Dabaco lợi nhuận lao dốc, giá cổ phiếu trượt về đáy, Chủ tịch vội bán 10 triệu cổ phiếu

(CLO) Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) Việt Nam vừa kịp bán ra 10 triệu cổ phiếu khi đơn vị này kinh doanh không hiệu quả, giá cổ phiếu trượt về vùng đáy.

Giá cổ phiếu lao dốc 60%, Chủ tịch Nguyễn Như So vội bán ra 10 triệu cổ phiếu

Mới đây, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) đã thông báo hoàn tất bán ra 10 triệu cổ phiếu DBC mà mình nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu của ông So xuống chỉ còn 58,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ 24,16% vốn điều lệ. Giao dịch đã được thực hiện trong ngày 2/11 theo phương thức thỏa thuận. Ước tính, ông So đã thu về được khoảng 162 tỷ đồng khi bán hết lượng cổ phiếu DBC này.

dabaco loi nhuan lao doc gia co phieu truot ve day chu tich voi ban 10 trieu co phieu hinh 1

Lợi nhuận 9 tháng của Dabaco (DBC) lao dốc 68%, chủ tịch Nguyễn Như So vội bán ra 10 triệu cổ phiếu (Ảnh TL)

CTCP Tập đoàn Dabaco tiền thân là Công ty Nông sản Hà Bắc, được thành lập năm 1996. Đến năm 2005, công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống gia súc gia cầm, phân bón và chế biến thức ăn. Ngoài ra, công ty còn đầu tư vào xây dựng các khu công nghiệp và kinh doanh bất động sản.

Việc ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT công ty bán ra 10 triệu cổ phiếu gây hoang mang cho các nhà đầu tư bởi tại thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu DBC đã trượt dốc, mất đi 60% giá trị so với thời điểm đầu năm. Tại phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu DBC đang được giao dịch ở mức giá 13.650 đồng/cổ phiếu.

Lợi nhuận gộp giảm 30%, lợi nhuận sau thuế giảm 68%

Theo báo cáo tài chính quý III năm 2022, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu tuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 3.566,9 tỷ đồng, tăng 33% so với cung kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ghi nhận tăng mạnh lên mức 3.081,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 34%.

Ghi nhận doanh thu tài chính trong kỳ không biến động quá nhiều, chỉ quanh ngưỡng 4,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính có xu hướng giảm xuống 2,7 tỷ đồng, chỉ còn 43,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng khoảng 6,5%, lên mức 107,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế và các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp ghi nhận ở mức 206,4 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ.

Dù quý III ghi nhận sự tăng trưởng nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm của Dabaco cho thấy doanh thu đạt 0.339,1 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng cao từ 6.269 tỷ đồng lên mức 8.314,4 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận gộp giảm mạnh 30,1%, xuống chỉ còn 1.024,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm ở mức 229,2 tỷ đồng, giảm tới 68,1% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng chú ý đó là cơ cấu doanh thu của Dabaco trong 9 tháng đầu năm lại có phần lớn nằm ở mảng kinh doanh bất động sản và xây dựng, vốn không phải là loại hình kinh doanh chính của đơn vị, tăng từ 231,7 tỷ đồng lên 843,5 tỷ đồng. Nguồn doanh thu này đã giúp đơn vị “thoát lỗ” từ hoạt động kinh doanh chính.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng, phải tăng cường nợ vay để bù đắp thiếu hụt dòng tiền

Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất quý III năm 2022, tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Dabaco ghi nhận ở mức 11.314,2 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả chiếm 6.448,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 57% tổng tài sản.

Nguồn nợ ngắn hạn ghi nhận tăng mạnh từ mức 2.599,5 tỷ đầu kỳ lên mức 3.368,9 tỷ đồng, tương đương với việc vay nợ ngắn hạn đã tăng thêm gần 30%, tức 769,4 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng. Các khoản vay ngắn hạn đáng chú ý bao gồm vay tại các ngân hàng thương mại Nhà nước, khoảng 2.528,3 tỷ đồng; Vay các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 281,9 tỷ đồng; Vay các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam khoảng 350,7 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Dabaco ghi nhận ở mức âm 21,7 tỷ đồng, cho thấy đơn vị đang thiếu hụt tiền để xoay sở cho các hoạt động kinh doanh của mình.

Thế Anh