Cúng “hà bá”
Ông Chín Bình là Phạm Thanh Bình, 74 tuổi, ngụ khu vực 1, khóm 3, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn – Cà Mau. Ông và vợ là bà Tạ Thu Phương đều là cán bộ hưu trí. Hơn 20 năm qua, năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch, ông bà phải mất trọn một tháng lương hưu để “cúng hà bá”. Lương hưu của hai ông bà Chín Bình hiện nay hơn 4 triệu đồng/tháng.
Thật ra, “cúng hà bá” không phải là tục lệ gì, nó là sự ví von của ông Chín Bình khi nói về những công việc chống nạn sạt lở đất ở thị trấn Năm Căn. Ông lý giải: “Nhiều vụ sụp lở đất trông nó kinh hoàng như bị con quái vật gì đó nuốt chửng. Tôi và ông Hai bên đây tạm gọi việc chống sạt lở là cúng hà bá. Nó giống như việc cúng cô hồn rằm tháng bảy, năm nào cũng phải cúng. Nhưng cúng hà bá thì tốn kém hơn nhiều”.
Ngày càng khiếp đảm
Bà Chín Bình ám ảnh bởi cây cầu ven sông độc nhất vô nhị ở xóm mình. Ảnh: T.N
Trước, bà Phương, vợ ông Chín hay lưỡng lự vì tiếc tiền, nhưng sau ngày 4 đứa trẻ con của người dân thị trấn này bị chết cùng một lúc trong một vụ sụp lở đất thì bà đã thay đổi suy nghĩ. Ông Chín nói bao nhiêu là bà đáp ứng cho ông hết. Lắm lúc bà còn hỏi ông có cần thêm thì bà đi hỏi mượn mấy đứa con. Ông Chín kể lại: “Không chỉ riêng vợ tôi, cả thị trấn này bây giờ ai cũng khiếp sợ sạt lở”. Ông kể lại sự kiện sạt lở thảm khốc ở Hàng Vịnh.
Đêm đó là 16-7-2007, thị trấn Năm Căn chìm trong tang tóc, mọi người gần như thức sáng đêm để chứng kiến, chiêm nghiệm sự cố nhà chị Mai bị sụp, dìm chết 4 đứa trẻ. Dân thị trấn, đến bây giờ, ai cũng có thể kể lại câu chuyện này.
Chị Mai là Nguyễn Ngọc Mai, con gái của ông Nguyễn Văn Bình (Năm Bình), người thị trấn Năm Căn.
Khi làm ăn có chút vốn, chị đến xã Hàng Vịnh, cách trung tâm thị trấn 3 km mua một rẻo đất cặp bờ sông, xây dựng nhà và một trại sản xuất tôm sú giống đồ sộ.
Sau khi khai trương được 3 ngày thì một sự cố khủng khiếp xảy ra. Đêm đó, khoảng 1 giờ khuya, toàn bộ căn nhà của chị Mai bỗng dưng chìm sâu xuống lòng đất, dìm chết 4 đứa bé.
Ông Chín Bình vẫn còn nhớ tên từng đứa, đó là Nguyễn Khánh An (3 tuổi, con chị Mai), Đỗ Thanh Hằng (15 tuổi), Đỗ Văn Tâm (12 tuổi) và Cao Ngọc Tỷ (4 tuổi). Ông Chín kể: “Thằng bé Nguyễn Ngọc Thạch, 12 tuổi, con thằng Tân trại giống, nhờ đi tiểu đúng vào lúc căn nhà rung chuyển và chìm dần, nên nó thoát nạn.
Con Mai tung cửa ra được, lội lên. Tội cho 4 đứa kia, kẹt trong phòng ngủ”. Bốn đứa trẻ bị tử nạn đều là cháu ngoại của ông Nguyễn Văn Bình, chúng nó ngủ tại nhà chị Mai để hủ hỉ với mẹ con chị trong những ngày đầu chưa quen nhà quen cửa.
Đêm đó, dân thị trấn đổ về nơi xảy ra tai nạn để tiếp sức tìm kiếm những đứa trẻ tử nạn và để tận mắt xem thảm cảnh sạt lở.
