Dân ta phải biết sử ta
Giai đoạn từ thời dựng nước đến Bắc thuộc
20 Tháng Mười 2011 2:30:00 SA
THỜI BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC
1/ Bắc thuộc lần thứ nhất và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Triệu Đà sáp nhập đất Âu Việt vào nước Nam Việt, chia vùng đất Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Triệu Đà vẫn đóng đô ở Phiên Ngung (nay là Quảng Châu), vẫn sử dụng bộ máy nhà nứơc cũ của Âu Lạc để “dùng người Việt trị người Việt”. Vì vậy trong hơn nửa thế kỷ thuộc nhà Triệu, tình hình Âu Lạc không mấy biến động. Sử cũ không hề thấy nói đến các cuộc đụng độ xảy ra.
Năm 111 Tr.CN, nhà Hán chiếm được Nam Việt của nhà Triệu. Hán Vũ Đế chia đất Nam Việt thành 9 quận. Ở phần đất Âu Lạc trứơc đây, ngoài việc tiếp tục duy trì hai quận Giao Chỉ (từ phía Bắc Việt Nam đến Ninh Bình), Cửu Chân (từ Ninh Bình đến Hoành Sơn – Bắc Quảng Bình), lại đặt thêm một quận mới tên là Nhật Nam (từ Hoành Sơn đến Quảng Nam). Dân số của 3 quận khoảng 1 triệu người (theo Tiền Hán Thư)
Đế chế nhà Hán áp đặt ách thống trị và bóc lột nặng nề lên người dân Âu Lạc. Đặc biệt nguy hiểm là chủ trương Hán hoá dân Việt, biến đất Việt thành đất Hán. Song các cư dân Việt không chịu khuất phục.
Nhân dân ta đấu tranh với kẻ thống trị để giữ vững bản sắc văn hoá, giữ gìn tiếng nói, phong tục tập quán của mình. Đồng thời tiếp thu những yếu tố tiến bộ, hợp lý của nền văn hoá Hán. Chẳng những thế, nhân dân lao động không ngừng cố gắng phát triển sản xuất. Do phát hiện ra sắt, nghề rèn sắt thành công cụ sản xuất phát triển. Kỹ thuật nông nghiệp phát triển, đã sử dụng trâu, bò cày kéo. Các hệ thống đê điều ngăn lũ, lụt, mương ngòi …được tu sửa. Các cây trồng, vật nuôi ngày một phong phú. Trong thủ công nghiệp, các nghề khai mỏ vàng, đúc đồng, rèn sắt, trồng dâu nuôi tằm cũng phát triển. Các tầng lớp giai cấp xuất hiện trong đó có tầng lớp giai cấp phong kiến quý tộc Việt Nam dần dần tiêu biểu cho lực lượng phát triển xã hội, tập hợp lực lượng nhân dân Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập tự chủ, thoát khỏi sự thống trị phương Bắc.
Năm 34, Hán Quang Vũ triệu hồi thái thú Tích Quang, cử Tô Định, một viên quan võ, đảm trách chức Thái Thú quận Giao Chỉ. Tô Định thực thi chính sách tàn bạo với dân Âu Lạc, từ đó cuộc đối đầu âm ỉ bấy lâu giữa cư dân Âu Lạc với quan lại Hán triều lại càng thêm trầm trọng, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đánh đổ ách cai trị của Nhà Đông Hán.
Mùa xuân năm 40, vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con quan Lạc tướng ở Mê Linh (vùng đất từ Ba Vì đến Tam Đảo, nay thuộc Hà Tây, Vĩnh Phúc), cùng với em gái là Trưng Nhị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân ta chống quân xâm lược Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà nhanh chóng được nhiều nơi hưởng ứng. Hai Bà đem quân tràn xuống đánh đuổi Thái Thú Tô Định, chiếm lĩnh được 65 thành trì và xưng vương gọi là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Khởi đầu cho việc đấu tranh giành độc lập của thời kỳ Bắc thuộc.
