Dân cờ bạc đổ xô tới Bia Bà xin “lộc phù vân”
Nhiều người dân tìm đến Bia Bà “xin lộc” đầu năm. Ảnh: N.Hoa
Mâm cao, cỗ đầy xin lộc mới… thiêng?!
Dọc đoạn đường từ cổng vào tới Bia Bà có không ít hàng bán vàng mã, đồ lễ. Các chủ quán luôn tay sắp sẵn những mâm lễ vật đầy đủ: Hoa quả, xôi giò, rượu chè, tiền vàng… để khách vào mua ưng là bưng luôn. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đắc Mạnh (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: “Năm nào cũng vậy, sau Tết gia đình tôi đều cùng nhau đến Bia Bà xin lộc. Chúng tôi chuẩn bị lễ vật đầy đủ, tươm tất, tiền vàng, cánh sớ đủ cả, mong Đức Thánh Bà chứng giám phù hộ cho chúng tôi mong cầu gì cũng được toại nguyện. Mà tới Bia Bà, chủ yếu tôi xin lộc làm ăn, buôn bán, đầu năm đi mót lộc rơi lộc vãi, cuối năm đến lễ tạ Bà thôi.”
Đi lễ đầu năm được xem là phong tục tốt đẹp của người Việt. Nhưng hiện nay tình trạng người dân suy nghĩ lệch lạc về vấn đề “lễ bái” đang gia tăng đáng kể. Họ đến đình, đền, chùa, miếu mạo để cầu xin những thứ tưởng chừng như “hoang tưởng”. Bia Bà – Hà Đông ngày đầu xuân cũng tấp nập kẻ vào người ra, trên tay bưng mâm đồ lễ cao quá đầu người, chen lấn, xô đẩy, có phần lộm nhộm, mất mỹ quan.
Đứng trước cổng khoảng 30 phút, chúng tôi quan sát thấy hầu như không ai tới Bia Bà mà không mang theo hoặc mua đồ lễ. Các mâm lễ vật cao ngất được những người đàn ông to khoẻ trong nhà đảm nhận việc đỡ, bưng và chen vào dâng lễ lên ban. Các cô, các chị lẽo đẽo theo sau với dáng vẻ tất tưởi, vội vàng như sợ người khác “cướp” mất cơ hội kiếm lộc. Trao đổi vấn đề “lễ hậu lộc to” với sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi được hay: “Lễ vật nhiều hay lễ vật ít không quan trọng, quan trọng là mình phải thành tâm. Không bao giờ có chuyện chuẩn bị nhiều đồ lễ thì cầu gì được nấy như mọi người thường hay nghĩ. Mà chúng ta cũng nên quên đi việc “vay” đầu năm – “trả” cuối năm, hay xin lộc rơi lộc vãi, vì điều này không hề có thật. Nếu xin được, mai tôi cũng đi xin vài tỷ về xây chùa khang trang cho các phật tử đến lễ”.
Kêu cầu… đủ thứ
Dắt díu nhau đi lễ nhưng không phải ai cũng biết khấn bài bản, hay ho, vần điệu. Thậm chí, rất nhiều người lần đầu tới Bia Bà chẳng phân biệt được ban nào với ban nào, ban này thờ ai, muốn “xin lộc” xin thế nào, muốn bán đất, bán nhà phải cầu ra sao? Thế nên, đây là cơ hội để đội quân “khấn thuê” kiếm chác.
Anh Bình Minh (Láng Hạ – Hà Nội) cho chúng tôi biết: “Tôi quanh năm suốt tháng đi buôn bán, có bao giờ biết cúng lễ là gì đâu. Bạn bè tôi bảo đến Bia Bà xin lộc làm ăn thiêng lắm, nên hôm nay tôi tới đây. Đang loay hoay chưa biết khấn lễ ra sao, ban nào lễ trước, ban nào lễ sau thì thấy mấy cô làm dịch vụ lễ thuê, tôi thuê luôn vừa tiện vừa yên tâm”.
