Công văn 962/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện Thông tư 117/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài
Stt
Tên điều
Nội dung vướng mắc
Trả lời
1
Phạm vi áp dụng
Thông tư số 117/2011/TT-BTC được hiểu là áp dụng thủ tục hải quan truyền thống vì thủ tục hải quan điện tử đã được hướng dẫn tại Thông tư số 222/2009/TT-BTC
Đề nghị: cần hướng dẫn thống nhất phạm vi áp dụng của Thông tư số 117/2011/TT-BTC(HQ Quảng Ninh).
Căn cứ để ban hành Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 là Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ; theo đó, thủ tục hải quan đối với hàng gia công hướng dẫn tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC là để áp dụng cho thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống. Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng gia công thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 222/2009/TT-BTC .
Thủ tục hải quan điện tử và thủ tục hải quan theo phương pháp truyền thống đều áp dụng chung về chính sách, cơ chế quản lý, chi khác nhau về phương thức tiến hành thủ tục hải quan. Tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC một số nội dung về chính sách, cơ chế quản lý đối với hàng gia công đã được bổ sung, sửa đổi (như nguyên vật liệu cung ứng nhập khẩu từ nước ngoài được đăng ký tờ khai GC-CƯ…). Tuy nhiên, do Thông tư số 222/2009/TT-BTC được ban hành trước Thông tư số 117/2011/TT-BTC, vì vậy, một số nội dung về chính sách, cơ chế quản lý đối với hàng gia công nêu tại Thông tư số 222/2009/TT-BTC chưa thống nhất với Thông tư số 117/2011/TT-BTC, về vấn đề này, Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính và có hướng dẫn sau.
2.
Điều 1. Giải thích từ ngữ
2.1. Điểm c, khoản 6, Điều 1 quy định “Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu hoặc vật tư là lượng nguyên liệu hoặc vật tư hao hụt bao gồm hao hụt tự nhiên, hao hụt do tạo thành phế liệu, phế phẩm, phế thải gia công (trừ phế liệu, phế thải đã tính vào định mức sử dụng) theo tỷ lệ % so với định mức sử dụng hoặc định mức vật tư tiêu hao”.
Đề nghị Tổng cục Hải quan giải thích rõ hơn khái niệm tại khoản 6.c, Điều 1, cho ví dụ cụ thể để thống nhất cách hiểu trong toàn ngành (HQ Hồ Chí Minh).
2.2. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định thế nào là “tỷ lệ hao hụt tự nhiên”. Đề nghị có hướng dẫn trong toàn ngành (HQ Bà Rịa – Vũng Tàu).
2.1, 2.2. Nội dung hướng dẫn tại điểm c, khoản 6, Điều 1 được hiểu như sau: Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu là lượng nguyên liệu hao hụt tương ứng với một đơn vị sản phẩm được tính theo tỷ lệ % so với định mức sử dụng nguyên liệu. Tỷ lệ hao hụt vật tư là lượng vật tư hao hụt tương ứng với một đơn vị sản phẩm được tính theo tỷ lệ % so với định mức vật tư tiêu hao.
Hao hụt tự nhiên là hao hụt do tác động của tự nhiên lên nguyên liệu gia công (ví dụ: do tác động của tự nhiên làm khổ vải bị co so với ban đầu).
Ví dụ về cách tính tỷ lệ hao hụt nguyên liệu: Lượng hao hụt tính cho 1 sản phẩm áo xuất khẩu (gồm: hao hụt tự nhiên (do co vải), hao hụt do tạo thành phế liệu (đầu tấm, vải lỗi…), hao hụt do tạo thành phế phẩm) là 0,06 m, định mức sử dụng để sản xuất ra 1 sản phẩm áo xuất khẩu là 2 m, tỷ lệ hao hụt: 0,06/2×100 = 3%.
Phế liệu là các rẻo cắt (nằm trong bản giác) đã tính vào định mức sử dụng nên không được tính vào tỷ lệ hao hụt.
2.3. Khoản 7, Điều 1 quy định: “Định mức tách nguyên liệu thành phần từ nguyên liệu ban đầu là lượng nguyên liệu thành phần được tách ra từ nguyên liệu ban đầu…”.
Đề nghị Tổng cục Hải quan giải thích rõ khái niệm tại khoản 7, Điều 1, cho ví dụ cụ thể để thống nhất cách hiểu trong toàn ngành (HQ HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu).
2.4. Đề nghị giải thích rõ thế nào là nguyên liệu ban đầu? Thế nào là nguyên liệu thành phần được tách ra từ nguyên liệu ban đầu? (HQ Long An).
2.3, 2.4. Khái niệm này chủ yếu áp dụng khi gia công mặt hàng thủy sản. Trong gia công chế biến cá thì cá nguyên con nhập khẩu là nguyên liệu ban đầu; khi sơ chế, cá được tách ra thành thịt phi lê, đầu, xương, đuôi… dùng để chế biến các sản phẩm khác nhau thì thịt phi lê, đầu, xương, đuôi được hiểu là nguyên liệu thành phần.
Định mức tách nguyên liệu là lượng thịt phi lê, đầu, xương, đuôi thu được khi sơ chế 01 kg cá nguyên con.
3.
