Cung thiếu nhi Hà Nội – một di sản Kiến trúc hiện đại, nơi lưu giữ ‘hồn nơi chốn’ và ký ức tuổi trẻ Hà Nội – Tạp chí Kiến Trúc

Cũng như Văn Miếu Quốc Tử giám hay Nhà hát lớn, Cung thiếu nhi Hà Nội là một thiết chế văn hoá quan trọng, mỗi công trình đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Hà Nội – thời kỳ hiện đại Việt Nam. Với một ngôn ngữ kiến trúc hoàn toàn khác biệt với hai công trình văn hoá kia, Cung xứng đáng là di sản đại diện cho giai đoạn lịch sử mà nó ra đời. Tuy nhiên gần đây, Hà Nội khởi công dự án cung thiếu nhi, nhiều người lo lắng Cung thiếu nhi có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ sẽ không còn là ngôi nhà văn hóa của thiếu nhi Hà Nội nữa. Là người có nhiều năm nghiên cứu và trăn trở về công trình Cung thiếu nhi Hà Nội, PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, đại diện Docomomo Vietnam (1) đã có bài viết chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này. Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu!

Tháng 10 năm 2015, tôi là đại diện Việt Nam tham dự hội thảo khởi động Chương trình nghiên cứu về Kiến trúc hiện đại Đông Nam Á tại Tokyo, Nhật Bản. Chương trình được gọi tên là mASEANa (2) với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các nước ĐNÁ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, có cả chủ tịch Docomomo International (3) – giáo sư Ana Tostoe, và rất nhiều các học giả, nhà nghiên cứu về kiến trúc hiện đại ở nhiều nước trên thế giới. Trong 10 công trình hiện đại của Việt Nam được chúng tôi lựa chọn để giới thiệu với bạn bè quốc tế lúc đó có công trình Cung Thiếu Nhi Hà Nội (Cung TNHN). Với hàng trăm kiến trúc hiện đại ở các nước được giới thiệu trong hội thảo, cung TNHN đã nhận được sự chú ý đặc biệt. Ngay sau đó, đại diện quỹ văn hoá – giáo dục Getty (4)(Getty Foundation) của Mỹ – một tổ chức uy tín bậc nhất trên thế giới tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn văn hoá – nghệ thuật, đã chủ động tiếp cận tôi và nói rằng “Cung thiếu nhi Hà Nội của các bạn là một công trình rất ấn tượng. Tôi nghĩ bạn nên chuẩn bị hồ sơ gửi đến quỹ Getty để nhận được những hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính”. Trong chương trình ‘Keep It Modern’ dành cho các công trình kiến trúc Thế kỷ XX, Quỹ Getty hàng năm sẽ lựa chọn 10 công trình kiến trúc hiện đại đặc sắc từ tất cả các Châu lục trên Thế giới, tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu và các hoạt động bảo tồn nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn thế giới về giá trị, ý nghĩa lịch sử, kỹ thuật, công nghệ và tư tưởng của các công trình kiến trúc hiện đại này; đồng thời qua những cases cụ thể để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về nghiên cứu, bảo tồn và quản lý các công trình đó.

Sau hội thảo quốc tế và cuộc trao đổi quý giá đó, về nước, tôi đã vô cùng hứng khởi và khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị hồ sơ về Cung TN HN để trình lên Getty. Với riêng cá nhân tôi, cung thiếu nhi Hà Nội không có gì xa lạ, thậm chí là quá thân thuộc vì tôi có cả một tuổi thơ sinh hoạt câu lạc bộ mỹ thuật ở Cung (khoảng từ những năm 1984 đến 1990) và ‘lê la’ hết mọi ‘xó xỉnh’ của ‘toà lâu đài văn hoá tuổi thơ’ đó. Đồng hành cùng tôi trong việc chuẩn bị hồ sơ có KTS Trương Ngọc Lân (thuộc ĐHXD) người chuyên sâu về lịch sử kiến trúc, KTS Nguyễn Hà (c.ty Arb East – Thuỵ sĩ) và một số anh em đồng nghiệp khác; và một người cực kỳ quan trọng không thể không nhắc đến, đó là KTS Lê Văn Lân (5), tác giả thiết kế, cũng chính là Tổng công trình sư của ngày đó của công trình.

Hồ sơ ban đầu của Cung Thiếu nhi Hà Nội đã được chuẩn bị xong và gửi sang quỹ Getty vào cuối tháng 12/2015, và nó nhanh chóng được đưa vào danh sách ngắn (short-list) để tiếp tục vào vòng tiếp theo. Để các bạn có thêm các thông tin về Cung và tác giả, chúng tôi xin chia sẻ những nội dung chính trong hồ sơ đã được chuẩn bị và gửi đến quỹ Getty như sau:

Thông tin chung về công trình

  • Tên công trình: Cung Thiếu nhi Hà Nội
  • Năm thiết kế: 1974
  • Năm hoàn thành xây dựng: 1976
  • Địa điểm: 36 – 38 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Chức năng công trình: Nơi tổ chức các lớp học, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật thể dục thể thao cho thiếu niên nhi đồng thành phố, với hơn 60 năm hoạt động
  • Cơ quan quản lý: Thành đoàn Hà Nội, thuộc UBND Hà Nội
  • Diện tích khu đất: 1,2ha
  • Cung bao gồm 3 khối công trình:
    • Khối hành chính (tòa nhà Pháp cổ đã có sẵn trên khu đất)
    • Khối nhà chức năng 5 tầng (dành cho các lớp học, các CLB, tổng diện tích sàn 7000m2)
    • Nhà hát 520 chỗ (rạp Khăn quàng đỏ)

1. Giới thiệu về KTS thiết kế công trình

Tác giả công trình là KTS Lê Văn Lân (5), sinh ngày 20 – 2 – 1938. Ông tốt nghiệp lớp Kiến trúc. – Xây dựng (đầu tiên) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội – tiền thân của Đại học Xây dựng (sau khi được tách ra từ ĐH bách khoa), ra trường năm 1959. Năm 1960 ông công tác tại Cục thiết kế dân dụng, và tại cục Quy hoạch đô thị và nông thôn, thuộc Bộ Xây dựng.

Năm 1961 ông thực tập tại Moscow về quy hoạch; Từ 1963 – 1967: ông làm việc tại Viện Thiết kế – Quy hoạch Hà Nội, Từ 1968 – 1972: ông tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức về thiết kế công trình văn hóa; Từ 1973 – 1980: ông làm Phó Viện trưởng Viện Thiết kế Công trình Hà Nội; Từ 1981 – 1998: ông làm Viện trưởng Viện Thiết kế Xây dựng Hà Nội/ giám đốc Công ty tư vấn và thiết kế dân dụng Hà Nội. Ông còn là: Nguyên Ủy viên BCH hội KTS Việt Nam từ 1983 – 2005; Nhiều năm tham gia giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên các trường Kiến trúc; Giám đốc công ty TNHH kiến trúc xây dựng đô thị Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch thành phố Hà Nội. (Ông này được giới thiệu khá kỹ ở chú thích)

2. Ý nghĩa và các giá trị nhiều mặt của Cung thiếu nhi Hà Nội

Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình hiện đại xuất sắc của Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc thù và hết sức khó khăn. Để nhìn nhận được thấu đáo ý nghĩa và giá trị của công trình kiến trúc này, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh ra đời đặc biệt lúc bấy giờ, khi Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh và đang dốc toàn lực cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời vươn lên khẳng định trí tuệ và năng lực của mình trong công cuộc kiến tạo đất nước; mà KIẾN TRÚC luôn là một “công cụ” biểu đạt tuyệt vời.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Cung thiếu nhi Hà Nội có thể nói là một công trình có ý nghĩa về nhiều mặt.

Ý nghĩa xã hội của công trình cung thiếu nhi:

  • Nhà Văn hóa là một trong những thiết chế xã hội, một loại cơ sở hạ tầng xã hội rất đặc trưng ở các nước XHCN; cung văn hóa cho thiếu nhi ở Hà Nội – công trình hiện đại đầu tiên, ưu tiên xây dựng cho thiếu nhi, trong thời kỳ chiến tranh, thể hiện một sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với các thế hệ tương lai, một quan điểm hết sức nhân văn.
  • Công trình được thiết kế, thi công và xây dựng bởi KTS và các chuyên gia, công nhân Việt Nam trong thời kỳ khó khăn của giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, khẳng định sự độc lập, vươn lên mạnh mẽ trong trí tuệ, năng lực và nỗ lực.
  • Về vị trí, công trình được đặt trong một khuôn viên rộng rãi, ngay cạnh ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, và hồ Gươm, trái tim của cả nước, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển văn hóa, tinh thần và thể chất cho trẻ em.

