Công nghệ thu phí không dừng của Việt Nam tiên tiến hơn Singapore
Ông Hồ Trọng Vinh: Việt Nam áp dụng công nghệ thu phí không dừng rất tiên tiến. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Mục lục bài viết
Thu phí không dừng: Việt Nam áp dụng công nghệ rất tiên tiến
Tại Tọa đàm “Thu phí không dừng – Quyền lợi và trách nhiệm” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào chiều 29/7, người dẫn chương trình nêu câu hỏi với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng: Đến thời điểm này, nhà đầu tư VETC đã triển khai những giải pháp công nghệ, bố trí nhân sự cũng như diễn tập xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành toàn hệ thống như thế nào? Những giải pháp về công nghệ, vận hành, tổ chức lực lượng đảm bảo khắc phục các tình huống phát sinh mà đơn vị đã triển khai như thế nào?
Trả lời câu hỏi, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC cho biết: VETC là đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn triển khai thu phí không dừng từ năm 2015.
Đến nay sau 7 năm, VETC đã rút ra nhiều kinh nghiệm triển khai thu phí không dừng. Từ quá trình triển khai đó, chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh sao cho hợp văn hóa của Việt Nam và phù hợp với tất cả những hoạt động thu phí của Việt Nam.
Chúng ta áp dụng công nghệ để điều chỉnh và ứng dụng vào công tác thu phí từ thu phí 2 dừng sang 1 dừng và bây giờ là không dừng.
Thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ DSRC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn DSRC. Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí không dừng.
Tiến tới không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa
Thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2, xong đến giai đoạn 3, giai đoạn 4.
Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, tức là không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ GTVT và Chính phủ.
Còn quá trình triển khai vận hành thì VETC là đơn vị triển khai từ đầu có kinh nghiệm điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa của Việt Nam.
Công tác tuyên truyền cho lái xe ngay từ ngày đầu cũng là công tác phức tạp và rất khó khăn. Từ ngày đầu khi dán thẻ này vào các phương tiện, các chủ phương tiện rất nghi ngại sẽ bị theo dõi. Do đó thời gian đầu không hợp tác để dán thẻ nên phải vận động, tuyên truyền rất nhiều để các chủ phương tiện hiểu được lợi ích mà công nghệ này mang lại.
Đến thời điểm này, số lượng thẻ trên toàn quốc mà chúng ta dán cho các chủ phương tiện đã tăng lên rất nhiều. Cả 2 đơn vị đã phối hợp với nhau để triển khai. Hy vọng theo yêu cầu của Chính phủ, chúng ta sẽ hoàn thành khoảng 80-90% trong năm 2022.
Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC: Đến thời điểm này, 2 nhà cung cấp dịch vụ đã dán gần 70% số phương tiện, một con số cũng khá ấn tượng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Lưu lượng ô tô dán thẻ thu phí không dừng đã tăng rất mạnh
Trả lời câu hỏi, tham gia triển khai hệ thống thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO 2), Vietel đã tham gia lắp đặt hệ thống ePass ở bao nhiêu trạm thu phí? Việc triển khai đến nay có thuận lợi, khó khăn gì không? Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC cho biết: Dự án BOO 2 được Chính phủ triển khai trên toàn quốc. Cuối cùng, do một số điều kiện có một số trạm BOO 2 thực sự khó khăn và một số trạm thời hạn thu phí không còn dài nữa, nên đã cắt giảm 8 trạm ảnh hưởng 40% doanh thu.
Tuy nhiên với nỗ lực của Tập đoàn cũng như của ePass, chúng tôi đã triển khai hoàn thành trước 31/12/2020 được 25 trạm trong phạm vi dự án và 10 trạm kết nối với tỉnh lộ.
Khó khăn với BOO 1, BOO 2, với cả 2 nhà cung cấp dịch vụ là thu sụt giảm so với ban đầu. Chúng tôi đã kiến nghị và được Bộ Giao thông vận tải chấp nhận. Đến thời điểm hiện tại, sau khoảng 1,5 năm cung cấp dịch vụ, lúc đầu chủ phương tiện cũng còn ngần ngại vì đúng là thói quen người Việt Nam không muốn dán cái gì lên xe cả. Như Singapore người ta để OBU, bản chất là định vị theo dõi lịch trình xe. Còn mình chuyển sang ePass theo văn hóa Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực chỉ đạo và qua truyền thông, lưu lượng dán thẻ, cũng như lưu lượng ETC đã tăng rất mạnh. Số lượng nhân sự vận hành giảm đi rất nhiều, tối ưu rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp dự án.
Thời điểm này, 2 nhà cung cấp dịch vụ đã dán gần 70% số phương tiện, một con số cũng khá ấn tượng. Đây là nỗ lực của ngành giao thông vận tải cũng như các nhà cung cấp dịch vụ.
Ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC: 4 tuyến cao tốc trọng điểm đã sẵn sàng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
4 tuyến cao tốc trọng điểm đã sẵn sàng
Liên quan đến việc lắp đặt hệ thống ETC tại 4 tuyến đường cao tốc trọng điểm do Tổng Công ty đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC) phụ trách quản lý, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Cty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: Ngay sau khi được Chính phủ cùng các bộ, ngành tháo gỡ về phương thức thực hiện, VEC đã cùng một lúc sử dụng tất cả các nguồn lực để thực hiện đồng thời rất nhiều công việc bao gồm: Đầu tư, tư vấn, khảo sát, lên phương án lập dự toán, thẩm định, thẩm tra quyết định phê duyệt dự toán lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức tiến hành đấu thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng đối với các nhà cung cấp dịch vụ.
Cho đến ngày 7/6 vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty Cổ phần TASCO. Và tính từ ngày 7/6, sau gần 50 ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ, cho đến ngày 20/7, chúng tôi đã lắp đặt xong hệ thống ETC cho cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, ngày 25/7 lắp đặt xong cho hệ thống TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và đưa vào sử dụng 2 dự án này.
Đến ngày 30/7 này, chúng tôi sẽ đưa dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Cuối cùng kết thúc, đáp ứng đúng yêu cầu của Chính phủ đến ngày 01/8, chúng tôi sẽ đưa dự án cuối cùng là dự án Nội Bài – Lào Cai vào sử dụng hệ thống tự động không dừng.
Chúng tôi đã chấp hành nghiêm và đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ là tính từ ngày 01/8, tất cả các hệ thống đường cao tốc hoàn toàn sử dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Để đạt được việc đó, Tổng công ty đã tập trung toàn bộ nguồn lực hiện có để thực hiện cùng nhà thầu và đơn vị tư vấn triển khai cùng một lúc 28/28 trạm trên khắp cả nước từ Bắc – Trung – Nam. Tất cả các trạm đều có cán bộ của VEC phối hợp với nhà thầu và lên kế hoạch cụ thể ngày nào làm việc gì.
Đó là một thách thức không nhỏ, trong thời gian khoảng 50 ngày vừa qua kể từ khi ký hợp đồng, chúng tôi cũng đã làm việc với nhà cung cấp dịch vụ, có phương án rất nhanh để chuyển thiết bị về tới từng làn, từng trạm, đi đường bộ chưa đủ thì chúng tôi sử dụng đường hàng không để cung cấp và lắp đặt toàn bộ thiết bị có trên tất cả các trạm của 4 tuyến cao tốc.
Cho đến thời điểm này, phải nói rằng chúng tôi đã lắp đặt xong 100% tất cả 28 trạm. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị test công đoạn cuối cùng cho dự án Nội Bài – Lào Cai để đáp ứng cho thu phí điện tử không dừng vào ngày 01/8 này.