Điều 2. Hình thức hợp đồng gia công
3.1. Phía nước ngoài sử dụng chữ ký dạng con dấu có chấp nhận không? (HQ Long An, Hà Nội).
3.1. Về hình thức chữ ký của thương nhân nước ngoài trong hợp đồng gia công, nếu thương nhân nước ngoài sử dụng hình thức chữ ký dưới dạng đóng dấu chữ ký thì chữ ký đó vẫn được chấp nhận.
3.2. Hợp đồng ký qua email (không phải scan, không theo định dạng) có được chấp nhận không? (HQ Hà Nội).
3.2. Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 117/2011/TT-BTC và Điều 10 Luật Giao dịch điện tử thì email là một hình thức của hợp đồng gia công.
4.
Điều. 4 Phụ lục hợp đồng gia công
4.1. Đề nghị có hướng dẫn là doanh nghiệp được gia hạn bao nhiêu lần? Thời gian gia hạn hợp đồng mỗi lần là bao nhiêu? Công tác quản lý của cơ quan Hải quan trong thời gian gia hạn? (HQ HCM).
4.2. Việc quy định được gia hạn tại khoản 2 điều 4 sẽ dẫn đến tình trạng thương nhân lợi dụng để kéo dài thời gian thanh khoản.
Đề nghị: nên quy định cụ thể được gia hạn bao nhiêu ngày và được thực hiện bao nhiêu lần (HQ Quảng Ngãi).
4.1, 4.2. Việc gia hạn hợp đồng là để thực hiện xong hợp đồng. Khi hợp đồng gia công chưa thực hiện xong thì 2 bên ký kết hợp đồng có quyền thỏa thuận để gia hạn cho đến khi thực hiện xong hợp đồng, không khống chế số lần gia hạn. Khi hợp đồng đã thực hiện xong (sản phẩm đã xuất khẩu hết) thì không được gia hạn nữa, tránh tình trạng lợi dụng quy định này để gia hạn nhằm kéo dài thời gian thanh khoản.
4.3. Điều kiện nào được phép xin đăng ký gia hạn và thời gian gia hạn bao lâu?
Trên thực tế, hầu hết các hợp đồng gia công đều thực hiện bằng các phụ lục. Vậy có được phép gia hạn cho phụ lục hợp đồng gia công không? (HQ Hà Nội)
4.3. Thông tư số 117/2011/TT-BTC chỉ quy định gia hạn trong hợp đồng, vì vậy, không gia hạn phụ lục hợp đồng. Đối với hợp đồng gia công được tách ra nhiều phụ lục để thực hiện, khi phụ lục hợp đồng hết hiệu lực thì thanh khoản phụ lục hợp đồng đó và chuyển sang thực hiện phụ lục hợp đồng tiếp theo.
5.
Điều 5. Nơi làm thủ tục hải quan
Trường hợp toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu khác (cửa khẩu nhập) mà thương nhân chưa được công nhận địa điểm kiểm tra thực tế tại nhà máy, nơi cơ sở sản xuất vì chưa đủ điều kiện. Trường hợp này không đủ điều kiện đăng ký tờ khai tại Chi cục quản lý hợp đồng gia công vì không đủ điều kiện làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về cơ sở sản xuất.
Đề nghị: Thủ tục hải quan được thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng gia công và được phép chuyển cửa khẩu về cơ sở sản xuất. Đối với trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa thì Chi cục Hải quan cửa khẩu kiểm hóa hộ (HQ Quảng Ninh).
Theo Luật Hải quan, Thông tư số 194/2010/TT-BTC thì mỗi Chi cục Hải quan phải có địa điểm kiểm tra gắn với Chi cục hoặc địa điểm kiểm tra tập trung. Trường hợp thương nhân chưa đủ điều kiện để được công nhận địa điểm kiểm tra tại nhà máy thì chuyển cửa khẩu về kiểm tra tại địa điểm kiểm tra tập trung.
Các trường hợp đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, việc kiểm tra thực tế hàng hóa do Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thì phải thực hiện đúng quy định tại Điều 57 Thông tư số 194/2010/TT-BTC .
6.
Điều 6. Trách nhiệm của thương nhân, cơ quan hải quan
Đề nghị hướng dẫn bổ sung cho phép hải quan được áp dụng quản lý rủi ro để quản lý hợp đồng gia công (HQ Bà Rịa – Vũng Tàu).
Thông tư số 117/2011/TT-BTC đã đưa kỹ thuật áp dụng quản lý rủi ro vào quản lý hợp đồng gia công như kiểm tra cơ sở sản xuất (cho phép kiểm tra xác suất), kiểm tra định mức (nếu có nghi vấn), thanh khoản (phân loại thương nhân để kiểm tra thanh khoản). Tại các khâu nhập khẩu và xuất khẩu cũng đã áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro chung như hàng xuất nhập khẩu thương mại.
7.
Điều 7. Thủ tục thông báo hợp đồng gia công
7.1. Trên thực tế doanh nghiệp ký hợp đồng gia công vượt quá năng lực sản xuất của mình nên đa phần phải thuê gia công lại một phần. Vậy khi thông báo hợp đồng gia công có yêu cầu phải nộp 01 bản sao để chứng minh năng lực sản xuất không? Có kiểm tra cơ sở sản xuất của đơn vị gia công lại một phần hay không? (HQ Hà Nội).
7.1. Thông tư số 117/2011/TT-BTC không yêu cầu phải nộp bản sao hợp đồng gia công lại khi thuê gia công lại một phần, năng lực sản xuất của thương nhân đã được thể hiện tại văn bản giải trình cơ sở sản xuất (công suất dây chuyền). Trường hợp có nghi vấn việc gia công lại 1 phần thì Lãnh đạo Chi cục áp dụng hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Thông tư này để kiểm tra cơ sở sản xuất gia công lại.
