Cuối năm về với di tích Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ, Đồng Nai
Nhân ngày 22/12, Đoàn công tác cùng Lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai dâng hương và chụp hình lưu niệm tại di tích Trung ương Cục miền Nam
Giữa những ngày cuối tháng 12, nhận lời mời của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hảo – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, đoàn khảo sát các chương trình du lịch về nguồn của chúng tôi rời miền Bắc lúc 6h00 sáng với tiết trời mưa lạnh. 8h00 đến TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đi theo quốc lộ 1A qua thành phố Biên Hoà (Đồng Nai), gặp ngã 3 Trị An rồi rẽ trái để vào Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (hay còn gọi là rừng Mã Đà – Trị An). Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai có vị trí đặc biệt quan trọng nằm ở trung tâm các tỉnh miền Đông nam bộ, nằm cách TP Hồ Chí Minh khoảng 70 km và cách thành phố Biên Hòa khoảng 40 km. Đây không chỉ là nơi bảo tồn các loại động thực vật quý, hiếm của khu vực miền Đông Nam Bộ mà còn là nơi lưu dấu tích lịch sử của cha ông trong cuộc chống Mỹ cứu nước – Chiến khu Đ hay căn cứ Mã Đà.
Đoàn đi tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai
Khu Bảo tồn được thành lập năm 2004 với tổng diện tích tự nhiên quản lý là 100.572 ha, gồm: 68.052 ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp và 32.520 ha vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An. Trong Khu Bảo tồn có 03 di tích lịch sử cấp Quốc gia. Mục tiêu chính là quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiện có và khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai và miền Đông Nam bộ; tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn Quốc gia Cát Tiên; bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, gắn công tác bảo tồn thiên nhiên với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của các di tích và phát triển du lịch sinh thái; mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Khu Bảo tồn thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5- lưu vực sông Đồng Nai – WWF, 2001) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF 2003-2004). Là Một trong 13 vùng ưu tiên của khu vực Đông Nam Á (CEPF 2004). Với những đặc trưng nổi bật nêu trên, ngày 29/6/2011, Khu bảo tồn cùng với Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Đây là mô hình về bảo tồn đa mục đích phát triển bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học (ĐDSH) và đa dạng văn hóa, lịch sử được duy trì từ xa xưa và tương lai hướng tới mục tiêu “bảo tồn cho phát triển – phát triển để bảo tồn”.
Hiếm một nơi nào mà có thể bạn sẽ bắt gặp những gia đình chú bò tót lững thững dạo bộ trên đường như nơi đây
Khu Bảo tồn được thành lập với mục tiêu khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai và vùng miền Đông Nam bộ và bảo tồn nguồn gen các loài động thực vật, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản; tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn Quốc gia Cát Tiên, bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của các di tích, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn là điểm trải nghiệm về sinh thái, văn hóa lịch sử đặc sắc
Vùng đệm Khu Bảo tồn gồm 46 ấp và 02 khu phố nằm trong địa bàn 17 xã, 01 thị trấn của 6 huyện nằm trên địa bàn 03 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, trong đó vùng đệm KBT thuộc tỉnh Đồng Nai gồm 39 ấp và 02 khu phố nằm trên địa bàn 04 huyện. Khu Bảo tồn nằm về phía Bắc tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km và cách thành phố Biên Hòa khoảng 40 km (nằm cạnh nhà máy Thủy điện Trị An). Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, trước đây còn là vùng căn cứ cách mạng với địa danh nổi tiếng Chiến khu Đ.
Một góc nhỏ của Khu bảo tồn nhìn từ trên cao
Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961 – 1962) được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 02/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2001 của Bộ VHTT. Sự kiện thành lập Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) và những chiến công đầu tiên do Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo và lãnh đạo đã đi vào lịch sử của dân tộc. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Ban quản lý dự án Chiến khu Đ thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và tổ chức khánh thành vào dịp kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Trung ương Cục miền Nam (tháng 10/2004).