Khởi sự đánh chiếm đô úy trị của Thái Thú Tô Định đóng tại đây. Sau đó, từ Mê Linh Hai Bà kéo quân đến đánh huyện thành Tây Vu, tức thành Cổ Loa, rồi từ Cổ Loa vượt qua sông Hoàng, sông Đuống xuôi dòng sông Dâu đánh phá quận Giao Chỉ, bấy giờ đóng tại thành Luy Lâu (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Quân Hai Bà cả thủy lẫn bộ với đàn voi dũng mãnh đã nhanh chóng phá được thành. Tên Thái Thú Tô Định bỏ chạy về quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay).
Đến mùa hạ năm 42, Hán Quang Vũ cử Mã Viện cùng đội quân hùng hậu sang đánh Hai Bà Trưng. Mùa hè năm 43, Mã Viện đến Lãng Bạc (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh), tại đây đã diễn ra cuộc đụng độ giữa quân sĩ của Hai Bà Trưng và Mã Viện. Nhờ vào quân số đông cả thủy lẫn bộ, Mã Viện đã đánh bại được quân của Hai Bà.
Hai Bà Trưng phải rút quân về Cấm Khê (ở dãy Ba Vì, Hà Tây), và cầm cự với quân giặc đến tháng 3 năm 43 (nhằm ngày mùng 6 tháng 2 Âm Lịch) Hai Bà gieo mình tự vẫn bên sông Hát (Hát Giang). Sau 3 năm tự chủ, cơ đồ nhà Âu Lạc lại rơi trở lại vào tay nhà Đông Hán.
2/ Bắc thuộc lần thứ hai và cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, khởi nghĩa của Lý Bí:
Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Âu Lạc bị ràng buộc hơn vào bộ máy cai trị của triều đình nhà Đông Hán. Hàng loạt chủ trương lớn để củng cố quyền lực được nhà Hán triển khai ở các quận, huyện. Trứơc hết là huỷ bỏ chức Huyện lệnh thế tập của các Lạc Tướng người Việt, thay bằng chức Lệnh trưởng do người Hán nắm giữ. Kế tiếp là chia tách các quận, huyện để dễ cai trị; xây dựng đường xá, thành quách để phòng giữ. Ngày nay còn dấu tích của thành Luy Lâu (còn gọi là thành Dâu thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) và thành Phong Khê (còn gọi là Kiển Thành, là thành Cổ Loa trước đây). Tuy nhiên, sức mạnh của Âu Lạc vẫn thật đáng sợ đối với triều đình nhà Hán. Nhà Hán vẫn chưa áp dụng được luật của nhà Hán cho người dân Âu Lạc. Sau này phải quay trở lại lấy luật tục của người Việt mà trị.
Nhân dân vẫn cố gắng giữ gìn truyền thống văn hoá, tiếng nói của dân tộc trước những thay đổi lớn trong xã hội. Trứơc hết là thành phần dân cư lúc bấy giờ đã không còn thuần nhất. Những cuộc nhập cư của người Hán, những cuộc buôn bán, truyền đạo đã làm cho thành phần và số lượng dân cư Âu Lạc biến động đột ngột. Ngoài hai thành phần cư dân Việt – Hán, lúc bấy giờ còn có người Ấn Độ, Ba Tư, Trung Á đến trú ngụ. Kế tiếp là tôn giáo, tín ngưỡng Đạo giáo, nho giáo đến từ phương Bắc, khá thịnh hành. Riêng đạo phật đến từ phương Nam, theo đường biển truyền vào trong giai đoạn trứơc đó, đã bắt đầu hoà nhập vào đời sống tín ngưỡng truyền thống. Trống đồng Đông Sơn bị Mã Viện phá huỷ khá nhiều, nhưng người dân vẫn cố gắng khôi phục lại nghề đúc trống và có sự biến đổi cả về nghệ thuật và kỹ thuật.
