Đánh giá DJI Mavic Air 2: nâng cấp quá mạnh so với đàn anh Mavic Air

Mẫu flycam tầm trung mới Macvic Air 2 của DJI được nâng cấp gần như mọi mặt so với phiên bản tiền nhiệm Mavic Air, trong đó hai cải tiến quan trọng nhất là hệ thống camera sắc nét hơn và thời gian bay dài hơn.

Nếu bạn cần mua một chiếc flycam tầm trung với chất lượng chụp ảnh và quay video tốt thì chiếc Mavic Air được xem là lựa chọn sáng giá từ khi sản phẩm này ra mắt cách đây 2 năm. Đây là flycam nhỏ nhẹ, đủ công nghệ cho nhu cầu chụp và quay chất lượng với giá bán cũng khá mềm.

Chiếc Mavic Air 2 thế hệ mới vừa ra mắt có nhiều nâng cấp quan trọng. So với Mavic Air, phiên bản Mavic Air 2 mới được trang bị nhiều công nghệ hơn, camera tốt hơn và thời gian bay lâu hơn tới 50%.

Mavic Air 2 hiện được VJShop.vn phân phối chính thức

Tại Việt Nam, DJI Mavic Air 2 hiện được bán chính thức tại hệ thống cửa hàng VJShop.vn với giá 17,99 triệu đồng cho bản Basic và 23,49 triệu đồng cho bản Combo. Phiên bản Basic chỉ có một pin; còn phiên bản Combo thì người dùng được trang bị “tận răng” gồm 3 viên pin, 12 cánh quạt, sạc pin rời sạc 3 pin cùng lúc, bộ lọc ND gồm 3 filter và một túi đeo vai chống sốc. Người dùng quan tâm có thể đến các cửa hàng trong hệ thông VJShop để trải nghiệm thực tế sản phẩm.

Thiết kế bên ngoài: thân flycam to lớn hơn, bộ điều khiển mới

Mavic Air 2 có kích thước lớn và nặng hơn đáng kể so với Mavic Air. Kích thước chiều dài, rộng và cao của Mavic Air 2 khi gấp lần lượt là 180 x 97 x 84mm, so với kích cỡ tương ứng của đàn anh là 168 x 83 x 49mm. Trọng lượng cũng nặng hơn, 570g so với 430g, chủ yếu đến từ viên pin được gia tăng dung lượng. Mặc dù vậy, Mavic Air 2 vẫn đủ nhỏ để nhét vào ba lô dễ dàng. Để các bạn dễ hình dung, flycam này có kích cỡ chỉ tương đương hộp đựng iPhone thôi.

Thân flycam lớn hơn thế hệ trước

Một thay đổi lớn nữa trong thiết kế của Mavic Air 2 là một bộ điều khiển hoàn toàn mới. Bộ điều khiển của flycam mới này được trang bị viên pin cho phép hoạt động liên tục đến 4 giờ. Trên bộ điều khiển, chúng ta đã không còn thấy sự xuất hiện của 2 râu ăng-ten truyền thống nữa. Chi tiết này đã được DJI tích hợp vào bên trong thanh gá đỡ điện thoại.

Bộ điều khiển được thiết kế mới râu ăng-ten ẩn

Phạm vi truyền video độ phân giải 1080p từ flycam đến thiết bị di động trong phạm vi tới 10km so với 4km trên thế hệ trước. Điều này có được là nhờ vào hệ thống truyền dữ liệu OcuSync 2.0, có thể chuyển đổi giữa các kênh trên 2.4 GHz và 5.8 GHz để duy trì tín hiệu mạnh cho kết nối ổn định và truyền video mượt mà. Mavic Air 2 có hệ thống đẩy lớn hơn Mavic Air, có thể đạt tốc độ tối đa 64km/h và chịu được sức gió cao hơn từ 29km/h đến 38km/h. Flycam này cũng có thể được bay ở quãng nhiệt độ từ -10 độ C đến 40 độ C.

Hai joystick có thể tháo rời khi không cần dùng

Hai joystick vẫn là dạng có thể tháo rời giúp người dùng cất gọn gàng khi không dùng đến máy. Mặt điều khiển vẫn có những nút cơ bản như chỉnh chế độ bay, nút nguồn, nút RTH và đèn hiển thị dung lượng pin của tay cầm. Ngoài ra, nút quay phim/chụp ảnh trên tay điều khiển mới này giờ được tích hợp vào 1 nút.

