Đà lao dốc không phanh của cổ phiếu ART
–
Thứ hai, 03/10/2022 11:03 (GMT+7)
Cổ phiếu ART chỉ được giao dịch quanh mốc 2.400 đồng, giảm hơn gần 90% so với hồi đầu năm. Ảnh: CKNhân sự liên tục biến động mạnh
Theo thông tin từ ART, tân chủ tịch là ông Trịnh Văn Nam thay thế ông Lê Bá Phương nghỉ với lý do cá nhân. Ông Nam được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT ART nhiệm kỳ 2019-2024 từ sau 16h ngày 29.9.2022. Thực tế từ tháng 4.2022 đến nay, nhân sự cấp cao tại ART liên tục thay đổi, một số thành viên HĐQT, Ban kiểm soát liên tục đưa đơn xin từ nhiệm.
Trên thị trường chứng khoán, mới đây ngày 21.9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định chuyển cổ phiếu ART sang diện kiểm soát từ ngày 22.9 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét quá 30 ngày so với quy định. Theo giải trình của ART ngay sau đó, để khắc phục tình trạng này, công ty đã hoàn thiện dự thảo báo cáo tài chính bán niên 2022 và đã cố gắng tìm kiếm đơn vị kiểm toán. Nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị kiểm toán nào chấp nhận kiểm toán cho báo cáo của công ty. Do đó, ART chưa thể phát hành báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét theo đúng thời hạn quy định. Công ty cho biết sau khi tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp sẽ phát hành báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét trong thời gian sớm nhất.
Cổ đông, nhà đầu tư mờ mịt
Cũng liên quan đến biến động nhân sự tại ART, liên tục từ tháng 4 đến nay, Chứng khoán BOS đã phải xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính quý I/2022, báo cáo hoạt động tháng 4.2022, báo cáo chứng khoán phái sinh tháng 4.2022 và báo cáo tài chính quý II/2022. Bởi theo quy định hiện hành, báo cáo tài chính quý phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, hiện tại công ty này vẫn chưa có người đại diện theo pháp luật. Ngày 13.4.2022, ART đã nộp hồ sơ đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật và cho tới nay vẫn chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật. Do đó, đến nay ART chưa thể phát hành các báo cáo tài chính quý I/2022 và báo cáo tài chính quý II/2022 theo đúng thời hạn quy định.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán kể từ tháng 4.2022 đến nay biến động mạnh, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng liên tục cho thấy nhiều bất ngờ theo hướng không mấy khả quan. Trong bối cảnh này, cổ đông và nhà đầu tư của ART không được tiếp cận các báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính kiểm toán mới nhất được ART phát hành là báo cáo tài chính năm 2021, kèm theo đó là báo cáo rủi ro an toàn tài chính cho năm 2021.
Theo đó, tại ngày 31.12.2021, lợi nhuận sau thuế của ART tăng 2.060% so với năm 2020 khi đạt 33,9 tỉ đồng nhờ chi phí hoạt động kinh doanh giảm mạnh 66%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 33%; trong khi doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng 9%. Tại thời điểm này, ART có tổng tài sản 1.171 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn; nợ phải trả (100% nợ phải trả ngắn hạn) gần 14 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu 1.157 tỉ đồng. Nhưng đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm 46,7 tỉ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 204,6 tỉ đồng. Đến cuối năm 2021, tiền và tương đương tiền của công ty là 18,4 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 269,8 tỉ đồng hồi cuối năm 2020.
Cổ phiếu ART lập đỉnh tháng 1 năm nay khi chạm 19.500 đồng/cổ phiếu và sau đó đã sụt giảm mạnh. Sau loạt biến động nhân sự, thị giá ART đã rơi xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Tiếp đó, từ khi bị vào diện cảnh báo ngày 15.9, thị giá ART tiếp tục giảm mạnh từ 3.500 đồng/cổ phiếu về quanh 2.400 đồng/cổ phiếu. Đến phiên cuối tuần qua, cổ phiếu ART cũng chỉ được giao dịch quanh mốc 2.400 đồng này, tức là đã giảm hơn gần 90% so với hồi đầu năm.