Đặc điểm văn hóa ẩm thực Nam Bộ

Đặc điểm văn hóa ẩm thực Nam Bộ

Việt Nam được được chia làm 3 miền: miền Bắc, Trung và Nam. Tùy đặc điểm địa hình và sinh hoạt kinh tế, mỗi miền có những nét văn hóa ẩm thực khác nhau.

 

Với đặc điểm địa hình, khí hậu thuận lợi, Nam Bộ là vùng đất có nguồn nguyên liệu tươi ngon, dồi dào từ các loại cá tôm, hải sản cho đến các loại hoa quả, cây trái, rau củ. Chính vì vậy, người dân Nam Bộ tùy từng mùa mà món ăn cũng có sự thay đổi để tận dụng hết nguồn nguyên liệu sẵn có.

 

Món ăn của người dân Nam Bộ luôn là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu tươi ngon có sẵn

 

Khác với vị mặn của người dân miền Bắc, hay cay nồng của người dân miền Trung, người dân Nam Bộ chủ yếu ăn ngọt và thích vị ngọt, nơi đây cũng chính là xuất xứ của rất nhiều những món chè ngon nổi tiếng như chè bà ba, chè đậu, chè bắp… Nói như vậy không có nghĩa là người miền Nam chỉ ăn ngọt, mà vị của họ thường rất đặc biệt, được gọi là “gì ra nấy”, nghĩa là mặn thì phải mặn quéo lưỡi như món kho quẹt, nước mắm chấm thì phải nguyên chất…còn khi ăn ớt thì dùng loại ớt cay xé, khi ăn cắn nguyên trái thì mới gọi là đã…

 

Chè Bà Ba, món chè nổi tiếng xuất xứ từ vùng đất Nam Bộ

 

Bên cạnh đó, món gỏi và món trộn cũng đặc biệt được ưa thích ở miền Nam. Đâylà những món ăn dùng những nguyên liệu sống hoặc chỉ luộc chín rồi trộn với gia vị, sao cho có vị chua chua ngọt ngọt là được. Các món gỏi của miền Nam rất phong phú, thường là trộn với tôm, thịt, tai heo như món gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi bưởi, gỏi xoài khô cá lóc, gỏi đu đủ,.. Trong đó, món gỏi bưởi chua chua ngọt ngọt, ăn mãi không ngán là một trong những món ăn độc đáo của vùng đất Nam bộ. Mỗi tỉnh thành của miền Nam lại có những món gỏi nổi tiếng khác nhau. Bạc Liêu, Cà Mau thì nổi tiếng với món gỏi bồn bồn, bồn bồn là loại cây cỏ mọc hoang dại ở vùng đất trũng, An Giang thì có món gỏi sầu đâu rất độc đáo mà không nơi nào có được, lá, hoa sầu đâu có vị rất đắng được trộn với khô sặc rằn hay cá lóc rưới lên một ít nước mắm me chua ngọt.

 

Món gỏi bưởi chua chua ngọt ngọt, ăn mãi không chán nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ

 

Một nét đặc biệt nữa trong các món ăn của người dân Nam Bộ là tiêu. Tiêu đã trở thành loại gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn của người dân miền Nam, bằng chứng là trong hầu hết các món ăn từ kho đến nấu canh, người Nam đều nêm tiêu, tiêu không chỉ cay mà còn ngọt, nó làm cho món ăn thêm đậm đà và ngon ngọt hơn. Điều đó trở thành thói quen trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Nam.

 

Về nơi ăn, người dân miền Nam rất dễ chịu, với những bữa cơm hàng ngày trong gia đình thì tùy điều kiện trong nhà rộng hay hẹp mà được bố trí nơi ăn sao cho hợp lí, có thể trên bàn thậm chí ngay trên sàn nhà. Tuy nhiên, khi có đám tiệc, người miền Nam thường rất coi trọng lễ nghi, vì vậy sẽ bày biện ở những nơi trang trọng, ấm cúng thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Đặc biệt, người dân Nam Bộ rất thích được ăn ngay nơi vừa chế biến, ví dụ như món cá lóc nướng trui, vừa nướng vừa ăn ngay bên cạnh để có thể thưởng thức hết cái vị tinh tế và tươi ngon của con cá vừa mới bắt lên.

 

Trong các loại thức uống của miền Nam, phải kể đến rượu đế có nguồn gốc từ rượu nếp miền Bắc, rượu cay nồng, đôi khi được dùng để tẩm ướp trong chế biến thức ăn. Loại rượu này còn thường được dùng mời khách trong các bữa tiệc và những buổi cơm tiếp đãi khách của người dân Nam Bộ, nhất là Miền Tây Nam Bộ.

 

Ẩm thực miền Nam rất đa đạng và phong phú, không cầu kì trong khâu bày trí nhưng vẫn rất hấp dẫn bởi sự tươi ngon, dồi dào của nguyên liệu chế biến và mang một nét rất riêng không pha lẫn, điều đó làm nên những đặc trưng độc đáo trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Để biết thêm những nét độc đáo, những điểm đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của các vùng miền khác, hãy thường xuyên theo dõi những bài viết tiếp theo trong chuỗi bài “ngược dòng thời gian, tìm hiểu về ông tổ Nghề Bếp” trên website của Hướng Nghiệp Á Âu nhé!

 

Nguồn: Nguyên Vũ, Thanh Trúc – http://beptruong.edu.vn