Người dân Âu Lạc với truyền thống cần cù, chịu khó đã cố gắng lao động, phát triển sản xuất và đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn này. Về nông nghiệp: diện tích canh tác được mở rộng, lúa hai vụ được trồng nhiều, chủng loại cây trồng tăng lên. Năng suất trong lao động nông nghiệp tăng. Đặc biệt sản lượng lúa gạo nhiều lên bội phần. Về thủ công nghiệp: xuất hiện thêm nghề mới: đó là nghề làm gạch ngói. Nghề gốm truyền thống cũng phát triển theo hướng tinh xảo hơn trứơc. Nghề làm mía đường rất nổi tiếng. Nhiều sản phẩm thủ công nổi tiếng xuất hiện như vải cát bá, khăn bông, lụa, đường phèn, đồ chạm khảm,…)
Sản vật Âu Lạc nhiều và nổi tiếng nhưng do bị các quan lại nhà Hán bóc lột nặng nề, cộng thêm sự áp bức cùng cực, nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra trên khắp ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
Khoảng năm 190-193, thủ lĩnh Khu Liên nổi lên đánh đuổi quan lại và quân lính ở Nhật Nam, lập nên nước Lâm Ấp, tiền thân của nước Chiêm Thành (Chămpa).
Năm 203, nhà Hán đổi tên Giao Chỉ bộ (3 quận) thành Giao Châu. Tên Giao Châu được gọi từ đó.
Năm 211, đất Giao Châu chuyển sang lệ thuộc nhà Ngô.
Quận Giao Chỉ, Cửu Chân vào thời Ngô luôn trong cục diện chính trị không ổn định. Phía Nam quân Lâm Ấp đánh phá. Còn phía Bắc thì bị triều đình nhà Ngô khống chế, đặt ra lệ thuế vô cùng hà khắc, từ đó khiến lòng dân căm phẫn, dẫn đến bùng nổ các cuộc khởi nghĩa.
* Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (năm 248)
Sang thế kỷ thứ 3, trên đất Âu Lạc bùng nổ cuộc khởi nghĩa lớn của Bà Triệu (năm 248), Cuộc khởi nghĩa này là đỉnh cao của phong trào nhân dân thế kỷ II – III trong thời điểm chính quyền đô hộ có lực lượng hùng mạnh.
Hình ảnh Bà Triệu được phác hoạ trong nhân dân như một nữ tướng oai nghiêm, giúp dân cứu nước, “mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trận”. Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, là người miền núi vùng Quang Yên, quận Cửu Chân. Nay tên núi vẫn giữ nguyên bên bờ sông Mã, Thanh Hoá.
Bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt, là người làm đến chức Hiệu Lệnh, chiêu nạp trai tráng, luyện tập võ nghệ, mưu đồ khởi nghĩa. Triệu Thị Trinh đem quân lên vùng núi Tùng (Triệu Sơn – Thanh Hóa) lập căn cứ, hàng ngũ dân chúng kéo theo Bà Triệu rất đông, nơi đây địa thể hiểm yếu, là nơi gần biển dễ dàng đi từ Giao Chỉ vào Cửu Chân.
Năm 248, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Từ căn cứ Bồ Điền (Hậu Lộc – Thanh Hoá), Bà Triệu lãnh đạo nghĩa quân đánh phá các thành ấp của bọn quan lại nhà Ngô ở quận Cửu Chân, rồi từ đó đánh ra khắp Giao Châu. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, người chạy trốn. Bà được gọi là “Nhụy Kiều tướng quân” hay “Lệ Hải Bà Vương”.
Hay tin, nhà Ngô cho đem 8.000 quân sang Giao Châu đàn áp. Theo truyền thuyết Bà Triệu đánh bại quân Ngô hơn 30 trận, đánh nhau trong 6 tháng, nghĩa quân mai một dần, Bà Triệu đem quân đến núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hoá) và tuẫn tiết. Ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày hội tưởng nhớ tinh thần kiên trinh bất khuất của Bà.
Cuộc khởi nghĩa đánh giặc Ngô của Bà Triệu cùng với nhiều phản kháng của dân chúng chống giặc Ngô tuy không thành, nhưng càng hun đúc thêm ý chí quyết giành lại giang sơn, cởi bỏ ách lệ thuộc phương Bắc của người dân Âu Lạc.
