Đánh giá OPPO A31: Tưởng đâu đồ dỏm, ai ngờ xài quá đã trong phân khúc
Mục lục bài viết
Sau khi trải nghiệm OPPO A31 này được một tuần, mình đã thu được rất nhiều điều thú vị, cảm nhận rõ nét về ưu cũng như nhược điểm của smartphone này. Thế thì OPPO A31 ấn tượng nhất ở điểm nào? Phải chăng là cấu hình tốt, pin dài hay thiết kế đẹp? Cùng xem ngay bài đánh giá chi tiết OPPO A31 bên dưới nào.
Xem thêm: Đánh giá chi tiết OPPO A91: Chụp ảnh ngược sáng tươi quá nè, tất cả tinh hoa tụ vào camera
1. Camera chụp ảnh đẹp không tưởng
Nhiều bạn chắc đang hỏi mình rằng tại sao mình lại đem phần camera lên đầu bài viết này phải không? Theo cảm nhận của mình suốt một tuần sử dụng vừa qua, điểm mình ấn tượng nhất ở OPPO A31 không phải nằm ở cấu hình – hiệu năng, cũng không phải nằm ở thời lượng pin mà chính là khả năng xử lý của camera.
Vậy, cụm 3 camera đó làm được gì những gì? Hãy cùng tiếp tục theo dõi bài viết này nhé.
Đến đâu cho xa xôi, mình đã dành cả buổi để dạo chơi ở Landmark 81 và chụp bộ ảnh tự động bằng OPPO A31. Ngay khi mình mở camera lên để chụp ấy, chả hiểu sao mình không hề có một ấn tượng nào với OPPO A31 cả. Khung hình mình nhìn thấy trên màn ảnh quá nhợt nhạt, mờ và dễ rung. Rồi cũng chụp thử nhưng chẳng có hi vọng nhận ảnh đẹp cả, tuy nhiên khi mình xem ảnh trên laptop thì mọi thứ hoàn toàn khác.
Trong điều kiện đủ sáng, OPPO A31 cho ra chất ảnh đầy tươi sáng với màu sắc rực rỡ. Nếu như trước đây, ảnh chụp bằng các dòng sản phẩm OPPO thường có tông màu lạnh thì giờ đây, ảnh của OPPO A31 lại ấm hơn. Không chỉ vậy, độ tương phản của những bức ảnh đủ sáng rất tốt, giúp cho tấm hình thêm đậm đà và đẹp hơn.
Nếu bạn thường đọc các bài đánh giá của mình thì hẳn bạn sẽ thấy rằng, đa số mình thường chụp những bức ảnh ngược sáng nhiều hơn là đủ sáng. Theo cảm nhận riêng mình thì ảnh ngược sáng lại có hồn hơn, sâu và đậm đà hơn. Không những thế, ảnh ngược sáng đôi lúc mang nhiều tâm tư và cảm xúc hơn.
Cả 4 bức ảnh bên dưới, mình đều chụp ở điều kiện ngược sáng, chế độ chụp tự động và hoàn toàn không có bất kì chỉnh sửa nào. Bạn thấy điểm chung gì ở 4 bức ảnh trên? Có phải chăng là màu sắc rất lạ, sâu và “chill” hơn đúng không?
Lúc chụp những tấm ảnh trên, mình không kì vọng quá nhiều về chất ảnh mà OPPO A31 sẽ cho ra. Cứ nghĩ rằng một chiếc smartphone giá rẻ như thiết bị này đây thì làm sao có thể xuất một bộ ảnh nghệ thuật được? Nhưng mình đã sai lầm khi xem bộ ảnh này trên laptop: Chất ảnh với độ tương phản cao, màu đen sâu, các vật thể trước mặt trời được phơi sáng tốt giúp mình thấy được các khung cửa sổ.
Bên cạnh việc chụp ảnh đủ và ngược sáng, mình còn thử cả khả năng chụp ảnh tự động trên OPPO A31. Mình đang cố tình làm khó chiếc máy này để các bạn đọc giả có thể nhìn rõ được ưu và nhược điểm trên camera của thiết bị. Thế nhưng, OPPO A31 lại một lần nữa mang đến những bức ảnh ưng ý.
