Con tôi nói tiếng Anh như người bản xứ nhờ YouTube
Âm thanh đánh thức các con dậy mỗi sáng hay đưa vào giấc ngủ mỗi tối đều là các bài hát trên YouTube.
Học Tiếng Anh đã, đang và sẽ vẫn là một nhu cầu tất yếu và thậm chí đang là một trào lưu ngày càng rầm rộ trong cộng đồng làm cha làm mẹ hiện nay ở Việt Nam. Vợ chồng tôi cũng không nằm ngoài guồng quay đó, cũng ấp ủ nhiều kỳ vọng cho việc học tiếng Anh của hai con mình.
Hiện nay, hai bé có thể sử dụng tiếng Anh tự nhiên như tiếng Việt. Hình như không có rào cản trong việc suy nghĩ và sử dụng tiếng Anh là công cụ giao tiếp trong mọi hoạt động ở nhà hay ở trường của hai bé. Thậm chí khi tiếp nhận thông tin từ bố mẹ, ông bà bằng tiếng Việt, nhưng việc truyền đạt thông điệp đó lại cho nhau giữa hai bé được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh một cách đầy đủ, ngắn gọn và không có sai sót.
>> Con tôi giỏi tiếng Anh nhờ karaoke
Đi học ở trường, nhận xét của giáo viên dành cho hai bé luôn là những câu như “trình độ vượt trội so với các bạn cùng lứa tuổi’, “giao tiếp trôi chảy như người bản xứ”, “phụ huynh cân nhắc cho con học thêm các khóa học về đọc vì con đã biết tất cả những nội dung cần học của trẻ 3 tuổi”…
Hai bé đều có thể tham gia đóng những vở kịch hay kể những câu chuyện dài bằng Tiếng Anh ngay từ khi 4,5 tuổi. Các bài kiểm tra trình độ của bé lớn từ lúc 6 tuổi đến nay đều cho kết quả tương đương với học sinh bản ngữ (Mỹ) ở cùng lứa tuổi ở rất nhiều kỹ năng và kiến thức như nghe, đọc, từ vựng, khoa học, kiến thức xã hội, toán học.
Chắc ít người tin, con chúng tôi không đi học Tiếng Anh ở đâu cả. Vợ chồng tôi đã giúp hai bé tiếp cận tiếng Anh từ rất sớm.
Thứ nhất, ngay từ khi còn mang bầu hai bé, do yếu tố công việc, tôi thường xuyên nghe các kênh tin quốc tế BBC, CNN trong thời gian làm việc nhà. Nếu các lý thuyết về thai giáo là đúng, thì có lẽ các con tôi ngấm tiếng Anh từ trong bụng mẹ hàng ngày rồi.
Thứ hai, từ khi bé chào đời, âm thanh đánh thức các bé dậy mỗi sáng hay đưa các bé vào giấc ngủ mỗi tối đều là các bài hát tiếng Anh mở trên Youtube. Chỉ cần một chiếc Smart TV trong phòng ngủ có kết nối internet, thì việc cho các bé nghe nhạc như thế này đơn giản như ăn kẹo.
Chúng tôi thường cho các bé nghe (không giới hạn) và xem (có giới hạn về thời gian) các bài hát, các clip trên các kênh trẻ con như “Super Simple Song”, “Have Fun Teaching”, “Mother Goose Club”, “Phonics Songs”…và hai bé đều nhanh chóng thuộc hết các bài hát về chữ cái hay số đếm và màu sắc trước 2 tuổi.
Lớn hơn một chút, các bé được nghe và xem các phim hoạt hình phù hợp với lứa tuổi như “Peppa Pig”, “Mister Maker”,…bất cứ lúc nào tai có thể nghe, như khi đang chơi đồ chơi, ăn sáng, ăn tối…
Youtube như một kho tàng từ vựng Tiếng Anh khổng lồ được trình bày có hệ thống, theo chủ đề rõ ràng và dễ dàng được gọi ra sau vài câu lệnh tìm kiếm của bố mẹ và hai bé cứ đắm chìm trong đó không biết chán.
>> Tôi mất căn bản tiếng Anh vì ám ảnh bị chê phát âm sai
Thứ ba, giới thiệu từng bước sách truyện tiếng Anh với các bé theo từng cấp độ. Cấp độ chơi (tô màu, cắt dán, vẽ dặm lại theo đường đánh dấu…), cấp độ đọc đơn giản (My very first reading, My first reading…) hay các sách truyện liên quan đến nhân vật bé đã xem trên Youtube (Peppa Pig…).
Ngoài 5 tuổi, các bé được tiếp cận với các nguồn tài liệu kiến thức trực tuyến khác như ixl, razkid, headspout…để hướng dần vào việc sử dụng Tiếng Anh để thu nhận các kiến thức mới.
Có hai bộ sách chia theo cấp độ và mang tính chất học mà chơi, chơi mà học chúng tôi đã sử dụng cho hai bé và cả nhà đều rất ưng đó là bộ Brain Quest và Critical Thinking.
Thứ tư, tạo cho hai bé một thói quen sử dụng tiếng Anh hàng ngày, thông qua lựa chọn môi trường học mầm non và tiểu học phù hợp với sở thích và năng lực, thế mạnh của bé. Do cả hai bạn đều khá trội về tiếng Anh từ khi chưa đi học, nên chúng tôi đã chọn trường mầm non có thời lượng tiếng Anh tương đối (sử dụng 1-3h/ngày) với giáo viên bản xứ.
>> Học tiếng Anh ở Việt Nam ‘lạc loài thế giới’
Hai bé lại rất thích các giáo viên nước ngoài nên thường xuyên xung phong giúp đỡ các “teacher” sau giờ học, trong khi chờ bố mẹ đón. Các bé đã tự tăng được cơ hội tương tác với giáo viên bản ngữ lên rất nhiều so với các bạn cùng lứa tuổi, cùng lớp.
Mặt khác, với nền tàng tiếng Anh trội hơn phần lớn các bạn do học 100% thời lượng mầm non với giáo viên bản ngữ, bé lớn có cơ hội lựa chọn lớp tiểu học có các bạn cũng trội và thích tiếng Anh như mình. Khi các bé chơi với nhau, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính, qua đó các bé lại học được từ nhau để nâng cao kỹ năng, trình độ tiếng Anh của chính mình.
Hiện tại, cả hai bé đều đã qua giai đoạn có thể có những biểu hiện về rối loạn ngôn ngữ. Hai bé sử dụng đồng thời cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nếu tiếng Anh đủ để kể chuyện, viết truyện, viết thư thì tiếng Việt cũng đủ làm thơ, sáng tác truyện dài kỳ.
Chúng tôi không muốn so sánh con mình với bất kỳ một đứa trẻ nào khác, mỗi đứa trẻ có những tố chất riêng, hưởng môi trường giáo dục riêng. Nhưng những gì mà hai chàng trai 5 tuổi và 8 tuổi của vợ chồng tôi đang thể hiện, cũng đủ làm vợ chồng tôi thấy tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và tự hào về con của mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.