* Lý Bí dựng nghiệp Nam Đế, lập nước Vạn Xuân (544-602)
Từ năm 250 – 543 Giao Châu rơi vào tình trạng bất ổn, bị nhiều nước tranh giành, xâu xé. Trong gần 300 năm, Giao Châu lần lượt thuộc nước Tấn (năm 250-420), Tống (năm 420-478), Tề (năm 479-502), Lương (năm 502-543)
Đời sống người dân vô cùng cơ cực. Ở giai đoạn nhà Lương cai trị, thuế má rất nặng nề, có đến hàng trăm thứ thuế, dân nghèo thậm chí phải bán vợ, đợ con để đóng thuế. Song song đó là tình trạng nhà Lương phân biệt giữa hai tầng lớp sĩ tộc (quan lại người Hán mới được cử sang Giao Châu) và hàn môn (gốc người Hán nhưng đã di cư đến Giao Châu nhiều đời) trong việc bổ nhiệm các chức quan địa phương. Điều nó dẫn đến sự bất mãn trong lớp hàn môn, nảy sinh xu hướng liên kết ngày càng mạnh giữa họ với những hào trưởng người Việt chống bọn quan lại sĩ tộc. Lại thêm nạn tham quan ô lại, các nhà thế tộc giàu có, đại địa chủ hoành hành, bóc lột của cải, chiếm đoạt ruộng đất khiến cho dân chúng nổi lên chống đối khắp nơi.
Đầu năm 542, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, (còn gọi là Lý Bôn) đã nổ ra.
Lý Bí quê Thái Bình, xuất thân là một hào trưởng địa phương, có tài văn võ, có lúc làm Giám quân ở Huyện Cửu Đức, thuộc Đức Châu (Nghệ An), nhưng do bất bình với bọn quan lại sở tại ức hiếp dân chúng, Lý Bí từ bỏ nhiệm sở, về lại quê nhà, tổ chức khởi nghĩa đánh đổ bọn quan lại nhà Lương. Lý Bí là người tài đức, được hào kiệt nhiều nơi hưởng ứng. Trong đó có Triệu Túc và Triệu Quang Phục, đã đem quân theo Lý Bí.
Trước lực lượng hùng mạnh của nghĩa quân Lý Bí, thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư quá sợ hãi, vội chạy trốn về Việt Châu, rồi đến Quảng Châu. Tháng 1 năm 542 Lý Bí chiếm giữ được châu thành Long Biên. Ba tháng sau nhà Lương cho quân sang đánh Lý Bí, nhưng quân nhà Lương thất bại hoàn tòan. Quân của Lý Bí đã kiểm soát và làm chủ trên vùng lãnh thổ rộng lớn, phía Nam đến Đức Châu (Nghệ Tĩnh), phía Bắc đến Hợp Phố (Tây Nam Quảng Đông – Trung Quốc)
Thất bại trận đầu, nhà Lương tiếp tục điều khiển binh mã sang đánh Lý Bí lần thứ hai vào mùa đông năm 542. Cuộc chiến diễn ra ở Hợp Phố, quân nhà Lương tổn thất nặng nề. Quân Lý Bí đại thắng.
Tháng 5 năm 543, Phạm Tu, một tướng giỏi của Lý Bí, lại phá luôn Lâm Ấp. Biên thùy phía Bắc và phía Nam trở nên yên ổn. Tòan lãnh thổ Âu Lạc xưa giờ đây đã thuộc quyền lực của tầng lớp Hào trưởng địa phương.
Mùa Xuân tháng Giêng âm lịch (tháng 2 năm 544) Lý Bí chính thức lên ngôi Hòang đế, xưng là Việt Đế, còn gọi là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay).
Lý Bí ở ngôi được 5 năm (543 – 548) thì mất, trong 5 năm ấy, chỉ hơn 1 năm là tình hình nước Vạn Xuân tương đối ổn định (543 – 544). Khoảng thời gian còn lại, phải chống chọi cuộc đánh phá lần thứ 3 của nhà Lương.
Năm 548, Lý Nam Đế mất. Sự nghiệp của Lý Nam Đế đã được Lý Thiên Bảo (anh của Lý Nam Đế) và Triệu Quang phục đứng ra gánh vác chống lại nhà Lương.
