[ĐÁNH GIÁ XE] Mitsubishi Xpander 2019 – Đã đến lúc Mitsubishi bứt phá?
“Kẻ mở rộng”
Xpander? Tôi đã có một thử nghiệm nho nhỏ: hỏi 5 người bạn ngẫu nhiên về cách phát âm cái tên xe lạ lẫm này. Kết quả là 3/5 người không thể phát âm cái tên này một cách chuẩn xác nhất. Khi nói về những chiếc xe có tên rất “ngầu” nhưng không phải người Việt nào cũng phát âm chính xác, tôi nghĩ ngay đến Chevrolet Trailblazer. Nhiều người cho rằng những chiếc xe có tên gọi khó phát âm sẽ khó tiếp cận khách hàng Việt hơn. Đó là lối suy nghĩ rất logic. Tuy nhiên, điều đó có ảnh hưởng tới sức hút của Trailblazer không? Câu trả lời của tôi là không và rất có thể câu chuyện của Mitsubishi Xpander cũng vậy.
Xpander (hay Expander, nếu bạn muốn viết một cách chính xác) là một trong những “trái ngọt” đầu tiên kể từ khi Liên minh Renault-Nissan của Ngài Ghosn chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Mitsubishi Motors. Còn nhớ hồi đầu năm 2016, bê bối khí thải khiến Cựu Chủ tịch Mitsubishi Tetsuro Aikawa phải đệ đơn từ chức, và giá trị cổ phiếu của Mitsubishi Motors ngay lập tức “bốc hơi” một nửa, xuống mức 442 Yên/cổ phiếu. Mitsubishi Motors không có 30 tỷ USD để giải quyết bê bối khí thải giống như cách “đại gia” Volkswagen đã làm. Mọi chuyện tưởng chừng như đã kết thúc với Mitsubishi Motors, một trong những thương hiệu xe Nhật Bản nổi tiếng nhất.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã là quá khứ. Mitsubishi Motors của ngày hôm nay đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi được “thay máu”. Chỉ sau vỏn vẹn 2 năm kể từ ngày bị “bóc phốt”, cổ phiếu Mitsubishi Motors đã đạt mức 802 Yên/cổ phiếu trong ngày 17/8/2018, tức là gần gấp đôi so với 2 năm trước. Về khía cạnh sản phẩm, những chiếc xe Mitsubishi phân phối đang dần lấy lại được đà tăng trưởng mà chúng xứng đáng phải có. Họ cũng tích cực phát triển các mẫu xe hybrid và xe chạy điện hoàn toàn.
Xét riêng thị trường Việt Nam, doanh số của những chiếc Outlander, Pajero Sport, Triton hay Attrage cũng có mức tăng trưởng đáng khen ngợi, tiêu biểu là Outlander bản CKD đã có doanh số 371 xe trong tháng 7/2018. Có thể thấy, cả Mitsubishi toàn cầu và Mitsubishi Việt Nam đều đã không phải là “Mitsu của ngày hôm qua”.
Quay trở lại với chiếc Xpander, cá nhân tôi thấy đây sẽ là chiếc xe “mở rộng” độ phủ sóng của thương hiệu Mitsubishi tại Việt Nam. Hãy nhìn sang “xứ sở vạn đảo” Indonesia. Tại triển lãm Ôtô Quốc Tế Gaikindo 2017, triển lãm lớn nhất tại Indonesia, Mitsubishi Xpander đã chính thức trình làng và ngay lập tức nhận được 11,827 đơn đặt hàng và trở thành chiếc xe “đắt hàng” nhất triển lãm.
Có lẽ ban lãnh đạo Mitsubishi Indonesia cũng không thể lường trước sự chào đón nồng nhiệt của khách hàng nên kế hoạch ban đầu của họ chỉ là 5.000 chiếc/tháng. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Mitsubishi Indonesia đã quyết định tăng gấp đôi sản lượng xe lên mức 10.000 chiếc mỗi tháng. Một dòng xe bán “đắt như tôm tươi” như Xpander chắc hẳn là sẽ rất tốt, đúng không? Cũng chưa chắc! Hãy cùng Xehay.vn tìm hiểu mọi ưu điểm, nhược điểm của Mitsubishi Xpander và phân tích xem liệu Xpander có thể trở thành mẫu xe bán chạy nhất phân khúc MPV cỡ nhỏ hay không.
