Đánh giá Galaxy S9: Bản nâng cấp nhạt nhòa, nhưng vẫn rất đáng mua
– Đánh giá Galaxy S8, 5/2017
Thời điểm đầu năm ngoái là một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với Samsung. Sau sự cố Note7, Samsung cần một sản phẩm không chỉ chất lượng, mà còn phải vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ để khiến người dùng nhanh chóng quên đi bê bối ấy và sẵn sàng đến với sản phẩm mới. Và, Galaxy S8 không những đã giúp Samsung lấy lại hình ảnh của mình, mà còn đưa hãng đạt đến đỉnh của thành công. Chiếc máy này trở thành smartphone Android bán chạy nhất trong Q2 2017, góp công lớn trong kết quả kinh doanh kỷ lục của Samsung.
Chúng ta đã biết rõ Galaxy S8 tốt như thế nào, nhưng, những ưu điểm của nó không thể khiến chúng ta bỏ qua những khuyết điểm, những thứ mà Samsung có thể làm tốt hơn. Vậy là, chỉ 10 tháng sau, chúng ta có Galaxy S9.
Khi mà thời gian trung bình để một hãng điện thoại ra mắt sản phẩm cao cấp mới là 1 năm, trong khi một công nghệ đột phá đôi khi có thể tốn đến 3-5 năm để phát triển, thì 10 tháng là khoảng thời gian đủ để chúng ta hiểu rằng: Galaxy S9 sẽ không phải sản phẩm mang tính cách mạng. Thay vào đó, nó sẽ là sự hoàn thiện từ sản phẩm trước đó.
Vậy khi mà thiết kế của Galaxy S9 được giữ nguyên so với người tiền nhiệm, liệu người dùng có nên sở hữu chiếc máy này… hay tốt nhất là họ nên tiết kiệm số tiền đó và mua Galaxy S8?
(*) Tất cả những hình ảnh trong bài đánh giá này đều được chụp bằng Galaxy S9.
Mang danh là người kế nhiệm của Galaxy S8, vậy nên nhiệm vụ đầu tiên của Galaxy S9 mà Samsung phải đạt được là tạo ra một chiếc điện thoại tốt ngang bằng Galaxy S8 đã.
Galaxy S9 trông giống hệt Galaxy S8, tuy nhiên, đó không hẳn là một điều xấu. Với màn hình Infinity Display viền mỏng cong tràn hai cạnh, kết hợp mặt lưng bằng kính và khung viền kim loại, Galaxy S9 vẫn là mang trong mình một thiết kế đẹp nhất trên thị trường hiện nay.
Samsung mặc dù là một nhà sản xuất với tầm ảnh hưởng lớn, tuy nhiên hãng cũng không chạy theo trào lưu như màn hình “tai thỏ” hay loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm để làm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Galaxy S9 vẫn sở hữu một màn hình toàn vẹn không bị cắt gọt, và một jack cắm tai nghe 3.5mm tiện lợi và tương thích với tất cả thiết bị âm thanh hiện nay.
Như đã nói ở trên, Galaxy S9 sở hữu màn hình Infinity Display như Galaxy S8 với công nghệ Super AMOLED và tỷ lệ 18.5:9. Tuy nhiên, Samsung đã đem đến cho nó một vài thay đổi tích cực, bao gồm việc thu gọn phần viền màn hình thêm một chút, màu sắc được cân chỉnh chuẩn xác hơn và độ sáng cũng cao hơn 20% so với màn hình của S8.
Năm ngoái, Samsung lần đầu mang công nghệ nhận dạng khuôn mặt và quét mống mắt lên Galaxy S8. Thời điểm đó, vẫn còn nhiều người hoài nghi về công nghệ này. Nhưng nay khi mà Apple – người chơi có tầm ảnh hưởng nhất trên làng di động, quyết định chuyển sang sử dụng nhận dạng khuôn mặt là phương thức bảo mật sinh trắc học duy nhất trên iPhone X, thì rõ ràng đây là một hướng đi mà Samsung và nhiều nhà sản xuất khác sẽ còn duy trì trong thời gian tới. Mặc dù vậy, Samsung vẫn giữ nguyên cảm biến vân tay trên S9, phục vụ cho những người dùng muốn trung thành với công nghệ cũ nhưng vẫn rất hiệu quả này.