Tại Trung Quốc, năm 557, Trần Bá Tiên lật đổ nhà Lương, tự phong Hòang đế, dựng nên nhà Trần. Trong lúc tình hình phương Bắc rối loạn, Giao Châu bị bỏ ngỏ. Triệu Quang Phục dần chiếm lại lãnh thổ Giao Châu, giành quyền tự trị, xưng Vương (Triệu Việt Vương).
Năm 555, Lý Thiên Bảo mất, một viên tướng cùng họ là Lý Phật Tử lên thay thế.
Từ năm 557 trở về sau Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử tranh giành quyền lực, hai bên giao tranh nhiều lần bất phân thắng bại, phải kết thông gia để giảng hoà. Đến 571, Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp Triệu Quang Phục, thâu tóm tòan bộ quyền lực, rồi tự xưng là Nam Đế, để tỏ ý tưởng là kế nghiệp Vạn Xuân của Lý Bí trước đó. Sử cũ thường gọi là Hậu Lý Nam Đế.
Năm 602, quân của Nam đế Lý Phật Tử thất bại trứơc quân nhà Tuỳ. Nước Vạn Xuân mất sau 60 năm độc lập. Sử thường gọi thời kỳ này là thời kỳ tiền Lý để phân biệt với nhà Lý về sau.
3/ Bắc thuộc lần thứ ba.
Sau khi đánh chiếm được Giao Châu vào năm 602, 3 năm sau nhà Tuỳ đánh chiếm luôn Lâm Ấp (năm 605) và bắt đầu tổ chức lại việc cai trị.
Năm 617, nhà Tùy bị lật đổ, nhà Đường thay thế, đất Giao Châu lại chịu dưới ách thống trị của nhà Đường. Tuy nhiên, thế lực nhà Đường chưa đủ mạnh, vùng đất Giao Châu bị áp dụng chế độ cai trị như một đô hộ phủ, có tên là Giao Châu đô hộ phủ, sau này đổi tên thành An Nam đô hộ phủ, có phạm vi lãnh thổ bao gồm miền Bắc Việt Nam, từ Bắc Bộ đến Đèo Ngang và một phần đất phía Nam Trung Quốc (Tỉnh Quảng Đông – Quảng Tây).
Vào thời này, nông nghiệp đã phát triển khá toàn diện. Có lúa, có hoa màu, có cây ăn trái, cây thuốc, cây công nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản. Sản xuất hướng mạnh vào mục tiêu cung ứng cho xuất khẩu. Thủ công nghiệp ở Giao Châu có bứơc phát triển quan trọng. Giao Châu như trở thành một công trường thủ công lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của trung tâm mậu dịch quốc tế Quảng Châu. Nền thương mại quốc tế đã thâm nhập mạnh vào An Nam đô hộ phủ. Tàu thuyền buôn của các nước thường mang sản vật đến đây mua bán, trao đổi. Tiền tệ được lưu hành rộng rãi. Thương nghiệp có phần khởi sắc, song trên thực tế đều bị bọn quan lại địa phương và tầng lớp đại thương nhân ở Quảng Châu thao túng. Giao thông đường thuỷ lẫn đường bộ đều phát triển hơn những thế kỷ trước.
Bộ mặt văn hóa có nhiều biến đổi, mà nổi rõ nhất là sự phát triển thịnh đạt của đạo Phật và văn hóa Phật Giáo theo phái Đại thừa, bên cạnh đó Nho Giáo vẫn tiếp tục giữ vị trí độc tôn trong hệ thống chính quyền, vào thời nhà Đường, chế độ sĩ tộc đã bị xem nhẹ, chế độ khoa cử để tuyển chọn nhân tài được coi trọng. Nhờ vậy ở An Nam đô hộ phủ, cũng có người bản xứ có điều kiện thi cử thăng tiến. Tình hình chiếm hữu đất công diễn ra trầm trọng làm thay đổi bộ mặt xã hội. Lớp quý tộc, hào trưởng tại chỗ tranh chiếm đất công, người lao động mất đất, phá sản phải làm tôi tớ, nông nô hoặc tá điền. Do đó đời sống của số đông người dân vẫn rất cùng cực.
