Cụm di tích Đình, Đền Đông Xá – Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia

(BNP) – Tọa lạc ở phía Đông làng Đông Xá, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, cụm di tích Đình, Đền Đông Xá xưa là một quần thể di tích có quy mô lớn, gồm nhiều công trình. Tuy nhiên, sau cuộc kháng chiến chống Pháp, đến nay chỉ còn lại tòa Đại đình.

Cổng Đình, Đền Đông Xá.

Đình Đông Xá vốn được xây dựng quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và được trùng tu tôn tạo thời Nguyễn. Đình xưa có quy mô lớn, mặt bằng kiến trúc kiểu tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh gồm nhiều công trình.

Tòa đại đình.

Tuy nhiên đến năm 1951, thực dân Pháp đã đốt cháy 3 gian Tiền tế và phá hủy 02 dãy tảo mạc nên nay chỉ còn lại tòa Đại đình.

Một góc Đình Đông Xá.

Với truyền thống quê hương, sau chiến tranh nhân dân đã cùng nhau tôn tạo ngôi đình thêm khang trang nhưng vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống của ngôi đình cổ với kiến trúc kiểu chữ nhất gồm tòa Đại đình 3 gian 2 chái. Mái đình lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi làm bốn góc đầu đao cong.

Bộ khung chịu lực và hệ thống cửa bức bàn được làm bằng gỗ, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn.

Gian thờ chính trong Đình thờ Đô Thống đại vương.

Miếu Đức bà thờ Phương Dung công chúa trong khuôn viên Đình Đông Xá.

Đình Đông Xá thờ Đô Thống đại vương và phối thờ Phương Dung công chúa. Theo thần phả, Đô Thống đại vương có công giúp vua Lý Công Uẩn kéo thuyền khỏi mắc cạn, được vua gả công chúa Phương Dung làm vợ và phong cho thực ấp ở Đông Xá. Sau ông lại có công dẹp loạn Tam Vương nên khi ông mất được nhân dân thờ phụng, các triều vua ban tặng sắc phong.

Gian thờ Bác Hồ trong Đình Đông Xá.

Hiện nay, trong Đình còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: Ngai thờ (thế kỷ 19), hương án (thế kỷ 20), hoành phi (thế kỷ 20), câu đối (thế kỷ 20)…

Toà Tiền tế của Đền Đông Xá.

Đền Đông Xá còn được gọi là đền Thượng, được khởi dựng từ lâu đời (khoảng thời Lê). Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay ngôi đền còn giữ được dấu ấn đặc trưng của hai thời Lê – Nguyễn với kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm hai tòa: tiền tế 5 gian 2 chái và hậu cung 3 gian 2 chái.

Gian chính của Đền thờ Đô Thống đại vương – người có công dẹp loạn Tam Vương và phối thờ Phương Dung công chúa.

Gian thờ trong Hậu cung của Đền.

Tòa Hậu cung 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, bộ khung bằng gỗ, mở cửa bức bàn phía trước. Kết cấu vì nóc kiểu vì kèo, trụ nóc kẻ truyền. Điểm đặc biệt của tòa Hậu cung là các họa tiết chạm khắc trên bộ vì, các bức cốn mang đặc trưng nghệ thuật thời Lê.

Cuốn thư thời Nguyễn còn được lưu giữ trong Đền Đông Xá.

Trong Đền hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý, có giá trị như: ngai thờ, kiếm thờ, hoành phi, câu đối thời Nguyễn; tượng thánh (thế kỷ 20), 14 sắc phong (thời Lê, Nguyễn), 02 thần tích (1470,1740) và 01 cuốn thư thời Nguyễn… được chạm trổ, sơn son thếp vàng rực rỡ.

Bằng công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.

Cụm di tích Đình, Đền Đông Xá được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia tại Quyết định số 372-VH/QĐ, ngày 10/3/1994.