Ý nghĩa kiến trúc:

Công trình là một tác phẩm kiến trúc nổi trội và tài tình, là sự “tự khẳng định” của nền kiến trúc hiện đại Việt nam. Quần thể công trình gồm Nhà hành chính (là một biệt thự cổ thời Pháp đã tồn tại từ trước trên mảnh đất), Nhà chức năng chính, và rạp Khăn quàng đỏ.

Một số đặc điểm kiến trúc chính, nổi trội của Khối nhà chức năng như sau:

Ngôn ngữ hình khối của công trình hiện đại, đơn giản, bố cục chặt chẽ, thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn ngữ kiến trúc thuộc địa pháp cổ, hay những xu hướng kiến trúc trước đó. Công trình gần như để thoáng nhiều ở tầng 1, đưa không gian bên ngoài vào sảnh chính rộng rãi; Những cầu thang lớn ngoài trời dẫn lên một sảnh rộng ở tầng 2 không có tường bao che, tạo ra những không gian vui chơi dạng terrace vừa trong nhà (in-door) vừa ngoài trời (out-door) cho trẻ em, vô cùng thú vị và cuốn hút. (Ở đây có một chiếc ghế hình trăng khuyết bằng chất liệu bê tông granito rất duyên. Hồi đó tôi học hoạ, nhưng vẫn thèm được học ballet. Khi nhìn trộm các bạn lớp ballet tập, tôi đã thường ra chiếc ghế trăng khuyết này để tự tập các động tác xoặc, hoặc uốn; mà đau quá nên giấc mơ nhảy múa đành bỏ dở). Mặt bằng các tầng được giải quyết khác nhau trên cùng một hệ kết cấu chung, đảm bảo thích ứng với các yêu cầu sử dụng khác nhau của các câu lạc bộ.

Về kết cấu và vật liệu, hệ kết cấu công trình chính là khung bê tông cốt thép, tường gạch; có sử dụng dàn thép đối với công trình nhà hát (rạp Khăn quàng đỏ). Công trình tận dụng mọi vật liệu sẵn có tại địa phương, kể cả vật liệu đá đã hỏng trong chiến tranh, gạch, ngói thừa của các công trình xây dựng khác trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn của chiến tranh.

Về các giải pháp thích ứng khí hậu, KTS Lê Văn Lân đã làm các đồng nghiệp quốc tế hậu sinh thán phục. Công trình không được đặt bám đường hay vuông góc với đường theo cách bố trí TMB thông thường mà được đặt một góc mở khoảng 60 độ so với trục phố Lý Thái Tổ, mở ra trường thị giác rộng lớn để có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vóc dáng công trình từ cả phố Lý Thái Tổ và phố Trần Nguyên Hãn. Hướng công trình cũng chính là hướng có điều kiện thông gió lý tưởng nhất trong điều kiện khí hậu Hà Nội. Công trình sử dụng lớp tường hoa bê tông diện lớn phủ gần như toàn bộ mặt đứng, giúp chắn nắng, hạn chế bức xạ nhiệt nhưng vẫn đủ sáng và đảm bảo thông thoáng. Đây là một trong những thủ pháp thiết kế năng lượng thụ động rất thông minh và hiệu quả, được phát triển từ việc vận dụng giải pháp “tấm dại” trong kiến trúc truyền thống nhà ở Việt Nam. Thủ pháp này cũng là một trong những điểm nhận diện kiến trúc hiện đại tại các vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam và một số các nước ĐNÁ – một sự hoà trộn của các xu hướng toàn cầu vào điều kiện địa phương giai đoạn cuối Thế kỷ XX. Ở Cung TN, các cửa được mở rộng tối đa ở các tầng để tạo sự lưu thông không khí và giao hòa với thiên nhiên cả về thị giác lẫn lưu không.

Lần đầu tiên tại Hà Nội, tác giả đã đưa ra giải pháp vườn hoa trên mái cung, nhưng do một số hạn chế về kinh phí mà ý tưởng đã không được thực hiện. Công trình cũng chủ động khai thác và bảo vệ toàn bộ các cây xanh cổ thụ sẵn có trong khuôn viên (điều mà sau hàng chục năm, công cuộc cải tạo cung năm 2016 – 2017 đã thất bại thảm hại khi việc thi công cải tạo (không rõ vô tình hay hữu ý) đã làm chết hai cây cổ thụ trong khuôn viên cung).

