Cục Di sản văn hóa có chức năng gì? Cục Di sản văn hóa có quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ không?


Cho tôi hỏi Cục Di sản văn hóa có chức năng gì? Cục Di sản văn hóa có quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ không? Cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa như thế nào? – Câu hỏi của anh Thiên (Long An)

Cục Di sản văn hóa có chức năng gì?

Cục Di sản văn hóa

Cục Di sản văn hóa (Hình từ Internet)

Theo Điều 1 Quyết định 3878/QĐ-BVHTTDL năm 2013 thì Cục Di sản văn hóa là tổ chức thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có các chức năng sau:

– Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa;

– Quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;

– Được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cục Di sản văn hóa có quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ không?

Theo khoản 5 Điều 2 Quyết định 3878/QĐ-BVHTTDL năm 2013 thì Cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ và quyền hạn trong quản lý di tích như sau:

– Trình Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

+ Xếp hạng và điều chỉnh khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt;

+ Phê duyệt chủ trương, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có quy mô đầu tư lớn.

– Trình Bộ trưởng quyết định:

+ Thỏa thuận chủ trương, thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia;

+ Thỏa thuận chủ trương và thẩm định dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật;

+ Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

+ Xếp hạng và điều chỉnh khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia;

+ Cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ;

+ Hướng dẫn thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật.

– Thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích của các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Như vậy, Cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ, chứ không có quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa còn có một số nhiệm vụ và quyền hạn khác được quy định tại Điều 2 Quyết định 3878/QĐ-BVHTTDL năm 2013 như sau:

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; tham gia dự thảo, đàm phán điều ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

a) Đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam là Di sản thế giới;

b) Phương án xử lý đối với tài sản là di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

3. Trình Bộ trưởng quyết định:

a) Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về di sản văn hóa;

b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

c) Thỏa thuận quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội có liên quan đến di sản văn hóa;

d) Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các chức danh, định mức khoa học, kinh tế-kỹ thuật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

đ) Quản lý nhà nước nội dung hoạt động của các Hội, tổ chức phi Chính phủ về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;

e) Khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

4. Về bảo tàng:

a) Trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

– Thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

– Công nhận bảo vật quốc gia;

– Cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

b) Trình Bộ trưởng quyết định:

– Xếp hạng bảo tàng hạng I và thỏa thuận xếp hạng bảo tàng hạng II, III;

– Xác nhận điều kiện thành lập bảo tàng quốc gia và bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;

– Giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, thu giữ và giao nộp cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị;

– Phê duyệt hoặc thỏa thuận theo thẩm quyền dự án xây dựng và dự án, đề án hoạt động chuyên môn của bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;

– Đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

c) Cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;

d) Thẩm định dự án, đề án về nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật, trưng bày, hoạt động giáo dục bảo tàng và dự án, đề án chuyên môn thuộc các lĩnh vực hoạt động khác của bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng ngoài công lập theo quy định của pháp luật;

đ) Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng công lập hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Về di sản văn hóa phi vật thể:

a) Trình Bộ trưởng quyết định:

– Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

– Phê duyệt hoặc thỏa thuận dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

– Cấp phép cho người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam trong trường hợp địa bàn nghiên cứu, sưu tầm có phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

b) Phối hợp thẩm định hồ sơ xét tặng danh hiệu vinh dự cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

c) Phối hợp hướng dẫn hoạt động lễ hội truyền thống, tín ngưỡng gắn với di tích và nhân vật lịch sử;

d) Thẩm định dự án, đề án kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể và các đề án, dự án chuyên môn khác thuộc lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa như thế nào?

Theo Điều 3 Quyết định 3878/QĐ-BVHTTDL năm 2013 thì cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa bao gồm:

– Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.

– Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Văn phòng;

+ Phòng Quản lý di tích;

+ Phòng Quản lý bảo tàng;

+ Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể;

+ Phòng Thông tin – Tư liệu.

– Tổ chức sự nghiệp trực thuộc: Tạp chí Di sản văn hóa.