Cung nữ cuối cùng của Việt Nam kể lại bí mật chốn hậu cung ngày xưa

Người cung nữ cuối cùng còn sống của Việt Nam kể lại cuộc sống trong hậu cung ám ảnh. Dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn nhờ như in cuộc sống nơi lầu son góc tía.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, những cung nữ từng phục vụ cho các vua chúa thời đại phong kiến Việt Nam đều đã lần lượt qua đời. Duy chỉ còn lại cụ bà Lê Thị Dinh, người phục vụ Từ Cung Hoàng Thái hậu – vợ vua Khải Định cho đến cuối đời, và cũng là cung nữ cuối cùng của Việt Nam còn sống.

Bà có nguồn gốc là con cháu Hoàng tộc, thuộc dòng trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần. Do đó, đến đời thứ 5, bà được đưa vào phục vụ trong cung vì thời vua Bảo Đại, không có lệ tuyển cung nữ. Đã gần 100 tuổi, bà Lê Thị Dinh vẫn nhớ như in những ngày tháng làm cung nữ nơi cung cấm.

Bà kể lại, năm 8 tuổi, đang học lớp 5 trường Đồng Khánh (là trường Hai Bà Trưng bây giờ), bà được Thánh Cung Hoàng hậu – vợ vua Đồng Khánh, gọi vào cung. Khi bà 15 tuổi, Thánh Cung qua đời, bà chuyển sang hầu hạ Đức Từ Cung. Mỗi tháng bà được trả 6 đồng tiền lương (có thể mua được 600 lon gạo).

“Nghe mẹ tôi kể lại, từ thời vua Khải Định về trước, cung nữ được tuyển vào cung vô cùng khắt khe. Cung nữ có hai loại danh phận. Thứ nhất là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai đơn giản hơn là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp…”, bà kể.

Tuy phục vụ xuyên suốt nhưng các cung nữ không được ăn cơm, vệ sinh trong cung. Khi có người trực thay, họ mới được về nhà ăn cơm rồi sau đó quay lại cung làm việc tiếp.

Trong 4 cung nữ hầu hạ Từ Cung Hoàng Thái hậu thời đó, bà Lê Thị Dinh làm nhiệm vụ trang điểm cho Đức Bà. Thỉnh thoảng bà còn được sai viết thư thăm hỏi vua Bảo Đại mỗi lần vua đi du hí.

Khi được hỏi trong các bậc vua chúa thời đó, bà nhớ nhất là ai, bà nói rằng có hai người mà mình nhớ nhất là Đức Từ Cung và con trai bà là vua Bảo Đại. Trong ký ức của bà, Đức Từ Cung là người chu đáo, biết lo lắng cho vận mệnh của hoàng tộc và đặc biệt rất thương dân. Ngài rất thích nghe những bài vè, bài vịnh về những người phụ nữ khí phách của nước Nam như Huyện Thanh Quan, Triệu Ấu, công chúa Huyền Trân…

Khi biết một vùng quê nào đó có dân đói khổ, ngài liền sai người hỗ trợ lương thực. Khi nghe thông tin về hoạt động mị dân của thực dân Pháp, ngài rất buồn và lo lắng… Với thời gian hầu hạ lên đến 60 năm, cũng dễ hiểu vì sao Đức Từ Cung lại là bậc vua chúa mà bà yêu mến và kính trọng nhất.

“Đức Từ Cung đức hạnh, thương dân thương nước như vậy, còn đức Bảo Đại hư hỏng lắm. Thấy con suốt ngày chỉ biết mê mẩn tửu sắc trong khi người Pháp ngang ngược lộng hành, ngài ăn không ngon ngủ không yên”- bà Dinh kể lại trong xúc động. Cũng theo lời bà, Bảo Đại là vị vua có nhiều cung tần, thứ phi nhưng lại rất hay “lăng nhăng” bên ngoài.

Đức Từ Cung đã sống ở đây những ngày cuối đời

Bà bảo mình còn biết nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” khác nhưng lại không muốn kể. “Mình là con cháu hoàng tộc, kể những chuyện không hay ho chi về tiền nhân là có lỗi. Chuyện chi qua rồi phải để cho nó qua đi”- bà cười buồn nói.

Sau khi Đức Từ Cung qua đời, vì vừa là cung nữ vừa là con cháu hoàng tộc, bà Dinh chuyển đến phủ Kiên Thái Vương (179 Phan Đình Phùng, TP. Huế) để lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, từ năm 1997 thì thờ thêm vua Bảo Đại.

Ngoài việc nắm rất rõ những nghi lễ trong chốn hậu cung, bà Dinh còn là một trong những người hiếm hoi chứng kiến lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Dù tuổi đã cao và lịch sử đã đi qua nhiều thăng trầm, biến cố, bà Dinh trở về cuộc sống đời thường nhưng vẫn thường xuyên đến thăm Đại nội.

Qua lời kể của người cung nữ cuối cùng của triều đại phong kiến này, người đọc chắc hẳn cũng hình dung được một phần nhỏ cuộc sống trong cung cũng như không khỏi xúc động trước tình cảm của bà dành cho hoàng tộc ngày xưa.