Công khai giá trang thiết bị y tế – bước tiến quan trọng lành mạnh hóa thị trường
Trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân, ngoài chuyên môn của bác sĩ, thuốc và trang thiết bị y tế đóng vai trò rất quan trọng. Những năm qua, việc thực hiện mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực cộng với việc nỗ lực thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý đã tạo cơ hội cho Việt Nam được tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới, đặc biệt là các công nghệ về y tế. Nhờ đó, người dân và các cán bộ y tế được tiếp cận với những phương pháp điều trị mới, tiên tiến, từ đó giảm thiểu được những rủi ro và tác dụng bất lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong khám chữa bệnh có hơn 10.000 loại trang thiết bị y tế, chủ yếu là nhập khẩu. Tại Việt Nam, có hơn 100 nhóm trang thiết bị y tế chiếm đến hơn 80% trang thiết bị y tế sử dụng trong khám, chữa bệnh.
Những năm gần đây, việc đầu tư trang thiết bị và các công trình y tế được chú trọng quan tâm hơn. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Năm 2010, tổng mức đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam ước đạt 515 triệu đôla Mỹ. Năm 2016, con số này là 950 triệu đôla Mỹ; đến năm 2017, tổng mức đầu tư tăng lên 1,1 tỷ đôla Mỹ. Năm 2018 là 1,53 tỷ đôla và đến năm 2019 là 1,68 tỷ đôla Mỹ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế, cho hay phân cấp về đầu tư mua sắm và quản lý sử dụng trang thiết bị vật tư y tế rất mạnh tại Trung ương và địa phương.
Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn rất cụ thể về việc mua sắm trang thiết bị y tế. Các đơn vị sử dụng có trách nhiệm tổ chức triển khai mua sắm và quản lý sử dụng.
Tuy nhiên, trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc thù, đa dạng về chủng loại mẫu mã, thế hệ công nghệ luôn thay đổi, cập nhật; giá cả phụ thuộc vào hàm lượng, quy cách đóng gói, mục đích sử dụng, hạn mức sản xuất và do việc đấu thầu quyết định giá cuối cùng.
Theo ông Tuấn, việc xác định đưa giá trang thiết bị y tế về đúng giá trị thực, phù hợp cấu hình, tính năng và giá trị sử dụng là vai trò, trách nhiệm của các hãng nhập khẩu. Họ phải quản lý hệ thống phân phối, bán hàng, không được xảy ra hiện tượng uỷ quyền lòng vòng, mỗi nơi nâng lên một giá. Thêm vào đó, minh bạch giá thì không thể có hiện tượng thổi giá.
Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, đơn vị thực hành và là cơ sở đào tạo của Đại học Y Hà Nội và khoa Y dược – Đại học Quốc gia Hà Nội. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết, với hơn 1.000 giường bệnh, hàng năm bệnh viện này triển khai hàng nghìn kỹ thuật cao về tim mạch, cơ xương khớp, tiêu hoá, phẫu thuật cột sống…
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo, việc trang bị trang thiết bị y tế với bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện E rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thời điểm công nghệ phát triển, tất cả cơ sở hàng đầu trên cả nước không chỉ riêng bệnh viện này cần cổng chính thức thông tin với các yêu cầu về cấu hình, đặc biệt là về giá với trang thiết bị y tế.
Ông Thành mong mỏi có một “sân chơi” chung để thuận lợi tiến hành thủ tục, vì nếu không có cổng chính thống thì để làm thủ tục mua sắm trang thiết bị rất mất thời gian.
Yêu cầu bức thiết về một “sân chơi” chung lành mạnh cho tất cả các nhà sản xuất, nhà kinh doanh phân phối để tránh những câu chuyện thổi giá, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu là có thật. Xuất phát từ lý do trên, yêu cầu công khai minh bạch giá trang thiết bị y tế đã được Chính phủ, Bộ Y tế chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiên cứu, triển khai thực hiện để giúp thị trường trang thiết bị y tế lành mạnh, bền vững.
“Không phải từ hôm nay, hôm qua mới làm, mà từ lâu chúng tôi đã có lộ trình xây dựng và công bố khai trương cổng thông tin” – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế khẳng định.
Theo đó, thời gian qua, để nâng cao chất lượng kinh doanh, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 169/NĐ-CP ngày 31/12/2018 sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Theo các quy định hiện nay, việc đầu tư trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập nhằm giúp cho các đơn vị mua sắm, lựa chọn được thiết bị y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu chuyên môn và có giá thành phù hợp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tiếp tục thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã giao Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nghiên cứu, xây dựng và vận hành Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế nhằm giúp cho thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ngày càng minh bạch, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, 100% dịch vụ công thực hiện trực tuyến cấp độ 4, là cấp độ cao nhất, để hạn chế việc tiếp xúc giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp.
