Đắk Lắk: Phát huy hiệu quả của Nhà văn hóa cộng đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kdoh (giữa) chủ trì Hội nghịPhó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kdoh (giữa) chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo, đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có 1.723/1.917 thôn, buôn có Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường đạt 89,88%, trong đó có 725 Nhà văn hóa cộng đồng. Số Nhà văn hóa cộng đồng bảo đảm trang thiết bị tối thiểu là 1.007 nhà, chiếm 58,44%. Các địa phương chưa có Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn thì đa số đã có quy hoạch quỹ đất để xây dựng.

Việc xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo điệu kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nơi hội họp, giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh. Đồng thời, Nhà văn hóa cộng đồng cũng là nơi các tổ chức, chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng thôn, buôn có nơi sinh hoạt và là nơi làm việc của Ban Tự quản.

Từ năm 2006 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thực hiện cấp trang thiết bị cho 1.182 Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn. Trong giai đoạn 2019 – 2022, Sở đã hỗ trợ trang thiết bị cho 835 Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn với tổng kinh phí hơn 29,3 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chủ yếu cấp cho xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bà H’Yim Kdoh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghịBà H’Yim Kdoh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, hoạt động của các Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn còn tồn tại một số hạn chế, như: Số Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn hoạt động trung bình là 967 nhà, không hoạt động 31 nhà. Nguyên nhân do đa số Nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư, xây dựng có diện tích 80- 120 m2, kiến trúc giống nhau, hiện đã xuống cấp và không được tu sửa; hầu hết không có đầy đủ công trình phụ trợ (nhà để xe, khu vệ sinh, cổng…).

Một số Nhà văn hóa cộng đồng không hoạt động do xây dựng ở địa điểm không phù hợp, dẫn đến bỏ hoang; hệ thống Nhà văn hóa cộng đồng không có nguồn kinh phí để đầu tư, duy trì, tổ chức các hoạt động do chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không bố trí kinh phí cho hoạt động của các Nhà văn hóa cộng đồng… Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều thôn, buôn sáp nhập, Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường không đủ chỗ để tổ chức họp dân, cũng như tổ chức các hoạt động đông người, nên phải tổ chức ngoài sân.

Đại diện huyện Krông Năng phát biểu tham luận tại Hội nghịĐại diện huyện Krông Năng phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan như đánh giá hiệu quả cơ cấu tổ chức của Ban Chủ nhiệm; công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động; việc bố trí kinh phí duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả Nhà văn hóa cộng đồng…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn, thời gian tới, UBND cấp huyện, xã cần quan tâm, tích cực hơn trong việc triển khai thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung được quy định trong Quy chế; phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ tình hình sử dụng, khai thác Nhà văn hóa cộng đồng tại địa bàn quản lý.

Ban Chủ nhiệm, cán bộ quản lý Nhà văn hóa cộng đồng cần chú trọng hơn trong việc lập kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm, ngắn hạn, dài hạn để triển khai thực hiện; năng động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tại Nhà văn hóa cộng đồng để thu hút Nhân dân đến tham gia sinh hoạt, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển…