Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội – Hỏi đáp.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) và sự tham gia của Việt Nam

Trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai vào tháng 12 năm 2007, đã có đề cập đến ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung. Cổng Thông tin điện tử Bộ xin đăng tải toàn văn bài viết của Thứ trưởng Đào Hồng Lan về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) và sự tham gia của Việt Nam.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”. Cộng đồng Văn hóa – Xã hội tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.
Nhằm thực hiện mục tiêu của Cộng đồng, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015 với 40 hợp phần, 339 dòng hành động cụ thể được triển khai trên 6 lĩnh vực trọng tâm bao gồm: phát triển con người; phúc lợi và bảo hiểm xã hội; bình đẳng xã hội và các quyền; bảo đảm bền vững về môi trường; xây dựng bản sắc ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015 đã được các nước thực hiện một cách tích cực và có trách nhiệm. Mặc dù có nhiều thách thức liên quan đến việc thực hiện ở cấp khu vực và cấp quốc gia nhưng với những nỗ lực chung của ASEAN và các nước thành viên ASEAN, 99% các dòng hành động đã được giải quyết thông qua việc tiến hành các hoạt động của các cơ quan chuyên ngành ASEAN.

 Báo cáo đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015 đã chỉ ra những kết quả phát triển quan trọng của Cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự thay đổi xã hội trong khu vực, cụ thể như: hợp tác khu vực được tăng cường; giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực ở một số nước thành viên ASEAN (AMS); cải thiện sức khỏe và giáo dục; gia tăng chất lượng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu lao động khu vực và toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các phong cách sống tích cực. Tuy nhiên, đói nghèo, dịch bệnh, thiếu tiếp cận trường học, thảm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường vẫn đang là những thách thức lớn của Cộng đồng các nước thành viên ASEAN. Do đó, vẫn còn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm những lợi ích và kết quả của sự tiến bộ, cần phải tìm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc xây dựng một ASEAN bền vững, tự cường.
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng sẽ được thành lập vào ngày 31/12/2015, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 đã được xây dựng và hoàn thiện để trình lên các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Cua-laLăm-pơ vào ngày 22/11/2015. Kế hoạch tổng thểCộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEANđến năm 2025 tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”. Nội dung của Kế hoạch tổng thểCộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 cơ bản dựa trên Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015 với các đặc điểm, thành tố gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cườngvà năng động.
Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 sẽ được triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng trong khi Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao (SOCA) và các cơ quan chuyên ngành. Việc rà soát và đánh giá thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 sẽ tận dụng hệ thống giám sát, đánh giá hiện hành, bao gồm hệ thống giám sát và Biểu đánh giá (ASCC scorecard).
Sự tham gia của Việt Nam

Trải qua hai thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Điều đó được thể hiện ở việc tham gia sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó, các hoạt động hợp tác trong trụ cột Cộng đồng – Văn hoá Xã hội nói chung, trong lĩnh vực lao động và xã hội nói riêng đã đạt được kết quả, thành công đáng kể và hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp trong tương lai. 