7.2. Điểm b khoản 2 Điều 7 quy định thời hạn cơ quan hải quan kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi tiếp nhận, cụ thể là 05 ngày làm việc hoặc không quá 08 ngày làm việc nếu thương nhân có cơ sở sản xuất ở tỉnh, thành phố khác với nơi thông báo hợp đồng gia công.
Tuy nhiên, khoản 1 điều này quy định “chậm nhất 01 ngày trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên của hợp đồng gia công, thương nhân thông báo hợp đồng gia công với cơ quan hải quan”.
Đề nghị hướng dẫn bổ sung: Đối với trường hợp doanh nghiệp thông báo hợp đồng gia công lần đầu về thời hạn chậm nhất là 06 ngày và đối với doanh nghiệp ở khác tỉnh, thành phố là 09 ngày trước khi làm thủ tục nhập khẩu HQ Lạng Sơn).
7.2. Những trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất, thời gian kiểm tra cơ sở sản xuất đã được quy định rõ tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
Khoản 1 Điều 7 quy định “chậm nhất 01 ngày trước khi làm thủ tục nhập khẩu”, không phải quy định thời hạn sớm nhất. Vì vậy, đối với hợp đồng gia công của thương nhân phải kiểm tra cơ sở sản xuất thì thương nhân có thể thông báo hợp đồng gia công sớm hơn thời hạn trên.
7.3. Khoản 3, Điều 7: “… Nếu các điều khoản của phụ lục phù hợp với nội dung các điều khoản của hợp đồng thì thực hiện tiếp nhận phụ lục hợp đồng gia công.” Đề nghị giải thích rõ thế nào là phù hợp với nội dung các điều khoản hợp đồng? (HQ Hồ Chí Minh).
7.3. Do Phụ lục là một phần không tách rời của hợp đồng nên Phụ lục phải có tính thống nhất với hợp đồng. Nếu có thỏa thuận thay đổi một điều khoản nào đó của hợp đồng thì điều khoản đó phải có trong hợp đồng. Ngày ký phụ lục phải cùng hoặc sau ngày ký hợp đồng.
8.
Điều 8. Kiểm tra cơ sở sản xuất.
8.1. Điểm 1c: Cần có chương trình hỗ trợ theo dõi hợp đồng gia công có làm thủ tục nhập nguyên liệu nhưng quá 3 tháng không có sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý.
8.1. Tổng cục tiếp thu ý kiến này của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và sẽ bổ sung khi nâng cấp phần mềm.
8.2. Để thực hiện thống nhất Điều 8, đề nghị ban hành biểu mẫu: Thông báo kiểm tra cơ sở sản xuất; Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất; Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất (HQ Hồ Chí Minh).
8.2. Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất và Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất đã được ban hành kèm theo Quyết định số 2344/QĐ-TCHQ ngày 25/10/2011 của Tổng cục Hải quan. Riêng Thông báo kiểm tra cơ sở sản xuất thực hiện theo tiết a, điều 2.2, Khoản II, mục 1, phần I, Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 2344/QĐ-TCHQ , trong đó, nội dung kiểm tra thực hiện theo Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
8.3. Khoản 3 Điều 8 quy định thẩm quyền quyết định kiểm tra cơ sở sản xuất của thương nhân là Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 8 quy định các trường hợp kiểm tra cơ sở sản xuất.
Đề nghị hướng dẫn rõ thẩm quyền của Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công theo quy định trên là ký các quyết định kiểm tra cơ sở sản xuất hay thẩm quyền quyết định kiểm tra hay không kiểm tra cơ sở sản xuất dựa trên các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 8 (HQ Lạng Sơn).
8.3. Tại khoản 1 điều 8 hướng dẫn các trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất theo nguyên tắc chung. Việc kiểm tra cụ thể cơ sở sản xuất này do Lãnh đạo Chi cục quyết định, trong đó có kiểm tra cơ sở sản xuất trên cơ sở kết quả quản lý rủi ro và kiểm tra xác suất để đánh giá sự tuân thủ của thương nhân quy định tại điểm d, khoản 1 điều 8.
Vì vậy, thẩm quyền của lãnh đạo Chi cục là quyết định cụ thể các trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất và ký quyết định kiểm tra.
8.4. Điểm b khoản 7 Điều 8 có quy định trường hợp tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu các lô nguyên liệu, vật tư tiếp theo của hợp đồng gia công cho đến khi thương nhân đảm bảo các điều kiện về cơ sở sản xuất. Đề nghị: hướng dẫn chi tiết thẩm quyền và thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan trong trường hợp này (HQ Lạng Sơn).
8.4. Thẩm quyền tạm dừng làm thủ tục hải quan là lãnh đạo Chi cục. Việc tạm dừng làm thủ tục hải quan được nêu trong văn bản Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất, nếu cơ sở sản xuất chưa đảm bảo điều kiện gia công. Khi thông báo tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nêu rõ căn cứ, lý do tạm dừng làm thủ tục hải quan.
9.
Điều 9. Thủ tục thông báo, điều chỉnh và kiểm tra định mức:
9.1. “Việc thông báo định mức cho sản phẩm xuất khẩu phải thực hiện cho từng mã sản phẩm”. Tuy nhiên, các điều kiện sau đều không thấy đề cập đến mã sản phẩm mà chỉ đề cập đến mã hàng. Vậy, mã sản phẩm và mã hàng có là một không?