Với những thay đổi về thiết kế, bộ điều khiển của Mavic Air 2 giờ mang lại cảm giác cầm thoải mái hơn, bám tay và dễ thao tác trong quá trình bay.

Bộ phụ kiện đi kèm phiên bản combo của Mavic Air 2;

Nâng cấp bên trong: camera sắc nét hơn và thời gian bay dài hơn

Với một chiếc flycam, thứ người dùng quan tâm nhất chính là chất lượng hình ảnh và thời gian bay. Cả hai điểm này của Mavic Air 2 đều được nâng cấp rất mạnh.

Camera có cảm biến lớn hơn và độ phân giải 48MP

Mavic Air 2 sử dụng hệ thống camera 48MP với cảm biến kích cỡ 1/2 inch, lớn hơn và nhiều chi tiết hơn so với Mavic Air (độ phân giải 12MP, kích cỡ cảm biến 1/2.3 inch). Không chỉ có vậy, khả năng quay video cũng được cải thiện. Mavic Air 2 có khả năng quay video 4K tốc độ 60 khung hình mỗi giây (fps), trong khi Mavic Air chỉ quay được 30 fps ở độ phân giải đó. Flycam mới này cũng có thể quay video chuyển động chậm Slow-Motion tốc độ 240 fps ở độ phân giải 1080p, so với chỉ 120 fps trên Mavic Air ở cùng độ phân giải.

Thời gian bay tăng lên 34 phút so với 21 phút trên thế hệ tiền nhiệm. Điều này là nhờ viên pin của Mavic Air 2 được tăng lên 3500 mAh, so với 2.375 mAh trên Mavic Air.

Viên pin dung lượng 3500 mAh, đủ bay 34 phút một lần sạc

Một trong những chức năng quan trọng nữa của flycam là khả năng phát hiện và tránh vật cản trong quá trình bay. Điểm này của Mavic Air 2 cũng được cải thiện đáng kể. Bên cạnh các cảm biến tránh vật cản phía trước và sau giống như thế hệ tiền nhiệm, Mavic Air 2 được bổ sung thêm cảm biến độ sâu để hỗ trợ quá trình hạ cánh. Bên cạnh đó, dưới bụng của flycam này giờ có trang bị đèn LED để chiếu sáng khu vực hạ cánh trong các chuyến bay đêm.

Hệ thống hỗ trợ phi công nâng cao (APAS) 3.0 trên Mavic Air 2 sử dụng các thuật toán và công nghệ mới nhất của DJI hiện nay để phát hiện chướng ngại vật hoặc một vật thể ở trên đường bay và định tuyến lại hướng bay cho phù hợp. Theo nhà sản xuất, flycam này có nhận biết chính xác chướng ngại vật ở khoảng cách 22 mét phía trước và 23,6 mét từ phía sau để đảm bảo hành trình bay an toàn.

Trải nghiệm sử dụng

Việc sử dụng Mavic Air 2 rất dễ dàng. Dù bạn chưa sử dụng flycam bao giờ cũng chỉ mất 5-10 phút là có thể điều khiển được chiếc máy bay này.

Người dùng cần cài phần mềm DJI Fly để điều khiển Mavic Air 2 qua điện thoại

Đầu tiên trên điện thoại, bạn cần cài phần mềm DJI Fly. Phần mềm này được sử dụng riêng cho Mavic Mini và Mavic Air 2. Sau khi cài đặt xong, việc điều khiển chiếc Mavic Air 2 cũng khá đơn giản. Sau khi kết nối xong, mở cánh máy bay và bật nguồn. Trên tay điều khiển, các bạn chỉ cần kéo 2 joystick chếch xuống phía dưới máy bay sẽ tự khởi động.

Sau khi đã khởi động xong, bạn chỉ cẩn đẩy cần gạt bên tay trái lên máy bay sẽ tự động bay lên và kéo xuống máy bay sẽ tự hạ cánh. Ngoài ra, bạn có thể gạt sang trái hay sang phải để điều chỉnh máy bay theo ý muốn. Chi tiết hơn về cách sử dụng, bạn có thể xem trong video phía dưới.

Video trải nghiệm Mavic Air 2

Chất lượng chụp ảnh và video

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về quay phim trước. Mavic Air 2 có khả năng quay video độ phân giải 4k/60fps với chất lượng bitrate 120 Mpbs, sánh ngang flycam cao cấp Mavic 2 Pro và quay Slow Motion độ phân giải 1080P với tốc độ khung hình 240fps. Bạn có thể quay phim với 3 chế độ màu: tiêu chuẩn, Cinelike và HDR. Trong đó, HDR là sự bổ sung mới của Mavic Air 2, giúp cải thiện dải sáng, tăng độ bão hòa màu và hạn chế cháy sáng ở vùng chân trời cho video.

Hầu hết flycam tầm trung đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhiễu kể cả ở mức ISO thấp. Tuy nhiên, nhờ cảm biến lớn nên Mavic Air 2 đã có cải thiện đáng kể ở khía cạnh này. Chất lượng video thu lại có độ trong trẻo, màu sắc được cân bằng và độ chi tiết khá tốt. Khả năng chống rung của bộ gimbal 3 trục được trang bị trên Mavic Air 2 giúp cho video mượt và êm ái, hầu như không thấy rung lắc kể cả khi bay trong trời gió khá mạnh. Tuy nhiên, nếu bay vào những ngày trời nắng gắt thì các bạn nên lắp filter cho camera. Nhà sản xuất tặng kèm 3 filter trong hộp đi kèm với bản combo.

Về chụp ảnh, theo mặc định, Mavic Air 2 sẽ chụp ảnh ở độ phân giải 12MP giống như các smartphone dùng camera 48MP vậy. Ảnh có độ chi tiết tốt, dải sáng khá rộng và màu lên tự nhiên, gần thực tế. Khi chụp vào ban đêm, ảnh vẫn lên màu khá tốt, trong trẻo nhưng hơi tối, cần hậu kỳ kéo sáng lên sẽ đẹp mắt hơn. Tương tự các smartphone dùng camera nhiều chấm, bạn cũng có thể lựa chọn chế độ chụp 48MP để tăng thêm độ chi tiết nếu muốn. Song lưu ý là khi chụp 48MP thì drone sẽ mất thời gian xử lý lâu hơn, khoảng 2 giây để chụp xong tấm hình và sự chênh lệch về độ chi tiết không quá nhiều như con số 12MP với 48MP.

Ảnh chụp ban ngày từ Mavic Air 2 có chi tiết tốt và màu sắc lên tự nhiên.

Ban đêm, Mavic Air 2 có chế độ chụp phơi sáng để cải thiện độ sáng và chi tiết cho ảnh.

Đặc biệt, Mavic Air 2 có tính năng chụp ảnh mới được DJI gọi là SmartPhoto. Cơ bản, đây là tính năng tự động nhận diện bối cảnh. Khi kích hoạt, camera sẽ tự động điều chỉnh thiết lập dựa trên những gì mà flycam đang thấy như cỏ cây, hoa lá, hoàng hôn hay trời xanh. Trong quá trình trải nghiệm, mình thấy chế độ chụp ảnh SmartPhoto thường đẩy ảnh lên tươi tắn hơn khá nhiều so với chế độ thông thường. Ảnh có thể dùng để chia sẻ ngay mà không cần chỉnh màu nữa. Nói chung, đây là sự bổ sung đáng giá trên Mavic Air 2, là một trong những yếu tố đưa nó trở thành flycam tầm trung chụp ảnh rất tốt.

Trên Mavic Air 2, tính năng Hyperlapse giờ có thể tạo ra video 8K bằng một trong bốn chế độ máy bay: Free, Circle, Course Lock và Waypoint. Dù chỉ là nội suy lên 8K, không phải là video chất lượng 8K đích thực nhưng chất lượng đạt được vẫn khá ấn tượng. Tuy vậy, tính năng Hyperlapse của Mavic Air 2 cũng có hạn chế là không xuất trực tiếp độ phân giải 8K lên điện thoại.

Ngoài ra, chế độ chụp ảnh toàn cảnh panorama cũng khá thú vị. Ở chế độ này, bạn có thể tùy chọn chụp hình cầu, hình 180 độ, pano ngang hoặc pano dọc. Thao thác rất đơn giản, chọn và nhấn chụp thôi.

