Công an Hà Nội phá vỡ đường dây làm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả
Đây là một đường dây hoạt động có quy mô lớn bởi hàng nghìn chứng chỉ không chỉ được tiêu thụ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Việc phá vỡ đường dây bắt đầu từ Đặng Thị Như Quỳnh, sinh viên K49 Trường Đại học Quốc gia, sinh năm 1979 tại Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang, thường trú tại 82 phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Là nhân viên của Trung tâm Thông tin internet, trường Đại học Quốc gia, đóng tại ký túc xá Mễ Trì, lợi dụng vị thế của trung tâm này là nơi có nhiều sinh viên tập trung, Quỳnh chuyên bắt mối và cung cấp các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (từ bằng A, B, C và cả TOEFL) cho những sinh viên có nhu cầu, nhất là đối với những sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường.
Bước đầu Quỳnh khai nhận, nguồn cung cấp “hàng” cho Quỳnh là Đào Hồng Điệp, sinh năm 1977 ở 25B đường La Văn Cầu (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khai thác thế mạnh nơi công tác là Trung tâm Ngoại ngữ Unsu của Hiệp hội Unesco ở số 1 Nguyễn Quý Đức, Điệp đã sử dụng chính bằng của trung tâm để cấp cho những người chưa bao giờ là học viên của trung tâm và cũng chưa bao giờ dự thi lấy bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tại trung tâm này.
Nhưng để thực hiện được điều trên, Điệp phải thông đồng với Hoàng Minh Nam, Giám đốc Trung tâm Unsu để Nam ký vào các văn bằng, chứng chỉ nhằm biến những văn bằng, chứng chỉ này có hiệu lực. Với mỗi chứng chỉ ngoại ngữ, Nam hưởng khoảng 100 nghìn đồng. Riêng với bằng TOEFL, sau mỗi lần ký, Nam được 1 triệu đồng. Trong khi tổng giá trị của mỗi chứng chỉ ngoại ngữ mà người mua phải bỏ ra chỉ 160 – 180 nghìn đồng đối với chứng chỉ C ngoại ngữ. Còn TOEFL là 2,3 triệu đồng. Không hiểu những ai đã trót mua phải chứng chỉ này của Nam khóc hay cười khi nhận ra đặc điểm này?
Để mua được chứng chỉ bất kể ngoại ngữ hay tin học của trung tâm của Nam rất dễ, chỉ cần nộp 4 ảnh 4×6 kèm theo chứng minh nhân dân và tiền. Và trong vòng chưa đến một tuần người mua sẽ nhận được một chứng chỉ tiếng Anh.
Mắt xích quan trọng kháctrong việc tiêu thụ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của Nam và Điệp là Trần Thị Thủy, sinh năm 1974 ở phòng 407, D2 khu tập thể 8-3.
Thủy có một cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học ở số 6 ngõ 33 đường Lê Thanh Nghị. Nhưng cơ sở đào tạo này hoạt động không đúng như tên gọi của nó mà mang mục đích tinh ranh hơn, trở thành đầu mối kinh doanh chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả. Do vậy, đến trung tâm của Thủy, số lượng học viên rất ít thậm chí đếm không hết đầu ngón tay. Đến nay, theo lời khai của Thủy không biết bao nhiêu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả, Thủy đã tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt là đối với những sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường hoặc những người muốn “củng cố” học vị để thuận lợi khi đi xin việc làm. Riêng phân phối ra các tỉnh, Thủy còn nói không thống kê được số lượng bằng, chứng chỉ giả là bao nhiêu. Và không chỉ tiêu thụ chứng chỉ của riêng Trung tâm Unsu, Thủy còn liên kết với nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học khác để đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”.
Ngay hôm thực hiện lệnh khám xét nhà ở và nơi làm việc của Thủy, Đội Giáo dục, Phòng PA25 đã thu được nhiều chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có xuất xứ từ rất nhiều Hiệp hội như: Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và phát triển tài năng Alliance, Hội nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á Việt Nam, Trung tâm Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA)…
“Đầu nậu” quan trọng nhất cung cấp chứng chỉ giả cho Thủy để tiêu thụ không phải là Nam mà là Hà Việt Bắc, sinh năm 1972, hộ khẩu thường trú tại tổ 51 Phương Liệt.