Nắm được tâm lý của khách thập phương, dịch vụ lễ thuê tại Bia Bà nở rộ. Các cô, các bà làm nghề lễ thuê không cần chèo kéo, khách cũng sẽ đua nhau tìm đến. Nhiều lúc khấn người này chưa xong người kia đã đứng bên cạnh, lắng tai nghe và… đợi tới lượt mình. Mỗi lượt khấn thuê có giá giao động từ 30-50 nghìn đồng. So với nhiều nơi khác, dịch vụ lễ thuê tại đây được xem là có “mức giá hợp lý”.
Không phải gần đây mới xuất hiện, nhiều người đã sống bằng nghề lễ thuê hàng chục năm nay. Bà Trần Thị Nữ, làm nghề lễ thuê tại Bia Bà tâm sự: “Tôi làm nghề này đã ngót chục năm nay. Những ngày sau Tết, mùa lễ hội hoặc Rằm, Mồng Một thường đông khách, làm việc hết công suất cũng không đáp ứng nổi. Còn ngày thường khách thập phương tới lễ ít hơn, tôi cũng nhởn nhơ, thoải mái thời gian. Thường những người thuê lễ là đàn ông, con trai, hoặc các bạn trẻ có tâm mà không biết lễ thế nào cho đúng. Tôi lễ giúp họ còn công xá…tuỳ tâm. Khách đến đây nhờ tôi kêu cầu đủ thứ: bán nhà, bán đất, xin lộc làm ăn buôn bán, xin chồng ngoại tình quay về, xin số lô, số đề…”.
Dân lô đề đổ xô tới Bia Bà
Khách thập phương kéo tới Bia Bà xin lộc khá đông, nhất là vào tháng Giêng hàng năm. Họ đi thành đoàn, ô tô đưa rước, đỗ ngang dọc trước cổng. Đến Bia Bà, người ta xin đủ thứ, từ to đến nhỏ, từ công việc làm ăn tới chuyện tình cảm gia đình. Thậm chí, họ xin cả những điều phi thực tế.
Tới đây, ngoài những người làm nghề buôn bán phải kể đến một số lượng không nhỏ dân cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… Họ lễ Bà nhằm mục đích xin “lộc rơi, lộc vãi, lộc phù vân”. Ông Trần Văn Nho, chủ quầy ghi sớ, xem tử vi trước cổng Bia Bà có kể một câu chuyện: “ Tôi làm nghề viết sớ ở Bia Bà đã gần 20 năm, tôi nắm tình hình khách rất rõ. Dân cờ bạc tới đây xin “số” đông kinh khủng. Họ bảo nhau cầm 3 tờ tiền vào lễ ban Đức Thánh Bà. Lễ xong, 2 tờ bỏ hòm công đức còn tờ ở giữa cầm về tối chơi ngay. Bà phù hộ nhiều ông trúng lớn. Nhưng trúng rồi nhớ hôm sau phải vào lễ tạ Bà, không được lằng nhằng, kéo dài lâu ngày, Bà quở phạt thì khổ”. Ông còn cho biết thêm: “Dân cờ bạc họ ít viết sớ lắm, khấn nôm na thôi. Những người đi lễ xin mua đất, bán nhà, công danh, thi cử, buôn bán, làm ăn mới chịu khó viết sớ”.
Có lẽ, chính những câu chuyện hoặc vô tình, hoặc cố ý này của những người “ăn nhờ cửa đền” này đã góp phần tạo nên một Bia Bà linh thiêng và huyền bí. Đó cũng chính là cơ hội để cho họ dễ dàng “kiếm ăn” khi người kéo về đây lễ bái dịp đầu xuân ngày càng nhiều.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá Việt Nam phản đối việc thuê người lễ hộ. Ông nói: “Ngày xưa, chúng ta cứ thành tâm mà cúng lễ, người nào kêu cúng cho người ấy, vẫn rất tốt đấy thôi. Sau này mới xuất hiện dịch vụ thuê cúng, thuê lễ. Tôi nghĩ đây là một hành vi lợi dụng và là sự tha hoá của cúng lễ ngày nay”.
Ngọc Hoa/Báo Gia đình & Xã hội