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961- 1962) được tôn tạo gồm: nhà bia cao 15m với những họa tiết, hoa văn minh họa sự hùng vĩ, phong phú, đa dạng của rừng miền Đông, gắn liền với những chiến công oanh liệt. Bia đá ghi danh các đồng chí Ủy viên Trung ương Cục miền Nam sừng sững hòa trong màu tím hoa bằng lăng ngát mùi hương. Nhà trưng bày, Đền tưởng niệm – một công trình đặc sắc mang đậm phong cách kiến trúc Nam bộ. Tượng Bác Hồ ngồi nghiên cứu Lịch sử Đảng và hàng trăm hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày giới thiệu về Trung ương Cục miền Nam.
Đại diện Lãnh đạo Ban biên tập Tạp chí dâng hương tại Nghĩa trang Mã Đà & Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Cùng với hệ thống các di tích lịch sử, khi đến với khu bảo tồn, chúng ta cũng có cơ hội chinh phục Hồ Trị An, công trình thủy điện lớn của quốc gia với diện tích hơn 32.520 ha, ngoài nhiệm vụ chính là tích nước phục vụ phát điện cho nhà máy thủy điện Trị An, còn có chức năng cung cấp và điều tiết nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt, nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản cho hơn 15 triệu cư dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Hồ Trị An có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái trong khu vực miền Đông Nam bộ.
Nhiều đoàn Lãnh đạo cao cấp Đảng, nhà nước đến dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích ( Ảnh: QĐND )
Khi đến với khu di tích Trung ương cục, du khách sẽ được hướng dẫn đi trên con đường thồ (con đường giao liên) còn thấm đẫm mồ hôi, máu của bao chiến sĩ giao liên, hậu cần, giao bưu, để cảm nhận được sự gian lao vất vả của chiến sĩ, đồng bào bám trụ chiến đấu tại chiến khu Đ. Theo con đường mòn ngoằn ngoèo, hun hút giữa rừng già đến với bia các ban, các cơ quan thuộc Trung ương Cục, tận mắt nhìn thấy hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu. Hấp dẫn hơn, khách có thể vượt sông Mã Đà bằng loại cáp treo mà một thời bộ đội dùng để vượt sông, chuyển lương thực, vũ khí vào căn cứ….
Cùng với di tích Trung ương cục, di tích Khu ủy miền Đông và địa đạo Suối Linh, những giá trị về đa dạng sinh học đã tạo cho Khu bảo tồn trở thành một điểm đến cho những du khách ưa trải nghiệm. Khu bảo tồn đang hướng tới danh hiệu Vườn Di sản ASEAN (AHP) và Ramsar (Công ước Ramsar) .
Khu bảo tồn là điểm đến sinh thái, văn hóa hấp dẫn (Ảnh: ĐHLH)
Theo thống kế, trong giai đoạn 2010 – 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình về số lượt khách đạt 23,87%, đây là mức tăng trưởng cao so với các khu, điểm du lịch trên địa bàn (trong đó, tăng trưởng trung bình về số lượt khách quốc tế đạt 4,42%, khách du lịch nội địa đạt 0,70%); tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch có lưu trú đạt 2,20%; tốc độ tăng trưởng trung bình khách tham quan là 0,545%. Đến năm 2018, khu bảo tồn có trên 20 ngàn lượt khách đến tham quan. Dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, từ sau khi chính phủ mở cửa ngành du lịch quay trở lại bình thường, năm 2022 khu bảo tồn đã đón tiếp và phục vụ gần 200 đoàn khách với khoảng trên 21 ngàn lượt khách.
Có thể nói, với những giá trị đang nắm giữ, Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa sẽ là điểm đến không thể thiếu cho khách du lịch khi đến với Đồng Nai, là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, các nhà nghiên cứu khoa học, nhằm khám phá thiên nhiên, sự đa dạng sinh học cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của vùng đất “Hào khí Đồng Nai”.
Di tích Hội trường khu ủy Miền đông Nam Bộ ( Ảnh: TDTT Phú Nhuận)
Di tích Hội trường khu ủy Miền đông Nam Bộ ( Ảnh: TDTT Phú Nhuận)