thức tự lập tự cường và lòng nhân ái, tính trọng đạo lý của dân tộc, của đông đảo quần chúng lao động. Văn hoá bác học đã thật sự hút nhuỵ văn hoá bình dân và, trong một chừng mực nhất định, nó trở thành tài sản tinh thần của cả cộng đồng dân tộc. Những gì của “phép vua” phù hợp với “dân vi bản” thì được chấp nhận, nếu không thì đã có “lệ làng” tự lo liệu. Nói cách khác, trong dòng chảy văn hoá dân tộc ta, mọi giá trị tinh thần, giá trị sáng tạo của con người đều được thu nhận để trở thành một nền văn hoá thống nhất trên cái nền nhân bản, nhân văn của dân tộc. Bởi thế, văn hoá rất coi trọng, rất cần có những đỉnh cao, những tài năng, thiên tài (“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”). Sở dĩ họ được xem là “đỉnh cao”, danh nhân văn hoá vì đã bắt nguồn từ nhân dân, thể hiện văn hoá của quần chúng lao động, của dân tộc và cuối cùng là đáp ứng được nhu cầu, lợi ích và mục đích phát triển của cộng đồng dân tộc, của cả cộng đồng nhân loại.
Trong nền văn hoá mới của chúng ta, văn hoá truyền thống và bản sắc dân tộc của nó được bảo tồn, chọn lọc và phát huy nhằm phù hợp tích cực với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Nền văn hoá mới của Việt Nam hôm nay là “nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sự thống nhất biện chứng của chúng chính là bản chất, hình thái tồn tại của văn hoá hiện đại Việt Nam.
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Các tin khác:
-
Bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
(29/08/2015)
-
Con người nhìn từ góc độ văn hóa – xã hội
(17/06/2015)
-
Hiện đại hóa xã hội và giá trị văn hóa truyền thống ở Nhật Bản
(04/02/2015)
Xem tin phát hành ngày: