Dàn ý tả cây hoa mai vào dịp tết lớp 6 chi tiết đầy đủ – THCS Lao Bảo
Hoa mai từ lâu đã là biểu tượng cho ngày Tết miền Nam với ý nghĩa cầu chúc một năm mới an khang, phú quý, thịnh vượng. Dưới đây là hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho bài văn tả cây hoa mai vào dịp Tết lớp 6 hay nhất để các bạn tham khảo.
Các bài viết liên quan tới chủ đề dàn ý tả cây hoa mai đáng chú ý:
Bàn về nét văn hóa Việt Nam không thể quên ngày Tết. Tết được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm của người Việt. Ngày Tết là dịp để cả gia đình quần tụ, sum vầy, đón chào những thời khắc thiêng liêng của thời gian. Không khí ngày Tết không thể thiếu được mùi vị của bánh chưng và màu sắc của những cành mai đối với Nam Bộ và cành đào đối với miền Bắc. Cây hoa mai không chỉ là biểu tượng của mùa xuân, của ngày Tết mà còn mang nhiều ý nghĩa hay và đẹp. Trong chương trình ngữ văn lớp 6, ta sẽ gặp bài văn miêu tả cây hoa mai vào dịp Tết. Khi làm bài văn này, các bạn nên miêu tả từ bao quát đến cụ thể hình dáng cây mai với những hình ảnh thân, rễ, lá và hoa. Có thể nói đến ý nghĩa của cây đối với ngày Tết. Hi vọng với dàn ý dưới đây, các bạn sẽ viết được một bài văn hoàn chỉnh. Nhưng các bạn lưu ý chỉ nên tham khảo ý và diễn đạt lại theo lối hành văn của mình. Chúc các bạn thành công.
DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN LÀM BÀI VĂN TẢ CÂY MAI VÀO DỊP TẾT
I. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu cây mai, cây mai vào dịp Tết.
Nếu đào là loài cây biểu tượng đặc trưng cho cái Tết sum vầy, hạnh phúc của người miền Bắc thì ở miền Nam, cây mai là loài hoa không thể thiếu trong những ngày mùa xuân. Vì thế dịp Tết vừa rồi, gia đình em cũng sắm một cây để trang trí nhà cửa, cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng.
II. Thân bài
1. Miêu tả hình dáng cây hoa mai
Ba em trồng cây trong một chiếc chậu sứ màu trắng, đặt ở trong sân nhà. Còn mẹ và em thì treo những câu đối đỏ, những phong bao lì xì kèm theo lời chúc Tết, treo cả dây đèn nhấp nháy để trang trí cho cây.
Cây mai không cao, chỉ chừng hơn nửa mét nhưng thế đứng lại hiên ngang, vững chắc.
Gốc mai cằn cỗi, xù xì lớp vỏ, nổi cả lên trên mặt đất.
Thân cây với vỏ thô cứng, thường được những bác làm vườn uốn cong cách điệu, nhìn rất duyên dáng.
Lá mai thon dài, mép có hình răng cưa. Lúc lá non có màu xanh phơn phớt hồng, càng về sau lá càng dài và đậm hơn.
Hoa mai nở thành từng chùm, màu vàng tinh khiết như ánh nắng ban mai, có cuống dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo.
Mỗi nụ hoa mai thường có năm cánh, bao quanh nhị vàng tươi.
Hoa mai mỏng manh đến vậy được nâng đỡ bởi đài hoa xanh xanh màu ngọc bích, là biểu tượng cho vẻ đẹp trang nhã, thanh khiết.
Vẻ đẹp của cây mai như gọi mời ong bướm từ phương xa đến để chiêm ngưỡng. Tiếng chim ríu rít, bướm trắng, bướm nâu rập rờn trong vòm lá xanh như ngợi ca vẻ đẹp tuyệt vời của cây.
2. Ý nghĩa
Hoa mai được chọn là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân vì trong tiết đông giá lạnh, trong khi vạn vật như đang run rẩy, úa tàn, thì hoa mai vẫn tinh khôi bừng nở bên những lộc non mơn mởn.
Hoa mai là nguồn thi hứng dồi dào, là hình tượng đẹp trong văn chương.
Cây mai có thân thẳng tượng trưng cho sự bất khuất và ý trí kiên cường, được xem là vật tượng trưng cho khí chất, phẩm cách cao thượng là liêm khiết của người quân tử.
Màu vàng của hoa mai mang lại thịnh vượng và là màu của đại cát trong phong thủy trong năm mới.
Hoa mai có 5 cánh, tượng trưng cho ngũ phúc: khoái lạc, hạnh phúc, trường thọ, thuận lợi, hòa bình, lại hợp âm dương ngũ hành của Trung Quốc Kim – Mộc – Thủy – Hoả – Thổ.
III. Kết bài
Nêu cảm nghĩ về cây mai nói riêng và cây mai ngày Tết nói chung.
Đến rồi đi, nở rồi tàn theo năm tháng. Nhưng cây mai đã sống trọn kiếp đời cây, ban phát vẻ đẹp cho trần thế, gọi mùa xuân đến vui cùng. Cây mai đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, của vẻ đẹp cao khiết, của tâm hồn người Việt Nam bình dị và chan chứa yêu thương.
Chansoo – THCS Lao Bảo.com