Cúng 3 ngày, ngày tam chiêu hay mở cửa mả? – Hoa viên vĩnh hằng Kiên Giang
Dân gian quan niệm rằng khi chôn cất sau 3 ngày thì hồn phách người chết hội lại tỉnh táo rồi, nhưng nếu không mở cửa mả thì họ không tỉnh hẳn được, không thể trở lên mặt đất, cũng không biết đường về nhà, vì vậy cần làm lễ mở cửa mả để cho vong linh tỉnh hẳn có thể lên dương thế và tìm đường về nhà (nơi đặt bàn thờ).
Quan niệm này ở mỗi vùng miền đều có cách làm khác nhau, cách gọi cũng khác nhau như : Cúng 3 ngày, mở cửa mả hay ngày tam chiêu…
Chúng tôi xin giới thiệu Cúng 3 ngày và Lễ Tam chiêu như sau:
1. CÚNG 3 NGÀY
Sau khi an táng đến ngày thứ ba, con cháu và thầy cúng ra mộ, cúng mở cửa mả, đắp thêm cho mộ được cao ráo đẹp đẽ, lấy tre nứa rào chung quanh để trâu bò không vào được, rồi về nhà cúng ba ngày.
Tùy nơi có cách tính ba ngày khác nhau. Một số địa phương tính từ ngày mất là ngày thứ nhất. Cách này là do chỉ để người mất, quàn tại gia một ngày đêm, nên sau ngày chôn là đến ngày thứ ba, tiến hành cúng ba ngày luôn, như vậy là hợp lý.
Một cách tính nữa, tính từ ngày chôn là ngày thứ nhất. Trường hợp này do quàn tại gia hoặc ở nhà lạnh của bệnh viện quá ba ngày, để chờ con cháu về đông đủ.
Dân ta quan niệm rằng sau khi chôn, hồn vẫn còn phiêu diêu chưa ổn định. Mặt khác trước khi chôn, bàn thờ người chết chưa thật sự yên vị, vì bàn vong di chuyển ra nghĩa địa rồi lại đưa về. Đến ngày thứ ba mọi việc đã chu tất cho bàn thờ, mời hồn người chết về yên vị tọa lạc để con cháu phụng thờ.
Bàn thờ người mới mất để ở vị trí riêng biệt, chưa được đưa thờ chung ở bàn thờ Gia tiên. Vì người mới mất chưa được sạch sẽ. Sắp đặt bàn thờ có ảnh, bát hương…và các thứ cần thiết.
Tùy số lượng câu đối trướng mà treo cho hợp lý quanh bàn thờ. Phía sau bàn thờ, treo cao những bức trướng của dòng họ, tổ chức, tập thể; rồi đến trướng các gia đình thông gia, họ mạc…bạn bè thân hữu. Có thể treo vây quanh tạo không gian ấm cúng cho bàn thờ.
2. NGÀY LỄ TAM CHIÊU
Trước tiên nói về ngày Tam Chiêu mà người thế gian còn gọi là ngày (Mở Cửa Mả): Dân gian quan niệm rằng khi chôn cất sau 3 ngày thì hồn phách người chết hội lại tỉnh táo rồi, nhưng nếu không mở cửa mả thì họ không tỉnh hẳn được, không thể trở lên mặt đất, cũng không biết đường về nhà, vì vậy cần làm lễ mở cửa mả để cho vong linh tỉnh hẳn có thể lên dương thế và tìm đường về nhà (nơi đặt bàn thờ).
Đó là quan niệm dân gian, còn nếu nói về tâm linh thì lại là chuyện khác: Kỳ thực Tam Chiêu tức là một thời gian ước lượng, khi chết con người sẽ chia phần PHÁCH ra thành 7 phần (với nam và nữ chưa có con) và 9 phần với nữ đã sinh con tương ứng với thất khiếu (7 lổ) và cửu khiếu (9 lổ) trên người, những phần phách này được gọi là VÍA.
