Cuộc chiến Gruzia và những yếu tố khiến NATO kinh hãi trước sức mạnh của Nga

Đúng 10 năm trước, Gruzia đã đem quân đội đánh chiếm Nam Ossetia, kéo theo sự can thiệp của Nga. Chiến sự kết thúc sau 5 ngày bằng lệnh ngừng bắn do Pháp đề xuất với thất bại nặng nề thuộc về Gruzia.




Cuộc chiến ngắn nhất lịch sử

Trong đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8-8-2008, Gruzia đã đem quân đánh Nam Ossetia, một trong hai nước cộng hòa ly khai đòi độc lập tách khỏi Gruzia. Tbilisi khi đó lập tức khiến cả thế giới bất ngờ, khi các đòn quân sự của nước này được tiến hành ngay đêm trước lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.

Theo các báo cáo của Nam Ossetia, quân đội Gruzia đã bắn đạn pháo liên hồi vào thủ phủ Tskhinvali của vùng lãnh thổ, phá hủy hoàn toàn thành phố và giết chết 1.492 dân thường.

Tuy nhiên, Gruzia đã mắc sai lầm lớn khi khu vực Tskhinvali lại là nơi có rất nhiều người Nga sinh sống. Bởi vậy, không mất nhiều thời giờ, Moscow đã lập tức phản ứng lại bằng một chiến dịch quân sự quy mô lớn buộc Gruzia phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.

Lực lượng Nga kéo về biên giới Gruzia trong cuộc chiến năm 2008. Ảnh: AP

Sau chưa đầy 2 ngày giao tranh với Nga, quân đội Gruzia đã mất toàn bộ thế chủ động tại Nam Ossetia, bị đánh bật khỏi những vị trí đã chiếm được, phải lùi sâu về tuyến sau. Chiến sự sau đó kết thúc từ chiều 12-8-2008 với việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lệnh ngừng chiến dịch tấn công Gruzia sau 5 ngày. Ông Medvedev tuyên bố, mục tiêu của Nga đã đạt được và “kẻ xâm lược đã bị trừng phạt đích đáng”.

Về phần mình, Tổng thống Mikhail Saakashvili, người muốn biến Tbilisi thành tiền đồn chống Nga ở châu Âu, lật đổ ảnh hưởng của Moscow ở khu vực Caucasus bằng một cuộc chiến đã buộc phải chấp nhận các biện pháp hòa bình do Điện Kremlin đề xuất. Ngày 15-8-2008, ông Saakashvili thậm chí đã đặt bút ký trước vào thỏa thuận ngừng bắn với Nga.

Tới sáng 16-8-2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev chấp thuận ký vào thỏa thuận ngưng bắn. Mười ngày sau, vào ngày 26-8-2008, Gruzia một lần nữa bất lực nhìn Nga công nhận độc lập cho Nam Ossetia và Abkhazia.

Ông Dmitri Medvedev. Ảnh: Reuters

Vùng đất Ossetia được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng đã ly khai cùng với Abkhazia kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Gruzia luôn coi Nam Ossetia và Abkhazia là phần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Gruzia gần như không thể chiếm vùng đất chiến lược này bằng bất cứ cách nào.

Tiềm lực của Nga khiến NATO giật mình 

Dưới góc nhìn quân sự, các chuyên gia đánh giá cuộc chiến tại Nam Ossetia đã được chính quyền Gruzia tính toán rất kỹ, từ việc tập trung lực lượng, tính toán thời điểm tấn công cũng như những biện pháp kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, một kết quả như ý đã không đến với Tbilisi khi quân đội Nga đã can thiệp quá nhanh chóng và mạnh mẽ khi công dân của họ bị ảnh hưởng bởi bom đạn vô lý.

Một chiếc Tu-22 của Nga trong chiến dịch quân sự ở Gruzia. Ảnh: ITN

Có thể nói, sau gần 2 thập kỷ Liên Xô tan rã, các trang bị vũ khí của quân đội Nga xuống cấp nghiêm trọng, trong khi năng lực tác chiến của binh sĩ không còn tinh nhuệ như trước. 

Tuy nhiên, trong lần xung đột với Gruzia, Nga đã rút được kinh nghiệm quý báu và áp dụng chiến thuật “chiến tranh chớp nhoáng”. Ngay sau khi quân Gruzia đột nhập vào Nam Ossetia, Nga đã nhanh chóng điều động 20.000 lính, 500 xe tăng và một số máy bay chiến đấu như: Su-24, Su-25, Su-27 và Tu-22 tham chiến.

