Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer từ liên hoan

Ảnh minh họa

Người Khmer ở Nam Bộ vốn có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng đã phát triển khá lâu đời, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của bà con dân tộc và luôn được bảo tồn và phát huy. Các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang là sản phẩm văn hóa được hình thành và phát triển trong quá trình đồng bào lao động, sáng tạo, chinh phục thiên nhiên,… nên đã chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Trong rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer phải kể đến nghệ thuật âm nhạc, gồm nhiều loại hình và hình thức biễu diễn như những làn điệu dân ca trữ tình, sâu lắng thể hiện tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Đó là các dòng nhạc Mahôry, nhạc cưới, nhạc lễ, nhạc tang, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp… được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer như: Nhạc khí Khmer Nam bộ có 48 loại nhạc cụ chia làm 3 nhóm (nhạc hơi, nhạc dây và nhạc gõ). Tùy vào điều kiện sử dụng, người ta lại tổ chức thành các dàn nhạc sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là dàn nhạc ngũ âm. Nghệ thuật múa truyền thống của người Khmer, gồm có múa cổ điển và múa dân gian. Múa Khmer đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có thể chuyển tải được những tích truyện. Thể loại múa hát sinh hoạt cộng đồng dựa trên các làn điệu Rom Vông, Rom K’bach, Lâm thôn, Saravan… với hàng trăm bài hát đặc trưng, rất phong phú và vui nhộn, được sử dụng trong các dịp lễ, tết và trong sinh hoạt cộng đồng; ba điệu múa phổ biến nhất là Râm Vông, Lâm thôn, Saravan hầu như người Khmer nào ở Kiên Giang cũng đều biết đến. Trang phục của người Khmer khá cầu kỳ với nhiều gam màu rực rỡ, hoa văn trang trí tinh tế với nét độc đáo riêng. Điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người Khmer là trang phục lộng lẫy của cô dâu và chú rể trong ngày cưới.

Ảnh minh họa

Những năm qua, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở Kiên Giang quan tâm đầu tư. Hàng năm đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao, duy trì hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và các chương trình phát thanh – truyền hình tiếng Khmer, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong vùng đồng bào Khmer. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang.

Trong đó có việc mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống Khmer để tạo ra đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công kế thừa; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở, cán bộ nghiên cứu, nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng, diễn xướng nghệ thuật truyền thống Khmer. Xây dựng được 02 đội văn nghệ quần chúng Khmer có thể biểu diễn được dàn nhạc ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian để làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại những huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hướng dẫn Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố vùng đồng bào dân tộc Khmer thành lập mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer. Tổ chức định kỳ 02 năm một lần Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp huyện và định kỳ 02 năm một lần Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp tỉnh.

Sau nhiều năm không tổ chức, Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang được tổ chức trở lại, với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các đơn vị, địa phương. Đây còn là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XIV năm 2022 diễn ra từ ngày 06 đến 09/11/2022 (nhằm ngày 13 đến 16/10 âm lịch) tại huyện Gò Quao. Tại Liên hoan, các Đội nghệ thuật truyền thống Khmer tham gia 03 phần thi: Biểu diễn dàn nhạc ngũ âm; trình diễn trang phục truyền thống và văn nghệ (hát, múa). Thông qua Liên hoan nhằm giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer cả về nhạc cụ và trang phục. Ban Tổ chức còn mong muốn giới thiệu những nét văn hóa của đồng bào Khmer ở Kiên Giang đến với du khách khi tham gia Ngày hội.

Xổ số miền Bắc