Bắc có một “dây chuyền” sản xuất khép kín các loại phôi chứng chỉ tin học và ngoại ngữ từ máy in laser mầu, thiết bị dùng để khắc chữ đến công cụ làm dấu giả… ngay tại nhà. Nơi nào “đặt hàng”, chỉ sau một thời gian ngắn Bắc “sáng chế” và đáp ứng ngay. So với chứng chỉ “xịn”, các chứng chỉ do Bắc tự tạo, người ta khó nhận ra đó là… đồ “rởm”. Mầu sắc, in ấn sắc nét, như thật 100%. Hiện nay, cơ quan chức năng đã quyết định bắt tạm giam và khởi tố đối với Hà Việt Bắc và Trần Thị Thủy (Thủy được tại ngoại do còn bố mẹ già yếu không có người chăm sóc).
Để hình thành và tồn tại những đường dây tiêu thụ và làm giả chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo kiểu trên có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính phải kể đến đầu tiên là tình trạng quá “sính” bằng cấp trong xã hội hiện nay. Thực tế có nhiều công việc không cần đến ngoại ngữ, tin học, nhưng nhiều cơ quan khi tuyển dụng cứ đòi nằng nặc phải có chuyên môn này.
Chẳng hạn, một người làm tạp vụ chắc chắn không bao giờ phải động đến máy tính. Thế mà khi tuyển dụng lại đòi phải có chứng chỉ tin học thì rõ ràng bất kể bằng cách nào họ phải kiếm bằng được một cái chứng chỉ. Miễn có là được và họ biết quá rõ công việc của họ không bao giờ phải động đến máy tính. Ngoại ngữ cũng vậy. Và đây chính là cơ hội cho kẻ xấu trục lợi.
Nguyên nhân thứ hai là sự lỏng lẻo trong công tác quản lý. Vì lỏng lẻo, chuyện làm giả bằng cấp mới có cơ hội hoạt động. Như vụ việc vừa kể, nếu ngành giáo dục theo dõi, giám sát chặt chẽ, chắc chắn không thể có và tồn tại những cơ sở đào tạo ma như của Thủy. Và cũng không thể nơi nào dám ngang nhiên như Trung tâm ngoại ngữ Unsu cấp chứng chỉ Toefl trong khi duy nhất Bộ Giáo dục Đào tạo là nơi cấp chứng chỉ này.
Thứ ba, hiện nay, có quá nhiều tổ chức, Hiệp hội tham gia đào tạo ngoại ngữ, tin học… mặc dù nhiệm vụ chính của họ không có chuyên môn này. Có cảm giác như cơ quan, tổ chức nào cũng có thể tham gia đào tạo, bất kỳ lĩnh vực gì. Vấn đề chỉ là xin giấy phép kinh doanh mà thôi. Ở điểm này, ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng cần xem xét lại việc cấp phép (hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, không kể lĩnh vực nào đều do Bộ hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp). Bởi một giấy phép mà có tới 20 lĩnh vực được phép hoạt động cùng lúc thì có khác nào “vẽ đường cho hươu chạy” cho các doanh nghiệp “ma”.
Thượng tá Hoàng Hữu Huấn, Đội trưởng Đội Giáo dục, Phòng PA25 cho biết, Quyết định 35 UBND Thành phố Hà Nội hiện không còn thích hợp đối với công tác quản lý đặc biệt là trong lĩnh vực tin học và ngoại ngữ. Theo ông, cần phải thay đổi hoặc bổ sung Quyết định này chẳng hạn như phải bổ sung điều kiện các công ty “mẹ” không được phát triển các “chân rết” để bành trướng hoạt động. Bởi hiện nay có 173 Trung tâm Ngoại ngữ, 270 trung tâm đào tạo tin học ở Hà Nội. Nhưng trong đó không phải trung tâm nào cũng có đăng ký kinh doanh. Và họ viện lý do rằng: Công ty “mẹ” có giấy phép rồi thì công ty “con” cần gì.
Ông Huấn còn cho rằng giữa ngành Giáo dục – Đào tạo và Kế hoạch – Đầu tư chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng “loạn” trung tâm ngoại ngữ, tin học như hiện nay. Vì vậy, để xiết lại việc quản lý, Thượng tá Hoàng Hữu Huấn nhấn mạnh một lần nữa nhất thiết phải thay đổi hình thức cũng như nội dung hoạt động ở các cơ quan chức năng. Nếu không tình trạng nhũng nhiễu không chỉ của các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học mà còn nhiều lĩnh vực khác trong ngành giáo dục – đào tạo sẽ vẫn tiếp diễn.