Tại thị trường Việt Nam, Mitsubishi Xpander là đối thủ trực tiếp của Kia Rondo, Suzuki Ertiga, Chevrolet Orlando và Toyota Avanza. Ngoại trừ Kia Rond còn có một chút “bảnh bao” thì ba đại diện kia có vẻ bề ngoài đơn giản và kiém hiện đại hơn so với phần còn lại. Tất nhiên, nếu đặt Mitsubishi Xpander vào giữa đội hình thì nó sẽ là đại diện có vẻ đẹp ngoại thất hiện đại và cuốn hút nhất. Đó là chưa kể đến việc giá bán của Xpander cũng tốt nhất với giá tạm tính chỉ từ 550 đến 650 triệu đồng cho 2 bản số sàn và số tự động. Vậy là Mitsubishi Xpander đã có lợi thế về giá bán, nhưng còn điều gì khác nữa?
Ngoại thất đầy cảm xúc
Nếu đi đường và vô tình bắt gặp Xpander trên phố, nhiều khả năng bạn sẽ không tin chiếc xe này có giá bán chỉ từ 550 triệu đồng. Mitsubishi Xpander sở hữu ngoại thất vô cùng khác biệt và chắc chắn tôi sẽ gọi đây là đại diện đẹp nhất phân khúc mini MPV, một phân khúc với những mẫu xe ưu tiên sự tiện dụng hơn là vẻ đẹp bên ngoài.
Trước đây, ít ai có thể chỉ ra một thiết kế đặc trưng của xe Mitsubishi ngoại trừ chiếc logo 3 viên kim cương. Những chiếc xe của Mitsubishi có quá ít đặc điểm mang tính “gen truyền thống”, điều khiến những khách hàng không quá am hiểu về xe gặp khó khăn trong việc định hình thương hiệu. Kia có “mũi hổ”, Honda có “Solid Wing Face” và “Exciting H”, Hyundai có “Điêu khắc dòng chảy 2.0” v.v.. – đó là những dấu hiệu thiết kế để khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu xe. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi với thiết kế Dynamic Shield được lần đầu tiên áp dụng cho Outlander.
Người đứng sau Dynamic Shield là ông Tsunehiro Kunimoto, Tổng giám đốc thiết kế toàn cầu của Mitsubishi, người đã có 40 năm làm việc tại Nissan. Theo ông, Dynamic Shield không chỉ được thể hiện ở vẻ bề ngoài đầy năng động, thể thao (Dynamic) mà đó còn là lời khẳng định bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hành khách trong xe. Đó là lý do vì sao Mitsubishi dùng từ Khiên (Shield) mà không phải thứ gì khác. Năng động và an toàn là hai yếu tố quan trọng nhất để tạo nên hình ảnh của mọi chiếc xe Mitsubishi.
Ngôn ngữ Dynamic Shield thể hiện rõ ràng trên “bộ mặt” của Mitsubishi Xpander. Những nét đặc trưng của Dynamic Shield bao gồm hai cụm đèn định vị ban ngày sắc sảo được nối liền với nhau bởi những thanh ngang to bản; mặt ca-lăng màu đen thu hẹp lại ở phần giữa và tiếp tục “nở” ra về phía dưới cản trước; các thanh nẹp mạ chrome chạy viền dưới các đèn pha và bao quanh mặt ca-lăng xe tạo thành hình ảnh chữ X.
Khác với những mẫu xe như Outlander hay Pajero Sport, đèn pha thực sự của Xpander lại nằm trong 2 “hốc gió” cực lớn nằm hai bên chữ X. Nếu nhìn xuống dưới một chút thì bạn sẽ tiếp tục thấy 2 đèn sương mù được đặt cân đối hai bên của tấm cản trước đục lỗ nhìn rất hầm hố. Tôi đoán rằng nếu thấy Xpander chạy ban ngày, các bạn sẽ nhầm lẫn 2 cụm đèn định vị LED kiểu “mắt hí” là đèn chiếu sáng chính của xe. Việc đặt đèn pha ở dưới thấp sẽ khiến người đi đối diện đỡ chói mắt hơn. Nếu chấm điểm gương mặt của Xpander, tôi sẵn sàng chấm 9/10 – thiếu 1 điểm vì đèn pha vẫn là loại halogen chứ không phải đèn LED. Tất nhiên, việc độ đèn pha LED hay đèn chân dây tóc – bóng LED là tương đối dễ dàng.