9.1. Mã sản phẩm cũng là mã hàng hóa.
9.2. Thông tư này không quy định việc điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm, đề nghị có văn bản hướng dẫn như Thông tư số 74/2010/TT-BTC
9.2. Thông tư số 117/2011/TT-BTC không quy định việc điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu là thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ.
9.3. Đề nghị hướng dẫn mẫu thông báo định mức đối với trường hợp tách nguyên liệu thành phần từ nguyên liệu ban đầu (HQ Long An).
9.3. Sử dụng mẫu thông báo định mức theo mẫu 03/TBĐM-GC /2011 – Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
9.4. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 thì đơn vị tính trong bảng thông báo định mức phải thực hiện theo Quyết định 107, và thống nhất với đơn vị tính trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công đã thông báo.
Vướng mắc: Thương nhân khi khai báo tờ khai nhập khẩu phải thực hiện quy đổi đơn vị tính từ Yards sang m2 đối với vải, từ Grs hoặc tá sang chiếc đối với nút, từ cuộn sang kg đối với chỉ may… Thực hiện khai báo như trên nhiều mặt hàng bị lẻ về số lượng và đơn giá. Hơn nữa, khi kiểm tra hàng nhập khẩu thì đơn vị tính chưa quy đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan. đề nghị đơn vị tính như trong hợp đồng và Packing list (HQ Quảng Ngãi).
9.4. Việc sử dụng đơn vị tính theo Quyết định số 107/2007/QĐ-BTC là để đảm bảo tính thống nhất và tuân thủ công ước HS. Đối với trường hợp đơn vị tính trong bản thông báo định mức khác với đơn vị tính trong hợp đồng gia công và Packing List thì để thuận lợi cho việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa và thanh khoản hợp đồng gia công, thương nhân khi khai trên tờ khai nhập khẩu, ngoài việc khai theo đơn vị tính phù hợp với hợp đồng, Packing List phải quy đổi lượng hàng nhập khẩu theo đơn vị tính sử dụng trên Bảng thông báo định mức.
9.5. Điểm a khoản 2 Điều 9 quy định về thời điểm thông báo định mức. Quy định như trên không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông báo định mức đúng với thực tế sản xuất. Vì doanh nghiệp chỉ được tính định mức chính xác khi đã sản xuất xong mã hàng. Như vậy, thời điểm thích hợp để doanh nghiệp thông báo định mức chính xác là sau thời điểm doanh nghiệp sản xuất xong mã hàng tức là thời điểm đăng ký tờ khai xuất khẩu. Mặt khác cán bộ Hải quan rất khó kiểm soát được thời gian doanh nghiệp khai báo định mức cách bao nhiêu ngày so với ngày đăng ký tờ khai. Ngoài ra, Thông tư số 117/2011/TT-BTC cũng chưa quy định cách thức xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc thông báo định mức đúng thời gian quy định.
Đề nghị: Thời điểm thông báo định mức đối với mã hàng xuất khẩu một lần hết lượng hàng là trước hoặc cùng thời điểm đăng ký tờ khai như đối với mã hàng xuất khẩu nhiều lần. Nếu có nghi vấn, cán bộ hải quan có thể yêu cầu lưu mẫu sản phẩm để phục vụ kiểm tra sau khi hàng hóa đã xuất khẩu (HQ Bình Dương).
9.5. Trước mắt vẫn thực hiện quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC. Khi thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị Hải quan Bình Dương báo cáo cụ thể từng trường hợp để Tổng cục Hải quan tổng hợp nghiên cứu báo cáo Bộ xử lý.
9.6. Trường hợp doanh nghiệp đề nghị được điều chỉnh định mức (đối với trường hợp được điều chỉnh tại khoản 4) không đúng thời hạn tại điểm 3 thì sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, có cho phép điều chỉnh tiếp hay không?
9.6. Trường hợp vi phạm thời gian tại khoản 3 Điều 9 thì không chấp nhận định mức điều chỉnh, không xử phạt.
9.7. Quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC mâu thuẫn với khoản 2 Điều 35 Thông tư 222/2009/TT-BTC. Đề nghị hướng dẫn cho thống nhất(HQ Hải Phòng).
9.7. Vấn đề Cục Hải quan Hải Phòng nêu nằm trong vướng mắc tại mục 1 bảng tổng hợp này. Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ và có hướng dẫn sau.
9.8. Thông tư này chỉ quy định việc lưu mẫu đối với nguyên liệu, vật tư gia công.
Đề nghị: có quy định thêm thời gian lưu mẫu sản phẩm đã kiểm tra định mức (HQ Quảng Bình).
9.8. Tại điểm c, khoản 15, Điều 9 quy định việc niêm phong mẫu sản phẩm đã kiểm tra định mức và giao thương nhân tự bảo quản.
Thời gian lưu mẫu như lưu mẫu đối với nguyên liệu quy định tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC . Trường hợp có khiếu nại, tranh chấp thì lưu cho đến khi giải quyết xong tranh chấp như quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư số 194/2010/TT-BTC .
10.