Một số đặc điểm thú vị khác của công trình như: Có sự kết hợp kiến trúc với trang trí nghệ thuật mosaic gốm trên cột, tranh tường, tranh kính; có sự kết nối khéo léo và tinh tế giữa kiến trúc mới (khối nhà chính) và công trình kiến trúc Pháp cổ (khối hành chính) thông qua một hành lang cầu phía sau sảnh chơi terrace đã được kể trên. Cung được Tiệp khắc giúp đỡ về thiết bị và đồ chơi, trong đó có chiếc thang máy; và đây cũng là công trình được lắp đặt thang máy đầu tiên ở Hà Nội (nếu không kể thang máy do người Pháp lắp đặt tại KS Metropole vào đầu thế kỷ đã sớm hư hỏng).

Về Rạp Khăn quàng đỏ, công trình này cũng là một kiến trúc chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị. Đây là nhà hát được thiết kế tỉ mỉ và phức tạp nhất thời bấy giờ với 520 ghế. KTS Lê Văn Lân đã nghiên cứu hàng trăm mẫu nhà hát khác nhau trên thế giới để thiết kế rạp Khăn quàng đỏ này. Rạp đòi hỏi phải có hầm trú ẩn tránh bom, một trong những yêu cầu khó khăn nhưng rất cấp thiết thời bấy giờ. Sân khấu rạp có hố nhạc (dưới hố nhạc có không gian ắp đặt thiết bị nâng hạ sàn hố nhạc (nhưng thực tế thời kỳ đó do hoàn cảnh kinh tế chưa có điều kiện lắp đặt để sử dụng), có buồng đèn rọi ở hai bên trước sân khấu và dàn đèn phía trên trần trước sân khấu, có cầu trình diễn trước sân khấu, có buồng hóa trang, tẩy trang, kho đạo cụ

KTS Lê Văn Lân đã tâm sự với chúng tôi rằng ông đã suýt bị tước bằng KTS và chứng chỉ hành nghề khi từ chối yêu cầu của lãnh đạo thành phố thời đó để đơn giản hóa thiết kế rạp nhằm rút ngắn thời gian thi công và tiết kiệm kinh phí. Lúc đó, ông thậm chí đã chấp nhận những mất mát và thiệt hại cá nhân về thanh danh để bảo vệ thiết kế của mình đến cùng. Quả là một tấm gương nghề nghiệp sáng chói. Và cuối cùng ông đã chiến thắng, thiết kế nhà hát đã được thấu hiểu và tôn trọng.

Ý nghĩa công năng:

Hơn 40 năm qua, công trình này thực sự là thế giới văn hoá tuổi thơ đúng nghĩa của rất rất nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng của Hà Nội. Nhiều thế hệ văn nghệ sỹ của Việt Nam (các ca sỹ, họa sỹ, diễn viên nổi tiếng) đã trưởng thành và lớn lên từ cái nôi nghệ thuật này: ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Hồng Nhung đều từng là những ngôi sao ca nhạc thiếu nhi của cung mà các thế hệ 7x, 8x chúng tôi vô cùng hâm mộ. Hình ảnh, không gian và ký ức về Cung Thiếu nhi, một cách vô thức đã trở thành một phần ký ức Hà Nội trong lòng người Hà Nội. Chính điều giản đơn này lại là yếu tố tạo nên ‘hồn nơi chốn’ và ‘bản sắc’ của một thành phố.

Cũng như Văn Miếu Quốc Tử giám hay Nhà hát lớn, Cung thiếu nhi Hà Nội cũng là một thiết chế văn hoá quan trọng. Mỗi công trình đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Cung thiếu nhi là đại diện của thời kỳ hiện đại Việt Nam, giai đoạn độc lập, kiến thiết quốc gia và tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Với một ngôn ngữ kiến trúc hoàn toàn khác biệt với hai công trình văn hoá kia, Cung xứng đáng là đại diện cho giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, là một sự tiếp nối lịch sử bằng vật thể, giúp kể câu chuyện liền mạch về một Hà Nội thăng trầm.