Xuyên suốt Galaxy S9 còn là sự hiện diện đầy đủ của hàng loạt những công nghệ tiên tiến khác. Sạc nhanh, sạc không dây, chống nước, thanh toán qua Samsung Pay, “biến hình” thành PC với Samsung DeX… tất cả những gì người dùng trông đợi ở một sản phẩm cao cấp, Galaxy S9 đều có.
Nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành: Galaxy S9 là một chiếc máy tốt không kém gì Galaxy S8. Tuy nhiên, đó chưa phải nhiệm vụ lớn nhất. Thứ mà Samsung sẽ thật sự cần nỗ lực ở Galaxy S9 là biến nó trở thành một chiếc Galaxy S8 tốt hơn, trong đó bao gồm sửa chữa những vấn đề mà Galaxy S8 gặp phải.
Vị trí cảm biến vân tay đặt ở bên phải camera của Galaxy S8 là một trong những lời phàn nàn phổ biến nhất trên chiếc máy này. Gần một năm sau đó, khi mà công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình vẫn chưa đủ tốt để Samsung có thể tích hợp trên sản phẩm của mình, vậy nên hãng vẫn phải tiếp tục trung thành với một cảm biến vân tay đặt ở mặt lưng.
Tuy nhiên khác với S8, Samsung đã lựa chọn một vị trí hợp lý hơn là ở dưới camera. Điều này đem đến sự thuận tiện hơn cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Là một chiếc điện thoại cao cấp, nhưng loa đơn của Galaxy S8 không xứng tầm với đẳng cấp của nó, đặc biệt là khi các đối thủ (điển hình là iPhone) đa số đều đã được trang bị loa kép.
Năm nay, Galaxy S9 được cải thiện rõ rệt khi đây là smartphone Samsung đầu tiên được trang bị hệ thống loa kép được cân chỉnh bởi AKG. Cách bố trí cụm loa kép của S9 tương đồng với đa số smartphone hiện nay, khi nó bao gồm một loa nằm ở dưới đấy và một loa nằm ở loa thoại. Chất lượng của nó cũng tương đương với iPhone X và hoàn toàn nằm trong top những smartphone với loa tốt nhất hiện nay.
Galaxy S8 là smartphone với nhiều công nghệ bảo mật sinh trắc học nhất từ trước đến nay, bao gồm nhận dạng vân tay, mống mắt và khuôn mặt. Nhiều là tốt, tuy nhiên nó cũng mang đến sự rối rắm cho người dùng, khi mỗi phương pháp, trong mỗi hoàn cảnh lại bộc lộ những điểm yếu riêng của mình.
Với Galaxy S9, Samsung khắc phục điều này bằng cách cho thêm một tùy chọn mới mang tên “Intelligent Scan” (Quét thông minh), hoạt động qua việc gộp cảm biến mống mắt và nhận diện khuôn mặt làm một. Tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng môi trường, máy sẽ sử dụng công cụ phù hợp nhất để xác thực và mở khóa.
Không chỉ phần cứng, Galaxy S9 còn được nâng cấp về mặt phần mềm. Tuy nhiên, đừng lầm tưởng rằng S9 sẽ có một giao diện hoàn toàn mới hay một loạt tính năng nổi trội. Vẫn là giao diện Samsung Experience, nhưng, trên nền tảng Android 8.0 Oreo mới cộng với những tuỳ biến từ Samsung, S9 chạy mượt hơn khá rõ so với S8 chạy Android 7.0. Đương nhiên, khoảng cách về độ mượt giữa S9 và các máy chạy Android thuần như Pixel 2 hay OnePlus 5T là vẫn còn đó, nhưng những nỗ lực của Samsung vẫn là điều đáng để ghi nhận.