Điều 11. Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư
Điểm b khoản 1 Điều 11: “b) Đối với nguyên liệu, vật tư do bên đặt gia công mua và chỉ định đối tác thứ ba gửi cho bên nhận gia công thì trong hồ sơ hải quan nhập khẩu lô hàng có thêm văn bản của bên đặt gia công thông báo cho bên nhận gia công về việc nhận hàng từ đối tác thứ ba.”
Đề nghị hướng dẫn rõ doanh nghiệp phải nộp bản sao hay bản chính (HQ Bà Rịa – Vũng Tàu).
Nộp bản sao như khi xuất khẩu sản phẩm cho bên thứ 3 quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 15 Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
11.
Điều 12. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự cung ứng cho hợp đồng gia công
11.1. Hiện tại trên phần mềm chưa có loại hình NGC-CƯ. Đề nghị TCHQ bổ sung vào hệ thống SLXNK, TTHQĐT (HQ Hồ Chí Minh, HQ Cần Thơ).
11.1. Cục CNTT đã bổ sung tại công văn số 390/CNTT-TTDL ngày 25/10/2011.
11.2. Đối với trường hợp nguyên liệu vật tư do bên nhận gia công trực tiếp mua từ doanh nghiệp nước ngoài để cung ứng cho hợp đồng gia công nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại chỉ định một doanh nghiệp tại Việt Nam giao hàng cho bên nhận gia công thì doanh nghiệp nhận gia công đăng ký tờ khai nhập khẩu theo loại hình nào? Thực hiện chính sách thuế và thủ tục thanh khoản như thế nào? Đề xuất: thực hiện theo loại hình xuất nhập khẩu cung ứng tại chỗ (NGC-CƯTC) (HQ Quảng Ngãi).
11.2. Trường hợp nhập khẩu (kể cả nhập khẩu tại chỗ) gia công để cung ứng sau khi ký kết hợp đồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 thì đăng ký theo loại hình NGC-CƯ.
12.
Điều 13. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công.
Khoản 3a, Điều 13: Đối với máy móc, thiết bị thuê, mượn để trực tiếp phục vụ gia công thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu thì thực hiện theo loại hình tạm nhập-tái xuất và làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công. Vướng mắc: trường hợp trên là Tạm nhập-tái xuất (TN-TX) hay nhập gia công tạm nhập (NGC-TN)? Đề xuất: thực hiện theo loại hình gia công tạm nhập (NGC-TN) để thuận lợi cho việc quản lý và thanh khoản (HQ Quảng Ngãi).
Thực hiện theo loại hình nhập gia công tạm nhập (NGC-TN), việc theo dõi và thanh khoản thực hiện theo mẫu 07/HSTK-GC ban hành kèm theo Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
13.
Điều 14. Thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu để làm mẫu gia công (hàng mẫu không thanh toán).
Đề nghị quy định cụ thể địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng mẫu gia công là tại Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công (HQ Bà Rịa – Vũng Tàu).
Đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 14 Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
14.
Điều 15. Thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công
14.1. Điều này có dẫn chiếu đến Điều 51 Thông tư số 194/2010/TT-BTC để tái chế sửa chữa, nhưng tại Điều 51 Thông tư số 194/2010/TT-BTC không hướng dẫn trường hợp sản phẩm nhập khẩu về để tái chế nhưng có sự thay đổi về định mức tiêu hao nguyên liệu. Đề nghị Tổng cục có hướng dẫn(HQ Hải Phòng).
14.1. Theo quy định tại Điều 51 và điểm b, khoản 7 Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC thì hàng hóa nhập khẩu để tái chế được làm thủ tục, theo dõi quản lý thanh khoản riêng. Trong quá trình tái chế có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để tái chế thì làm thủ tục nhập khẩu và quản lý theo loại hình SXXK theo quy định tại khoản 5, Điều 30 Thông tư số 194/2010/TT-BTC .
14.2. Đề nghị hướng dẫn trường hợp hợp đồng gia công hết hiệu lực nhưng còn sản phẩm chưa xuất khẩu thì giải quyết như thế nào? (HQ Bà Rịa – Vũng Tàu).
14.2. Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 117/2011/TT-BTC đã cho phép thương nhân gia hạn thời hạn hiệu lực hợp đồng gia công để xuất khẩu hết sản phẩm gia công; vì vậy, khi thực hiện theo Thông tư số 117/2011/TT-BTC thì không còn trường hợp hợp đồng gia công hết hiệu lực nhưng sản phẩm gia công chưa xuất khẩu.
15.
Điều 16. Thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đối với sản phẩm gia công.
Thông tư số 117/2011/TT-BTC quy định khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ thương nhân xuất trìnhhóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT, trong khi Điều 41 Thông tư 194/2010/TT-BTC lại yêu cầu xuất trìnhhóa đơn GTGT (HQ Quảng Nam).
Công văn số 7200/BTC-TCHQ ngày 2/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung Điều 41 và Điều 118 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ; theo đó khi làm thủ tục XNK tại chỗ, thương nhân xuất trình hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT.
16.
Điều 17. Thủ tục hải quan đối với trường hợp thuê gia công lại.
Trường hợp DNCX tại VN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê thương nhân VN khác trong nội địa gia công lại. Trường hợp này theo quy định tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC thì doanh nghiệp nội địa nhận gia công có thể thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp nội địa.
Vướng mắc: cùng 1 mặt hàng nhưng được thực hiện 02 hợp đồng gia công tại 02 Chi cục Hải quan khác nhau nên dễ bị gian lận định mức (có 02 bản định mức). Đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét việc trao đổi thông tin giữa 02 Chi cục với nhau trong việc quản lý doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công (HQ Hải Phòng).
Theo quy định tại điểm 5 Khoản II Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) thì trường hợp DNCX (có vốn đầu tư nước ngoài) nhận gia công cho thương nhân nước ngoài: “Được thuê gia công trong nước, đặt gia công ở nước ngoài một hoặc nhiều công đoạn sản xuất mà máy móc, thiết bị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đáp ứng được về số lượng hoặc chất lượng.”
Vì vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê thương nhân khác gia công lại toàn bộ sản phẩm gia công.
Trường hợp DNCX nhận gia công cho thương nhân nước ngoài sau đó thuê thương nhân tại nội địa gia công lại theo đúng quy định tại Điều 5 Khoản II Thông tư số 04/2007/TT-BTM , hợp đồng thuê gia công lại làm thủ tục tại Chi cục Hải quan trong nội địa thì khi DNCX thông báo định mức, Chi cục Hải quan quản lý DNCX thấy có nghi vấn về định mức doanh nghiệp thông báo thì phối hợp trao đổi thông tin với Chi cục Hải quan tiếp nhận hợp đồng thuê gia công lại cho DNCX.
17.
Điều 21. Thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công.
17.1. Khi nộp hồ sơ thanh khoản có Bảng kê tờ khai xuất khẩu của sản phẩm gia công đã làm xong thủ tục hải quan, đủ cơ sở xác định hàng hóa đã xuất khẩu theo Điều 26 Thông tư số 194/2010/TT-BTC, như vậy không cần xuất trình tờ khai đã xuất khẩu. Điều này tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng xuất khống(HQ Quảng Nam).
17.1. Việc xuất trình tờ khai xuất khẩu và chứng từ vận tải được quy định tại điểm b4, khoản 3 Điều 21 Thông tư số 117/2011/TT-BTC. Theo đó, những hồ sơ thanh khoản của thương nhân không chấp hành tốt pháp luật hải quan và những hồ sơ thanh khoản của thương nhân chấp hành tốt pháp luật hải quan nhưng qua đối chiếu sơ bộ phát hiện có nghi vấn thì phải xuất trình tờ khai xuất khẩu, vận tải đơn, chứng từ vận tải. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho những thương nhân chấp hành tốt pháp luật hải quan vừa kiểm tra chặt chẽ đối với thương nhân không chấp hành tốt pháp luật hải quan.
17.2. Cơ quan hải quan không thực hiện thanh khoản đối với nguyên vật liệu tự cung ứng mua trong nước. Nhưng tại điểm đ, khoản 1 Điều 21 Thông tư số 117/2011/TT-BTC lại yêu cầu kê khai bảng tổng hợp nguyên liệu tự cung ứng (mẫu 04/HSTK-GC ). Vậy phải kê khai thực hiện đối với những loại nguyên liệu tự cung ứng từ nguồn nào?
17.2. Tại mẫu 04/HSTK-GC kê khai nguyên vật liệu nhập khẩu theo loại hình NSXXK để tự cung ứng cho hợp đồng gia công.
17.3. Điểm k khoản 1 Điều 21: đề nghị hướng dẫn “Bảng thống kê sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để đóng chung với sản phẩm xuất khẩu” mẫu 08/SPHC-GC . Vì tại Điều 11, điểm c.2 Thông tư số 117/2011/TT-BTC đã quy định quản lý như nguyên liệu. Vậy lập theo dõi và quản lý bảng này trên hệ thống hoặc thủ công như thế nào(HQ Hà Nội).
17.3. Khi làm thủ tục nhập khẩu thương nhân chỉ khai sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu trên tờ khai nhập khẩu; khi làm thủ tục xuất khẩu, thương nhân khai sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu đóng chung với sản phẩm gia công trên tờ khai xuất khẩu, chưa phải thống kê vào mẫu 08/SPHC-GC .
Khi khai hồ sơ thanh khoản, căn cứ vào tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu thương nhân thống kê vào Bảng số 08/SPHC-GC và nộp cùng hồ sơ thanh khoản. Việc kiểm tra thương nhân thống kê vào Bảng số 08/SPHC-GC thực hiện theo hướng dẫn kiểm tra hồ sơ thanh khoản.
17.4. Điều 21 Thông tư số 117/2011/TT-BTC không yêu cầu thương nhân xuất trình chứng từ thanh toán trong bộ hồ sơ thanh khoản.
Vướng mắc: Hải quan gặp khó khăn trong việc kiểm tra hồ sơ thanh khoản và kiểm tra sau thông quan (HQ Quảng Bình).
17.4. Để đơn giản giấy tờ, trong hồ sơ thanh khoản quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC đã bỏ chứng từ thanh toán; thay vào đó nếu cần kiểm tra việc thực xuất thì sử dụng vận tải đơn. Việc kiểm tra sau thông quan thực hiện theo quy định của kiểm tra sau thông quan.
17.5. Hồ sơ thanh khoản tại điều 21 Thông tư số 117/2011 khác với hồ sơ thanh khoản quy định tại Điều 39 Thông tư số 222/2009/TT-BTC .
Vướng mắc: Thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công thực hiện theo Thông tư nào. Đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
17.5. Hồ sơ thanh khoản nêu tại Điều 21 Thông tư số 117/2011/TT-BTC áp dụng cho hợp đồng gia công thực hiện theo phương thức truyền thống. Hồ sơ thanh khoản nêu tại Điều 39 Thông tư số 222/2009/TT-BTC áp dụng cho hợp đồng gia công làm thủ tục hải quan theo thủ tục hải quan điện tử.
