Đánh giá Chevrolet Trailblazer 2018: Lời chia tay đẹp của GM? | WhatcarVN

Sau màn “dạm ngõ” chớp nhoáng tại Vietnam Motor Show 2017, Chevrolet Trailblazer đã chính thức ra mắt người dùng Việt. Nhanh chóng thu hút sự quan tâm nhờ sở hữu nhiều trang bị hiện đại, đi kèm một mức giá hấp dẫn, Trailblazer liệu có thể thành công trong phân khúc SUV 7 chỗ?

Video clip đánh giá chi tiết Chevrolet Trailblazer

Lần đầu tiên bán ra tại Việt Nam, Chevrolet Trailblazer mang đến cho người dùng một sự lựa chọn hoàn toàn mới trong phân khúc SUV 7 chỗ, phân khúc vốn đang dần trở nên mờ nhạt với những mẫu xe đã quá quen thuộc. Ngoài những thông số kỹ thuật “đẹp” và hệ thống tính năng an toàn đa dạng, Trailblazer còn thu hút sự chú ý nhờ mức giá công bố thực sự hấp dẫn, từ 859 triệu  – 1,075 tỷ VND. Nhờ vậy, Trailblazer đã tạo được một màn chào sân có thể xem là thành công trên nhiều phương diện. “Đầu” đã xuôi, liệu “đuôi” sẽ lọt với chiếc SUV 7 chỗ tới từ Mỹ?

Ngoại thất lạ mà quen

Sở dĩ nói thiết kế ngoại thất của Chevrolet Trailblazer lạ mà quen là bởi nếu so sánh với thế hệ 2012, chiếc xe đã chứng kiến sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, Trailblazer lại có một sự tương đồng “không hề nhẹ” với người anh em bán tải Colorado 2017, đặc biệt là phần đầu xe.  Điều này không có gì khó hiểu khi Trailblazer và Colorado được phát triển trên cùng một nền tảng và chỉ khác nhau bắt đầu từ phần thân phía sau trụ A.

Trong khi đó, với các thông số dài x rộng x cao lần lượt là 4.887 mm x 1.902 mm x 1.852 mm cùng trục cơ sở 2.845 mm, Trailblazer 2018 có khuôn hình tổng thể bề thế, rộng rãi hơn nhiều mẫu xe cùng phân khúc. Thân xe tuy khá đơn giản khi thiếu vắng những đường gần dập nổi tạo điểm nhấn nhưng vẫn có thể thu hút sự chú ý nhờ bộ vành hợp kim 6 chấu kép hai tông màu kích cỡ 18-inch, có thiết kế cầu kỳ, bắt mắt hơn đáng kể khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh.

Phần đuôi xe giữ nguyên thiết kế của thế hệ tiền nhiệm, với cụm đèn hậu có kích cỡ vừa phải, đặt ngang và ăn một phần vào cửa cốp. Những chi tiết như đèn phanh nóc xe, đèn phản quang hai tông màu đỏ-trắng, ống xả đơn và móc kéo sau vẫn tiếp tục hiện diện. Trái ngược với thân xe bằng phẳng, phần đuôi của Trailblazer được tạo khối rõ ràng, cứng cáp hơn ở các khu vực cản sau và quanh đèn hậu.

Nội thất hiện đại, khoa học

Nếu ngoại thất vẫn có những sự khác biệt nhất định thì ở nội thất, Trailblazer và Colorado gần như “tuy hai mà một”, khi phần lớn các chi tiết, từ thiết kế bảng táp-lô, bảng đồng hồ, vô-lăng, cách bố trí hệ thống nút bấm điều khiển, hệ thống loa cho đến chất liệu ghế ngồi đều hoàn toàn tương đồng với chiếc Colorado.

Hệ thống nút bấm của Trailblazer bố trí khoa học, cân đối và trực quan, giúp việc điều khiển thuận tiện và dễ dàng.  Các chi tiết mạ chrome trang trí trên cửa xe, cần số, nút xoay gài cầu và hai cửa gió điều hòa trung tâm được sử dụng hợp lý và vừa đủ để tạo điểm nhấn cũng như sự hiện đại cho không gian nội thất.

