Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Là gì? Ai Làm?
Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) ở Việt Nam đã được đưa vào Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020. Tuy vậy, để làm được điều này vẫn còn một thách thức lớn đối với các nhà quản lý văn hóa.
Chưa có định nghĩa rõ ràng
Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất, rõ ràng về CNVH.
Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết; Hiện vẫn chưa có khái niệm cụ thể, rõ ràng về CNVH, nhưng theo tôi, CNVH chỉ là nói chung cho một số khía cạnh chứ không bao gồm cả nền văn hóa. Bởi văn hóa tồn tại trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Ví dụ, trong ẩm thực có văn hóa ẩm thực, giao tiếp có văn hóa giao tiếp…
Ngoài ra, rất khó để đánh giá về một nền văn hóa và sự phát triển của nó bởi văn hóa có mặt trong tất cả đời sống xã hội của con người. Chỉ biết rằng nền văn hóa có cái gốc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng.
Hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, xuất bản diễn ra khá phổ biến (Ảnh minh họa).
Thuật ngữ “CNVH” chỉ mới đối với Việt Nam còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì không xa lạ gì. Theo định nghĩa của UNESCO, CNVH là công nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế.
Theo đó, có khoảng 11 ngành được liệt vào danh sách trong ngành CNVH gồm: Quảng cáo, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính…
Thực tế cho thấy, ở nhiều nước, CNVH đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế của đất nước. Đơn cử như các ngành CNVH ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 – 15% thị phần CNVH thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Công (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Hàn Quốc, điện ảnh phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng tới toàn cầu nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc…
Thời gian qua, một số ngành như điện ảnh, sân khấu, xuất bản… của Việt Nam đã thực hiện hạch toán thu chi để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả hạch toán không cao.
Đơn cử như trong ngành điện ảnh, mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ có 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường. Ngoài ra, cả nước có hơn 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Chỉ tính riêng 12 đơn vị này, mỗi năm, Nhà nước đầu tư trung bình 100 tỷ đồng, nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ chừng 10 tỷ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở làm việc, lương bổng, chính sách…
Thay đổi nhận thức
Theo ông Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng CNVH Việt Nam chưa phát triển là do chúng ta chưa xây dựng được khái niệm cụ thể, rõ ràng về CNVH cho nên còn nhận thức mơ hồ về nó. Khi nói đến CNVH mọi người hay nghĩ một cách hẹp đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc…
Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất vẫn là nhận thức của xã hội nói chung và giới quản lý văn hóa nghệ thuật nói riêng về tầm quan trọng của CNVH đối với nền kinh tế và đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Thậm chí, một số người đồng nhất CNVH với… thương mại hóa văn hóa nghệ thuật.