Dân vận khéo để giữ gìn bản sắc văn hóa
Từ tiếng nói người uy tín
5 năm qua, ông Lý Văn Bình, thôn 7, xã Tân Tiến (Yên Sơn) là người uy tín của bản làng. Ông còn là thầy cúng am hiểu văn hóa, chữ viết người Dao. Lo lắng trước sự mai một của phong tục tập quán văn hóa dân tộc mình, ông Lý Văn Bình đã miệt mài tuyên truyền vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa.
Bên cạnh sưu tầm sách cổ, nhận dạy miễn phí chữ Nôm Dao, ông Bình còn đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ người Dao Thanh Y. Câu lạc bộ có 35 thành viên, thường xuyên đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài xã với các tiết mục hát Páo dung, múa người Dao, biểu diễn trang phục người Dao Thanh Y… Ông chia sẻ, để văn hóa người Dao gần gũi với bà con, bên cạnh dạy các thành viên những lời bài hát cổ, ông còn sáng tác những làn điệu Páo dung bằng những lời ca tươi mới phản ánh cuộc sống hôm nay. Những lời hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về vẻ đẹp của quê hương vang vọng nơi bản làng.
Tiết mục hát Páo dung làn điệu giao duyên của người Dao xã Tân Thành (Hàm Yên).
Chính những lời ca gần gũi, dễ thuộc, phù hợp với cuộc sống ngày nay nên nhiều người trẻ cảm thấy yêu thích Páo dung hơn. Em Bàn Thị Uyên, thành viên Câu lạc bộ bày tỏ, từ ngày tham gia câu lạc bộ em biết cách làm trang phục, tự mặc trang phục và em còn biết hát nhiều bài làn điệu ru con, hát giao duyên.
Ông Lục Văn Bảy là người “truyền cảm hứng” cho bà con Sán Dìu xã Ninh Lai (Sơn Dương) yêu thích làn điệu Soọng cô. Cách đây hơn 10 năm, vì lo lắng bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền, ông cùng các cụ cao niên trong xã đã đứng ra vận động những người biết hát trong làng thường xuyên tổ chức hát giao lưu với các địa phương khác. Sau một thời gian im ắng, tiếng Soọng cô lại ngân vang khắp bản làng khiến người già người trẻ kéo nhau đi xem và tham gia. Năm 2004, ông Bảy viết đơn lên xã xin thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô ngay tại địa phương và được Chính quyền xã chấp thuận.
Tham gia Câu lạc bộ, các thành viên được dạy hát Soọng cô, dạy đọc chữ, viết chữ của tổ tiên. Đặc biệt, luôn chú trọng đến việc phát triển hội viên mới. Đến nay, Câu lạc bộ đã có trên 100 hội viên, trong đó, người nhiều tuổi nhất là 80 tuổi, người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 8 tuổi.
Toàn tỉnh hiện có 1.119 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín là những lớp người am hiểu truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình và ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ cho thế hệ sau. Nhờ đó, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết, trò chơi dân gian của đồng bào Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Mông, Sán Dìu… luôn được bảo tồn giữ gìn và phát triển.
Mô hình dệt thổ cẩm của Chi hội Phụ nữ thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) thu hút nhiều hội viên tham gia.
Đến sự đồng lòng…
Để giữ gìn bản sắc văn hóa tại các địa phương có những cách làm khác nhau để tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ nguồn cội, phong tục tốt đẹp của cha ông.
Hội Phụ nữ xã Chiêu Yên (Yên Sơn) hiện có trên 835 hội viên trong đó hội viên dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Hội LHPN xã đã tích cực tuyên truyền hội viên cùng nhau giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, Hội đã thành lập được 4 Câu lạc bộ với 131 thành viên bao gồm: Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Tày tại thôn Cây Chanh, Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tại thôn Tân Lập, Câu lạc bộ hát Then đàn Tính dân ca dân vũ tại thôn Đán Khao, Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Y thôn Phai Đá.
Chị Sầm Thị Hậu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiêu Yên cho biết: “Việc thành lập các Câu lạc bộ đã tạo môi trường cho các hội viên, đặc biệt là chị em đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện được bản sắc dân tộc. Nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên vận động chị em mặc trang phục của các dân tộc, học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.
Hiện nay, huyện Hàm Yên có 20 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó nhiều câu lạc bộ là do các chi hội người cao tuổi thành lập. Tiêu biểu như Câu lạc bộ Hát Páo dung của dân tộc Dao ở xã Tân Thành; Câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan tại các xã Thành Long, Hùng Đức…
Bà Nịnh Thị Lý, thành viên Câu lạc bộ hát Sình ca thôn Đèo Quân, xã Hùng Đức năm nay 70 tuổi. Bà chia sẻ, từ khi câu lạc bộ thành lập: “Chúng tôi tích cực vận động con cháu cùng tham gia. Không khí sinh hoạt rất sôi nổi, người biết dạy những người chưa biết, người già dạy người trẻ. Không chỉ hát Sình ca mà còn học nhau cách thêu thùa, may vá trang phục truyền thống, làm các món ăn dân tộc…”.
Với vai trò thanh niên xung kích đi đầu trong các hoạt động, hiện nay, 100% các cơ sở Đoàn đều có đội văn nghệ. Cùng với đó, các xã cũng thành lập được 95 câu lạc bộ thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với trên 3.200 thành viên là đoàn viên thanh niên tham gia.
Bên cạnh thành lập câu lạc bộ, Đoàn xã Trung Hà (Chiêm Hóa) thường xuyên tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu văn nghệ với chủ đề thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Anh Bàn Văn Nam, thôn Bản Ba 1 chia sẻ, là người con của đồng bào dân tộc Dao, anh luôn ý thức phải giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Anh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa người Dao và chủ sở hữu 2 homestay du lịch.
Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, với sự đồng lòng vào cuộc của các địa phương, tổ chức xã hội, phong trào văn hóa văn nghệ, giữ gìn bản sắc ngày càng được lan tỏa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có cách làm để việc giữ gìn bản sắc văn hóa đồng hành với phát triển du lịch. Tiêu biểu như các đội văn nghệ biểu diễn tại các homestay ở Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa…
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc; không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện lời Bác, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm để vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đồng thời nêu cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc phát huy, gắn kết văn hóa và phát triển du lịch.