Đánh giá LG G8X: Chiếc smartphone “tạm thời” khi kỷ nguyên màn hình gập chưa đến

LG G8X là chiếc điện thoại đặc biệt với hai màn hình nhờ phụ kiện DualScreen. Liệu thiết bị này có phải một giải pháp tốt hơn so với smartphone màn hình gập?

Thiết kế

LG G8X sở hữu thiết kế điển hình của một chiếc smartphone 2019 với thân máy được hoàn thiện từ kim loại, mặt lưng kính, màn hình giọt nước chứa camera selfie và cảm biến vân tay được trong màn hình. Ngoài ra còn có jack cắm tai nghe 3.5 và nút trợ lí ảo Google Assistant ở cạnh bên của máy.

Điều đặc biệt là camera sau của thiết bị không có thiết kế lồi như các mẫu smartphone khác. Thay vào đó, các ống kính camera ở phía sau được bảo vệ bởi cùng một miếng kính bao phủ toàn bộ mặt sau của điện thoại, giúp máy trông gọn gàng hơn, tuy nhiên điều này cũng khiến thiết bị dễ bị trầy xước khi đặt trên mặt bàn.

LG đã trang bị cảm biến vân tay quang học trong màn hình ở thiết bị này, tuy nhiên theo đánh giá của PhoneArena, tốc độ đọc của cảm biến này khá chậm so với hầu hết các mẫu điện thoại được trang bị công nghệ tương tự. Điều buồn hơn là chúng ta không có tính năng nhận dạng khuôn mặt.

Phụ kiện LG DualScreen

Điểm nhấn quan trọng của LG G8X là phụ kiện DualScreen đi kèm. Nó trông giống một chiếc ốp lưng với màn hình thứ hai ở bên trong, hiển thị cho bạn các thông báo ứng dụng, tình trạng pin.

Bản lề trên ốp lưng DualScreen cho cảm giác chắc chắn và cho phép nắp được cố định ở mọi góc độ. Nó thậm chí có thể hoạt động như một chân đế, tuy nhiên khoảng cách giữa hai màn hình khoảng 16 mm, trông không đẹp lắm. Về cơ bản, mục đích của LG G8X với DualScreen là cho phép bạn sử dụng hai ứng dụng cạnh nhau.

Ví dụ, bạn có thể có xem video YouTube ở màn hình bên trái trong khi vẫn có thể cuộn qua Twitter, Facebook hoặc Instagram ở bên phải. Hoặc bạn có thể tra Google Maps trên một màn hình và ứng dụng nhắn tin hoặc email trên màn hình còn lại. Thiết bị cũng cho phép kéo một ứng dụng từ màn hình này sang màn hình khác bằng cử chỉ vuốt 3 ngón tay.

Ngoài ra, còn có một chế độ, tạm dịch là “Chế độ xem rộng” cho phép bạn sử dụng một ứng dụng trên cả hai màn hình. Tuy nhiên theo trải nghiệm của Phone Arena, ứng dụng duy nhất hoạt động tốt trên chế độ này là Google Chrome. Các ứng dụng khác khi sử dụng chế độ này thường bị chia tách vô lí do khoảng cách giữa hai màn hình.

LG GamePad là một tính năng khác của chiếc cover DualScreen này. Về cơ bản, bạn có thể hiển thị hình ảnh của game trên một màn hình và sử dụng màn hình còn lại làm gamepad ảo. Tuy nhiên, không phải tất cả các trò chơi đều hoạt động với LG GamePad, trải nghiệm trên tính năng này không được đánh giá cao.

Màn hình

LG G8X sở hữu màn hình OLED 6.4 inch, độ phân giải 1080 x 2340 pixel với màu sắc rực rỡ và độ chính xác cao. Độ sáng tối thiểu thấp cho phép mắt đọc thoải mái, dễ chịu vào ban đêm. Nhìn chung, đây là một màn hình đẹp!