Ông Chín Bình nhớ lại: “Kỳ lạ. Nhà con Mai xây dựng chắc chắn trên một vùng đất bồi ven sông. Vậy mà nó sụp mất hút trong lòng đất. Tôi đến, tôi chỉ thấy cái nóc nhà nhô lên tí xíu như chóp cái nón lá. Nó cho mình một suy nghĩ khác về chuyện sạt lở. Không đùa với nó được”.
Đó là lời cảnh báo cho dân thị trấn Năm Căn, nơi từ lâu nổi tiếng với nạn sạt lở bờ sông triền miên, dai dẳng. Với ông bà Chín Bình, những cán bộ hưu trí, càng thấm thía thảm họa đang rình rập gia đình mình như thế nào. Ông nói với vợ, với những người hàng xóm rằng, không được tiếc tiền cúng “hà bá”.
“Con vật” gặm nhấm khổng lồ
Sạt lở tan hoang khu vực dân cư khóm 3, thị trấn Năm Căn. Ảnh: T.N
Thị trấn Năm Căn biến đổi hình thù liên tiếp vì nạn sạt lở. Vài ba năm, người ta lại thấy mất đi một dãy nhà, một con đường, một khu nhóm chợ. Trước nhà ông Chín Bình mười năm trước là một con đường bê-tông rộng 3 m. Phía ngoài là một dãy nhà sàn dài từ cầu Sắt đến tận cửa sông thông ra sông Cửa Lớn, buôn bán thủy hải sản sầm uất suốt ngày đêm.
Bà Chín hồi tưởng: “Hồi đó ở đây vui, nhộn nhịp lắm. Mấy đứa nhỏ ở nhà nhờ đó mà cũng kiếm ra tiền từ việc buôn bán cà phê, bún, cháo… Bây giờ đến con đường còn không có mà đi, phải đi bằng cầu”. Chợt bà cười, nói tếu lâm: “Nhớ nghệ sĩ Lệ Thủy có hát câu “cầu thì bắc qua sông, chứ ai đâu bắc ven sông bao giờ”. Cô ấy đến đây, thấy cảnh này, chắc sẽ không hát câu này nữa”.
Ông Lê Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết, sạt lở là vấn nạn của thị trấn từ hơn chục năm qua. Tỉnh cũng đã nhìn thấy và đang có dự án xây dựng bờ kè chống xói lở dài 1,6 km.
Dự án này đang được Sở NN&PTNT tiến hành về mặt thủ tục. Tuy nhiên, phía trên vẫn chưa ấn định được thời gian triển khai. Người dân rất mong chờ dự án này.
Xóm của ông bà Chín Bình có cây cầu độc nhất vô nhị. Nó được bắc ven sông, chạy dài khắp xóm. Con nít và người già thì khổ sở với nó, khi vài ba tháng lại bị sạt lở, nghiêng ngã, chòng chành.
Mới tuần rồi, bà Chín suýt té sông vì cầu nghiêng. Ông Chín liền phải làm cái việc đến hẹn lại lên, đi vận động xí nghiệp thủy sản tiền mua cây về sửa lại cầu.
Ông Chín kể: “Tự nhiên mình biến thành nhà hoạt động xã hội, gần chục năm nay. Nhưng đó vẫn chưa phải thê thảm nhất đâu. Sợ rằng, một hai năm nữa, sạt lở hết chân đất, không còn làm cầu được”. Nỗi ám ảnh lớn nhất của mấy chục hộ dân khu vực này là tắc đường đi lại với bên ngoài trong vài ba năm nữa.
Ông Chín Bình ví việc sạt lở nơi đây như đang bị một con quái vật khổng lồ gây ra. Ông và người dân đã dốc hết sức mình chống nạn sạt lở, nhưng chỉ có giữ được cái nhà trơ trọi như hiện nay.
Ông kể: “Năm nào tôi cũng phải mua cả trăm cây cừ tràm, vài chục mét vuông đất, rồi nào là mê bồ, tol cũ để kè tấn bờ sông. Mua từ hồi mỗi mét vuông đất chỉ 20.000 đồng, nay đã lên 100.000 đồng. Và đã áp dụng hết mọi phương pháp chống sạt lở học được từ nơi này, nơi khác, nhưng đều không chống đỡ nổi, chỉ một năm là bị cuốn đi tất cả, lại làm mới”.
Bà Chín buồn so: “Không biết bao giờ mới hết cái nạn này. Tuổi càng già mà cây cầu ven sông thì còn mau già hơn tôi!”.