Đá cầu Việt trên đỉnh thế giới

Giải vô địch đá cầu thế giới, lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai, vừa kết thúc tại tỉnh Đồng Tháp. Việt Nam lần thứ 7 liên tiếp đạt ngôi vị số 1 thế giới.

Bề dày lịch sử

Qua ghi chép của sử sách, đá cầu đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu, với các trò chơi dân gian như tâng cầu, chuyền cầu… và phát triển theo chiều dài của lịch sử dân tộc. Từ thời Mai Hắc Đế, quân đội đã được khuyến khích tập luyện, giải trí bằng trò chơi đá cầu. Thời Lý, Trần, môn này rất thịnh hành và thường được tổ chức vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán, mùa xuân. Thời Pháp thuộc, những trò chơi dân gian ít có điều kiện phát triển, nhưng do sự ham hích của các tầng lớp nhân dân, nên đá cầu vẫn tồn tại và được lưu truyền.

Việt Nam đã 7 lần liên tiếp giữ ngôi số 1 tại giải đá cầu vô địch thế giới. Ảnh: Văn Trí – TTXVN

 

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, năm 1990, đá cầu đã được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia. Cùng với sự phát triển trên diện rộng tại các quốc gia trong châu lục, thế giới, môn thể thao này hiện đã có một vị thế nhất định. Ở Việt Nam, giải đấu cấp quốc gia hiện có khoảng 17 địa phương tham gia, trong khi Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc thu hút khoảng 40 đơn vị.

Là môn chơi đòi hỏi sự khéo léo và dẻo dai, vốn rất phù hợp với các VĐV Việt Nam, ngay từ khi giải VĐTG lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 tại Hungary, đá cầu Việt Nam đã sớm khẳng định vị trí số 1 thế giới. Kể từ đó đến nay, trải qua 7 lần tổ chức, vị trí đó vẫn được duy trì. Trong những lần đầu giải được tổ chức, đá cầu Việt thường vượt trội về số HCV so với Trung Quốc (Việt Nam thường giành 4 – 5 HCV trong tổng số 7 bộ huy chương). Những cái tên như Nguyễn Thị Nga, Đào Thái Hoàng Phúc, Nguyễn Tiết Cương… đã đi vào lịch sử đá cầu Việt Nam với tư cách là các nhà vô địch thế giới xuất sắc.

Nhưng gần đây, một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đã chú trọng đầu tư phát triển đá cầu, trong khi lực lượng của đá cầu Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ – một số nhà vô địch đã chia tay sân đấu, thay vào đó là nhiều gương mặt trẻ như Công Tài, Tiến Hưng, Minh Thắng, Bích Trâm, Thủy Tiên… Ưu điểm của các VĐV trẻ là thể lực và lòng nhiệt huyết, nhưng cũng có hạn chế là tâm lý thiếu ổn định trong thi đấu. Vì thế, việc bảo vệ vị trí số 1 với đá cầu Việt Nam dần trở nên khó khăn hơn.

Tại giải VĐTG lần 6 tổ chức tại Trung Quốc năm 2010, quốc gia này đã đầu tư rất lớn và phát huy sức mạnh để tạo thế lấn lướt. Nhưng vào giờ chót, Macau giành 1 HCV chen vào giữa, nên Trung Quốc và Việt Nam chia đều mỗi quốc gia 3 HCV, nhưng chúng ta vẫn xếp trên nhờ hơn đúng 1 HCB.
Tham dự giải VĐTG lần thứ 7 này, Trung Quốc có lực lượng nữ rất mạnh và thể hình tốt, với sở trường tấn công là quét cầu. Macau cũng sở hữu VĐV vô địch thế giới nội dung đơn nữ. Bên cạnh đó, dù là nghiệp dư, nhưng một vài quốc gia châu Âu cũng đã bắt đầu nhen nhóm cơ hội vươn lên. Vậy nên, đội tuyển Việt Nam đã đặt quyết tâm cao ngay trong quá trình tập luyện trước giải và hết sức thận trọng khi vào trận.