Các động thái điều quân của Nga bất ngờ với cả Mỹ lẫn các thành viên khác trong NATO khi các hệ thống trinh sát của khối không thể phát hiện ra khí tài của Nga đã được triển khai đến khu vực chỉ trong chưa đầy một ngày.

Các hướng tấn công đa dạng của quân đội Nga. Ảnh: ITN

Lầu Năm Góc khi đó thừa nhận, hoặc là trình độ ngụy trang của quân Nga quá cao hoặc là khả điều động lực lượng của Nga đã vượt quá sức tưởng tượng của họ. Chính vì vậy, trong khi các nước phương Tây còn chưa kịp thống nhất lập trường, xung đột giữa Nga và Gruzia đã kết thúc.

Thêm vào đó, Nga còn khiến các nước phương Tây ngỡ ngàng với khả năng hiệp đồng tác chiến khi đã huy động đồng thời các quân chủng tham gia một chiến dịch quân sự thực tế chỉ trong vòng vài giờ.

Cụ thể, đơn vị lục quân số 58 của Nga đã mở chiến dịch tấn công ở Đông Gruzia ngay trong ngày 8-8-2008, hạm đội Biển Đen triển khai khí tài tới bờ biển Abkhazia sau đó vài giờ, trong khi các máy bay chiến đấu và lực lượng đổ bộ liên tục gây áp lực từ trên không trong suốt 5 ngày giao tranh.

Còn nhớ, trong các cuộc chiến ở Chechnya, quân đội Nga đã không đạt được hiệu quả như ý vì dùng hỏa lực thiếu chính xác. Điều này không chỉ gây lãng phí về vũ khí trang bị, mà còn khiến nhiều thường dân chết oan, làm Nga mất đi sự ủng hộ của người địa phương và lâm vào thế bị động trên trường quốc tế.

Lính Nga lái những chiếc Humvee rời khỏi Gruzia sau chiến sự năm 2008. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, chuyện đã khác sau 8 năm lãnh đạo đất nước của Tổng thống Putin, người rất chú trọng tới việc nghiên cứu, phát triển vũ khí có độ chính xác cao, trang bị cho quân đội cũng như huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến chính xác. Do đó, trong cuộc chiến với Gruzia vào năm 2008, Nga gần như không gây thiệt hại đáng kể cho dân thường khi nhắm mục tiêu vào các nơi tập trung đông người như cầu, đường, trạm radar, sân bay, cảng quân sự.

Để đảm bảo khả năng răn đe tối đa với Gruzia, Nga cũng đã “cắt” hầu như toàn bộ hệ thống mạng Gruzia và các hệ thống truyền dẫn quân sự. Trong 5 ngày giao tranh, các hệ thống liên lạc giữa các binh chủng cũng như vận tải của Tbilisi gần như bị tê liệt. Đến nay, dù Nga chưa từng công bố thêm chi tiết nào, song nhiều chuyên gia đã xác nhận về sự việc này.

Về thiệt hại, Nga đã mất 18 binh sĩ, 4 máy bay chiến đấu, 3 xe tăng, gần 20 xe thiết giáp hạng nhẹ và một số xe tải. Trong khi đó, Gruzia đã mất khoảng 4.000 binh sĩ, các căn cứ quân sự tê liệt, các khí tài hư hỏng hoàn toàn sau các cuộc giao tranh với lực lượng Nga, Nam Ossetia và Abkhazia. Ngoài ra, ít nhất 5 xe thiết giáp Humvee do Mỹ cung cấp cho Gruzia cũng bị người Nga tịch thu sau chiến sự.

Một chiếc xe tăng bốc cháy sau cuộc chiến năm 2008. Ảnh: AP

Rõ ràng, cuộc xung đột ở Nam Ossetia không đơn giản là một cuộc tranh chấp dân tộc nhỏ bé mang tính cục bộ. Mỹ và NATO khi đó nhiều lần muốn kết nạp Gruzia làm thành viên để lập tiền đồn kiềm chế Nga tại khu vực. Bằng cuộc chiến chớp nhoáng, Nga đã chứng tỏ họ không có ý định “ngồi nhìn” NATO hiện diện ngay sát vách.

Gần đây, khi NATO một lần nữa lại nói tới khả năng gia nhập khối của Gruzia, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã lập tức lên tiếng nhấn mạnh bất cứ động thái tương lai nào của khối về việc này sẽ đều kéo theo “xung đột khủng khiếp” với Nga. Thủ tướng Nga cũng nói rằng cuộc chiến 5 ngày vào năm 2008 có thể đã được ngăn chặn nếu Gruzia không có các động thái quân sự sai lầm.