Đánh giá OnePlus 8 Pro: Khi OnePlus thay đổi kịch bản, đưa smartphone của mình lên một tầm cao mới

OnePlus 8 Pro là chiếc flagship mới nhất của OnePlus vừa được trình làng, gây ấn tượng với màn hình 120Hz, tốc độ sạc siêu nhanh và cấu hình mạnh mẽ.

Với mức giá khởi điểm là 899USD, OnePlus 8 Pro là chiếc flagship đắt nhất của OnePlus từ trước đến nay. Liệu chiếc smartphone này có đang đánh mất danh hiệu “flagship killer” của OnePlus, OnePlus 8 Pro có thực sự đáng giá như vậy không, hãy cùng theo dõi bài đánh giá về sản phẩm này được lược dịch từ Android Authority nhé.

Một chữ “đẹp” là không đủ để nói về thiết kế

OnePlus 8 Pro là bản nâng cấp của chiếc OnePlus 7T Pro trước đó, cùng sở hữu những đặc điểm chung về thiết kế, tuy nhiên có những khác biệt khiến cho dòng OnePlus 8 Pro tinh tế và hiện đại hơn so với thiết bị tiền nhiệm, đủ để làm mãn nhãn bất kỳ người dùng khó tính nào.

OnePlus 8 Pro sử dụng mặt lưng bằng kính được bo cong mềm mại, khung viền được hoàn thiện từ chất liệu nhôm và cụm camera mặt sau trông gần giống với OnePlus 7 Pro. Tuy nhiên, phiên bản OnePlus 8 Pro được trang bị thêm nhiều ống kính và cảm biến phụ hơn, được xếp dọc ở bên trái của cụm camera. Bên cạnh đó, thân máy cũng được bo tròn hơn một chút và độ lồi của cụm camera rõ rệt hơn năm ngoái.

Mặt trước của điện thoại là nơi thể hiện sự khác biệt rõ ràng nhất của OnePlus 8 Pro so với phiên bản tiền nhiệm. Đã qua rồi cái thời camera selfie pop-up còn thịnh hành. Lần này, chúng được thay thế bằng màn hình đục lỗ chứa camera selfie, được đặt ở phía trên bên trái màn hình. So với OnePlus 7T Pro, màn hình ít được bo tròn hơn và có tỷ lệ khung hình 19.8:9 dài hơn, khá giống với OPPO Find X2 Pro.

Ngoài ra chúng ta còn có loa âm thanh nổi trong thiết bị này. Loa âm thanh nổi khá to và âm thanh không bị méo ở âm lượng lớn, tuy nhiên giống như hầu hết các smartphone khác, âm bass bị thiếu. Ở cạnh dưới là cổng USB-C, loa và khay thẻ SIM, không hỗ trợ thẻ nhớ microSD. Ở bên trái, bạn sẽ tìm thấy nút chỉnh âm lượng và bên phải là nút nguồn và thanh trượt thông báo đặc trưng của OnePlus.

Một tin vui là OnePlus cuối cùng đã bổ sung khả năng chống bụi và nước IP68 cho smartphone của mình. Nhìn chung, thiết kế của OnePlus 8 Pro vẫn giữ lại nét sang trọng và bắt mắt đặc trưng.

Hiệu năng mạnh mẽ, không còn bị cắt giảm các tính năng cao cấp

OnePlus 8 Pro là chiếc smartphone cao cấp nhất của OnePlus tính đến thời điểm này. Nó sở hữu các tính năng và thông số kỹ thuật hàng đầu, có thể cạnh tranh với bất kỳ chiếc flagship nào khác trên thị trường. Thông thường, chúng ta buộc phải đánh đổi một vài tính năng để có được mức giá rẻ với các smartphone của OnePlus. Tuy nhiên với 8 Pro, OnePlus đã lật ngược kịch bản và tích hợp tất cả các tính năng cao cấp, mặc dù mức giá cũng sẽ tăng theo.

OnePlus 8 Pro được trang bị bộ xử lý Snapdragon 865 mạnh mẽ, RAM 8GB hoặc 12GB cùng bộ lưu trữ UFS 3.0 tốc độ cao. Điểm chuẩn của thiết bị khá cân bằng với OPPO Find X2 Pro. Vấn đề hiệu năng duy nhất trên chiếc điện thoại này là tác vụ chuyển đa nhiệm. Mọi thứ khác đều mượt mà, nhưng việc chuyển đổi giữa các ứng dụng hơi chậm. Hy vọng OnePlus sớm tung ra bản cập nhật phần mềm mới để giải quyết sự cố này.

Bên cạnh đó, OnePlus 8 Pro cũng cho phép kết nối 5G nhờ modem X55 được ghép nối với chip Qualcomm Snapdragon 865, hỗ trợ 5G băng tần thấp và băng tần trung.