17.6. Theo Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP và Điều 101 Thông tư số 194/2010/TT-BTC thì hàng gia công được phép tiêu hủy tại Việt Nam sau khi thanh lý thanh khoản hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu.
Do vậy, để đảm bảo quản lý đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu nhưng DN không đưa vào gia công và đề nghị tiêu hủy thì cần có hướng dẫn cụ thể các điều kiện để xem xét tiêu hủy đối với trường hợp này (Hải quan Đà Nẵng).
17.6. Việc tiêu hủy phế liệu phế phẩm phải được sự cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP . Theo đó, việc cho phép được tiêu hủy tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; để hàng gia công tiêu hủy được miễn thuế thì khi tiêu hủy phải có sự giám sát của cơ quan hải quan và phải có biên bản giám sát tiêu hủy theo đúng quy định của Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
17.7. Việc yêu cầu 02 công chức giám sát quá trình tiêu hủy là không khả thi, đề nghị giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm (Hải quan HCM).
17.7. Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định: việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm gia công phải có sự giám sát của cơ quan hải quan; vì vậy, không thể giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.
17.8. Khoản 2 quy định nộp hồ sơ thanh khoản, khoản 4 quy định thời hạn tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản, khoản 5 quy định thời hạn giải quyết nguyên vật liệu dư thừa, khoản 6 quy định thời hạn xác nhận hoàn thành thanh khoản thì thời gian từ ngày hết hạn hợp đồng đến ngày cơ quan hải quan xác nhận thanh khoản dài nhất là hơn 50 ngày.
Vướng mắc:
trong trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn của HĐGC đã được hoàn thành xác nhận thanh khoản muốn chuyển mục đích sử dụng thì thời điểm thay đổi mục đích sử dụng là thời điểm kết thúc hợp đồng hay thời điểm xác nhận hoàn thành thanh khoản? (HQ Lạng Sơn).
17.8. Thời điểm thay đổi mục đích sử dụng đối với máy móc thiết bị thuê mượn để thực hiện hợp đồng gia công là ngày đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan xử lý máy móc thiết bị thuê mượn.
18.
Điều 22. Xử lý quá hạn nộp hồ sơ thanh khoản và quá thời hạn làm thủ tục nguyên liệu, vật tư dư thừa và máy móc, thiết bị tạm nhập
18.1. Điều 21, Điều 23 không hướng dẫn xử lý đối với trường hợp hồ sơ thanh khoản quá hạn. Đề nghị quy định thêm việc xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp này có phải tính thuế, ấn định thuế hay không? (HQ Quảng Bình).
18.1. Nội dung Hải quan Quảng Bình nêu đã hướng dẫn rõ tại Điều 22, Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
18.2. Khoản 3 Điều 22 là hướng dẫn cho khoản 2 hay của toàn bộ Điều 22 (HQ Hồ Chí Minh).
18.2. Hướng dẫn cho toàn bộ Điều 22.
18.3. Trường hợp DN bỏ trốn, không nộp hồ sơ thanh khoản. Đề nghị cho phép cơ quan hải quan căn cứ vào số liệu có tại cơ quan hải quan tự thanh khoản, tính thuế, ấn định thuế (HQ Long An).
18.3. Vấn đề Hải quan Long An nêu đã hướng dẫn tại khoản 2, 3 Điều 22, Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
19.
Điều 23. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; sản phẩm gia công hoàn chỉnh chưa tái xuất; phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn
19.1. Các hình thức xử lý tại điểm b, c, e khoản 1 có quy định xử lý trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công nêu tại Điều 19, Điều 20 và điểm đ1, khoản 2, Điều 23.
Riêng các hình thức a và d thì không có quy định xử lý trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vậy, nếu có thỏa thuận của đối tác đặt gia công thì có được xử lý trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công không? (HQ Long An).
19.1. Thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC, theo đó, các hình thức nêu tại điểm a, d khoản 1 Điều 23 chỉ được xử lý sau khi thanh khoản xong hợp đồng gia công.
19.2. Điểm a khoản 1 Điều 23 quy định nguyên vật liệu dư thừa… khi bán tại thị trường Việt Nam thì thực hiện theo thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ. Trong khi điểm c.2 khoản 3 Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC quy định đối với phế liệu, phế phẩm của DNCX khi được phép bán vào nội địa thì DN nội địa làm thủ tục nhập khẩu theo quy định đối với hàng thương mại.
Vướng mắc: phế phẩm, phế liệu của DNCX thực hiện gia công cho thương nhân nước ngoài khi được bán tiêu thụ nội địa thì thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình nào? (HQ Lạng Sơn).
19.2. Điểm a.3 khoản 3 Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC quy định: “Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
Do vậy phế liệu, phế phẩm của hợp đồng gia công do DNCX nhận gia công cho thương nhân nước ngoài khi bán vào nội địa thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 23 Thông tư số 117/2011/TT-BTC và Điều 41 Thông tư số 194/2010/TT-BTC .
19.3. Điều 23 Thông tư này quy định xử lý phế liệu, phế phẩm, nguyên vật liệu dư thừa xử lý theo 05 hình thức. Tuy nhiên không nói rõ là phế liệu, phế phẩm, nguyên vật liệu dư thừa nằm trong hay ngoài định mức.
