Cuộc chiến chống gian lận thi cử tại Ấn Độ vẫn còn nhiều gian nan
Mục lục bài viết
Gian lận thi cử dưới nhiều hình thức
Khi mùa thi của Ấn Độ vừa mới bắt đầu vào đầu năm nay, trên Facebook của các nhóm chuyên hỗ trợ chuẩn bị cho các kỳ thi ở nước này đã tràn ngập những thông tin quảng cáo, cam kết kết quả của nhiều bài thi khác nhau.
Chỉ vài phút lướt Facebook, các em học sinh, sinh viên có thể thấy ngay những lời hứa hẹn vô cùng hấp dẫn, như “Nhận ngay đề thi và đáp án cho bài thi sắp tới của bạn, đảm bảo 100% chất lượng và bảo mật” hay “Nhận chứng chỉ mà không cần thi tuyển, đảm bảo 100% hợp pháp”.
Tình trạng “lộ đề”, mua bán đề thi bị “đánh cắp” trên mạng xã hội vẫn diễn ra cho dù đề thi được bảo mật rất cẩn trọng. Thông thường, đề thi sẽ được niêm phong bảo mật và cất giữ trong tủ khoá kín của nhà trường. Chìa khoá được cất giữ đặc biệt ở đồn cảnh sát hoặc các toà nhà chính phủ.
Trong các kỳ thi, cách thức gian lận thô sơ nhất là chuyển đáp án vào phòng thi. Thậm chí, phụ huynh đôi khi cũng “vào cuộc” hỗ trợ con em mình trong thi cử. Chẳng hạn năm 2015, tại bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, nhiều phụ huynh đã bất chấp nguy hiểm, trèo tường bên ngoài một trường trung học để chuyển “phao” cho con em mình đang làm bài thi trong lớp.
Thiết bị Bluetooth được giấu trong đế dép xốp. Ảnh: AFP
Thời đại công nghệ khiến hình thức gian lận cũng tinh vi hơn. Năm ngoái, có 10 thí sinh trong kỳ thi tuyển giáo viên tại Ấn Độ đã bị phát hiện sử dụng thiết bị bluetooth giấu trong đế dép xốp và tai với ý đồ gian lận. Giá của một đôi dép như thế này lên đến 600,000 rupees (tương đương gần 180 triệu đồng).
Vào tháng hai năm nay, một sinh viên y khoa tại Đại học Mahatma Gandhi Memorial ở Indore, Ấn Độ, đã bị phát hiện với một thiết bị bluetooth màu da được phẫu thuật cấy ghép hẳn vào trong tai. Chiếc điện thoại liên kết với thiết bị được khâu vào một túi quần bí mật.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2021 của Learning Spiral – một nhà cung cấp phần mềm luyện thi trực tuyến lớn, có 73% sinh viên đại học thừa nhận gian lận trong các bài kiểm tra trực tuyến.
Một giảng viên tại một trường cao đẳng kỹ thuật ở Maharashtra, miền tây Ấn Độ, ước tính có đến 90% sinh viên của mình gian lận thi cử dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chống gian lận trong thi cử – bài toán đau đầu cho các nhà chức trách
Gian lận thi cử hiện đang một trong những bài toán đau đầu cho các nhà chức trách tại Ấn Độ. Các cơ quan chức năng nước này đã và đang chuyển sang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và đa dạng hơn để kiểm soát tình hình.
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống gian lận trong thi cử. Ảnh: The Economist
Vào năm 2019, một trường học ở Karnataka, miền nam Ấn Độ cực chẳng đã, đã phải áp dụng một biện pháp phòng chống gian lận thi cử “có một không hai” khi yêu cầu học sinh đội hộp các tông trên đầu khi làm bài thi để tránh quay cóp.
Năm nay, bang Tây Bengal đã lắp đặt thiết bị gây nhiễu internet gần các trường học ở nhiều quận. Bang này cũng đặt camera CCTV trong các phòng thi và yêu cầu sinh viên sử dụng khẩu trang do nhà trường phát khi vào phòng thi.
Trong khi những đột phá trong việc tổ chức thi cử vẫn chưa thể thực hiện ngay, thì cách thức chống gian lận trước mắt được triển khai quyết liệt là “nâng cấp” hệ thống khoá tủ giữ đề bài và “phổ cập” camera CCTV.
Trong kỳ thi hồi tháng ba vừa qua, có 5.192.689 sĩ tử Ấn Độ đã làm bài ở 8.373 địa điểm thi. Tất cả các điểm thi đều được trang bị camera CCTV. Đề bài được cất trong những chiếc tủ có hai lớp khoá.
Trước tình trạng đề thi có thể “lộ” và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng cũng chuẩn bị sẵn các bài thi dự phòng và đổi đề ngay khi phát hiện ra.
Cảnh sát Ấn Độ tổ chức những cuộc điều tra rất lớn khi phát hiện các đường dây gian lận thi cử.
Hiện nay, cùng với việc rất quyết liệt đưa ra các hình thức chống gian lận trong thi cử, các cơ quan chức năng cũng cân nhắc thay đổi, áp dụng đa dạng cách đánh giá học sinh ở các cấp học cao, chứ không chỉ chú trọng vào điểm số các bài thi.
Đâu là lời giải căn bản?
Các kỳ thi vào đại học của Ấn Độ rất khắc nghiệt. Tỷ lệ “chọi” để vào các trường đại học vô cùng nghiệt ngã, chỉ có khoảng 20% thí sinh vào được đại học. Riêng tỉ lệ thi đỗ vào Viện Công nghệ và Khoa học Birla (tại Pilani, Ấn Độ) chỉ là 1,47%.
Không chỉ vậy, điểm điều kiện để được nhận đơn đăng ký dự thi ở một số trường cũng cao ngất ngưởng. Trước đây, Đại học Delhi, một trong những trường nổi tiếng về chất lượng đào tạo của Ấn Độ, học sinh phải đạt ít nhất 99% điểm tối đa các môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới đủ điều kiện đăng ký tuyển đại học. Đây là nét khác biệt giữa Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới khi hệ thống giáo dục ở nước này sử dụng tỷ lệ phần trăm/điểm tối đa để tính thành tích của học sinh, thay vì dùng điểm phẩy trung bình.
Vào được đại học cũng chưa hẳn đã hết áp lực. Sinh viên muốn tìm được việc làm, học lên bậc cao hơn hay đi du học cũng cần điểm số thật tốt. Vì thế, sinh viên xuất thân từ các gia đình không khá giả phải chịu áp lực lớn hơn nhiều từ điểm số, việc học tập và từ chính phụ huynh của mình.
Thực trạng thi cử, đánh giá qua điểm số các bài thi khiến có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề có thể nằm cả ở chính hệ thống giáo dục, chứ không chỉ hoàn toàn ở sự thiếu trung thực của học sinh.
Các trường học vẫn còn tình trạng bệnh thành tích. Các bài thi chú trọng nhiều đến học thuộc hơn là học hiểu hay suy luận. Một số giáo viên còn “làm ngơ” trước việc học sinh gian lận trong các kỳ thi.
Chỉ khi bệnh thành tích được khắc phục, áp lực điểm số được giải toả mới có thể giúp tình trạng “mèo đuổi chuột” giữa gian lận và chống gian lận trong các kỳ thi được giải quyết triệt để, tận gốc.
Nguồn: The Economist