Đã qua hơn 40 năm sử dụng, công trình hiện này đang quá tải vì hàng năm đón nhận ngày càng nhiều các lớp thiếu nhi đến học tập và rèn luyện. Vì vậy, việc một thành phố 10 triệu dân như Hà Nội hiện nay cần có thêm các cung thiếu nhi, các nhà văn hoá, các sân chơi, vườn hoa là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên cần khẳng định điều này không thể đồng nghĩa với việc khi một công trình mới được xây thêm thì có thể xoá bỏ công trình cũ – khi công trình ấy là một kiến trúc có giá trị và đang được khai thác với công suất rất lớn. Không, điều đó là không thể chấp nhận được với trường hợp cung thiếu nhi Hà Nội.

Tóm lại, từ các góc nhìn khác nhau, chúng ta có thể khẳng định Cung Thiếu nhi Hà Nội là một công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn về nhiều mặt: Nó là vườn ươm tài năng nghệ thuật lâu năm của trẻ em Hà Nội; là một trong những kiến trúc hiện đại đúng nghĩa đầu tiên của Hà Nội, do KTS Việt Nam thiết kế, do người Việt Nam xây dựng – là biểu tượng của sự vươn lên, sự tự khẳng định mang tầm quốc gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và văn hóa. Cung thiếu nhi Hà nội xứng đáng là một ‘DI SẢN KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI TIÊU BIỂU CỦA VIỆT NAM’ có thể sánh vai với các kiến trúc hiện đại thế giới (theo cách tiếp cận của các tổ chức chuyên môn quốc tế) và ít nhất nó xứng đáng là một ‘công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt’ – theo Luật Kiến trúc mới được ban hành và đã có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm 2020. Nó cần được chúng ta bảo vệ với sự trân trọng tối cao.

Lời bạt

1. Cung Thiếu nhi Hà Nội cuối cùng đã không thể tham gia chương trình ‘Keep It Modern’ của Quỹ Getty để sánh vai với những kiến trúc hiện đại thế giới, vì một lý do vừa khách quan vừa chủ quan. Đầu năm 2016 cung được tiến hành sửa chữa do hỏng học và xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Dự án cải tạo cung, mặc dù không thay đổi về kết cấu công trình nhưng chưa xem xét đến khía cạnh lịch sử và bảo tồn di sản, vì vậy đã làm thay đổi khá nhiều những đặc trưng lịch sử thông qua kiến trúc của công trình, cụ thể: Các hàng cột, tường sử dụng chất liệu bề mặt là đá rửa (sỏi nhỏ mịn) rất đặc trưng những năm 70s, 80s đã được ‘hào phóng’ thay bằng ốp đá granite Thanh hoá; Các hệ cữa kính khung thép cũ đã được thay thế bằng hệ cửa nhôm kính phổ biến hiện nay; Việc ngăn và lắp hệ cửa chống cháy (theo yêu cầu về quy chuẩn phòng cháy mới) đã làm thay đổi thiết kế gốc và ảnh hưởng lớn đến tiện nghi sử dụng của công trình; và nhiều chi tiết cải tạo khác, có thể giúp công trình an toàn nhưng chưa tính đến các yếu tố lịch sử.

Chúng ta cần hiểu rằng một trong những ý nghĩa quan trọng của công tác bảo tồn – trung tu công trình có giá trị lịch sử là (một mặt) giúp cho công trình được an toàn, bền vững, nhưng không được phép làm thay đổi các yếu tố nguyên gốc, để công trình có thể “kể chuyện lịch sử” của thời đại mà nó ra đời thông qua chính nó: từ kết cấu, đến chi tiết, vật liệu và nhiều yếu tố khác.

Với những thay đổi do dự án cải tạo này, chúng tôi đã chủ động rút Cung TN HN khỏi danh sách chọn của quỹ Getty 2016 vì tiêu chí nguyên gốc không còn được đảm bảo.