Chiếc smartphone có màn hình đẹp nhất từ trước đến nay

Màn hình là điểm nhấn ấn tượng nhất trên chiếc OnePlus 8 Pro khi sở hữu tần số quét 120Hz cùng độ phân giải Quad HD+, đây là một trong những màn hình điện thoại thông minh có độ phân giải cao nhất và tốc độ làm mới nhanh nhất hiện nay. Mặc định thiết bị sẽ được cài đặt ở mức Full HD+ và 120Hz, tuy nhiên bạn có tùy chọn đẩy cả hai cài đặt này lên mức tối đa nếu muốn.

Bên cạnh đó, mẫu smartphone này cũng có chế độ thích ứng cho 120Hz, sẽ tự động chuyển về 60Hz khi điện thoại hiển thị hình ảnh tĩnh. Khi sử dụng, nó sẽ được đưa lên mức 120Hz. Bên cạnh đó, OnePlus 8 Pro cũng có tốc độ lấy mẫu cảm ứng 240Hz. Thậm chí trước khi ra mắt, thiết bị này đã được DisplayMate xếp hạng là chiếc smartphone có màn hình đẹp nhất.

Về màu sắc, khi đặt điện thoại ở chế độ Vivid (sống động), màu sắc không được chính xác lắm do thiết bị đã tăng cường độ bão hòa, nhưng ở chế độ Tự nhiên thì màu sắc được hiển thị chân thực và đúng với thực tế.

OnePlus 8 Pro còn được trang bị cảm biến dấu vân tay trong màn hình, khá chính xác và hoạt động nhanh chóng. Đây là một cảm biến vân tay quang học tiêu chuẩn, nhạy hơn các thiết bị năm ngoái nhưng sẽ không hoạt động tốt nếu tay hoặc màn hình bị ướt.

Ngoài ra, OnePlus cũng trang bị thêm công nghệ bù chuyển động MEMC, cho phép làm mịn nội dung hình ảnh vốn không được quay ở tốc độ khung hình cao như vậy, giúp nội dung hiển thị phù hợp với tốc độ làm mới cao 120Hz của màn hình.

Thời lượng pin trâu, tốc độ sạc ấn tượng

OnePlus 8 Pro được trang bị viên pin dung lượng lớn 4,510mAh. Trong thử nghiệm của Android Authority, viên pin này có thể sử dụng được khoảng một ngày rưỡi. Khi bật dữ liệu di động thay vì dùng Wifi, thiết bị này có thời lượng pin thấp hơn một chút, có thể kéo dài được 1.25 ngày hoạt động khi được đặt ở chế độ 120Hz, độ phân giải Full HD+.

OnePlus 8 Pro hỗ trợ sạc nhanh có dây và không dây 30W, sạc ngược không dây 3W. Thiết bị được trang bị bộ sạc OnePlus 30T trong hộp, công ty cho biết nó có thể sạc điện thoại lên tới 50% chỉ trong 23 phút. Ngoài ra OnePlus cũng ra mắt bộ sạc không dây Warp Charge 30 mới (có giá 69.95 USD) có thể sạc cho OnePlus 8 Pro lên 50% trong 30 phút.

Trong thử nghiệm thực tế, thậm chí thiết bị đã vượt qua mức mà công ty quảng cáo khi sạc tới 58% trong 30 phút. Bộ sạc còn được trang bị cánh quạt tản nhiệt và có chế độ đi ngủ giúp giảm công suất xuống còn 10W thay vì 30W.

Với tính năng sạc ngược không dây chỉ ở mức 3W, đây thực sự không phải là một điểm cộng khi hầu hết các đối thủ như Samsung, Huawei hay các nhà sản xuất khác đều sở hữu tốc độc sạc ngược không dây vượt trội hơn rất nhiều.

Hệ điều hành và giao diện không có nhiều cải tiến

OnePlus 8 Pro chạy trên hệ điều hành Oxygen OS 10 dựa trên Android 10, có rất ít bloatware và ứng dụng Netflix được cài đặt sẵn. Các ứng dụng tin nhắn, thư viện và gọi điện là ứng dụng của OnePlus, trong khi thiết bị cũng cung cấp một số ứng dụng mặc định của Google như Google Podcasts, Google News và Google Duo.

Phiên bản Oxygen OS mới cũng hỗ trợ một số tính năng hữu ích như chế độ đọc sách, chế độ chơi game và Zen Mode (buộc bạn phải ngừng sử dụng điện thoại của mình trong một khoảng thời gian định trước). Ngoài ra không bất kỳ tính năng mới quan trọng nào mới trên phiên bản Oxygen OS này ngoại trừ Dark Mode 2.0, hỗ trợ trên nhiều ứng dụng hơn như eBay, PayPal, Tinder, Google Pay và Reddit.

Bên cạnh đó, OnePlus có tốc độ cập nhật hệ điều hành mới cho thiết bị của mình khá nhanh. Rất có thể OnePlus 8 Pro sẽ là một trong những chiếc smartphone đầu tiên được nâng cấp lên Android 11.