Khi mà AI đang dần trở thành một lĩnh vực được các nhà sản xuất smartphone đặc biệt quan tâm, thì Samsung đã “khai phá” lĩnh vực này từ khá lâu. Sau thất bại với S Voice trên Galaxy S3, thì đến Galaxy S8, Samsung một lần nữa ra mắt một cô trợ lý ảo mới mang tên Bixby.
Khác với S Voice, thì Bixby không chỉ đơn thuần là tìm kiếm bằng giọng nói mà còn hỗ trợ nhiều tác vụ khác như hiển thị thông tin hữu ích, gợi ý tác vụ nên làm, nhận diện hình ảnh hay tương tác với các ứng dụng thứ ba. Samsung kỳ vọng rất nhiều về Bixby, nhiều đến độ hãng đã dành cả một nút bấm vật lý dành riêng cho trợ lý ảo này. Tuy nhiên, phản hồi của người dùng đã cho thấy điều ngược lại: Bixby không những vô dụng, mà nó còn đem đến sự phiền toái bởi nút bấm vật lý thừa thãi, dễ kích hoạt nhầm và không thể gán một chức năng khác.
Mọi thứ vẫn không thay đổi trên Galaxy S9. Bixby vẫn vô dụng và phiền toái như thế. Người dùng sẽ thường xuyên kích hoạt trợ lý ảo này, nhưng không phải là vì muốn sử dụng nó mà là do vô tình bấm nhầm vào nút bên sườn. Tệ hơn, để có thể vô hiệu hoá nút bấm này, người dùng sẽ buộc phải đăng nhập tài khoản Samsung Account – một điều mà không phải ai cũng làm.
Khi đối thủ chính của Samsung là Apple bắt đầu tỏ ra nghiêm túc với công nghệ nhận dạng khuôn mặt và sẵn sàng sử dụng nó thay thế cho cảm biến vân tay, cộng thêm việc cảm biến vân tay dưới màn hình vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, thì cũng là lúc Samsung phải đầu tư cho một giải pháp xứng tầm nhằm cạnh tranh với Face ID.
Mặc dù năm nay Samsung đã bổ sung tính năng “Intelligent Scan” tích hợp cảm biến mống mắt và nhận dạng khuôn mặt làm một, tuy nhiên khi so sánh với Face ID, nó vẫn còn thua kém khá nhiều. Intelligent Scan thật sự không ổn định: có những lúc nó nhận diện rất nhanh (thậm chí còn nhanh hơn cả Face ID), nhưng có nhiều lúc nó tỏ ra rất chậm chạp, thậm chí còn không thể nhận diện được.
Tỷ lệ nhận diện thất bại của Intelligent Scan trở nên cao hơn đáng kể khi máy được đặt trong điều kiện ánh sáng thấp, hay ở một phương không thẳng trực diện với khuôn mặt. Nếu bạn chuyển sang sử dụng Galaxy S9 từ iPhone X, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thất vọng với công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Samsung. Cảm biến vân tay vẫn là phương thức bảo mật sinh trắc học mà tôi khuyến cáo người dùng Galaxy S9 nên lựa chọn.
Sau một thế hệ Galaxy S8 không có nhiều cải tiến về camera, thì đến năm nay, camera là yếu tố được Samsung chú trọng nhất trên Galaxy S9. “Tuyệt đỉnh camera – Thấy điều không thể” cũng là câu slogan mà Samsung đặt cho chiếc máy này. Những gì mà Samsung mang đến cho camera của Galaxy S9 là đủ lớn để chúng ta tách biệt thành một phần riêng trong bài đánh giá này.
Camera của Galaxy S9 vẫn có độ phân giải 12MP và có sự hỗ trợ của một vài công nghệ như lấy nét Dual Pixel hay chống rung quang học. Tuy nhiên, điểm nổi bật của nó là khả năng thay đổi khẩu độ (Dual Aperture) với hai mức là f/1.5 và f/2.4. Galaxy S9 là smartphone đầu tiên với khả năng này, và khẩu độ f/1.5 cũng là lớn nhất trên một chiếc smartphone hiện nay.
Theo Samsung, lợi ích của việc áp dụng công nghệ khẩu độ kép là giúp cho ra những bức ảnh với chất lượng tốt hơn trong mọi điều kiện ánh sáng. Nếu như khẩu độ f/1.5 đem lại lợi ích rõ ràng khi chụp ảnh thiếu sáng, thì ở ánh sáng đầy đủ, chuyển sang f/2.4 sẽ giúp ảnh có độ sắc nét cao hơn và tránh tình trạng thừa sáng (over-exposed). Tuy nhiên đó là lý thuyết, còn thực tế ra sao?
Khi so sánh một bức ảnh macro chụp ở chế độ f/1.5 và f/2.4, chúng ta có thể thấy sự khác biệt lớn nhất là về độ sâu trường ảnh (depth of field), khi bức ảnh f/1.5 có phần ngoại cảnh (bokeh) nhiều hơn, nhưng vùng nét lại nhỏ hơn. Ngược lại, ảnh chụp ở khẩu độ f/2.4 có bokeh không mờ bằng, nhưng chủ thể lại sắc nét hơn.
Tuy nhiên, ảnh macro là điều kiện lý tưởng mà sự khác biệt giữa f/2.4 và f/1.5 là có thể nhận ra. Trong các điều kiện thông thường, khi mà cảm biến nhỏ của điện thoại là không đủ để tạo ra depth-of-field ở một khoảng cách xa, thì sự khác biệt giữa f/2.4 và f/1.5 là rất ít.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc công nghệ thay đổi khẩu độ là một chiêu trò marketing. Nên nhớ rằng, Galaxy S9 sở hữu ống kính với khẩu độ f/1.5. Khi mà cuộc chạy đua giữa các hãng smartphone về khẩu độ lớn và chụp ảnh thiếu sáng vẫn chưa có hồi kết, việc có thể chuyển sang một khẩu độ nhỏ hơn chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho Samsung trong tương lai. Hiệu quả có thể nhiều, có thể ít, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp cho người dùng tạo ra những bức ảnh với chất lượng tốt hơn.
Nhấn mạnh một chút về khả năng chụp ảnh thiếu sáng – Galaxy S9 với ống kính khẩu độ f/1.5 dễ dàng là chiếc máy chụp ảnh thiếu sáng tốt nhất từ trước đến nay. Samsung quả thực đã đúng khi nói Galaxy S9 có thể “thấy điều không thể” – nó có thể cho ra những bức ảnh ở một số điều kiện ánh sáng thấp mà rất nhiều chiếc máy phải khác phải “đầu hàng”.
Đây rõ ràng là một lợi thế lớn, tuy nhiên nó không hẳn là không có điểm trừ. Việc quá chú trọng vào việc tăng độ sáng của bức ảnh khiến cho ảnh thiếu sáng của Galaxy S9 trong một số trường hợp trở nên không thật. Cũng như các máy Samsung trước đây, Galaxy S9 cũng gặp tình trạng bệt chi tiết (do thuật toán khử nhiễu) và ảnh hơi hướng sang ngả vàng. Tuy nhiên, cá nhân tôi không coi đây là một vấn đề quá lớn, do người dùng hoàn toàn có thể chỉnh sửa hậu kỳ hoặc sử dụng chế độ Pro để có một kết quả tốt hơn.
Trên Galaxy S9, Samsung mang đến khả năng quay video siêu chậm (super slow-motion), đạt mức 960fps ở độ phân giải 720p. Điều này giúp Samsung bắt kịp với một số smartphone trước đây của Sony như Xperia XZ Premium hay XZ1, nhưng lại thua thiệt so với chiếc XZ2 về độ phân giải (XZ2 có thể quay 960fps Full HD).
