Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Cần phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trong phát triển du lịch ở Kiên Giang

Di tích LSVH Đình Nguyễn Trung Trực –TP. Rạch Giá

Ở Kiên Giang, hệ thống di sản văn hóa bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội, phong tục tập quán khá phong phú, là nguồn tài nguyên nhân văn có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách. Theo số liệu thống kê ban đầu, toàn tỉnh có hơn 160 di tích với nhiều loại hình phong phú. Số lượng di tích được xếp hạng tính đến nay là 56 di tích gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh, trong đó có: Loại hình lịch sử 38 di tích, loại hình kiến trúc nghệ thuật 7 di tích, loại hình danh lam thắng cảnh 9 di tích, loại hình khảo cổ học 2 di tích. Các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Kiên Giang như: Đình Nguyễn Trung Trực, căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng, Nhà tù Phú Quốc, Nhà lưu niệm thi sỹ Đông Hồ, khu di tích Huỳnh Mẫn Đạt, Di chỉ khảo cổ học Giồng Xoài, Đá Nổi, Nền Chùa. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Quan Đế, chùa Phật Lớn, Khu di tích danh thắng Chùa Hang – Hòn Phụ Tử v.v… Trải qua hàng trăm năm tồn tại, hệ thống di tích – danh thắng Kiên Giang phải chống đỡ với sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng vẫn được bảo vệ và tôn tạo chu đáo.

Gắn liền với các di tích và danh thắng, trên địa bàn tỉnh diễn ra hàng chục lễ hội trong năm, tiêu biểu như: Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực, Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ hội Nghinh Ông Kiên Hải v.v…

 

Di tích LSVH Chùa Tam Bảo –TP. Rạch Giá

Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều hàm chứa và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và lòng tự hào của dân tộc. Đó là những tài nguyên di sản văn hóa rất quý giá, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, cũng là động lực để phát triển ngành kinh tế du lịch của tỉnh Kiên Giang.

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo công tác kiểm kê khoa học các di tích danh thắng toàn tỉnh. Từ đó đã xây dựng quy hoạch tu bổ, tôn tạo, phân cấp quản lý cho các địa phương nhằm động viên mọi nguồn lực phục vụ cho công tác trùng tu tôn tạo, gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích danh thắng. Tỉnh đã quy hoạch tổng thể một số di tích để đầu tư xây dựng khai thác du lịch bước đầu đã phát huy được hiệu quả rất tích cực. Bằng nhiều nguồn vốn và nhiều lực lượng, các hoạt động tu bổ tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư tu bổ chống xuống cấp, phục hồi tôn tạo ở các mức độ khác nhau. Từ đó đã phát huy được giá trị truyền thống của từng công trình.

Việc phát triển du lịch trên cơ sở khai thác giá trị của các di tích, thắng cảnh được chú trọng hơn trước. Nhiều di tích ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Di tích lịch sử Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, sau khi được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, đến nay trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi đến Phú Quốc. Di tích lịch sử đình Nguyễn Trung Trực được tu bổ, tôn tạo cả về vật thể lẫn phi vật thể, từ một lễ hội bình thường trở thành một trong những lễ hội lớn trong khu vực với hàng triệu lượt khách về tham dự.

Tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, tiến độ lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh xếp hạng di tích còn chậm. Đội ngũ làm công tác di tích ở cơ sở mỏng và yếu. Tình trạng lấn chiếm, xâm hại di tích, mất cắp cổ vật vẫn còn diễn ra ở một số nơi.

Giải pháp để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trong phát triển du lịch thời gian tới là: Cần hoàn thiện quy hoạch phân vùng du lịch ở Kiên Giang để khai thác tốt các tài nguyên du lịch, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch và giữ chân du khách được lâu hơn. Đầu tư, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách phù hợp với từng khu di tích, danh thắng. Tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư và khai thác du lịch. Tổ chức các lễ hội, liên hoan du lịch, khai thác giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với các di tích nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo. Có các dịch vụ như quay phim, chụp ảnh, bán đồ lưu niệm trong khuôn viên di tích. Tăng cường giới thiệu, quảng bá các di tích, danh thắng. Xử lý tốt vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường tự nhiên và xã hội lành mạnh giúp cho du khách thật sự yên tâm. Để tạo sự hấp dẫn đối với du khách các di tích và danh thắng ở Kiên Giang cần phải có độ ngũ thuyết minh giỏi. Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý nghiêm mọi hành vi lấn chiếm, xâm hại di tích. Lập hồ sơ các di tích, thực hiện giải pháp giải tỏa di dân ở những khu vực di tích trọng điểm. Bảo quản, tu bổ các di tích đã và đang xuống cấp. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ các di tích, xây dựng quy chế, nội quy chặt chẽ tại các di tích, danh thắng, từ đó quản lý phát triển du lịch bền vững.

Kiên Giang có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tương đối phong phú, đa dạng. Đây là những tiềm năng to lớn giúp ngành kinh tế du lịch Kiên Giang phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.

Xổ số miền Bắc