Nằm trong phân khúc giá rẻ thì dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi máy cho ra ảnh rõ nét và không bị bệt. Điều này hoàn toàn không khả thi, vì ngay cả những chiếc điện thoại cao cấp cũng không để làm những việc ấy với hiệu quả tối đa. Nhìn một cách tổng quan, mình đánh giá cao việc tái tạo màu sắc của OPPO A31.
Test luôn chế độ zoom nhé. So với ảnh chụp ở chế độ 1x, ảnh zoom 6x bị vỡ rất nhiều, màu sắc bị thay đổi và bị nhòe. Mình không đánh giá cao khả năng zoom trên OPPO A31 và cũng không đòi hỏi quá nhiều.
Camera sau của OPPO A31 cũng ấn tượng đấy. Thế còn camera selfie ở đằng trước thì thế nào? Điểm cộng đầu tiên mình dành cho camera selfie đó là khả năng làm mịn và sáng da rất tốt. Nhưng buồn thay, ảnh hơi bị mờ và dễ bị nhòe.
Bạn cũng có thể sử dụng chế độ chụp ảnh chân dung ở camera selfie. Nhưng thôi tốt nhất đừng nên dùng đến, vì máy có thể xóa luôn vai áo và tóc của bạn.
2. Hiệu năng không mấy hấp dẫn
Có thể bạn chưa biết, chiếc OPPO A31 mà mình dùng để đánh giá đang sở hữu chip MediaTek Helio P35 8 nhân, với RAM là 4 GB và giao diện ColorOS 6.1 tùy biến từ Android 9.0 Pie. Một bộ xử lý yếu ớt cùng mức RAM 4 GB thì mình hơi lo một chút khi sử dụng để chiến các tựa game mobile.
Mặc dù không phải ai mua điện thoại về để chơi game, nhưng qua việc chiến những tựa game phổ biến với dung lượng nặng sẽ phần nào giúp bạn hiểu rằng chiếc máy mạnh cỡ nào. Vẫn như thường lệ, mình đã sử dụng hai trong số những tựa game đang rất phổ biến tại Việt Nam là: Liên Quân Mobile và PUBG Mobile.
Với tựa game Liên Quân Mobile ở trên, mình đã thử vào xem phần setting thì bất ngờ khi OPPO A31 cho phép mình bật FPS cao (tối đa là 60). Đúng như dự đoán, máy lag vô cùng, khung hình tuột liên tục và giảm rất nhanh.
Tối đa là 60, nhưng mức dao động trung mình lại là 21 – 34 FPS. Và qua những kết quả ấy, bạn cũng đủ hiểu rằng việc bật FPS cao trên OPPO A31 sẽ khiến việc combat bị cản trở rất nhiều, dễ chết và dễ bóp team. Thế nên, mình khuyên bạn nên chơi game ở mức FPS tối đa là 30 thôi nhé.
Mình cũng đã thử ghi hình lại lúc chơi Liên Quân với FPS tối đa là 30. Bạn thấy đó, FPS dao động trong tầm từ 28 – 30 FPS và đây là mức độ ổn định, nhờ đó mà việc di chuyển cũng như tung chiêu diễn ra trơn tru hơn.
Còn với tựa game PUBG, mình chỉ có thể bật FPS tối đa là 20 mà thôi. Nhờ có mức FPS thấp mà mực độ dao động ổn định trong khoảng từ 18 – 20 FPS nên mình có thể win nhanh chóng ở chế độ Duo. Nhưng có một tình trạng xảy ra trong qua trình chiến game đó là việc di chuyển tầm nhìn rất chậm và thao tác bị rít, khiến việc ngắm bắn không mấy thuận tiện một chút nào.
Bên cạnh việc test hiệu năng OPPO A31 bằng trải nghiệm thực tế hai tựa game hot, mình còn sử dụng một số phần mềm chấm điểm trên CHPlay. Mình đã chọn ra ba trong số những phần mềm đo hiệu năng uy tín gồm: AnTuTu, GeekBench 5 và PCMark.
- AnTuTu: Phần mềm này đã đo được điểm hiệu năng trung bình của chiếc máy đạt 102.517 điểm, với CPU đạt 44.198 điểm và GPU đạt 6.289 điểm.