Mitsubishi Xpander có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao, mm) lần lượt là 4.475 x 1.750 x 1.695 mm, chiều dài cơ sở 2.775 mm, tự trọng 1.780 kg. Những kích thước ngoại vi là tương đồng với các đối thủ cùng mâm, nhưng có lẽ điều bất ngờ nhất là chiều dài cơ sở của Xpander thậm chí còn lớn hơn 25 mm! Một chiếc xe nhỏ nhưng lại có chiều dài cơ sở lớn hơn bởi vì khoảng cách từ trục bánh xe trước đến mũi xe của Xpander ngắn hơn, nhường không gian cho khoang nội thất. Tuy nhiên, trọng lượng khô của Xpander lại nặng hơn Innova khoảng 25 kg.
Tôi đã trải nghiệm nhiều mẫu xe có phần đầu rất đẹp nhưng thân và đuôi xe lại quá đơn giản và chẳng tương xứng. Rất may là Xpander là chiếc xe có thiết kế ấn tượng “không góc chết”. Nhìn ngang thân xe, ta sẽ thấy những đường nét rất hiện đại và phá cách. Đó là khung kính tương đối lớn với cột D được sơn đen ở giữa, giúp tạo ra ấn tượng như nóc xe treo lơ lửng giữa không trung. Chi tiết này mang chút “học hỏi” từ kiểu thiết kế Floating Roof mà Land Rover là hãng áp dụng đầu tiên.
Chi tiết tạo điểm nhấn ở thân xe là một đường rãnh bắt đầu từ dưới gương và chạy dọc thân xe, “xuyên” qua tay nắm cửa và kết thúc ở cụm đèn hậu. Đây là chi tiết mang lại sự tươi mới và chất khác biệt cho Xpander. Chi tiết này kết hợp với đường gờ ở phần dưới thân xe tạo nên một vòng lặp hoàn hảo, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Trước khi Xpander ra đời, tôi không thể nhớ đến một chiếc MPV nào được đầu tư về mặt thiết kế như vậy!
Chưa hết, vòm bánh xe đậm nét và các la-zăng 16 inch có thiết kế ấn tượng càng khiến Xpander toát lên vẻ hiện đại. Một điểm cộng khác là gương chiếu hậu được đặt trên cửa chứ không phải gắn liền cột A. Kiểu đặt gương như thế này sẽ giúp hạn chế điểm mù cho người lái. Phần đuôi xe cũng sở hữu thiết kế hiện đại với đường nét tổng thể hình chữ X tương tự như phần đầu xe với điểm nhấn là các dải đèn LED định vị rất đẹp mắt. Nhìn chung, Mitsubishi Xpander đơn giản là mẫu MPV đẹp nhất hiện nay, chí ít là trong mắt tôi.
Nội thất phản ánh đúng giá bán
Nếu như ngoại thất xe sẽ tạo ra ấn tượng rằng Xpander có giá bán đắt hơn con số 550-650 triệu đồng thì khoang nội thất của chiếc MPV này sẽ đưa bạn “trở về với thực tại”. Khoang cabin Mitsubishi Xpander 2019 có thiết kế tổng thể tương đồng với chiếc Outlander nhưng được bổ sung một vài chi tiết khác biệt và tiện dụng hơn. Đúng vậy, sự tiện dụng là một tiêu chí quan trọng đối với những chiếc xe đa dụng MPV. Hãy cùng tôi “liếc” một vòng quanh khoang nội thất của Xpander để xem chiếc xe này có bao nhiêu hộc chứa đồ.
Đầu tiên là khoang chứa bên dưới bảng táp lô. Đây là khu vực có thể chứa được rất nhiều sách hoặc những đồ vật tương đối lớn, bên trên là 1 khe dài có thể chứa điện thoại hay những vật dụng cá nhân cỡ nhỏ. Nếu nhìn vào khu vực giữa khoang trước, bạn sẽ thấy sau cần số là 2 hốc chứa đồ khá lớn, có thể chứa ví tiền, điện thoại, vé cầu đường v.v.. Bên dưới một chút là hai hộc để cốc cỡ lớn, thoải mái đựng những chai nước dung tích 1 lít.
Chưa hết, bệ tỳ tay có một cửa chớp trượt lên xuống thay vì nhiều nắp đậy thông thường. Bên dưới là một hộc chứa đồ rất sâu, tôi đặt 1 chai nước nửa lít theo chiều thẳng đứng mà vẫn có thể đóng cửa cốp dễ dàng. Nếu để ý một chút thì bạn sẽ thấy hộc chứa đồ bên cửa được chia làm 2 ngăn giúp bạn có thể phân chia đồ đạc một cách ngăn nắp và tiện dụng.