Cũng như các smartphone của Sony, khả năng quay slow-motion 960fps của Galaxy S9 bị giới hạn ở mức 0.2s (tương đương với một đoạn clip quay chậm với độ dài 6s). Tuy nhiên, Galaxy S9 vượt trội ở việc cho phép quay nhiều đoạn slow-motion liên tục trong cùng một đoạn clip, ngoài ra còn có khả năng phát hiện vật thể di chuyển để có thể tự động kích hoạt chế độ quay chậm mà không cần người dùng bấm nút.
Chế độ quay siêu chậm của Galaxy S9 quả thật rất vui nhộn – tuy nhiên chỉ khi bạn cung cấp đủ ánh sáng cho nó. Nếu bạn đặt Galaxy S9 trong điều kiện ánh sáng thấp hay thậm chỉ là ngay cả ánh sáng nhân tạo (đèn trong nhà), thì những video slow-motion đều cho chất lượng kém (tối và bị nháy) đến độ không thể sử dụng được. Dẫu sao thì cũng không thể chê trách Samsung ở điểm này, do đây là hạn chế nói chung của việc quay slow-motion bằng điện thoại.
Galaxy S9 cũng hỗ trợ quay phim 4K 60fps, ngang bằng với những flagship hàng đầu hiện nay như iPhone X.
Clip quay bằng S9
Một tính năng khác cũng rất vui nhộn của camera Galaxy S9 là AR Emoji. Đây được coi là lời đáp trả của Samsung dành cho Animoji của Apple iPhone X. Tuy nhiên khác với Animoji, thì AR Emoji cho phép người dùng tái tạo một nhân vật của riêng mình, không phải dựa vào các nhân vật có sẵn. Người dùng cũng có thể tùy biến nhân vật của mình, ví dụ như thay đổi kiểu tóc, màu da, kính… để phù hợp với phong cách của bản thân. Khi người dùng tạo AR Emoji xong, Galaxy S9 cũng đưa ra tùy chọn tạo ra một bộ sticker để người dùng có thể chia sẻ qua các dịch vụ tin nhắn.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào công nghệ, Animoji trên iPhone X vẫn vượt trội hơn. Cụm camera TrueDepth giúp cho iPhone X có khả năng theo dõi chuyển động khuôn mặt mượt mà, độ trễ thấp và chính xác hơn rất nhiều so với Galaxy S9. Các nhân vật hoạt hình của iPhone X cũng có chất lượng đồ họa đẹp hơn.
Năm ngoái, Galaxy S8 và S8 là hai chiếc máy gần như tương đồng với nhau và chỉ khác biệt về kích thước và dung lượng pin. Năm nay, điều này đã thay đổi với S9 và S9 .
Khác biệt đầu tiên của S9 đến từ dung lượng RAM – nếu như Galaxy S9 chỉ là 4GB, thì S9 là 6GB. Ở thời điểm hiện tại, sự khác biệt về hiệu năng là không nhiều, tuy nhiên trong tương lai thì chắc chắn S9 sẽ có lợi thế hơn.
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải thứ khiến người ta hấp dẫn nhất ở Galaxy S9 . Nếu như Galaxy S9 đã có một camera rất tốt, thì S9 tiếp tục nâng cao trải nghiệm của người dùng qua việc bổ sung thêm một camera thứ hai.
Camera thứ hai của Galaxy S9 có độ phân giải 12MP, tiêu cự 52mm, khẩu độ f/2.4, hỗ trợ chống rung quang học và hỗ trợ zoom quang học 2X và chụp ảnh xóa phông. Rất quen thuộc phải không? Những thông số này của camera Galaxy S9 là hoàn toàn tương tự so với Galaxy Note8 trước đó, và hoàn toàn có thể cạnh tranh với đối thủ sừng sỏ iPhone X.