- Geekbench 5: Có thể thấy, phần mềm đã đo được số điểm lõi đơn của OPPO A31 là 167 điểm, trong khi đa lõi đạt 873 điểm.
- PCMark: 5.402 điểm là số điểm trung bình mà phần mềm này dành tặng cho chiếc máy.
3. Thiết kế tổng thể
Về thiết kế, phiên bản OPPO A31 mà mình cầm trên tay là chiếc máy màu đen từ đầu đến chân. Màu đen rất đậm và chính nhờ yếu tố ấy đã giúp OPPO A31 nổi bật khi cầm trên tay, toát lên dáng vẻ thanh lịch như một quý ông / bà.
Nhìn cứ như chiếc máy được làm bằng kim loại ấy chứ, thế nhưng nào ai biết được OPPO A31 chỉ được gia công bằng nhựa mà thôi. Nếu bạn không phải là một reviewer, một chuyên gia hay một người dùng cuồng công nghệ thì sẽ khó có thể nhận ra thiết bị được làm bằng nhựa.
Cảm giác cầm nắm nhẹ nhàng, dễ mang theo bên mình chính là điểm cộng đầu tiên của OPPO A31. Thứ hai, nhờ mặt lưng được bo cong về hai cạnh bên và các góc cạnh được bo tròn nên sử dụng rất dễ chịu, cầm dọc không đau tay, quay ngang không bị cấn. Chính nhờ lý do đó mà chiếc máy phù hợp với rất nhiều đối tượng người dùng khác nhau.
Mặt lưng của phiên bản màu đen thì được làm bóng, không giống như mặt lưng nhám của phiên bản màu xanh. Tuy nhiên mình lại thích bề mặt nhám hơn vì cầm lâu sẽ không hề bị bám vân tay, trong khi cầm mặt lưng OPPO A31 màu đen mới có một lúc mà đã đầy dấu vân tay rồi. Do đó nếu bạn chọn OPPO A31 màu đen thì mình khuyên bạn nên mua thêm cái ốp lưng cho đẹp trời.
Ngoài mặt lưng được làm bóng ra thì OPPO A31 còn thu hút ánh nhìn với cụm 3 camera nằm ở góc trên bên trái. Chất ảnh thì tuyệt vời trong tầm giá rồi (như mình có nói ngay phần đầu bài) nên cứ yên tâm và mua về chụp cảnh nhé. Chúng ta sẽ có thêm cảm biến vân tay ngay giữa thân máy và logo OPPO ở phía dưới.
Còn ở mặt trước thì sao nào? OPPO A31 được trang bị màn hình với kích thước lớn là 6.5 inch, mang đến không gian trải nghiệm rộng và lớn hơn những thiết bị nhỏ gọn với màn hình 5.8 – 6 inch. Do thuộc phân khúc giá rẻ nên OPPO A31 chỉ được tặng độ phân giải HD+ mà thôi.
Do màn hình có kích thước lớn nhưng độ phân giải chỉ là HD+ nên OPPO A31 sẽ gặp phải hiện tượng vỡ hạt. Tuy nhiên, màn hình lớn lại khiến cho người dùng để xa mắt hơn (giúp nhìn toàn cảnh dễ hơn) nên bạn sẽ khó mà thấy được hiện tượng vỡ hạt này.
Chiếc máy còn được tích hợp tấm nền IPS LCD cho góc nhìn rộng cùng hình ảnh tươi sáng. Nhờ đó mà dù bạn nhìn màn hình với một góc nghiêng thì hình ảnh vẫn không đổi, mang đến trải nghiệm tốt hơn và hiệu quả hơn.
Thêm một điểm cộng nhỏ cho tấm nền của OPPO A31 khi cho độ sáng màn hình cao, nhờ đó mà mình có thể sử dụng thiết bị ngay dưới ánh nắng trực tiếp. Nhưng đừng đẩy màn hình sáng quá nhé, vì độ sáng càng cao sẽ khiến bạn rất nhức mắt và hao tốn nhiều pin hơn đấy.
