Công bố điểm thi đánh giá năng lực: Phổ điểm thấp, cân nhắc mức sàn xét tuyển đại học
–
Thứ sáu, 20/05/2022 07:49 (GMT+7)
Đến nay, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển năm 2022 theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Với phổ điểm đợt 1 thấp hơn năm 2021 cùng với những thay đổi trong quy chế tuyển sinh, nhiều trường đang rất thận trọng khi đưa ra mức điểm sàn cho năm học này.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2022. Ảnh: Huyên Nguyễn
Mức điểm sàn trong khoảng 600-750 điểm
Trường ĐH Nha Trang cho hay, năm 2022, phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng cho tối đa 25% tổng chỉ tiêu (tổng số 3.600 chỉ tiêu) của trường. Phương thức này không tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng khi xét tuyển.
Theo đó, điểm sàn thấp nhất là 600 điểm (trên tổng điểm bài thi 1.200 điểm). Nhiều ngành áp dụng mức điểm sàn từ mức 725 điểm như: Quản trị kinh doanh, Marketing, Ngôn ngữ Anh, Luật, Công nghệ thông tin, các ngành chất lượng cao… Một số ngành nhận hồ sơ từ 700 điểm gồm: Kinh tế phát triển, Kế toán, Kinh doanh thương mại, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…
TS Mai Đức Toàn – Trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông Trường Đại học Gia Định (GDU) – cho hay, từ 6.4, trường này đã nhận xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Mức điểm dự kiến để đăng ký xét tuyển vào trường là 600 điểm trở lên đối với 19 chương trình đại trà và 700 điểm trở lên đối với chương trình tài năng: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh quốc tế và Marketing. Theo ông Toàn, xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL là một trong những phương thức được sử dụng ngày càng phổ biến ở các trường đại học hiện nay. Đây là cuộc thi giúp thí sinh có kiến thức tổng quan nhất về ngành, từ đó có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường đại học phù hợp.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển đối với thí sinh từ 650 điểm trở lên cho cơ sở chính tại TPHCM và từ 600 điểm cho phân hiệu Quảng Ngãi. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM xét tuyển đối với thí sinh đạt từ 700 điểm trở lên cho cả thí sinh có kết quả thi đợt 1 và 2. Ngoài kết quả thi ĐGNL, thí sinh phải có kết quả học tập học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ 6,5 trở lên.
Đã có hơn 380.000 nguyện vọng
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng (ĐH Quốc gia TPHCM) – cho hay, đến thời điểm hiện tại, kỳ thi năm 2022 đã ghi nhận khoảng 94.000 em thí sinh đăng ký với 120.000 lượt đăng ký dự thi, trong đó, có thí sinh đăng ký thi 2 đợt.
Sau đợt đăng ký thứ 2 này, cổng đăng ký xét tuyển đã ghi nhận hơn 380.000 nguyện vọng của thí sinh vào các trường bằng điểm kỳ thi ĐGNL năm nay, tăng thêm khoảng 80.000 so với trước đó (đợt 1 có khoảng 300.000 nguyện vọng xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này). Tuy nhiên, đây chỉ là tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào 66 trường cùng tham gia trên hệ thống đăng ký chung của ĐH Quốc gia TPHCM. Nhiều trường ĐH, CĐ khác cũng xét tuyển kết quả này cho một phần chỉ tiêu năm nay nhưng thông báo nhận hồ sơ xét theo quy định riêng. Đợt 2 kỳ thi ĐGNL ĐH Quốc gia TPHCM sẽ diễn ra vào ngày 22.5 tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và An Giang. Dự kiến, các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TPHCM công bố kết quả xét tuyển bằng kỳ thi này trước ngày 5.6.
Phân tích về phổ điểm đợt 1, ông Chính nhận định: “Phân bố điểm thi ĐGNL đợt 1 năm nay hơi lệch về bên trái, thể hiện kết quả thi hơi thấp hơn so với năm trước. Độ lệch không nhiều nhưng trải rộng ở tất cả các mức điểm. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả xét tuyển bởi các em cùng xét trên nền chung” – ông Chính chia sẻ.
Nói về nguyên nhân điểm thi thấp hơn năm trước, ông Chính cho rằng có nhiều lý do như thời gian năm nay thi sớm hơn; đề thi dù có tính ổn định nhưng phần nào có sự khác biệt, độ khó có thể tăng nhẹ; thí sinh năm nay phải học trực tuyến kéo dài phần nào ảnh hưởng kết quả học tập…
So với kết quả năm nay, phổ điểm thi đợt 1 năm 2021 cao hơn ở tất cả các mốc điểm. Cụ thể, điểm trung bình của đợt 1 năm 2021 là 688 điểm (trên tổng số 1.200 điểm) thì năm 2022 là 646,1 điểm. Số bài thi đạt trên 1.000 điểm cũng có sự chênh lệch, năm ngoái là 196 bài, năm nay là 117 bài.
Dù tổng số thí sinh dự thi đợt 1 năm nay cao hơn năm ngoái trên 10.000 người, nhưng tổng số bài thi đạt từ 601 điểm trở lên của năm ngoái là 75,4%. Trong khi năm nay, số bài thi đạt từ 601 điểm trở lên có hơn 49.800 bài trên tổng số 79.372, chỉ chiếm tỉ lệ 62,7%. Như vậy, tỉ lệ thí sinh có điểm bài thi từ trung bình trở lên của năm nay thấp hơn năm ngoái (601 điểm trở lên trong tổng số 1.200 điểm toàn bài thi). Đặc biệt, ở nhóm đạt điểm cao cũng có sự chênh lệch tương đối. Năm ngoái, hơn 2.700 thí sinh có điểm bài thi từ 901 điểm trở lên thì năm nay số thí sinh đạt từ mức này trở lên chỉ có 1.629 (ít hơn 1.000 bài so với năm ngoái).
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM – điểm chuẩn chịu sự tác động của nhiều yếu tố gồm chỉ tiêu cụ thể từng ngành, số lượng thí sinh đăng ký và chất lượng điểm thi. Do vậy, điểm chuẩn sẽ tùy thuộc vào các yếu tố này. Ông Thắng cũng lưu ý thí sinh phải thực hiện đầy đủ yêu cầu của trường đại học mình mong muốn xét tuyển đồng thời vẫn phải đăng ký trên hệ thống thi và tuyển sinh của Bộ GDĐT thì lúc đó nguyện vọng mới được chấp thuận.
Năm nay, dù kỳ thi ĐGNL đợt 2 sắp diễn ra nhưng các trường đại học vẫn thận trọng trong công bố điểm sàn, điểm chuẩn. Lãnh đạo 1 trường đại học tại TPHCM chia sẻ: “Do Bộ GDĐT chưa công bố quy chế thi năm 2022 cùng với đó là những thay đổi trong việc lọc ảo chung tất cả các phương thức nên các trường còn thận trọng trong công bố điểm sàn và thí sinh đạt điều kiện trúng tuyển”.