Công viên văn hóa quận Đống Đa: Vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh – Ảnh: VGP/Gia Huy
Về dự án văn hoá, thể thao chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, tổ đại biểu huyện Phú Xuyên nêu câu hỏi, dự án công viên văn hóa, thể thao quận Đống Đa được phê duyệt từ 2001, đến nay hơn 20 năm vẫn chậm triển khai, đại biểu đề nghị các đơn vị liên quan giải trình rõ về tiến độ dự án.
Về nội dung này, Chủ tịch quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, dự án công viên Đống Đa có quyết định thu hồi đất tại 3 phường. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, quận đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000 m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng quận đã sử dụng một một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…
Năm 2007, Thành phố có văn bản giao Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên văn hoá, thể thao quận Đống Đa, tuy nhiên từ đó đến nay dự án chưa được thực hiện.
Khó khăn vướng mắc chính của dự án theo Chủ tịch quận Đống Đa là về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thoả đáng. Năm 2019, quận đã có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc để báo cáo UBND Thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, Thành phố đã có văn bản giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.
Chủ tịch quận Đống Đa cho biết đã cung cấp số liệu dân cư, hiện trạng cho Sở Quy hoạch kiến trúc, trong thời gian Sở chủ trì 2 quận (Đống Đa và Ba Đình) sẽ tiếp tục phối hợp với Sở thực hiện.
Tại phiên giải trình, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh bổ sung thông tin, dự án công viên văn hoá Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai.
“Về bản chất có thể thấy khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng”, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết.
Cụ thể, đến nay, với quỹ đất 8,5 ha của giai đoạn 1 của công viên văn hoá, thể thao quận Đống Đa, việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9 ha.
“Đây là vướng mắc với chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua”, ông Kỳ Anh cho biết.
Năm 2017, Thành phố đã giao cho chủ đầu tư là BRG, tuy nhiên cũng vì vướng mắc giải phóng mặt bằng mà dự án chưa triển khai. Năm 2021, theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội và UBND Thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc cùng 2 quận Ba Đình và Đống Đa đã tổ chức rà soát một số dự án đã triển khai giai đoạn 1, trong đó có bãi đỗ xe Thái Hà, trường mầm non, Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Các bên cũng đang tập trung hoạch định lại phạm vi ranh giới dự án.
Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc Sở QHKT đề nghị, tới đây quận Đống Đa và Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử đụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở có rà soát về ranh giới mới. Sở Quy hoạch kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với Thành phố về ranh giới mới của dự án.
Theo ông Kỳ Anh, nếu 2 quận đáp ứng được tiến độ rà soát dự án thì Sở Quy hoạch kiến trúc trong nửa đầu năm 2022 sẽ trình UBND Thành phố về phương án điều chỉnh công viên văn hoá, thể thao Đống Đa.
Gia Huy