Camera nổi bật với bộ lọc màu

OnePlus 8 Pro được trang bị thiết lập 4 camera sau bao gồm một camera chính 48MP f/1.8, một camera tele 3x 8MP f/2.4, một camera góc siêu rộng 48MP f/2.2 và một camera 5MP đo chiều sâu tích hợp bộ lọc màu Color Filter. Mặt trước là camera selfie 16MP. Camera chính và camera góc rộng cũng hỗ trợ tính năng chống rung quang học.

Về cảm biến chính Sony IMX689, tương tự như OPPO Find X2 Pro, nó có kích thước rất lớn 1/1.43 inch giúp khả năng thu sáng tốt hơn, đồng thời sử dụng mọi pixel riêng lẻ để tự động lấy nét, mang lại khả năng lấy nét tuyệt vời, ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Ở chế độ 1x, OnePlus 8 Pro tạo ra hình ảnh đẹp mắt, với màu sắc tốt và dải động rộng, cân bằng trắng ấn tượng. Trong điều kiện ánh sáng yếu, cảm biến chính cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình nhờ kích thước cảm biến lớn.

Ống kính tele 3x là điểm nhấn khiến thiết bị này trở nên thú vị. Đây là cảm biến 12MP nhưng tạo ra hình ảnh có độ phân giải 8MP. OnePlus gọi đây là zoom 3X lossless, khác với zoom quang học, kết quả cũng trông tệ hơn so với khi bạn sử dụng ống kính zoom quang.

Nhìn chung, hình ảnh ở chế độ zoom 3x trông vẫn ổn với đường nét mềm mại hơn, độ tương phản và độ sắc nét kém hơn cảm biến chính. Điện thoại có thể zoom kỹ thuật số lên tới 30x, tuy nhiên hình ảnh tạo ra khá noise và không rõ chi tiết.

Máy ảnh góc rộng cũng hoạt động tốt, mặc dù nó có xu hướng cân bằng trắng lạnh hơn một chút. Hình ảnh được tạo ra vẫn khá chi tiết.

OnePlus đã bổ sung thêm một camera mới cho chiếc OnePlus 8 Pro, gọi là camera Color Filter. Đây là một cảm biến 5MP sử dụng bộ lọc đặc biệt để cho phép điện thoại nhìn thấy các dải ánh sáng khác nhau. Trong thử nghiệm thực tế, nó có thể phân biệt giữa các vật liệu.

Ví dụ: nắp ống kính bằng nhựa trong khi thân máy là kim loại, OnePlus 8 Pro đã tách chúng thành các thành phần màu đen và nâu đỏ. Trong khi đó, bàn tay được chuyển sang màu trắng, tạo ra hình ảnh khá nghệ thuật.

Đến với camera selfie 16MP mặt trước, nó cho ra những bức ảnh đẹp với màu sắc và độ tương phản tuyệt vời, dải động là tốt và trông khá tự nhiên khi chụp.

Về khả năng video, OnePlus 8 Pro hỗ trợ quay video 4K ở tốc độ 60fps. Ngoài ra còn có chế độ Cine, giúp cắt video 4K 30fps hoặc 4K 60fps thành tỷ lệ khung hình 21:9. Tính năng siêu ổn định hình ảnh chỉ hỗ trợ tối đa 4K và 30fps nhưng chống rung OIS vẫn hoạt động ở video 4K 60fps. Trong khi đó, camera phía trước được giới hạn quay ở độ phân giải 1,080p với tốc độ 30 khung hình/giây.

Sau khi thử nghiệm chế độ video 4K 60fps, kết quả cho ra vượt cả mong đợi. Ngay cả khi không có tính năng siêu ổn định, bộ ổn định hình ảnh quang học cũng đã làm tốt vai trò của mình để làm cho video trông mượt mà, sắc nét, độ chi tiết và dải động cũng khá tốt.

Tạm kết

Với mức giá khởi điểm 899USD, OnePlus 8 Pro chắc chắn là một trong những thiết bị đắt nhất của OnePlus cho đến nay. Nhưng đắt mà xắt ra miếng, chiếc flagship này được trang bị hàng loạt các tính năng và cấu hình cao cấp như bộ xử lý Snapdragon 865 hàng đầu với modem X55, sạc không dây 30W, chứng nhận IP68 và màn hình 120Hz. Có thể thấy công ty đã tạo ra khoảng cách rõ ràng giữa OnePlus 8 Pro so với phiên bản OnePlus 8 giá rẻ hơn.

So với các mẫu điện thoại cao cấp mới nhất, phải nói rằng đây là một đối thủ thực sự đáng gờm. Bạn nghĩ gì về thiết bị này, liệu đây có phải là một sản phẩm đáng tiền, danh hiệu “flagship killer” có còn đúng với OnePlus, hãy cùng chia sẻ cảm nhận của mình nhé.