Đã học hơn 4 tháng, trường nghề vẫn chưa thể sắp xếp cho HS học văn hóa

GDVN- Những thay đổi khiến việc dạy và học văn hóa chậm lại, Thông tư 15 chưa áp dụng ngay được nên trường điều chuyển một số giáo viên tạm làm nhiệm vụ khác.

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 24/12/2022 đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hơn trong việc tổ chức dạy học kiến thức văn hóa, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc khiến nhiều trường chưa thể triển khai ngay. Có trường chưa thể tổ chức dạy văn hóa kể từ khi Thông tư 15 có hiệu lực cho khóa tuyển sinh năm 2022-2023 vì chưa đủ giáo viên.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Đồng Khởi chia sẻ: Trước đây, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trường học hệ trung cấp nghề, các em có thể chọn chỉ học nghề, hoặc vừa học nghề vừa học văn hóa. Đối với dạy văn hóa, trường tổ chức dạy 4 môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý và Hóa học.

Đã học hơn 4 tháng, trường nghề vẫn chưa thể sắp xếp cho HS học văn hóa ảnh 1

Theo thầy Dũng, với đối tượng học sinh vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa, tùy từng thời điểm, trường bố trí thời khóa biểu học song song hoặc nối tiếp.

Thông tư 15 ra đời, trường chưa triển khai ngay được. Chỉ ra khó khăn, thầy Dũng cho biết, Thông tư 15 quy định số tiết, các môn học cụ thể mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép giảng dạy. Song, trường lúng túng ở chỗ việc áp dụng sẽ như thế nào.

“Thông tư 15 quy định số môn bắt buộc được đào tạo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài ra còn có môn học lựa chọn nên trường phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, Sở cũng phản hồi là sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới”, thầy Dũng nói.

Khi áp dụng theo Thông tư 15, ngoài các môn bắt buộc Ngữ văn, Toán, Lịch sử, trường dự kiến chọn môn Vật lý.

Chia sẻ về lý do dự kiến chọn môn Vật lý, thầy Dũng cho biết, vì trường có giáo viên dạy môn học này và các ngành nghề mà trường tuyển sinh được và đào tạo tốt đều là các ngành nghề liên quan đến khối kỹ thuật như điện, công nghệ ô tô, cơ khí. Do đó, lựa chọn môn Vật lý là phù hợp.

Hiện quy định có một số thay đổi liên quan đến môn học nên việc dạy và học văn hóa của trường cần sắp xếp lại. Thông tư 15 chưa áp dụng ngay được nên trường điều chuyển một số giáo viên dạy văn hóa tạm thời làm nhiệm vụ khác. Ngoài ra, trường không có giáo viên môn Lịch sử vì trước đây không dạy môn này nên phải tuyển dụng thêm theo Thông tư 15.

Bên cạnh nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, thầy Dũng cũng chia sẻ những vướng mắc đến từ học sinh, nhà trường trong vấn đề quyết toán.

Cụ thể, khi học sinh vào trường, vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa thì sẽ kéo dài việc quyết toán của chương trình dạy nghề. Thậm chí có đơn vị thời gian quyết toán bị quá 2 năm nên sẽ gặp khó khăn.

“Khi tuyển sinh, trường phải tính toán việc dạy nghề cho học sinh trước để được quyết toán. Do đó, nhiều khi gặp khó ở chỗ các em học xong chương trình dạy nghề rồi, trong khi chương trình văn hóa chưa học xong, nên có em không muốn học tiếp văn hóa nữa.

Vừa rồi, trường dự kiến liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa, nhưng cũng phát sinh một số vướng mắc nên hiện nay trường chưa sắp xếp học các môn văn hóa. Bởi lẽ, khi học chương trình văn hóa của trung tâm giáo dục thường xuyên thì thời gian còn lại để các em học nghề rất ít nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề.

Nếu học song song mà học sinh đuối, không theo được, có nguyện vọng không học văn hóa nữa thì nhà trường đồng ý cho các em chuyển sang chỉ học nghề để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề và phù hợp năng lực của người học”, thầy Dũng chia sẻ.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, trước đây, trường có 1-2 lớp học sinh vừa học văn hóa, vừa học trung cấp nghề. Sau khi các lớp này tốt nghiệp ra trường, từ năm 2020 đến nay, trường không có học sinh vừa học văn hóa, vừa học trung cấp nghề.

Theo khảo sát sơ bộ của nhà trường, những năm gần đây, có một số lượng nhất định học sinh hết lớp 9 trong tỉnh mong muốn đi học nghề. Tuy nhiên, để thu hút những em học sinh này vào trường lại gặp một số khó khăn như: những ngành mà người học mong muốn tham gia học thì nhà trường không có lớp đào tạo.

“Để thu hút thí sinh có nhu cầu đăng ký đi học trung cấp nghề, tới đây, trường dự kiến mở thêm một số mã ngành hệ trung cấp mà theo khảo sát ở địa phương có tỷ lệ học sinh theo học nhiều như thủy sản, nông nghiệp, cơ điện, ô tô…

Các mã ngành đào tạo hệ trung cấp sẽ không trùng với mã ngành đào tạo hệ cao đẳng”, thầy Tâm chia sẻ.

Về mặt pháp lý, trường đủ điều kiện tổ chức dạy học văn hóa song song với đào tạo nghề, do đội ngũ giảng viên của trường đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, nhưng việc giao nhiệm vụ dạy học còn chưa rõ nên trường chờ hướng dẫn.

“Thông tư 15 có hiệu lực, trường sẽ giao nhiệm vụ cho phòng đào tạo, kết hợp bộ phận liên quan tiến hành nghiên cứu để triển khai thực hiện, đồng thời sẽ có điều chỉnh trong quá trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh trung học phổ thông”, thầy Tâm cho biết.

Ngọc Mai