Nếu bạn đang sử dụng Galaxy S8/S8 /Note8, câu trả lời dễ dàng là không. Cả ba flagship năm ngoái của Samsung vẫn còn rất tốt. Ngay cả khi so sánh về camera – yếu tố mạnh nhất của Galaxy S9 năm nay, thì Galaxy S8 thật sự không thua kém quá nhiều. Trong khi đó, Galaxy Note8 cũng được trang bị tính năng chụp ảnh xoá phông như S9 . Có lẽ, hệ thống loa kép là thứ duy nhất mà tôi thật sự cảm thấy Galaxy S9 vượt trội hơn hoàn toàn so với S8.
Nếu bạn đang sử dụng iPhone X, trừ khi bạn thật sự muốn đổi gió sang Android, ghét tai thỏ hay cần đến jack cắm tai nghe 3.5mm, thì hãy giữ lại chiếc điện thoại của mình. Ưu thế rõ ràng nhất của Galaxy S9 so với iPhone X có lẽ là chụp ảnh thiếu sáng, tuy nhiên, nó chỉ phát huy trong điều kiện ánh sáng cực thấp – điều mà không phải ai cũng làm thường xuyên. Trái lại, những yếu tố mà người dùng trải nghiệm hàng ngày như thao tác điều hướng cử chỉ, Face ID hay độ mượt của hệ điều hành… iPhone X đều làm tốt hơn S9.
Còn lại, Galaxy S9 là một chiếc máy đáng để bạn nâng cấp, đặc biệt khi mức giá đã giảm đáng kể so với thời điểm ra mắt (khoảng 17.5 triệu đồng cho S9 và 20 triệu đồng cho S9 , tuỳ chính sách của từng đại lý).
Thật sự mà nói, Galaxy S9 không đem lại cảm giác háo hức như những gì mà Galaxy S8 đã làm được. Galaxy S9 cũng không đạt được kỳ vọng của giới công nghệ về cảm biến vân tay trong màn hình hay công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến hơn. Cũng phải thôi, Galaxy S8 là cột mốc lớn của Samsung, là bước đột phá của ngành di động, còn Galaxy S9 chỉ là một bản nâng cấp không hơn không kém.
Tuy nhiên, theo tôi đó không phải là một điều quan trọng. Khi nghĩ về Galaxy S9, có lẽ ai trong chúng ta cũng nảy ra hai chữ “nhàm chán”. Nhưng, khi người dùng nắm trong tay quyền được lựa chọn một chiếc smartphone cao cấp, tôi tin rằng Galaxy S9 và S9 sẽ luôn nhằm trong danh sách những cái tên được ưa chuộng nhất.
Năm ngoái, trong bài đánh giá Galaxy S8, tôi đã viết: “Samsung muốn tạo ra một sản phẩm có thể không phải là tốt nhất ở một phương diện nào đó, nhưng khi xét một cách tổng thể thì phải là thứ dẫn đầu. Họ muốn tạo ra một sản phẩm mà hễ vào tay ai, là người ấy cũng phải hài lòng.”
Tưởng chừng như trong một thế giới công nghệ phát triển, các hãng ngày càng dễ dàng trong việc tạo ra một chiếc smartphone tốt, nhưng không. Giữa một rừng các nhà sản xuất Android cố gắng chạy theo trào lưu màn hình tai thỏ, bỏ jack cắm tai nghe hay AI vô vị mà không biết rằng mình có đang đem lại lợi ích thật sự cho người dùng hay không, Galaxy S9 là chiếc smartphone hiếm hoi còn lại mà người dùng sẽ không thể tìm ra bất kỳ điểm yếu đáng kể nào để chê bai.
Hãy cùng hy vọng rằng sự nhàm chán của Galaxy S9 là cơ sở để chúng ta tin rằng Galaxy S10 (hay Galaxy X?) sẽ là một sản phẩm thật sự đột phá và xứng đáng để chúng ta chờ đợi.
Bài viết:
Bình Minh
Thiết kế:
Tom
Trí Thức Trẻ