4. Pin xài gần một ngày, tha hồ mà làm việc và giải trí nhé!
Sự khác biệt giữa sản phẩm cao cấp và sản phẩm giá rẻ là gì? Phải chăng đó là cấu hình, camera hay thiết kế tổng thể? Chắc các bạn đã quên, thời lượng và hiệu suất hoạt động của pin cũng khác nhau. Nếu đặt hai chiếc điện thoại cao cấp và giá rẻ với cùng mức pin lại gần nhau, bạn sẽ thấy rằng pin của sản phẩm giá rẻ hoạt động lâu hơn nhiều.
Mặc dù OPPO A31 chỉ được trang bị viên pin 4.230 mAh thôi nhưng thời lượng sử dụng lại dài hơn rất nhiều so với thiết bị cao cấp. Không lo phải sạc, khỏi lo sập nguồn và thỏa sức trải nghiệm chính là những ưu điểm vượt trội. Nhưng có thật vậy không?
Để trả lời cho câu hỏi đó, mình đã bắt đầu dành cả ngày làm việc để đo thời lượng pin của OPPO A31. Điều kiện đo pin của mình như sau: Độ sáng màn hình 100%, âm thanh tùy chỉnh, WiFi và thông báo (Messenger, Instagram,..) luôn bật, không mở màn hình thích ứng và tiết kiệm pin. Đồng thời, mình đã sử dụng xoay vòng 3 tác vụ cơ bản: Chơi game Liên Quân Mobile, xem YouTube và lướt Facebook.
Kết quả thu được rằng, OPPO A31 có thể hoạt động liên tục trong 7 tiếng 41 phút. Nhìn vào bảng đánh giá trên bạn sẽ thấy, mức độ tiêu hao của OPPO A31 khá đồng đều, chủ yếu mất khoảng 5 – 7% trong 30 phút. Đây là một kết quả xứng đáng cho một chiếc smartphone giá rẻ.
Xem đến đây thì mình tin chắc nhiều bạn đọc giả cảm thấy 7 tiếng 41 phút thật sự chưa phải là con số ấn tượng. Nhưng lưu ý rằng, mình đã mở màn hình lên 100% đấy và sự thật rằng chúng ta rất ít khi đẩy màn hình sáng nhất để sử dụng cả ngày. Vì vậy, nếu độ sáng màn hình từ 50 – 70% và bật màn hình thích ứng (tiết kiệm pin) thì OPPO A31 có thể kéo dài thời lượng đến 10 tiếng đồng hồ là chuyện khả thi.
Mình còn đo cả tốc độ sạc của củ sạc đi kèm trong hộp OPPO A31 nữa cơ. Do không phải là củ sạc nhanh nên phải ngồi đợi đến gần 3 tiếng (cụ thể là 2 tiếng 47 phút) để máy nạp đầy 100% pin. Thôi kệ đi, miễn là pin dài được rồi, giá rẻ mà đòi hỏi thêm sạc nhanh thì hơi quá.
Thấy sao nào? OPPO A31 có đáng tiền mua hay không?
Câu trả lời này mình sẽ dành cho các bạn. Qua những đánh giá và trải nghiệm của mình thì hẳn bạn đã có nhìn nhận và cảm nhận riêng về OPPO A31. Tưởng chừng như chiếc máy này quá dỏm, thế nhưng khả năng chụp ảnh, thời lượng pin và cảm giác sử dụng đều rất tốt.
Bạn có ý kiến gì về OPPO A31 hay muốn đánh giá điều gì về chiếc máy này hay không? Cứ comment bên dưới và cho mình biết với nhé.
Xem thêm: Đánh giá camera OPPO A5 (2020): Chất ảnh tươi sáng mà giá ‘mát’ quá chừng!
OPPO A31 (4GB/128GB)
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- Chip MediaTek Helio P35
- RAM: 4 GB
- Dung lượng: 128 GB
- Camera sau: Chính 12 MP & Phụ 2 MP, 2 MP
- Camera trước: 8 MP
- Pin 4230 mAh
Xem chi tiết
Biên tập bởi Vương Gia Bảo
Hãy để lại thông tin để được hỗ trợ khi cần thiết (Không bắt buộc):
Anh
Chị