Dân tộc Mường
NDO –
Người Mường có dân số hơn một triệu người, đông thứ 4 chỉ sau người Việt, Tày, Thái. Là cư dân bản địa lâu đời, họ có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, cư trú ở nhiều tỉnh phía bắc, tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa.
1. Nguồn gốc lịch sử:
Người Mường là cư dân bản địa, sinh sống lâu đời ở nước ta và đã tạo dựng được một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc tộc người.
Tên gọi khác: Mol, Mual, Mul hoặc Mon….
2. Phân bố địa lý:
Người Mường ở nước ta cư trú trên một vùng đồi núi khá rộng, trong các thung lũng chân núi, có địa lý môi sinh thuận lợi cho trồng trọt, nằm giữa vùng người Việt ở phía đông và vùng người Thái ở phía tây, chiều dài khoảng 350km, chiều rộng khoảng 80-90km; tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ; các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa và rải rác ở các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái…
3. Dân số, ngôn ngữ:
– Dân số: Người Mường là tộc người có dân số đông thứ 4 trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chỉ sau người Việt, Tày, Thái.
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, người Mường có tổng dân số là 1.452.095 người, tập trung chủ yếu tại tỉnh Hòa Bình (với số dân 549.026 người), Thanh Hóa (341.359 người); Phú Thọ (218.404 người); Sơn La (84.676 người); Hà Nội (62.239 người); Ninh Bình (27.6345 người), Yên Bái (17.401 người)… Ngoài ra, người Mường còn có mặt tại một số tỉnh, thành phố phía nam như Đắk Lắk (15.656 người); Bình Dương (9.021 người); Đồng Nai (6.257 người); Lâm Đồng (6.072 người),…
– Ngôn ngữ: Tiếng Mường, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, ngữ hệ Nam Á.
4. Đặc điểm chính:
– Thiết chế xã hội truyền thống: Tổ chức xã hội truyền thống của người Mường có nhiều nét đặc thù, đó là xã hội đã có sự phân hóa thành đẳng cấp nhà lang (quý tộc) và bình dân. Thiết chế xã hội trong xã hội cổ truyền ở người Mường nói chung là xóm và mường. Ở đó hình thành một bộ máy quản lý, điều hành theo luật tục, mọi thành viên trong cộng đồng xóm, mường phải tuyệt đối tuân thủ. Nơi cư trú của người Mường được gọi bằng từ quêl hoặc xóm, có nghĩa là làng. Làng là đơn vị cơ sở của xã hội Mường gồm nhiều tiểu gia đình phụ quyền mà tế bào gia đình là cha mẹ và con cái, trong đó quyền thế thuộc về con trưởng.
– Nhà ở: Ðại bộ phận người Mường ở nhà sàn, kiểu nhà 4 mái, chung quanh có hàng cau, cây mít. Phần trên sàn người ở, dưới gầm đặt chuồng gia súc, gia cầm, để cối giã gạo, các công cụ sản xuất khác. Ngày nay điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống đồng bào được nâng cao nên bên cạnh nhà sàn truyền thống, ở nhiều vùng người Mường đã xuất hiện những ngôi nhà mái ngói, nhà mái bằng, nhà cao tầng. Kiến trúc của các loại hình nhà này mang đậm dấu ấn của người Việt.
– Tôn giáo, tín ngưỡng: Thờ cúng tổ tiên, thờ Tản Viên, thờ thổ công.
– Trang phục: Bộ y phục nữ đa dạng hơn nam giới và còn giữ được nét độc đáo. Khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn được dệt kỳ công. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 giây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.
Trang phục truyền thống nam giới của người Mường đơn giản hơn. Áo ngắn, cổ tròn, có nẹp viền quanh. Quần được may bằng vải mộc thô màu trắng, nhuộm nâu hoặc nhuộm chàm, ống rộng. Khi mặc quần, người mặc sẽ bắt chéo hai mép cạp dắt vào bên trong và dùng khăn thắt lại. Khăn của nam giới người Mường màu đen hoặc tím than bằng vải tự dệt. Hiện nay, bộ trang phục truyền thống của nam giới Mường hầu như không còn nữa, chủ yếu họ mua sẵn trang phục của người Kinh ở ngoài chợ.
– Hôn nhân: Lễ cưới của người Mường hiện nay đã thực hiện theo nếp sống mới, các hiện tượng mua dâu, mua rể không còn. Trai gái tự do yêu đương tìm hiểu, ưng ý nhau thì báo để gia đình chuẩn bị lễ cưới.
– Ẩm thực: Trước kia, gạo nếp là món chính trong bữa ăn hằng ngày của người Mường nhưng hiện nay gạo tẻ đã dần thay thế trở thành nguồn lương thực chính, gạo nếp chỉ dùng trong các dịp lễ tết, tiếp khách.
Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men được đem ra mời khách quý và uống trong các cuộc vui tập thể. Phụ nữ cũng như nam giới thích hút thuốc lào bằng loại ống điếu to. Ðặc biệt, phụ nữ còn có phong tục nhiều người cùng chuyền nhau hút chung một điếu thuốc.
– Giáo dục: Dân tộc Mường trước kia chỉ có một số ít người biết chữ quốc ngữ hoặc chữ Hán, còn đại bộ phận là mù chữ. Từ khi hòa bình lập lại, phong trào học tập phát triển mạnh. Phần lớn các bậc cha mẹ đã hạn chế những suy nghĩ kìm hãm tinh thần ham học, học cao của con cái và thay vào đó là cho con đi học kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường nhằm tạo điều kiện cho con mình có một tương lai xán lạn hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 95,5%; tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 100,8%; tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 96,3%; tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 71,5%; tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 6,7%.
5. Điều kiện kinh tế:
Hoạt động kinh tế chủ yếu của người Mường là nông nghiệp ruộng nước. Người Mường kết hợp nông nghiệp lúa nước với nương rẫy, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm và tiểu thủ công nghiệp mang nặng tính tự cung, tự cấp. Do địa bàn cư trú là trong các thung lũng dưới chân núi, những nơi có sông suối dày đặc, nên từ lâu người Mường đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước tưới tiêu cho ruộng và trồng hoa màu. Họ còn làm các nghề thủ công mà tiêu biểu là nghề dệt và đan lát.
Từ khi cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế người Mường đã có những chuyển biến rõ rệt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019: tỷ lệ thất nghiệp (1,18%); tỷ trọng lao động làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp (36%); tỷ lệ hộ nghèo (14,5%); tỷ lệ hộ cận nghèo (14,9%); tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh (89,9%); tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng (99,6%).