Theo Quyền Bộ trưởng, Bộ Y tế cũng sẽ thành lập hội đồng thẩm định và cấp phép trang thiết bị y tế trên nguyên tắc đảm bảo tính độc lập, khách quan công tâm và giúp cơ quan quản lý một cách khách quan nhất trong vấn đề cấp phép, tránh câu chuyện lùm xùm, những ý kiến trái chiều và có hiện tượng tiêu cực xảy ra trong vấn đề cấp phép.
Từ tháng 4/2020, Bộ Y tế đã công khai toàn bộ kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế, đến nay đã có 50.000 trang thiết bị đã công khai giá trúng thầu, làm căn cứ tra cứu. “Công khai giá trang thiết bị y tế là thêm bước đi quan trọng lành mạnh hóa thị trường này”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh tới yêu cầu thực hiện công khai tất cả giá liên quan trang thiết bị y tế của công ty mong muốn cung ứng vào thị trường Việt Nam, bao gồm bảo hành, bảo trì. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ kết nối với hải quan để có thêm thông tin về giá thiết bị nhập khẩu về Việt Nam.
Về phương thức thực hiện của Cổng thông tin này, Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm, cấp tài khoản để doanh nghiệp tự thực hiện việc công khai giá, cập nhật đăng công khai trên Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế kèm theo các yếu tố xác định giá trang thiết bị y tế. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá thiết bị y tế sẽ tra cứu trên cổng điện tử của Bộ Y tế.
Ông Tuấn cho hay, trang thiết bị y tế là lĩnh vực đặc thù, việc công khai niêm yết, cung cấp đủ trường thông tin sẽ giúp khắc phục tình trạng trước đây chỉ có mỗi tên thiết bị, không được chuẩn hoá, chưa có điều kiện cung ứng kèm theo.
Theo phương án do Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đưa ra, giá công khai là giá của thiết bị tương ứng với các cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế; phí các dịch vụ cơ bản đi kèm (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo, hướng dẫn sử dụng, giá linh kiện thay thế, giá bảo trì sau bảo hành).
Chủ thể thực hiện công khai giá chính là các đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế (hãng, văn phòng đại diện, công ty được chủ sở hữu ủy quyền).
Hiểu một cách đơn giản, cổng thông tin như một công cụ tra cứu, kênh tham khảo, khi một đơn vị, cá nhân muốn mua một trang thiết bị y tế, sau một cú click chuột sẽ có những sản phẩm với cấu hình, công nghệ, tính năng khác nhau để lựa chọn đáp ứng yêu cầu chuyên môn, phù hợp khả năng kinh phí.
Người sử dụng chính là người quyết định chọn sản phẩm. Từ đó, xây dựng cấu hình, tính năng, hồ sơ mời thầu, giá dự kiến phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Cách làm này sẽ đề cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu trang thiết bị. Cùng đó, đơn vị đấu thầu mua sắm phải tăng tính tích cực, chủ động. Khi đó, không thể nói rằng người đứng đầu bệnh viện chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không thể nắm được về các trang thiết bị.
Ông Tuấn cho hay, trong Thông tư 14 đã nêu rõ, vai trò của cơ sở, trực tiếp là phòng vật tư thiết bị y tế trong mỗi bệnh viện rất quan trọng, có trách nhiệm tham khảo, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị. Thêm vào đó, phải công khai minh bạch từ hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện, đảm bảo rằng không chỉ có ban giám đốc bệnh viện hay phòng tài chính, kế hoạch biết và quyết. Phòng vật tư thiết bị y tế phải tham mưu về giá, cấu hình, tính năng…
“Chúng tôi hi vọng sau một lộ trình triển khai sẽ có được sự minh bạch, rõ ràng, thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo Bộ Y tế: Lấy người bệnh làm trung tâm, vì người bệnh để phục vụ“ – ông Tuấn nói.
“Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cần có lộ trình, lực lượng, chúng tôi sẽ cố gắng“, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cam kết. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai, Bộ sẽ cập nhật nâng cấp tính năng phần mềm và tham mưu ban hành các văn bản pháp quy để hệ thống này trở thành một kênh tra cứu chính thức về giá trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, giúp thị trường trang thiết bị y tế minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh.
Muốn làm được điều đó, theo ông Tuấn, đòi hỏi phía công ty, các nhà cung ứng phải đồng hành, tham gia cùng nhà quản lý. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, xác định rõ theo sự phân cấp cụ thể mà Bộ Y tế đã chỉ rõ.
Các trang thiết bị y tế sẽ phải thông tin công khai giá bán, cập nhật giá bán và chi phí liên quan tại:
– https://quanlytrangthietbiyte.com/tra-cuu-ttb-y-te
– https://dmec.moh.gov.vn
Tác giả:
THU NGUYÊN
Đồ họa:
Hoàng Việt