Bộ ghế ngồi của Chevrolet Trailblazer được bọc da màu cà phê với hai tông đậm, nhạt khác nhau, giúp tạo hiệu ứng không gian cabin rộng rãi, thanh thoát hơn. Hàng ghế thứ nhất có thiết kế kiểu ghế ngồi nhà hát, ôm khá vừa vặn với vóc dáng người Việt, cho cảm giác thoải mái khi cầm lái trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu có thêm đệm hơi ở phần lưng người lái tương tự Chevrolet Trax thì trải nghiệm sẽ còn tốt hơn nữa.

Về không gian cabin, Trailblazer luôn cho cảm giác thoáng đãng kể cả khi chở nhiều người. Khoảng để chân cho hàng ghế thứ hai đủ để những người cao to ngồi thoải mái. Trong khi đó, hai người lớn cao 170 cm cũng hoàn toàn có thể ngồi tốt ở hàng ghế thứ ba trên những hành trình dài mà không cảm thấy chật chội.

Tiện nghi đầy đủ

Chevrolet Trailblazer 2018 được trang bị hệ thống giải trí với màn hình cảm ứng kích cỡ 8-inch cùng 7 loa quanh xe, đi kèm hệ thống MyLink độc quyền, hỗ trợ các kết nối USB/Bluetooth. Màn hình của xe tương đối sắc nét, nhanh nhạy và hiển thị tốt dưới trời nắng. Người dùng có thể nhanh chóng làm quen và thực hiện thuần thục mọi thao tác điều khiển chỉ sau một vài giờ trên xe.

Nếu mẫu bán tải Colorado hơi thua thiệt các đối thủ cùng phân khúc khi chỉ có cửa gió điều hoà cho hàng ghế trước thì trên Trailblazer, Chevrolet đã trang bị hệ thống điều hoà tự động với cửa gió cho cả ba hàng ghế, trong đó hàng ghế thứ hai điều chỉnh độc lập. Nhờ vậy, toàn bộ không gian cabin của xe có thể được làm lạnh nhanh chóng.

Ghế lái trên Trailblazer 2018 là loại chỉnh điện 6 hướng, ghế phụ chỉnh tay 4 hướng, hàng ghế thứ 2 và thứ 3 có tỉ lệ gập lần lượt là 60/40 và 50/50. Dù vô-lăng chỉ hỗ trợ chỉnh 2 hướng nhưng người viết hoàn toàn không gặp khó khăn để chọn được tư thế ngồi thoải mái khi cấm lái trong thời gian dài.

Ngoài ra, Trailblazer còn sở hữu một số tiện ích nhỏ nhưng lại giúp xe tạo được thiện cảm với người dùng như kính tự động hé khi mở cửa, kính lên/xuống một chạm tất cả các vị trí, gương chiếu hậu tích hợp đèn báo rẽ, chỉnh và gập điện và ổ cắm điện cho hàng ghế trước/sau.

Trang bị an toàn đa dạng

Chevrolet Trailblazer là một trong những chiếc xe sở hữu hệ thống trang bị và tính năng an toàn đầy đủ nhất trong phân khúc SUV 7 chỗ phổ dụng. Những hệ thống đã trở thành tiêu chuẩn trên mọi mẫu xe như ABS, EBD, ESC, HSA, TCS, BA, phanh đĩa trước/sau hay Cruise Control đều xuất hiện đầy đủ.

Bên cạnh đó, Trailblazer còn có thêm nhiều tính năng thực sự hữu dụng đối với một chiếc SUV 7 chỗ cao lớn như cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang, cảnh báo va chạm trước, cảnh báo chuyển làn, cảm biến áp suất lốp, cảm biến đỗ xe trước/sau và camera lùi.

Tuy vậy, thiếu sót đáng tiếc nhất và gần như là duy nhất về phương diện an toàn của Trailblazer lại nằm ở một hệ thống mà người dùng ít mong muốn phải sử dụng nhất: túi khí. Mọi phiên bản của xe đều sẽ chỉ được trang bị 2 túi khí cho hàng ghế trước. Lý giải một cách vui vẻ thì có lẽ Chevrolet chú trọng vào việc phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Động cơ và hộp số

Tại Việt Nam, Chevrolet Trailblazer được phân phối với ba phiên bản động cơ diesel khác nhau, bao gồm:

–       Động cơ turbodiesel 2.8L, DI, DOHC công suất 197 mã lực tại 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn 500 Nm tại 2.000 vòng/phút, trang bị trên phiên bản Trailblazer 2.8L 4×4 AT LTZ.

