[ĐÁNH GIÁ XE] Mitsubishi Outlander CKD 2018 – Có còn “chất Nhật”?
Phân khúc xe gầm cao trong tầm giá khoảng 1 tỷ đồng ở Việt Nam hiện đang cực kỳ sôi động với Honda CR-V, Mazda CX-5, Nissan X-Trail hay các đại diện Hàn Quốc như Kia Sorento, Hyundai Tucson. Trong bối cảnh rất nhiều mẫu xe kể trên đã có phiên bản hoàn toàn mới hoặc facelift, đi kèm nhiều khuyến mại đa dạng, Mitsubishi Việt Nam cũng tung ra một động thái được nhiều người mong đợi: lắp ráp Outlander tại nhà máy đặt ở Bình Dương.
Theo đó, bản tiêu chuẩn của Outlander 2.0 CVT sẽ được bán thấp hơn khá nhiều với phiên bản chuẩn của Mazda CX-5, Nissan X-Trail hay Honda CR-V. Cụ thể, Mitsubishi Outlander phiên bản 2.0 CVT có giá 823 triệu đồng, phiên bản 2.0 CVT Premium có giá là 942 triệu đồng và 2.4 CVT Premium có giá là 1,1 tỷ đồng. Nhưng, ngoài mức giá hấp dẫn thì Outlander CKD có “món” gì để cạnh tranh sòng phẳng với hai “ông trùm” phân khúc là Mazda CX-5 và Honda CR-V?
Lắp ráp trong nước?
Trước khi chúng ta trải nghiệm chiếc Mitsubishi Outlander màu đỏ tuyệt đẹp này, hãy cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mà có lẽ các bạn đang băn khoăn: liệu xe lắp ráp trong nước có tốt như xe nhập không?
Nhiều đồng nghiệp của tôi và khách hàng tiềm năng của Mitsubishi đều có chung câu hỏi trên. Nắm bắt được tâm lý đó, Mitsubishi Việt Nam đã dành khá nhiều thời gian trong buổi lễ ra mắt Outlander CKD hồi tháng 1 năm nay để chứng minh chất lượng Outlander lắp ráp không hề thua kém xe nhập khẩu.
Mitsubishi Motors Việt Nam cho biết Outlander mới tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu khi sử dụng các bộ linh kiện được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và quy trình lắp ráp được giám sát nghiêm ngặt bởi chính các chuyên gia từ tập đoàn Mitsubishi Motors Nhật Bản. Định kỳ, những miếng thép chứa mối hàn của khung xe Outlander được cắt ra và gửi sang Nhật Bản để các kỹ sư hãng mẹ thẩm định chất lượng mối hàn.
Phần nắp capô của một chiếc Outlander chọn ngẫu nhiên trong dây chuyền lắp ráp sẽ được cắt vụn thành 160 mảnh nhỏ để thẩm định chất lượng sơn. Đây là quy trình kiểm tra nhằm đảm bảo độ đồng màu và độ bền của lớp sơn phủ trên xe. Chưa hết, một số chiếc Outlander lựa chọn ngẫu nhiên sẽ được xuất khẩu ngược về Nhật để các chuyên gia ở đất nước mặt trời mọc trực tiếp kiểm tra chất lượng một cách tổng thể. Như vậy, bước đầu ta có thể thấy rằng Mitsubishi Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo chất lượng xe Outlander lắp ráp trong nước.
Ngoại thất ấn tượng
Mẫu CUV 5+2 của Mitsubishi ghi điểm ngay từ giây phút đầu tiên khách hàng “chạm mặt” chiếc xe này. Mitsubishi Outlander quá khác biệt so với các mẫu xe cùng phân khúc, và khác biệt với cả chính phiên bản trước nhờ ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield với triết lý “Vẻ đẹp từ công năng”.
Trước đây, không ít người cho rằng có một sự mông lung về hình ảnh thương hiệu của Mitsubishi: người tiêu dùng dường như không thể nhớ đến một chi tiết thiết kế hay một hình dáng nào tượng trưng cho hãng xe Nhật. Một hãng xe không gây được sự ấn tượng trong lòng đa số người tiêu dùng thì khó có thể phát triển mạnh mẽ. Ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield đã gạt bỏ sự mập mờ đó và Outlander là mẫu xe đầu tiên được áp dụng ngôn ngữ thiết kế đầy táo bạo và ấn tượng này.
Người đứng sau Dynamic Shield là ông Tsunehiro Kunimoto, Giám đốc thiết kế toàn cầu của Mitsubishi với hơn 40 năm kinh nghiệm. Theo ông, Dynamic Shield không chỉ được thể hiện ở vẻ bề ngoài đầy năng động, thể thao (Dynamic) mà đó còn là lời khẳng định bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hành khách trong xe. Đó là lý do vì sao Mitsubishi dùng từ Khiên (Shield) mà không phải thứ gì khác. Năng động và an toàn là hai yếu tố quan trọng nhất để tạo nên hình ảnh của mọi chiếc xe Mitsubishi.