Phần cover DualScreen sử dụng màn hình hiển thị giống như màn hình chính của LG G8X. Về mặt lý thuyết, chất lượng hình ảnh phải giống hệt nhau trên hai màn hình, nhưng thực tế trải nghiệm thì màu sắc trên màn hình của vỏ máy trông lạnh hơn. Một điểm nữa là không có cảm biến vân tay trên màn hình của phần cover.

Phần mềm và hiệu suất

LG G8X chạy trên nền hệ điều hành Android 9 Pie. Máy có giao diện tùy chỉnh của LG được điều chỉnh để sử dụng bằng một tay dễ dàng hơn. Vẫn còn nhiều điểm khó chịu khi sử dụng như nút chụp ảnh màn hình không hoạt động, cách bố trí thanh menu kéo xuống còn bất tiện khi sử dụng, bàn phím mất khoảng 1 giây để bật lên.

Về sức mạnh phần cứng, LG G8X được cho là một chiếc điện thoại mạnh mẽ với vi xử lí Snapdragon 855 và 6GB RAM, nhưng thực tế trải nghiệm thì nó không quá nhanh. Máy còn sở hữu dung lượng lưu trữ 128GB và hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ MicroSD.

Camera

LG G8X có hệ thống camera kép ở mặt sau với camera chính và camera góc siêu rộng. Mặt trước là camera 32 MP có khả năng kết hợp bốn pixel thành một, hứa hẹn tạo ra những bức ảnh 8MP sáng hơn, rõ hơn.

Nhìn chung, LG G8X chụp ảnh tốt với camera chính. Ảnh không hoàn hảo, đôi khi độ tăng độ tương phản và độ bão hòa quá cao nhưng chúng đủ tốt cho hầu hết người dùng thông thường. Máy ảnh góc siêu rộng hữu dụng trong trường hợp bạn cần chụp phong cảnh hoặc chụp nhóm.

Trong điều kiện ánh sáng yếu, LG G8X tụt lại phía sau so với các đối thủ khi không có chế độ chụp đêm. Có một chế độ gọi là “Chế độ xem ban đêm”, nhưng trong hầu hết các trường hợp, sự khác biệt không quá lớn.

Về khả năng chụp selfie, camera phía trước là một sự thất vọng. Mặc dù sở hữu độ phân giải cao, tuy nhiên ảnh chụp bị thiếu chi tiết và khả năng nhận diện khuôn mặt kém. Hơn nữa, hình ảnh thường bị mờ, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu.

LG đã đưa vào một vài tính năng mới để quay video, đặc biệt khả năng tuyệt vời để chuyển đổi giữa camera chính và camera phía sau trong khi quay. Một tính năng video mới khác là chế độ ASMR giúp tăng độ nhạy của các micrô để cho phép chúng thu được âm thanh bị mờ.

Chất lượng âm thanh

Một trong những điểm nhấn của LG G8X là chất lượng loa. Chiếc điện thoại này có một cặp loa âm thanh nổi, công suất mỗi loa 1.2W. m thanh to, cân bằng tốt, có nhiều âm bass. Đây được xem là một trong những chiếc điện thoại LG có chất lượng âm thanh tốt nhất từ trước đến nay.

Dung lượng pin

LG G8X đi kèm với pin có dung lượng 4,000mAh với thời lượng pin thực sự tốt, dễ dàng kéo dài trong một ngày rưỡi sử dụng dù có 2 màn hình. Nếu chỉ sử dụng màn hình chính, thời lượng thậm chí có thể lên đến hai ngày. Máy còn được trang bị nộ sạc 16W trong hộp với khả năng sạc đầy từ 0% trong khoảng 2 giờ.

Tạm kết

LG G8X là một chiếc điện thoại lạ, tuy nhiên chưa thực sự hữu ích và đi thẳng vào nhu cầu của người dùng. Ngoài việc sáng tạo, LG cần phải chỉnh chu hơn trong việc hoàn thiện chất lượng chụp ảnh, cập nhật phần mềm và tùy chỉnh giao diện của mình, giúp trải nghiệm phần mềm tốt hơn. Tất nhiên, có những điều ấn tượng về LG G8X như màn hình đẹp, thời lượng pin dài, chất lượng âm thanh tuyệt vời.