Đánh giá Canon EOS M50: Nhỏ gọn, chất lượng ảnh cao
Mục lục bài viết
EOS M50 là chiếc máy ảnh mirrorless mới nhất của Canon có kiểu dáng tương tự như chiếc EOS M5 cùng nhiều tính năng mới như quay phim 4K, màn hình xoay lật, kính ngắm điện tử và khả năng lấy nét theo mắt Eye AF.
Thiết kế
Dòng máy ảnh không gương lật Canon EOS M50 mang trong mình thiết kế khá giống với chiếc EOS M5, nhất là vị trí khung ngắm điện tử với đèn flash được tích hợp bên trên và chúng ta có thể mở flash bằng cách gạt bằng tay mà không cần sử dụng đến nút bấm nào.
Chiếc máy ảnh được hoàn thiện từ chất liệu nhựa polycarbonate, TechTimes nhận thấy chiếc M50 chỉ nặng hơn một chút so với chiếc EOS M5. Báng cầm của máy được thiết kế khá lớn kết hợp lớp cao su giả da cho cảm giác cầm máy trên tay rất thỏa mái và chắc chắn. Vị trí tì ngón tay cái cũng được thiết kế khá cao nên bạn có thể dễ dàng cầm chiếc máy bằng một tay mà vẫn dễ dàng thao tác.
Trong khi M5 tập trung nhiều hơn vào yếu tố chuyên nghiệp với một loạt các nút điều khiển các chế độ và thông số thì chiếc EOS M50 lại có thiết kế đơn giản, phù hợp với những người mới bắt đầu sử dụng máy ảnh.
Các nút điều khiển được sắp xếp khá hợp lý ở phần báng cầm sau của máy, nút lựa chọn AF, MF khá giống như trên chiếc EOS M5. Giống như tất cả các máy ảnh M-series, M50 cũng có nút cứng “Q” (Quick Menu) dùng để tùy chỉnh khá nhiều thông số, chế độ chụp và chúng ta cũng có thể truy cập thông qua màn hình cảm ứng.
Chiếc EOS M50 được trang bị kính ngắm điện tử OLED 2.36M-Dot, chất lượng hiển thị của kính ngắm nằm ở mức tốt, độ sáng hiển thị cao và kính ngắm này còn có thể điều chỉnh được độ cận giúp phù hợp với mắt của mỗi người dùng.
TechTimes đánh giá cao khi Canon trang bị cho chiếc M50 một màn hình LCD chất lượng cao có khả năng xoay lật cùng khả năng cảm ứng đa điểm giúp người dùng có thể selfie với chính chiếc máy ảnh này và tính năng này cũng rất hữu ích khi tự quay các video vlog.
Tính năng
Canon đã sử dụng định dạng CR2 Raw từ năm 2004 và với EOS M50 cũng là sản phẩm đầu tiên dùng định dạng ảnh RAW CR3 hoàn toàn mới. Theo Canon, CR3 giúp tối ưu hóa dung lượng file RAW tạo ra giúp giảm tới 50% so với chuẩn CR2 hiện tại mà chất lượng chỉ suy giảm nhẹ. Điều này phù hợp với người mới chơi và có khả năng lưu trữ còn hạn chế.
Trên chiếc EOS M50 còn được trang bị công nghệ ổn định hình ảnh Dual Sensing IS, ngoài việc sử dụng con quay hồi chuyển bên trong máy, M50 cũng sử dụng cảm biến CMOS để phát hiện chuyển động nên hình ảnh được được ổn định hơn rất nhiều. Theo TechTimes có tìm hiểu thì tính năng Dual Sensung IS chỉ hoạt động trên ba ống kính EF-M là: 15-45mm F3.5-6.3, 55-200mm F4.5-6.3 và 18-150mm F3.5-6.3.
Máy có đẩy đủ các tính năng kết nối không dây rất hữu ích như Wi-Fi, Bluetooth, NFC. Ảnh có thể được gửi qua Wi-Fi đến các trang web như Google Drive, Facebook, Twitter,… tuy nhiên việc cài đặt có phần hơi phức tạp và phải thông qua dịch vụ đám mây của Canon làm trung gian.
TechTimes khá thích thú với tính năng Auto Transfer mới hoạt động cho cả smartphone và máy tính, với tính năng này ảnh sau khi chụp sẽ được tự động chuyển về smartphone hoặc máy tính đã kết nối với máy ảnh và khá đáng tiếc khi tính năng này không cho phép chuyển video hoặc các file ảnh định dạng Raw vì chúng có dung lượng khá lớn.
Thêm vào đó, công nghệ Bluetooth tiết kiệm năng lượng có sẵn duy trì kết nối ổn định với thiết bị thông minh với mức tiêu thụ năng lượng thấp, đặc biệt tính năng kết nối Bluetooth còn có thể duy trì kết nối ngay cả khi máy ảnh đã tắt.