Trong thời gian khỏang ba thế kỷ, Giao Châu lệ thuộc nhà Tùy – Đường, thì nhiều quốc gia láng giềng trở nên lớn mạnh. Vương triều Cailendra ở Nam Dương rất cường thịnh. Vua Chân Lạp là Jayavarman II (802 – 854) đã dựng nên vương quốc Ăngkor rộng lớn trên bán đảo Đông Dương vào đầu thế kỷ thứ IX cũng phát triển hùng mạnh. Phía Nam sông Gianh, nước Chiêm thành kế thừa di sản của Lâm Ấp vào đầu thế kỷ thứ IX cũng phát triển hùng mạnh. Ở phía Tây Bắc của Vân Nam (Trung Quốc), nước Nam Chiếu được thành lập, chống lại nhà Đường, tồn tại được hơn một thế kỷ.
An Nam đô hộ phủ, từ thế kỷ VII – VIII về sau liên tiếp là vùng đất tranh giành giữa các quốc gia nói trên với nhà Đường.
Về phía nội tình bên trong, dân chúng An Nam đô hộ phủ nhiều lần nổi dậy đánh phá châu huyện, chống sự hà khắc của chính quyền đô hộ. Trong đó, có những cuộc giành chiến thắng như các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên – Đinh Kiến (687), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766), Dương Thanh (819) …
* Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722)
Mai Thúc Loan, quê ở Mai Phụ, một làng chuyên làm muối ở ven biển, nay thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ông theo họ mẹ, lên sinh sống với mẹ ở Ngọc Trừng, thuộc huyện An Đàm (Nghệ An). Nhà nghèo, ông phải làm thuê cho hào trưởng địa phương. Ông rất khoẻ mạnh, thông minh, da đen bóng, võ nghệ cao cường vang tiếng cả vùng.
Dưới ách thống trị của nhà Đường, bọn quan lại ra sức vơ vét tơ lụa, lúa thóc, bắt dân ta cống nộp quả vải. Hàng năm phải đi phu, làm lao dịch cho chính quyền đô hộ từ 20 đến 50 ngày. Dân tình khổ sở.
Năm 722, Mai Thúc Loan đã hô hào dân phu cùng nhau nổi lên phản kháng bọn quan lại đô hộ. Dân chúng trong vùng hưởng ứng. Nhiều nơi ở các châu Hoan, Diễn, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An) đều theo về với Mai Thúc Loan. Thế lực quân khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh, Mai Thúc Loan dựa vào thế hiểm trở của vùng Sa Nam (Nam Đàn), lập căn cứ để đánh quân đô hộ. Lấy núi Vệ làm trung tâm và đặt bản doanh.
Sau khi làm chủ cả vùng đất Hoan, Diễn, Ái, Mai Thúc Loan xưng đế, lấy thành Vạn An làm kinh đô. Sử thường gọi ông là vua Đen họ Mai (Mai Hắc Đế). Sau khi lên ngôi đế, Mai Thúc Loan còn mở rộng việc giao thiệp nhằm liên kết các nước Chămpa, Chân Lạp và cả Kim Lân (Myanmar ngày nay) để cùng tham gia đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường.
Tuy nhiên, thế lực nhà Đường lớn mạnh, vua Đường cử Dương Tư Húc sang An Nam đô hộ phủ đàn áp cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế. Tư Húc cùng Quang Sở Khách dẫn 10 vạn quân, tiến quân vào châu thổ Sông Hồng, bất ngờ đánh úp quân của Mai Hắc Đế. Mai Hắc Đế trở tay không kịp, đối phó cũng không được, buộc phải rút chạy vào rừng.
Cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế bị đàn áp dã man, song chí khí của ông vẫn được đời đời truyền tụng trong dân chúng châu Hoan. Ngày nay, tại di tích thành cổ Vạn An, còn thấy đền thờ ông dựng trên núi Vệ và trong thung lũng núi Hùng.
* Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (766 – 791)
Phùng Hưng là Hào trưởng ở đất Đường Lâm bên bờ phải Sông Hồng, gần chân núi Tản Viên (Ba Vì – Sơn Tây). Dòng dõi nhà ông có uy tín lớn đối với dân chúng trong vùng. Phùng Hưng và người em trai là Phùng Hải có sức khỏe hơn người. Bấy giờ, An Nam đô hộ sứ trên vùng đất này là Chính Bình, rất hống hách ức hiếp dân chúng, bắt nạp tô thuế nặng nề, thu vét nhiều của cải, khiến dân tình cực khổ trăm bề.
Nhân gặp lúc quân lính trong phủ thành bất mãn, chống lại bọn quan chức đô hộ, Phùng Hưng được dân chúng hưởng ứng, đã nổi lên làm chủ đất Đường Lâm, mở rộng thế lực khắp Châu Phong. Phùng Hưng tự xưng là Đô quân, Phùng Hải được phong là Đô bảo, cùng nhau trấn giữ cả địa bàn Trung Du miền Núi Bắc Bộ.
Mấy năm sau, thấy quân lực đã đủ mạnh, Phùng Hưng tiến về xuôi, đánh phá phủ thành Tống Bình. Phùng Hưng nhanh chóng chiếm được phủ thành, kiểm soát tòan bộ Giao Châu.
Phùng Hưng nắm giữ quyền hành được 7 năm rồi mất. Con của Phùng Hưng là Phùng An nối nghiệp cha, dâng tôn hiệu cho cha là Bố Cái Đại Vương.
Cuối năm 791, nhà Đường đem quân tấn công. Nhắm tình thế không thắng nổi, Phùng An dẫn thuộc hạ cùng ra hàng. Đến đây sự nghiệp tự chủ kéo dài gần 10 năm của anh em nhà họ Phùng tan vỡ. Nhà Đường kiểm soát lại Giao Châu.
Kết luận:
Hơn một ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, nhân dân ta không lúc nào chịu cam phận mà luôn đấu tranh, chống lại áp bức, đô hộ. Ý chí tự lực, tự cường giành độc lập dân tộc chưa lúc nào nguôi ngoai thể hiện ở những cuộc nổi dậy và xưng vương, xưng đế (Trưng Vương, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế…). Chính các cuộc nổi dậy đó đã chuẩn bị tiền đề vật chất và tinh thần cho công cuộc giành quyền tự chủ hoàn toàn vào đầu thế kỷ thứ X. Năm 906, Khúc Thừa Dụ, nhân chính quyền nhà Đường suy yếu, đã đứng lên cùng nhân dân giành được quyền tự chủ. Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nứơc, kéo dài trên một ngàn năm.
Sở dĩ một quốc gia bị nứơc ngoài thống trị và âm mưu đồng hoá trên một ngàn năm đã vùng lên và giành lại được quyền tự chủ đó là nhờ có ý chí độc lập tự chủ của cư dân người Việt. Truyền thống đó thấm sâu trong nhân dân như mạch nước ngầm trong lòng đất, nó bắt nguồn từ mỗi con người, từ mỗi làng xóm, lặng lẽ đổ vào biển cả tạo thành truyền thống của cộng đồng người Việt. Truyền thống lại được nuôi dưỡng bởi nền văn hoá, văn minh của người Việt định hình và phát triển từ thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc. Trong sự cọ sát với nền văn hoá Hán, nền văn hoá Đông Sơn chẳng những không bị mai một mà lại được bổ sung bởi biết tiếp thu cái hay, cái tiến bộ, hợp lý của nền văn hoá bên ngoài nhằm tăng sức mạnh, hun đúc sức sống mãnh liệt của cộng đồng người Việt. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để đất nứơc vươn lên giữ vững nền tự chủ, dựng nứơc thịnh trị trong thời kỳ sau này.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8
————————————————————
Tài tiệu tham khảo: Lịch Sử Việt Nam (tập 2) của Hội Đồng khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh – Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản trẻ. Xuất bản năm 2007.
Số lượt người xem:
296004
TIN MỚI HƠN
- THỜI DỰNG NƯỚC
Xem theo ngày