Với ngôn ngữ thiết kế mới, Outlander thực sự lột xác so với thế hệ trước. Phần đầu xe ấn tượng hơn cả với cụm đèn pha dạng LED 4 gương cầu (bản tiêu chuẩn dùng bóng halogen) và dải đèn LED chạy ban ngày sắc sảo, nằm gọn trong các thanh mạ crôm đầy kiểu cách, tạo nên một chữ X bao trọn đầu xe. Mặt ca lăng bao gồm 2 thanh mạ crôm to bản bao quanh logo Mitsubishi và toàn bộ khoảng trống còn lại được bọc nhựa đen cũng góp phần tạo nên một bộ mặt đầy cá tính và bệ vệ cho Outlander.
Outlander có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) 4.695 x 1.810 x 1.710 mm, thuộc hàng lớn nhất phân khúc. Nhìn từ bên hông, đường gân sắc lẹm chạy dọc thân xe, kết nối 2 cụm đèn trước sau và thanh nẹp crôm ở phần thân dưới càng góp phần tạo ấn tượng thị giác về chiều dài ấn tượng của Outlander. Chưa hết, mui xe còn được bố trí hai thanh gá nóc màu bạc kết nối kính chắn gió trước và kính hậu, góp phần tôn lên kiểu dáng năng động của Outlander.
Phần đuôi xe khá vuông vức và thu hút ánh nhìn nhờ hai cụm đèn hậu full LED gồm các dải đèn LED to bản khiến mẫu xe của Mitsubishi thêm phần sang trọng. Chi tiết này tựa như thiết kế của các mẫu xe châu Âu cao cấp và khiến Outlander thực sự nổi bật vì các đối thủ hầu hết đều sử dụng đèn halogen hoặc chỉ có dải đèn LED rất mảnh.
Bên cạnh đó, tấm cản sau được tạo hình rất dày dặn, được sơn sáng màu và tấm lướt gió đặt cao tích hợp đèn báo phanh dạng LED cùng bộ la-zăng 18 inch 2 tông màu là các chi tiết cuối cùng tạo nên vẻ bề ngoài rất bảnh bao, đĩnh đạc nhưng đầy năng động cho Mitsubishi Outlander.
Nội thất rộng rãi và thực dụng
Nội thất Outlander vẫn được thiết kế theo hơi hướng đơn giản và có chút gì đó cổ điển, hơi ăn chắc mặc bền đậm chất xe Nhật. Nội thất xe được phối 2 tông màu đen và be khá sang trọng với màu be là chủ đạo, tạo nên một không gian ấm cúng, rộng rãi. Chất lượng vật liệu nội thất của Outlander thuộc hàng tốt nhất phân khúc với da ghế, da ốp táp pi khá mềm mại và mịn màng.
Outlander còn sở hữu những trang bị cao cấp bao gồm phanh tay điện tử, chế độ tạm thời giữ phanh Auto Hold, hệ thống sưởi hàng ghế trước, cửa sổ trời điều khiển điện, sưởi gương chiếu hậu, sưởi kính sau, đèn pha + gạt mưa tự động, điều hòa tự động 2 vùng, cửa sau đóng mở điện bằng chìa khóa thông minh v.v…
Không chỉ sở hữu nhiều tính năng tiện ích mà Outlander còn có khoang nội thất rất rộng rãi và đa dụng với 3 hàng ghế linh hoạt. Tuy là xe crossover 5+2 nhưng hàng ghế thứ 3 của Outlander vẫn tương đối rộng rãi, không chỉ cho trẻ em mà người lớn cũng có thể ngồi thoải mái trong những chuyến đi ngắn. So sánh với Honda CR-V và Nissan X-Trail, hàng ghế thứ 3 của Outlander phần nào rộng rãi hơn, nhất là nếu so về khoảng trống trên đầu người ngồi và khoảng duỗi chân.
Hàng ghế thứ 2 có thể ngả lưng ghế, gập 6:4, có thể đẩy lên tới 25cm để nhường diện tích cho hàng ghế thứ 3. Đây là sự tiện dụng rất đáng giá vì nhiều đối thủ trong phân khúc không có hàng ghế thứ 3 và có hàng ghế thứ 2 không ngả lưng ghế được. Lúc cần thiết, các ghế có thể gập phẳng từng phần hay toàn bộ, tạo nên không gian chở đồ đạc vô cùng hữu ích với tổng thể tích khoang chứa đồ lên tới 1.792 lít khi gập cả 2 hàng ghế.
Nhìn chung, mọi chi tiết nội thất của Mitsubishi Outlander có độ khít tuyệt vời, các bộ phận nhựa không có tiếng ọp ẹp, cho thấy chất lượng lắp ráp rất tốt. Nếu so sánh với chiếc Outlander nhập khẩu từ Nhật Bản mà tôi trải nghiệm trước đây thì chiếc Outlander CKD này không hề kém cạnh một chút nào về chất lượng gia công. Tuy nhiên, có một điều tôi vẫn chưa ưng ý, đó là có quá nhiều nút chờ ở khu vực táp lô, nhất là dưới bảng điều chỉnh điều hòa.