Công ty Đại Nam: Biến đồng hoang thành khu du lịch nghìn tỷ
Khu du lịch Đại Nam khởi công từ năm 1999 và 9 năm sau mới mở cửa đón khách lần đầu tiên. Sau khi ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) đổ vào 6.000 tỷ đồng, nơi đây đã trở thành một trong những khu du lịch hút khách nhất khu vực phía Nam.
Thời điểm trước năm 1999, Hiệp An (Thủ Dầu Một, Bình Dương) là vùng đất hoang sơ với những bãi đất trống không người ở hoặc là những rừng cao su rộng lớn. Bởi vậy, khi ông Huỳnh Uy Dũng quyết định xây dựng khu du lịch tại đây, nhiều người không khỏi bất ngờ. Vì thời điểm này, bất động sản đang “nóng”, nhiều đại gia làm ăn theo kiểu chớp nhoáng, đầu tư xây căn hộ hoặc đô thị để kiếm tiền nhanh. Với hơn 450ha đất, nếu ông Dũng đầu tư xây khu đô thị thì sẽ khả quan hơn đi xây khu du lịch, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng chỉ để thu về bạc lẻ.
Theo giới thiệu, Khu du lịch Đại Nam được thiết kế hoàn toàn bởi ông Huỳnh Uy Dũng, từ phối cảnh, bản vẽ cho đến chỉ đạo công việc xây dựng. Để có sắt thép, gạch ngói dùng cho công trình, ông Dũng thậm chí còn lập ra cả nhà máy gạch, nhà máy cơ khí… để chủ động nguồn nguyên vật liệu. Chính thức khởi công từ tháng 9/1997 nhưng phải đến ngày 11/9/2008, Đại Nam mới chính thức khai trương mở cửa đón khách tham quan. Bởi các hạng mục quá rộng và cầu kỳ.
Như hạng mục công trình Bảo tháp phải mất 3 năm mới hoàn thành. Các công trình trọng điểm như đền Đại Nam, dòng Bảo Giang, hồ Ngọc Bích, quảng trường Đại Nam, khách sạn Thành Đại Nam, khu vui chơi giải trí Đại Nam, vườn thú Đại Nam, siêu thị Đại Nam, biển Đại Nam… cũng được đầu tư kỹ càng.
Sau khi mở cửa, Đại Nam còn mở rộng thêm quy mô với các công trình trường đua ngựa, đua chó, đua mô tô, đua xe địa hình, đua mô tô nước…
Về chi phí xây dựng, ông Dũng từng cho biết có thời điểm phải bỏ ra mỗi ngày trung bình lên tới 1 tỷ đồng. Tổng chi phí hoàn thiện công trình lên tới 6.000 tỷ đồng. Từ năm 2014, vợ chồng ông Dũng tuyên bố trích lợi nhuận kinh doanh của Khu Du Lịch Đại Nam để thực hiện Chương trình Trái Tim Hằng Hữu giúp khám tầm soát, điều trị bệnh tim bẩm sinh cho những trẻ em nghèo trên khắp cả nước.
Ngoài Khu du lịch trên, CTCP Đại Nam của ông Dũng “lò vôi” còn là chủ đầu tư của loạt bất động sản lớn ở Bình Dương như Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam – Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2.
Trong đó, dự án Khu dân cư Đại Nam có quy mô 96,7 ha, được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại tỉnh Bình Dương cho khoảng 12.000 người. Tuy nhiên sau gần 4 năm triển khai thì dự án vẫn khá đìu hiu, không có người ở. Cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, thậm chí một số đoạn vỉa hè trong khu đường nội đã bị bong tróc.
Bên cạnh đó, Đại Nam còn mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp, khi sở hữu nhiều quỹ đất lớn như Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (279 ha), Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (327 ha).
Tuy đa ngành, Đại Nam lại liên tục báo thua lỗ triền miên trong những năm gần đây. Từ năm 2016 đến nay, công ty thua lỗ tổng cộng 543 tỷ đồng, trong đó 2 năm 2019-2020 đều lỗ xấp xỉ 150 tỷ đồng mỗi năm. Việc thua lỗ triền miên khiến Đại Nam bắt đầu âm vốn chủ sở hữu từ năm 2018, đến năm 2020 vốn chủ sở hữu đã âm tới 344 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm cuối năm 2020, Đại Nam có hơn 6.500 tỷ đồng nợ phải trả.
Cuối tháng 11/2021, công ty đã phải phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu với mục đích đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê số 2 thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 3. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu nhà ở Đại Nam. Toàn bộ số trái phiếu này do một tổ chức tín dụng trong nước mua.
Tháng 5/2020, ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng để tập trung vào công việc thiện nguyện. Tuy nhiên theo thông tin công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), pháp nhân mang tên Công ty Cổ phần Đại Nam được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 27/03/1996 là ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Ông Huỳnh Uy Dũng là người đại diện pháp luật duy nhất của pháp nhân này. Trong giấy tờ đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 38 ngày 29/7/2015 cho đến lần cập nhật gần nhất ngày 9/2/2021 trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Đại Nam.