Ngoài tính năng chạm để lấy nét , điều hướng menu và hình ảnh thông thường trên màn hình cảm ứng, M50 cũng cho phép sử dụng màn hình cảm ứng như là một Touchpad AF để di chuyển điểm lấy nét và cũng có thể chọn được vùng lấy nét giúp thao tác lấy nét thuận tiện hơn khi bạn đang sử dụng kính ngắm.
Chất lượng ảnh và video
Đầu tiên TechTimes sẽ điểm qua các thông số cấu hình của chiếc EOS M50, máy được trang bị cảm biến APS-C 24 MP với hệ số crop 1.6x đặc trưng của Canon. Vi xử lý hình ảnh Digic 8 cung cấp dải ISO từ 100 – 6.400, có thể mở rộng lên tới 51.200. Hệ thống lấy nét Dual Pixel với 143 điểm bao phủ gần trọn cảm biến của máy giúp việc bố cục và lấy nét dễ dàng hơn. Mẫu máy ảnh mirrorless mới của Canon cho phép chụp liên tiếp tối đa 10 fps với lấy nét tĩnh và bắt nét liên tục đạt 7,4 fps.
Qua trải nghiệm, TechTimes nhận thấy máy có tốc độ tốc độ bắt nét, chụp và lưu ảnh nhanh. Tính năng Eye AF hoạt động khá tốt, tuy không quá mới mẻ nhưng đây cũng là một điểm công lớn khi Canon trang bị cho M50 tính năng này.
TechTimes đánh giá ảnh chụp từ chiếc EOS M50 trong điều kiện đầy đủ sáng có chất lượng rất tốt tốt, màu sắc của ảnh tươi, sắc nét. Chụp với chế độ HDR được trang bị sẵn trong máy, TechTimes khá bất ngờ với chất lượng ảnh chụp với chế độ này với màu sắc và các chi tiết ở những vùng tối được thể hiện rất tốt.
Trong điều kiện thiếu sáng, M50 vẫn thể hiện tốt được những ưu điểm ở điều kiện đầy đủ sáng, tốc độ lấy nét nhanh, khả năng chống rung điện tử trên thân máy kết hợp cùng chống rung trên ống kính và thêm vào đó nhờ vào vi xử lý hình ảnh Digic 8 nên độ nhiễu của ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng được hạn chế tối đa.
Ngoài những chế độ chụp quen thuộc như đại đa số các máy ảnh khác, M50 còn được trang bị thêm các hiệu ứng chụp khá độc đáo như: hiệu ứng đồ chơi, hiệu ứng mắt cá, hiệu ứng,… và đặc biệt hơn máy còn có cả chế độ làm đẹp da khi selfie.
Chiếc EOS M50 là chiếc máy ảnh mirrorless đầu tiên của hãng có khả năng quay video 4K 24 fps và đây cũng là một điểm cộng đáng giá cho chiếc máy ảnh này. Video được quay từ chiếc M50 có chất lượng tốt cả về màu sắc, độ chi tiết lẫn độ ổn định của hình ảnh. Tuy nhiên TechTimes nhận thấy có một vấn đề lớn khi quay video ở độ phân giải 4K hình ảnh sẽ bị phóng to lên 1,6 lần và hệ thống lấy nét Dual Pixel sẽ không hoạt động.
Chất lượng video thực tế của Canon EOS M50 (thử nghiệm chức năng vừa quay vừa chụp):
Thời lượng pin
Chiếc M50 sử dụng viên pin LP-E12 tương tự như trên trên M100 có dung lượng chỉ 875 mAh cho khoảng 240 lần chụp với mỗi lần sạc đầy. Với chế độ tiết kiệm pin trong phần cài đặt thì máy số lần chụp được tăng hơn với mỗi lần sạc đầy vào khoảng hơn 300 lần chụp. TechTimes đánh giá thời lượng pin của máy nằm ở mức khá và có phần thua thiệt hơn so với các máy ảnh khác. Mặc dù được trang bị cổng micro-USB nhưng khá đáng tiếc vì không thể sạc pin trực tiếp trong máy mà phải sử dụng bộ sạc rời đi kèm, tuy là một điểm trừ nhưng đây cũng là một biện pháp an toàn giúp bảo vệ máy tốt hơn.
⭐ Đánh giá bài viết
👍 Bạn cảm thấy bài viết thú vị…
✅ Theo dõi TechTimes trên mạng xã hội nhé!
CANON EOS M50
97
%
TỐT
● Ưu điểm:
– Thiết kế nhỏ gọn
– Cảm biến ảnh APS-C 24MP
– Màn hình xoay linh hoạt
– Vi xử lý hình ảnh Digic 8 mới nhất
– Tích hợp kính ngắm điện tử
● Nhược điểm:
– Tính năng quay video 4K chưa được hỗ trợ tốt
– Cần phải có ngàm chuyển mới sử dụng được nhiều lens
– Dung lượng pin chưa cao.
-
THIẾT KẾ
-
TÍNH NĂNG
-
CHẤT LƯỢNG ẢNH
-
HIỆU NĂNG
-
PIN