Nỗ lực xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN
Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện các văn kiện định hướng cho việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, chủ trì xây dựng và trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua hai văn kiện quan trọng của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN và Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến và cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng các Tuyên bố khác như: Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN; Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Thanh niên tình nguyện và Doanh nhân trẻ; Tuyên bố ASEAN về tăng cường hợp tác trong quản lý thảm họa. Các Tuyên bố này đều được thông qua vào năm 2013. Đây là các văn kiện quan trọng, định hướng hoạt động cũng như thúc đẩy quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Tích cực triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN giai đoạn 2009-2015. Việt Nam được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEANgiai đoạn 2009-2015 vào các chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ. Năm 2013, Việt Nam không chỉ tham gia tích cực vào nhóm công tác về Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN cấp khu vực mà còn đánh giá thành công việc thực hiện ở cấp quốc gia. Trong giai đoạn 2014-2015, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhóm Công tác đặc trách cấp cao của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2011-2015, xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 để trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án Thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025, trong đó, các Bộ, ngành liên quan sẽ tích cực rà soát và chủ động lồng ghép các hoạt động được đề ra trong Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 vào chương trình, chiến lược của mình nhằm kết nối chặt chẽ việc thực hiện ở cấp khu vực với nỗ lực của cấp quốc gia trong giai đoạn 2016-2025.
Nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thành viên và thúc đẩy hợp tác chuyên ngành thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện quan trọng cấp Bộ trưởng thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN. Điển hình như: tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN lần thứ ba vào tháng 4 năm 2010 và lần thứ năm vào tháng 8 năm 2010; Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN lần thứ bảy năm 2011; Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ sáu cùng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật liên quan vào tháng 4 năm 2014; Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 vào tháng 9 năm 2014; Hội thi tay nghề ASEAN vào tháng 10 năm 2014; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan vào tháng 10 năm 2015.
Hợp tác về lao động, phúc lợi xã hội và phụ nữ, trẻ em là những lĩnh vực ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN đã được Việt Nam tích cực thực hiện
Trong khuôn khổ hợp tác về lao động, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả ngay từ khi mới tham gia thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động cũng như chủ trì tổ chức các sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Các sự kiện nổi bật mà Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công như Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 12 năm 1998 và lần thứ 21 năm 2010; Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 5 năm 2004 và lần thứ 10 năm 2014, Hội nghị phát triển nguồn nhân lực lần thứ 2 vào tháng 5 năm 2010.
Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mở rộng thị trường lao động trong các nước ASEAN; tăng cường công nhận tay nghề giữa các nước ASEAN; phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình công tác của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2010-2015”; thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của cộng đồng.
Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực phúc lợi xã hội được thực hiện trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách về Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) cũng được Việt Nam chú trọng triển khai. Với việc tổ chức thành công Hội nghị AMMSWD lần thứ 6 tại Việt Nam năm 2007 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AMSWD giai đoạn 2007-2010; tổ chức thành công Hội nghị Quan chức cao cấp về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD) lần thứ 8 năm 2012. Việt Nam đã phát huy vai trò của mình trong việc lồng ghép các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy an sinh xã hội, dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, phát triển nghề công tác xã hội trong các kế hoạch hoạt động, ưu tiên chung của khu vực.
Trong lĩnh vực hợp tác, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, Việt Nam là một trong những nước có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, qua đó khẳng định tính chủ động, tích cực của một thành viên trong ASEAN với các hoạt động nổi bật như: có sáng kiến thành lập, tham gia và thúc đẩy hoạt động của Ủy ban Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC); triển khai các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Ủy ban về phụ nữ ASEAN (ACW) giai đoạn 2011-2015 mà Việt Nam là đầu mối; tổ chức thành công sự kiện Lễ thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN vào ngày 22/4/2014 tại Hà Nội. Việt Nam cũng tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác theo nghĩa vụ thành viên của mình, đồng thời thúc đẩy việc lồng ghép những ưu tiên của ta vào các hoạt động của khu vực như lồng ghép giới trong các lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề lao động và việc làm; vấn đề phụ nữ cao tuổi; an sinh xã hội đối với phụ nữ, lao động nữ di cư, phụ nữ tham gia hoạt động chính trị.
Con đường phía trước
Khi cộng đồng ASEAN hình thành, những cơ hội về lao động và xã hội có thể nhận thấy rõ như cơ hội về việc làm, di chuyển lao động có kỹ năng, thúc đẩy, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự trong việc thực hiện các hoạt động theo cam kết khu vực về lao động và xã hội, ngay cả đối với những sáng kiến hoạt động do Việt Nam đề xuất. Ngoài ra, nhận thức của người dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN nói riêng vẫn còn rất thiếu.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN trong hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo sự tham gia và tiếng nói đồng đều của Việt Nam trong tất cả các cơ quan chuyên ngành, các hoạt động theo nghĩa vụ thành viên. Đồng thời, song song với tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN nói riêng và về ASEAN nói chung, cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện các cam kết, sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam.
Với những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, lao động, y tế, thanh niên, môi trường, Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như tiến gần hơn tới việc hình thành Cộng đồng. 

Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội