Công nghệ tái định hình cách con người kết nối, yêu thương

Theo New York Times, các ứng dụng hẹn hò đã cho các tác giả những góc kể mới. Trong thời đại này, công nghệ tái định hình cách con người kết nối, yêu thương và gắn bó.

Hình ảnh trong phim “Blade runner 2049”. Ảnh: Warner Bros.

Công nghệ phát triển, các ứng dụng hẹn hò bùng nổ, nhiều nhà văn đương đại không ngần ngại cho những chi tiết này vào tác phẩm, kể những câu chuyện tình cảm với hơi thở thời đại mới mẻ. Con người trong xã hội hay cụ thể hơn là cách con người kết nối trong xã hội mới cũng có sự khác biệt.

Dĩ nhiên, đã có một thời gian, các nhà văn ngần ngại đưa ứng dụng hẹn hò vào sách với lý do rằng gặp gỡ trên ứng dụng hẹn hò có vẻ “mờ nhạt”, thiếu nghiêm túc. Nhưng, theo The New York Times, ứng dụng hẹn hò trong văn học, cũng như ngoài đời thật, mang đến những chuyến phiêu lưu mới mẻ, táo bạo. Đó là những câu chuyện khác về mối liên kết giữa người với người, về sự thân mật và ham muốn vô hạn như đường truyền Internet.

Những chuyện tình qua ứng dụng hẹn hò

Đối với một số nhà văn, ứng dụng hẹn hò cho phép các nhân vật thoát khỏi những câu chuyện truyền thống về cách mọi người nên gặp nhau.

Trên không gian mạng, mọi thứ cởi mở hơn. Người ta thẳng thắn với những gì họ mong muốn, tình một đêm, một mối quan hệ lâu dài, bạn khác giới, bạn đồng giới…

Khi những yếu tố này được đưa vào trang sách, độc giả, lẽ dĩ nhiên, có cơ hội chứng kiến những “tương tác hóa học” khác thường và khó đoán, vì khi ấy, nhân vật chính không còn bị đóng khung trong hình tượng một cặp dị tính tương đồng về tuổi tác và sắc tộc hay tầng lớp nữa.

Các nhân vật, từ đó, cũng trở nên đa dạng hơn. Trong cuốn tiểu thuyết All This Could Be Different của Sarah Thankam Mathews, nhân vật chính – một cô gái mới tốt nghiệp đại học – sau khi kết nối hẹn hò qua mạng đã ngỡ ngàng khi bạn hẹn của cô có một hoàn cảnh “đặc biệt”. Người bạn hẹn nọ là một phụ nữ với quá khứ có phần rắc rối và có một người mẹ hành nghề mại dâm.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Sally Rooney, Beautiful World, Where Are You cũng xoay quanh hai cặp quen nhau qua mạng. Chàng – Felix – làm việc trong một nhà kho tựa như kho của Amazon trong khi nàng – Alice – là một tiểu thuyết gia giàu có và nổi tiếng. Khi biết chuyện, anh trai của Felix đã thốt lên: “Làm thế nào mà em kiếm được cho mình một cô bạn gái nổi tiếng thế?”, Felix đáp: “Tinder”. Về phần Alice, cô đã quá mệt mỏi với giới văn học tư sản và đang tìm kiếm trải nghiệm mới.

Cuốn sách là một thành công khác của Sally Rooney sau Normal People (Giữa hai chúng ta). Nhiều độc giả gọi cô là nhà văn của gen Z.

Nhắc đến Normal People, nhân vật chính – Connell – cũng là một chàng trai có xuất thân khiêm tốn, bỗng lạc vào môi trường trung lưu khi học cao lên. Quãng thời gian ở trường đại học cho phép Connell và người tình của mình – Marianne – trở nên gần gũi hơn (cả về thể mặt vật lý lẫn về mặt văn hóa). Sang đến Beautiful World, Where Are You, Rooney thêm vào yếu tố công nghệ mới. Ứng dụng hẹn hò là thứ thu hẹp khoảng cách giai cấp của hai nhân vật chính. Rooney hiểu rằng các cuộc gặp gỡ giữa người với người cũng chính là những cuộc đụng độ giai cấp. Vấn đề này được nhà văn bàn đến nhiều lần trong tác phẩm, khi lồng ghép cùng những công nghệ mới, câu chuyện của Rooney trở nên thậm chí còn hiện đại hơn.

tinh yeu trong van hoc anh 1

Ảnh minh họa: Pavel Popov.

Còn mặt trái thì sao?

Mặt khác, những khía cạnh bất chính hơn của việc hẹn hò trên mạng cũng là chủ đề của những cuốn tiểu thuyết gần đây, nơi công nghệ, thay vì phá vỡ những định kiến của chúng ta, lại mài giũa chúng. Trong Post-Traumatic của Chantal V. Johnson, một phụ nữ da đen ngoài 30 nhận thấy những người bạn da trắng của mình luôn tràn ngập tin nhắn trên các ứng dụng hẹn hò, trong khi cô chỉ nhận được những tin nhắn “nhỏ giọt”, trong đó, không ít người nhắn tin rồi so sánh màu da của cô với một loại thực phẩm nào đó. Cô ấy cảm thấy vừa bị kỳ lạ vừa bị từ chối. Cuốn sách đề cập đến câu chuyện thành kiến chủng tộc trên các ứng dụng hẹn hò.

Có thể thấy, mặc dù các ứng dụng hẹn hò mở cửa tự do cho con người thoát khỏi một số truyền thống áp đặt (như tình yêu dị tính, hôn nhân sắp đặt), chúng cũng cổ súy cho những tập tục khác (như chủ nghĩa thực dân).

Cây viết của New York Times cho rằng ứng dụng hẹn hò là công nghệ do người lao động thiết kế và được truy cập trên điện thoại thông minh – thứ được làm bằng những vật liệu được khai thác trong điều kiện bóc lột. Nhà văn Kate Folk, người sống tại Thung lũng Silicon, đã viết nên một số truyện ngắn nói lên thực trạng phức tạp và nhức nhối của các ứng dụng hẹn hò.

Tuyển truyện khoa học viễn tưởng Out There của nhà văn này lấy bối cảnh ở San Francisco. Tại đây, người ta sử dụng người máy để thay thế các vị trí hộ lý lương thấp. Sau, một công ty đã tái khai thác công nghệ này, nhắm mục tiêu đến những người phụ nữ cô đơn, để rồi sau khi dụ dỗ họ trên các ứng dụng hẹn hò, đưa họ đi chơi, các người máy sẽ đánh cắp tài liệu trong điện thoại của họ. Từ đây, Folk khai thác những câu chuyện thú vị về tính người, sự ngớ ngẩn của hệ thống gia trưởng. Folk hướng ngòi bút cảm thông tới cả những “con sói”, những kẻ bị buộc phải làm việc trong các trang trại-nhắn tin, gửi kịch bản cho những người cô đơn, dễ bị tổn thương.

Qua tập truyện ngắn này, Folk cho thấy cách công nghệ hình thành nên các giai cấp mới và khi con người nhận dạng được điều này, họ có cơ sở để phát triển tình yêu thương và sự đoàn kết mới.

Xổ số miền Bắc