–       Động cơ turbodiesel 2.5L, DI, DOHC, VGT công suất 180 mã lực tại 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn 440 Nm tại 2.000 vòng/phút, trang bị trên phiên bản Trailblazer 2.5L VGT 4×4 AT LTZ và 2.5L VGT 4×2 AT LT.

–       Động cơ turbodiesel 2.5L, DI, DOHC công suất 161 mã lực tại 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn 380 Nm tại 2.000 vòng/phút, trang bị trên phiên bản Trailblazer 2.5L 4×2 MT LT.

Các động nói trên sẽ đi kèm hộp số tự động 6 cấp hoặc hộp số tay sau cấp, cùng lựa chọn hệ dẫn động hai cầu hoặc cầu sau, tuỳ theo phiên bản. Trong đó đáng chú ý có động cơ turbodiesel 2.8L, với các thông số hiệu năng cao nhất trong phân khúc SUV 7 chỗ phổ thông tại thị trường Việt Nam hiện nay. Đây cũng chính là khối động cơ từng xuất hiện trên hai biến thể Chevrolet Colorado LTZ 2.8L AT và High Country 2.8L AT cao cấp nhất.

Vận hành và trải nghiệm thực tế

Với những thông số hiệu năng ấn tượng như trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi Chevrolet Trailblazer mang lại khả năng tăng tốc và phản hồi chân ga nhanh nhạy. Động cơ Duramax 2.8L và hộp số tự động 6 cấp vẫn phối hợp một cách ăn ý như trên chiếc Colorado, phân bổ sức kéo hợp lý, giúp xe tăng tốc mượt mà và giảm khá nhiều độ trễ thường thấy trên các mẫu xe turbodiesel. Vòng tua máy được duy trì ở mức lý tưởng, khi di chuyển với vận tốc 120 km/giờ trên cao tốc và thiết lập kiểm soát hành trình, vòng tua luôn giữ ổn định ở 1.900 vòng/phút.

Độ nhạy của bàn đạp ga và bàn đạp phanh được Chevrolet căn chỉnh khá hài hoà với nhau và với người lái, tránh cảm giác “hẫng chân” khi thực hiện hai thao tác này. Bên cạnh đó, trợ lực điện của vô-lăng cũng cho cảm giác tốt và thật tay chứ không quá nhẹ ở tốc độ thấp rồi đột ngột nặng lên nhanh chóng khi lên tốc độ cao như một số đối thủ cùng phân khúc khác, tiêu biểu là Ford Everest.

Tiếng ồn là một trong số ít những điểm không ưng ý hiếm hoi về phương diện trải nghiệm của người lái và hành khách mà Trailblazer gặp phải, dù Chevrolet cho biết họ đã cải thiện đáng kể vấn đề này. Mức độ ồn đo được khi xe ở trạng thái đứng yên nổ máy là 71 dB và lần lượt tăng lên 74 dB và 77 dB tương ứng với các mức tốc độ 40 km/giờ và 60 km/giờ.

Những con số này không cao đối với một chiếc xe dùng động cơ diesel, tuy nhiên tiếng ù sinh ra trong cabin của Trailblazer lại rơi vào đúng một vài tần số khiến hành khách cảm thấy khó chịu. Dù vậy, đây chỉ là cảm nhận riêng của nhóm đánh giá và có thể sẽ không đúng với những người dùng khác.

Kết luận

Tựu chung lại, Chevrolet Trailblazer 2018 là một chiếc SUV an toàn trên nhiều phương diện, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Xe mang trên mình thiết kế an toàn, với đầy đủ những đặc điểm của một mẫu SUV 7 chỗ truyền thống. Không quá phá cách hay đặt mục tiêu cách mạng hoá phân khúc, Trailblazer phù hợp cho nhiều đối tượng người dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Tất nhiên, Trailblazer cũng tỏ rõ sự an toàn khi xét đến… hệ thống tính năng và trang bị an toàn, với đầy đủ các “món” thời thượng hiện có trong phân khúc.

Trên tất cả, Chevrolet đã tỏ rõ tham vọng tiếp cận số đông người dùng khi đưa ra giá bán rất hợp lý cho Trailblazer. Những thiếu sót còn xuất hiện đâu đó trên chiếc xe gần như đều sẽ được cho qua khi đặt cạnh mức giá từ 859 triệu – 1,075 tỷ VND. Vì vậy, cơ hội trước mắt dành cho Chevrolet Trailblazer có lẽ sẽ không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam đang “cung không đủ cầu” vì Nghị định 116.