Đặc sắc văn hóa Việt qua tà áo dài dân tộc
“Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi…” (Một thoáng quê hương – Thanh Tùng)
Tà áo dài với vẻ đẹp thanh khiết, dịu dàng, vừa kín đáo vừa quyến rũ, đã đi vào thơ ca, nhạc họa và là niềm cảm hứng vô tận của bao thi nhân. Gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, áo dài không chỉ là “Quốc phục” của phái nữ mà còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần gìn giữ và phát huy.
Nói đến áo dài người ta hay liên tưởng đến nét đẹp hoài cổ, xa xưa còn đọng lại. Cứ mỗi dịp lễ hội, dù ở tầm mức nào chăng nữa thì phụ nữ Việt, từ những cụ già đến các cô gái và cả những em nhỏ, ai ai cũng muốn được diện chiếc áo dài duyên dáng và tự hào với vẻ đẹp của trang phục truyền thống dân tộc.
Mục lục bài viết
Sơ lược lịch sử áo dài
Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính xác nguồn gốc cũng như thời điểm xuất hiện của áo dài. Theo một số nhận định cảm quan thì áo dài xuất thân từ trang phục xường xám của người Trung Quốc. Tuy nhiên, xường xám mới xuất hiện từ khoảng năm 1920, còn chiếc áo dài được coi là có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước.
Áo trực lĩnh (cổ áo thẳng) là tên gọi chung cho đa số các áo thời Hậu Lê, áo giao lĩnh (hay còn gọi là đối lĩnh là một dạng áo trực lĩnh), được coi là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.
Đến thời vua Gia Long, áo ngũ thân xuất hiện. Loại áo này thường được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động.
Dần dần, khi văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, chiếc áo dài có nhiều biến đổi.
Từ đây, áo dài Việt Nam bước sang một trang sử mới, mang dáng dấp của áo dài ngày nay.
Năm 1939, từ cải biến áo ngũ thân, họa sĩ Cát Tường vẽ ra kiểu áo dài Lemur (tên tiếng Pháp của họa sĩ). Áo chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, áo được may ôm sát cơ thể, tay thẳng và có viền nhỏ. Khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính. Kiểu áo này thịnh hành đến năm 1943.
Từ chiếc áo dài Lemur, họa sĩ Lê Phổ thu gọn kích thước để áo ôm khít thân hình người phụ nữ, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Sau bốn năm phổ biến, áo dài Lemur được họa sĩ Lê Phổ bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng trong lịch sử thời trang nước nhà. Mẫu áo dài Lê Phổ cổ cao được coi là nguyên mẫu của thiết kế áo dài Việt hiện nay.
Trải qua các thời kỳ với nhiều sự biến đổi, từ kiểu dáng đến chất liệu với nhiều phá cách, áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo, tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Trong từ điển tiếng Anh, áo dài vẫn được giữ nguyên là “aodai” chứng tỏ tính biểu trưng mạnh mẽ của loại trang phục truyền thống này.
Vẻ đẹp trường tồn qua năm tháng
Chiếu áo dài xuất hiện trong nhiều mặt của đời sống người phụ nữ Việt Nam. Nữ sinh lấy tà áo trắng tha thướt làm biểu tượng của vẻ đẹp thiếu nữ thời hoa mộng.
Hình ảnh tà áo nữ sinh mang nét đẹp duyên dáng, thuần khiết, gợi nên cảm xúc xao xuyến khó tả, làm ngất ngây trái tim bao chàng trai.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong
Hôm xưa em đến, mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng, em đi đến
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”
(Áo trắng – Huy Cận)
Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, áo dài truyền thống là trang phục được người phụ nữ Việt Nam ưu tiên chọn lựa.
Trong các ngày đại lễ, tà áo dài vừa tạo nên dấu ấn trang trọng, vừa tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ theo cách mà không trang phục nào có thể làm được. Nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế không thể không nhắc đến áo dài.
Áo dài còn được chọn là trang phục truyền thống trong các cuộc thi Hoa hậu của Việt Nam và thế giới. Cùng với các người đẹp, áo dài giới thiệu đến thế giới hình ảnh một đất nước Việt Nam đẹp đẽ, độc đáo và giàu truyền thống.
Những bộ áo dài luôn được đánh giá cao, lọt vào tốp các bộ trang phục dân tộc đẹp nhất. Dù ở sân khấu nào, áo dài vẫn luôn ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết, lan tỏa nét đẹp sâu lắng không thể pha trộn của văn hóa Việt.
Áo dài cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà thiết kế và người mẫu nước ngoài. Điều này cho thấy, áo dài có thể trở thành một biểu tượng của văn hóa và thời trang mang tính quốc tế chứ không chỉ là trang phục truyền thống của một đất nước.
Ngày nay, các nhà thiết kế vẫn không ngừng sáng tạo ra những mẫu áo dài cách điệu để phù hợp hơn với cuộc sống và quan niệm thẩm mỹ hiện đại. Tuy nhiên, áo dài vẫn luôn giữ được nét đẹp mang tính truyền thống, trở thành biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.
“Tung bay tà áo tung bay, xôn xao một trời nắng đỏ
…
Tung bay tà áo thân quen, cánh chim vẫy chào ngọn gió
Ta nghe từ trái tim em, tiếng hát ngập tràn yêu thương
Mai đây dù có đi xa, trong tim là cả quê hương”.
Đóng
Tự trình chiếu
Dừng trình chiếu
Chia sẻ Facebook
Chia sẻ Google Plus
Chia sẻ Twitter
Chia sẻ Zalo
Gửi bài viết
Ngày 20/10/2020 06:02:10
Tin liên quan
Hấp dẫn chương trình nghệ thuật “Áo dài xưa và nay”
(HNMO) – Tối 10-10, chương trình nghệ thuật “Áo dài xưa và nay” với các màn trình diễn áo dài và tiết … …