Các tính năng thông minh

Bên cạnh chất lượng chụp và quay, một điểm khiến trải nghiệm Mavic Air 2 trở nên thú vị nữa là các tính năng thông minh. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến tính năng Follow Me. Trong trải nghiệm thực tế, mình thấy tính năng Follow Me của Mavic Air 2 hoạt động rất thông minh. Mình thử chạy vòng tròn hay băng qua nhiều đám cây mà nó vẫn bám theo được. Cả khi gặp dây điện chắn ngang hay các vận cản thì nó vẫn tự động tránh và tiếp tục bay theo mình.

Video chế độ Follow Me

Bên cạnh đó, Mavic Air 2 có thể lựa chọn 6 chế độ quay QuickShots gồm Rocket, Dronie, Circle, Helix, Asteroid và Boomerang.

Video thực hiện chế độ Rocket

Rocket: Đây là chế độ rất dễ thực hiện. Flycam sẽ phóng camera hướng xuống dưới để cung cấp những hình ảnh về cảnh vật xung quanh chủ thể. 

Video thực hiện chế độ Dronie

Dronie: Ở chế độ này, flycam bay lùi lại và hướng lên trên trong khi camera sẽ khóa đối tượng ở giữa khung hình. Flycam sẽ bắt đầu ở gần đối tượng, hướng về phía đối tượng, bay lùi về phía sau và từ từ bay lên. Đối tượng vẫn được flycam khóa ở trung tâm khung hình, nhưng toàn bộ khung cảnh phía sau được mở rộng.

Video thực hiện chế độ Circle

Circle: Flycam bay vòng tròn quanh chủ thể để tạo ra sản phẩm rất ấn tượng. May mà chế độ riêng chứ nếu thực hiện thủ công thì đây là một thao tác cực kỳ khó.

Video thực hiện chế độ Helix

Helix: Flycam bay lên, xoắn xung quanh đối tượng. Chế độ này theo một cách nào đó giống như việc kết hợp ba chế độ trên thành một chuyển động ấn tượng. Flycam sẽ lùi xa bạn, từ từ bay lên rồi bay vòng quanh chủ thể. 

Video thực hiện chế độ Asteroid

Asteroid: Flycam bay lùi và hướng lên trên. Phải mất một vài hình ảnh, sau đó bay đến điểm bắt đầu. Nhưng một khi nó đạt đến độ cao đã chọn, nó bắt đầu chụp ảnh và ghép chúng lại với nhau, mang lại hiệu ứng hành tinh nhỏ được nhìn thấy trong các chế độ toàn cảnh.

Video thực hiện chế độ Boomerang

Boomerang: đây là một thao tác hình elip bắt đầu gần mục tiêu, sau đó quét ra một khoảng cách đã chọn phía sau đối tượng, trước khi quét lại. Do đó, bức ảnh tiến dần từ mục tiêu, đến tầm nhìn rộng ra cảnh quan xung quanh, rồi quay lại mục tiêu.

Thời lượng pin

Về thời lượng pin, Mavic Air 2 sử dụng động cơ và bộ điều khiển tốc độ điện tử ESC mới kết hợp với công nghệ pin được cải tiến. Nhờ đó, thời gian bay tối đa theo công bố của DJI là 34 phút cho một lần sạc. Thử nghiệm thực tế, mình thấy drone mới có thể bay khoảng 30 phút, tăng hơn đáng kể so với thời lượng bay 20 phút trên chiếc Mavic Air. Với 2 viên pin đi kèm của bản Combo, người dùng có thể trải nghiệm bay lên đến 90 phút liên tục.

Tổng kết

Video trải nghiệm Mavic Air 2

Nhìn chung, Macvic Air 2 là bản nâng cấp toàn diện so với đàn anh Mavic Air từ chất lượng hình ảnh, thời lượng pin đến trải nghiệm sử dụng. Có thể nói, đây là flycam tầm trung ấn tượng, rất dễ dùng, mang lại những trải nghiệm thú vị và an toàn trong quá trình bay. Dù bạn là người mới dùng flycam hay là người dùng bán chuyên thì Mavic Air có đủ thứ bạn cần ở một chiếc flycam.

Về giá, chúng tôi khuyên bạn nên chọn phiên bản Combo, đắt hơn 5,5 triệu đồng nhưng được tổng cộng 3 viên pin, một bộ filter, củ sạc pin rời sạc 3 pin cùng lúc và một túi đeo vai chống sốc.

ĐT