Cổng thông tin điện tử
Hãy là những công dân ứng xử “có văn hóa” trên mạng xã hội.
06:21:00 | 18-05-2022
Hãy là những công dân ứng xử “có văn hóa” trên mạng xã hội.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển, tiến bộ qua từng ngày. Thời đại 4.0 giúp con người kết nối với nhau qua môi trường mạng, qua những trang web, trang mạng xã hội. Nhưng, bên cạnh mặt tích cực, môi trường mạng bộc lộ nhiều mặt trái, đòi hỏi người sử dụng cần có kiến thức nhất định và hình thành thói quen ứng xử “có văn hóa” trên mạng xã hội. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, áp dụng cho 3 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội (MXH); Tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; Nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Bên cạnh việc tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin và Trách nhiệm, Bộ Quy tắc khuyến cáo mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng MXH cần phải tuân thủ một số quy tắc khác có liên quan, điều này đã mang lại những tác động tích cực cho các cá nhân, tổ chức trong môi trường không gian mạng. Chính vì thế, mỗi chúng ta hãy là những công dân ứng xử “có văn hóa” trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, Internet và mạng xã hội đang mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; giao lưu, gắn kết cộng đồng, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Internet và mạng xã hội như “người bạn đồng hành” của nhiều người. Việt Nam là một đất nước dân chủ, công dân có quyền được tự do ngôn luận và tự do báo chí, phát ngôn những gì mình muốn, viết ra những gì mình thích. Nhà nước luôn hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức để công dân Việt Nam được phát huy hết quyền lợi của mình. Nhưng vin vào những quyền lợi tốt đẹp ấy mà có không ít những cá nhân, bộ phận người dân – phần vì kém hiểu biết, phần vì chưa nắm rõ nguồn tin, và cũng có một phần chống đối Đảng và Nhà nước, đưa ra những phát ngôn, bài viết với thông tin sai trái và luận điệu thù hằn. Đối mặt với một không gian mạng xã hội phức tạp như vậy, chúng ta – những người công dân Việt Nam cần phải làm gì để chắt lọc nguồn tin và bài trừ những thông tin sai lệch?
Theo thống kê khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) cho thấy trên mạng xã hội, tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7%; thông tin vu khống, bịa đặt chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc 37,1%: kỳ thị giới tính 29,03%; kỳ thị khuyết tật 21,76%; kỳ thị tôn giáo 15,09%… Thực tế này đòi hỏi việc tạo dựng một môi trường thông tin mạng lành mạnh, hữu ích là rất cần thiết. Và người sử dụng mạng xã hội cũng phải có nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng. Bởi vì có một thực tế là môi trường mạng đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Không thiếu những lời nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, những hành động trả thù bằng video clip, những lời bình luận miệt thị hay “ném đá” tập thể, đặc biệt là đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận ngày càng gia tăng.
Những năm gần đây, để tăng cường quản lý các hoạt động trên mạng Internet, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Công an Tỉnh phát hiện và rà quét thông tin xấu, độc hại, không đúng sự thật trên không gian mạng. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong năm 2021, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện, xử phạt hành chính nhiều trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook về dịch bệnh COVID-19, xúc phạm danh dự người khác, kích động bạo lực…Cùng với đó, Sở đã lập các trang fanpage, nhóm, bài chuyên đề trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, phản bác thông tin sai trái, định hướng thông tin trong xã hội. Để hoạt động quản lý thông tin trên môi trường mạng internet ngày càng hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền đại chúng trên cơ sở nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021). Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng để người dân hiểu rõ ý nghĩ, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng internet.
Về nguyên tắc ứng xử khi tham gia môi trường mạng, nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Vũng Tàu thân thiện, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không “vào hùa” theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội…
Bạn Lê Như Mai – đoàn viên thanh niên phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu chia sẻ sau quãng thời gian tiếp thu những điều mới, chắt lọc những thông tin rác trên mạng xã hội: “Trước đây không hiểu thì cần tìm đọc tin tức nhưng bây giờ phải hiểu những điều đúng đắn rồi mới đọc tin tức. Tin tức mang lại thông tin, ở nơi có nguồn tin không chính thống, sai lệch dữ liệu và chèo lái cư dân mạng, tin tức ấy vô giá trị, không những thế còn mang lại tác động xấu. Khi đã chiêm nghiệm ra điều đó rồi, hiểu thế nào là chắt lọc thông tin rồi, chúng ta mới cần đọc tin tức ở nơi đáng tin cậy, để nâng cao hiểu biết của mình với tình hình xã hội, chính trị, đời sống, y khoa, giải trí trong nước và quốc tế”.
Theo ông Trần Ngọc Hà – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu thì: Văn hóa ứng xử trên môi trường mạng rất quan trọng. Trước hết, mỗi người cần nâng cao kiến thức cá nhân về các vấn đề trong đời sống xã hội, thường xuyên cập nhật những diễn biến mới thông qua các nguồn kênh thông tin chính thống như Báo Vietnamnet, Vnexpress…Không ấn thích, bình luận hay chia sẻ những bài đăng không được xác thực về yếu tố chính xác trôi nổi trên mạng xã hội, đồng thời khi thấy có những điểm bất cập, luận điệu thù hằn hay truyền bá sai thông tin, báo ngay với cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý. Chắt lọc các kênh, trang cá nhân đăng tải thông tin hữu ích về các mặt trong đời sống và công việc. Luôn giữ tỉnh táo với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Và quan trọng hơn hết, cần suy nghĩ kĩ, kiểm tra tính chính xác của thông tin trước khi đăng bài viết trên trang cá nhân của mình để tránh gây hoang mang dư luận, vi phạm luật pháp và tự làm hại chính mình.
Có thể thấy rằng, thế giới ngày một phát triển, ngày hôm nay chính là thế giới của thời đại 4.0 – nơi con người giao lưu, tiếp xúc với nhau thông qua Internet, các trang web và mạng xã hội. Để duy trì trật tự cần có, cung cấp thông tin chính xác, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc ngay cả trên “thế giới phẳng”, hãy là một công dân Việt Nam có hiểu biết, có tinh thần để làm đẹp, trong sạch thêm không gian mạng xã hội. Để lành mạnh môi trường mạng thì người dùng mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, trên cơ sở đó từng bước xây dựng, lan tỏa các giá trị đích thực./.
Bài: Lê Ngân, BBT