Đề nghị giải thích rõ hơn về phần phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức (HQ Bình Phước).
19.3. Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức là phần phế liệu tính vào tỷ lệ hao hụt và/hoặc nằm trong định mức sử dụng đã thông báo với cơ quan hải quan.
19.4. Đối với hợp đồng gia công dài hạn được lập thành các phụ lục có giá trị theo từng năm. Vậy quy định số lần chuyển tiếp NPL tính theo hợp đồng chung hay tính theo từng phụ lục hợp đồng.
19.4. Số lần chuyển nguyên vật liệu quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC là tính theo từng hợp đồng.
19.5. Thực tế có nhiều hợp đồng đến khi thanh khoản có tình trạng doanh nghiệp nhập NPL vượt số đăng ký ban đầu và đã xuất NPL vượt số lượng thực tế nhập dẫn đến bị âm số liệu.
Vướng mắc: hiện nay chưa có chế tài xử lý âm số liệu, phần mềm không có cảnh báo nhập vượt xuất vượt.
19.5. Để khắc phục vấn đề này, Thông tư số 117/2011/TT-BTC đã đưa vào quy định thương nhân phải khai đầy đủ nguyên vật liệu cung ứng vào mẫu 02/NVLCƯ-GC /2011. Phần mềm gia công đã có chức năng cảnh báo âm nguyên vật liệu. Khi có kết quả thanh khoản nguyên vật liệu âm thì hải quan làm thủ tục thanh khoản phải xác định được nguyên nhân dẫn đến kết quả thanh khoản âm, nếu có gian lận thì xử lý theo đúng quy định pháp luật.
19.6. Chưa có hướng dẫn đối với hủy NPL nhập khẩu do bị mất phẩm chất và doanh nghiệp xin tiêu hủy (HQ Hồ Chí Minh).
19.6. Việc tiêu hủy nguyên vật liệu mất phẩm chất thương nhân xin tiêu hủy thực hiện theo khoản 4 Điều 35 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP .
19.7. Trường hợp hàng gia công là thủy sản thì phải tiêu hủy trong ngày. Nếu có nhiều doanh nghiệp yêu cầu thì đơn vị không bố trí đủ nhân lực. Đề nghị có hướng xử lý trường hợp nêu trên (HQ Long An, Hồ Chí Minh).
19.7. Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, Lãnh đạo Chi cục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị để bố trí công chức hải quan giám sát tiêu hủy.
19.8. Khoản 4 Điều 23 có hướng dẫn bù trừ nguyên liệu nhưng không nói rõ việc bù trừ thực hiện tại thời điểm nào.
Đề nghị hướng dẫn:
khi kết thúc hđgc, DN kê khai nguyên liệu của các hợp đồng gia công bù trừ và tiến hành mở tờ khai chuyển giao cho lượng bù trừ trên để thực hiện thanh khoản (HQ Hải Phòng).
19.8. Khi thanh khoản hợp đồng gia công, nếu thương nhân có văn bản đề nghị được bù trừ nguyên vật liệu trong bảng thanh khoản hợp đồng thì Chi cục Hải quan làm thủ tục thanh khoản căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 23 Thông tư số 117/2011/TT-BTC và kết quả kiểm tra, đối chiếu thanh khoản để xem xét giải quyết. Sau khi thực hiện bù trừ nếu còn nguyên vật liệu dư thì thực hiện thủ tục xử lý nguyên vật liệu dư.
20.
Điều 24. Xử lý đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; sản phẩm gia công không xuất trả được do bên đặt gia công từ bỏ
Trường hợp bên thuê gia công từ bỏ (không có thỏa thuận với bên nhận gia công), khi đến hạn thanh khoản thì có được làm thủ tục tiêu hủy như điểm đ, khoản 2, Điều 23 hay không (HQ Long An).
Vấn đề Hải quan Long An nêu đã được hướng dẫn rõ tại Điều 24 Thông tư số 117/2011/TT-BTC.
21.
Điều 32. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công.
Đề nghị hướng dẫn cụ thể đối với nhập khẩu phế liệu về VN sau khi kết thúc hợp đồng gia công nếu thuộc mặt hàng cấm nhập khẩu, hoặc nhập khẩu có điều kiện (tại Điều 32) (HQ Hải Phòng).
Thực hiện theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
22.
Điều 33. Hiệu lực thi hành
22.1. Khoản 1 Điều 33 hướng dẫn bãi bỏ các công văn trước đây của Bộ Tài chính trái với Thông tư này. Vậy những nội dung mà Thông tư số 222/2009/TT-BTC hướng dẫn không phù hợp với Thông tư này thì thực hiện theo Thông tư 117/2011/TT-BTC. Tuy nhiên, về phần mềm chưa được điều chỉnh thì xử lý như thế nào?(HQ Hải Phòng).
22.1. Vướng mắc về phần mềm đề nghị có phản ánh cụ thể với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan để được xử lý.
22.2. Đối với các hợp đồng gia công đang theo dõi trước thời điểm Thông tư số 117/2011/TT-BTC có hiệu lực và vẫn còn hiệu lực khi Thông tư 117/2011/TT-BTC có hiệu lực thì xử lý thế nào?(HQ Bình Phước)
22.2. Vấn đề hải quan Bình Phước nêu đã được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 33 Thông tư số 117/2011/TT-BTC.