Vậy thì 3 hồn (THẦN HỒN, THÂN HỒN, TÂM HỒN) và 7 hay 9 VÍA được thoát ra đó sẽ được hội lại dần dần, có người sẽ rất nhanh nếu là người chết thanh thản, an nhiên, và sẽ lâu hơn với người chết uất ức, tức tưởi hay oan khuất.
Thông thường thời gian hoàn hồn là từ 3-7 ngày, nhưng người ta thường làm lễ vào ngày thứ 3, và vì vậy cho nên đa phần là chưa hội đủ hồn phách (vong linh như người lơ mơ, giống như người thường ngủ mới thức giấc, chưa thật sự tỉnh táo) vậy cho nên người ta mới làm lễ TAM CHIÊU (tức là Chiêu Hồn vào ngày thứ 3 hay còn gọi nôm na là Mở Cửa Mả).
Cách làm lễ mở cửa mả theo dân gian thì ai cũng biết (gồm những điều quan trọng như là: Cấm 4 ống trúc ở 4 góc mả để đánh dấu 4 hướng Đông Bắc, Nam Tây giúp vong linh định hướng khi trở lên), có làm một cây thang giả (để hồn phách biết là phải đi lên mới ra khỏi mả được), dùng một con gà (tượng trưng cho việc kêu gọi tỉnh táo) giúp cho các hồn phách nhanh chóng hội tụ lại, và dùng giấy tờ vàng mã hay gạo muối rãi ra đất làm dấu cho vong linh biết đường theo đó mà đi về nhà! Và dùng một cây mía dựng bên mả (dụng ý thay cho cây niêu định vị cho hồn phách tụ lại đây).
Thủ tục Cúng ba ngày, Lễ Tam chiêu phần lớn vẫn do thầy cúng làm
Từ đây đèn hương liên tục thắp cả ngày và đêm. Bàn thờ có nước, rượu, hoa quả … vài hôm thay một lần. Hàng ngày sáng chiều đến bữa, đều cúng cơm, coi như cha mẹ, ông bà vẫn bên con cháu dùng bữa hàng ngày. Cúng cơm này không cầu kỳ, trong nhà ăn gì cúng thức ấy, chỉ một ít tượng trưng, có bát đũa đặt trong một khay nhỏ, và rượu, nước…
Trước đây cúng ba ngày, còn là dịp để tang chủ mời bà con trong họ ngoài làng, bạn bè thân hữu gần xa đến bầy tỏ lòng cám ơn, xin đại xá cho những thiếu sót, khiếm khuyết không tránh khỏi.
Sau đó là tổ chức ăn cỗ. Bây giờ tục lệ ăn cỗ ba ngày mở rộng như vậy không còn nữa. Tang chủ có mời cũng không mấy ai đi. Tang chủ cám ơn qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh và vô tuyến truyền hình.
Việc cúng cơm thường nhật, duy trì ít nhất đủ tuần 49 ngày. Có nhà duy trì đến tuần 100 ngày mới thôi. Hương, đèn từ đây cũng tắt.
Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn.
Xét trong điển lễ thì không có “lễ ba ngày” mà chỉ có “lễ tế ngu” gồm có “sơ ngu”, “tái ngu”, “tam ngu”. “ngu” nghĩa là “yên”, tức là ba lần tế lễ cho yên hồn phách, theo “Thọ mai gia lễ” thì khi chôn xong, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (tức là ất, kỷ , tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày cương (tức là ngày giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu.
Ý nghĩa của việc Cúng ba ngày, Lễ Tam chiêu: Cây thang nam bảy nấc, nữ chín nấc là để người chết leo ra khỏi huyệt mồ. Năm thứ đậu và gạo muối cùng nước dùng để hồn người chết ăn uống cho no dạ.
Còn cây mía lau chín đốt là tượng trưng cho chín chữ cù lao, vì lau là lao đồng âm. Còn con gà con để tượng trưng các con nay côi cút như gà con lìa mẹ. Gà con còn được hiểu là gà linh, khi bị đánh nó kêu lên làm vong hồn người chết đang mê muội chưa biết mình đã chết, tỉnh ra.
(Nguồn: Internet)