2. Trước những băn khoăn về vận mệnh của Cung TN Hà Nội hiện hữu khi thông tin về việc khởi công dự án cung thiếu nhi mới xuất hiện trên báo chí, đã có quá nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng, bất bình nếu Cung cũ bị phá bỏ và mảnh đất cung bị khai thác cho các lợi ích nhóm; và sự thất vọng của cộng đồng trước cách phải hồi dư luận thiếu rõ ràng của Thành phố rằng “chưa có kế hoạch gì với cung cũ”; chúng tôi sẽ sớm gửi lên Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thành phố, UBNDTP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Vụ Quy Hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng Bản trình bày các giá trị cùng các hồ sơ lịch sử về cung Thiếu nhi Hà Nội cũ (như đã phân tích ở trên), và đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành các thủ tục ghi danh công trình này vào danh mục ‘Kiến trúc có giá trị đặc biệt’ (theo Luật Kiến trúc) để có một kế hoạch bảo tồn cụ thể, có hiệu lực thực sự. Chúng tôi cũng sẽ gửi thông tin về Cung TNHN lên tổ chức Docomomo Internetational, đề nghị đưa cung vào danh mục ‘Heritage in danger’ để các chuyên gia và đại diện của các tổ chức quốc tế sẽ có ý kiến với chính quyền và các cấp quản lý của Hà Nội cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ công trình kiến trúc hiện đại có giá trị này.

Xem thêm: Hà Nội xây Cung thiếu nhi mới, Cung thiếu nhi cũ có còn thuộc về thiếu nhi?

Chú thích:

(1) Docomomo Vietnam là nhóm nghiên cứu và bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam, được thành lập như một tổ chức đại diện quốc gia của Việt Nam thuộc Docomomo International, dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
(2) mASEANa (modern ASEAN architecture) là chương trình nghiên cứu về kiến trúc hiện đại Đông nam Á với sự tham gia của các chuyên gia đến từ 10 nước Đông Nam Á và Nhật bản, được tài trợ bởi Quỹ Nhật Bản (Japan Foudation và các quỹ khác, dưới sự bảo trợ của Docomomo Japan và Docomomo Internnational. mASEANa kéo dài từ 2015 đến 2021 với hơn 10 hội thảo quốc tế và hàng loạt các ấn phẩm, tài liệu về kiến trúc Hiện đại các nước Đông nam á, trong đó có Việt Nam
https://www.facebook.com/maseanaproject2015/
(3) Docomomo Internation (Documentation and Conservation of buildings and sites of the Modern Movement) là một tổ chức nghề nghiệp quốc tế phi lợi nhuận có sự mệnh thục hiện việc nghiên cứu, lưu trữ và bảo tồn các công trình, địa điểm và các khu đô thị thuộc trao lưu hiện đại, với 71 quốc gia thành viên (https://www.docomomo.com). Năm 2019, Docomomo Việt Nam được chính thức công nhận và trở thành thành viên thứ 70 của Docomomo International.
(4) https://www.getty.edu/
(5)KTS Lê Văn Lân là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam với rất nhiều thành tựu và đóng góp thực tiễn. Các công trình thực tiễn mà ông đã thiết kế và quy hoạch bao gồm: Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Cổng Công viên Thống Nhất, Chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm- Đức Viên, Khách sạn Somerset ven hồ Tây, Khách sạn Phương Đông, Khách sạn Hà NộiCông viên Thủ Lệ, các khu tập thể Văn Chương, Quỳnh Lôi, Nghĩa Đô.
KTS Lê Văn Lân có thể được xem là đại diện của thế hệ KTS thứ hai của Việt Nam được đào tạo trong môi trường đào tạo KTS của Việt Nam, để phân biệt với thế hệ KTS đầu tiên của Việt Nam được đào tạo trong trường Mỹ Thuật Đông Dương theo chương trình của Pháp. Những thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên này đều có những đóng góp lớn lao cho nền kiến trúc Việt Nam với những phong cách riêng, có thể phân biệt được, do ảnh hưởng từ môi trường đào tạo và quá trình trưởng thành trong nghề nghiệp.

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, đại diện Docomomo Vietnam
(Ảnh: KTS Trương Ngọc Lân)
© Tạp chí kiến trúc

Ứng xử ra sao đối với các công trình di sản hiện hữu luôn là bài toán khó đặt ra đối với các KTS. Hiện tại, Tạp chí Kiến trúc đang phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (Đại diện bởi ECUE) tổ chức Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, trong đó có hạng mục dự thi: Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị và các công trình lưu trữ giá trị lịch sử phải chuyển đổi, di dời và Bảo tồn, phát huy các giá trị trong thời đại mới. Hy vọng, Cuộc thi sẽ là dịp để các KTS đồng hành cùng Hà Nội trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, các dấu ấn lịch sử của Hà Nội. Chi tiết cuộc thi xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/the-le-cuoc-thi-thiet-ke-khong-gian-sang-tao-ha-noi.html