Đặc sắc nét đẹp văn hóa truyền thống

Không lạc lõng giữa thời hiện đại với sự phát triển của công nghệ số, đời sống số, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn giữ nét đẹp bất biến theo thời gian. Sức mạnh mềm từ văn hóa truyền thống cũng là những giá trị làm nên bản sắc văn hóa mỗi địa phương, rộng hơn là bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hoạt cảnh “Ông đồ” trong chương trình Ngày Thơ Việt Nam do Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: M.Đ

Gợi hồn quê trên phố

Năm nào cũng thế, khi trang trí góc Tết ở nơi này nơi khác, những người chủ trì không bao giờ bỏ sót những hình ảnh của cầu tre, chiếc vó, nồi bánh tét, bánh chưng, bàn thờ gia tiên… Hay kể cả cái bàn máy may cũ kỹ cũng được tận dụng trưng bày để gợi nhớ đến hình ảnh bà ta, mẹ ta cặm cụi từng đường kim mũi chỉ để con cháu mình có chiếc áo mới ngày xuân.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.  Ai lớn lên mà không một lần được nghe lời hát ru của mẹ, của bà ngọt ngào, dìu dặt như thế. Cầu tre lắt lẻo giờ đây hình như chỉ còn trong câu ca ru hời bên nôi cho trẻ nhỏ. Cầu bê-tông đã xóa dần những chiếc cầu tre khó đi nơi thôn quê, tạo điều kiện cho người ta đi lại thuận tiện trong cuộc sống ngày càng tiến bộ này. Thế nhưng, chiếc cầu tre một thời khó khăn ấy vẫn còn nguyên vẹn trong lời ru, trong văn chương để chúng ta không quên một đời tần tảo của những người cha, người mẹ, ông bà, tổ tiên mình thời trước. Và vì đó là nét đẹp đã ăn sâu thành truyền thống trong đời sống thôn quê một thời nên chiếc cầu tre hay chiếc vó cất trên kênh rạch vẫn luôn được tái hiện và thu hút người thưởng thức trong bao tiểu cảnh Tết quê bây giờ.

Trong những “Chợ quê ngày Tết” còn có hình ảnh ông đồ cho chữ ngày xuân, hay mới đây, hoạt cảnh “Ông đồ” trong chương trình Ngày Thơ Việt Nam (do Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu tổ chức) cũng gợi cho chúng ta nét đẹp văn hóa cho chữ trong ngày xuân. Nhìn hình ảnh ông đồ với những nét chữ thư pháp điêu luyện, chắc nhiều người sẽ nhớ đến bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua”… Không quá u buồn vì tình cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay” như bài thơ miêu tả, giữa cuộc sống hiện đại bây giờ, thú vui xin chữ từ những “ông đồ trẻ” ở nhiều nơi, cụ thể là ở Bạc Liêu vẫn còn thu hút nhiều người. Người ta tin vào sự may mắn khi nhận được mỗi chữ được viết bằng hoa tay, cái tâm người viết, mà sâu hơn nữa là ý tứ thâm thúy từ ngữ nghĩa của ngôn từ dân tộc mình.

Hình ảnh chiếc vó thôn quê ở một góc Chợ quê ngày Tết 2023.

Thông điệp gửi lại đời sau

“Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời…”, cứ mỗi đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) thì bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt lại hùng hồn vang lên ở chương trình Ngày Thơ Việt Nam mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồng tổ chức. Bài thơ với những câu chữ đanh thép ấy còn vang lên trong tâm thức mỗi người Việt Nam, bởi cái hào khí anh hùng, bất khuất, không nhượng bộ trước sự xâm lấn bờ cõi của kẻ thù đã trở thành truyền thống anh hùng của toàn dân tộc! Hay chương trình nghệ thuật được dàn dựng hoành tráng làm nô nức cả một góc trung tâm TP. Bạc Liêu trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, trong hơn 20 tiết mục văn nghệ, cùng với những ca khúc nhạc xuân, nhạc trẻ sôi động, ê-kíp thực hiện đã mở màn chương trình bằng những tiết mục ngợi ca khí tiết hào hùng của dân tộc. Sắc phục của những anh hùng Tây Sơn, cờ rợp trời với sắc đỏ hiên ngang trong “Tây Sơn bước chân hào kiệt”, bản vọng cổ “Tiếng trống Tây Sơn”, “Non nước vạn mùa xuân”… đã làm sống lại thời khắc lịch sử. Đó cũng chính là thông điệp gửi lại đời sau, rằng lịch sử của dân tộc Việt Nam là những trang sử hào hùng, chói lọi, chúng ta có được hôm nay phải nhớ đến công lao, truyền thống lịch sử mà tổ tiên, cha ông đã dày công xây dựng, gìn giữ để có một Việt Nam non sông gấm vóc như bây giờ.

Tái hiện phong tục gói bánh tét ở góc Chợ quê ngày Tết. Ảnh: H.T

Những giá trị văn hóa truyền thống ấy đã trở thành sức mạnh mềm tiếp thêm tiềm lực cho đất nước nói chung, mỗi địa phương nói riêng phát triển, hòa nhập nhưng không hòa tan.

Cẩm Thúy