Đánh giá Oppo Reno: liệu Oppo có thể tiếp cận thành công phân khúc cận cao cấp?
Trong khi phiên bản cao cấp Oppo Reno 10x Zoom mới là sản phẩm gây chú ý ở khả năng zoom 10X và cấu hình đầu bảng thì bản Oppo Reno thường lại là sản phẩm được Oppo chú trọng để đưa hãng này tiếp cận phân khúc cận cao cấp ở thị trường Việt Nam.
Oppo Reno có hai phiên bản: bản Reno thường và bản Reno 10x Zoom cao cấp. Bản Reno thường đã được bán ở Việt Nam với giá 12,99 triệu đồng, còn bản 10x Zoom vừa lên kệ cuối tháng Sáu với giá 20,9 triệu đồng.
Từ vài năm nay, Oppo duy trì vị thế ổn định là hãng điện thoại đứng thứ hai về thị phần ở Việt Nam. Tuy vậy, hãng này chủ yếu thành công ở phân khúc giá thấp và tầm trung, còn phân khúc cận và cao cấp đóng góp rất hạn chế vào thị phần của hãng ở thị trường Việt Nam.
Smartphone gần đây nhất tham gia vào phân khúc cận cao cấp của Oppo là chiếc R17 Pro. Sản phẩm có nhiều chi tiết thú vị như khả năng sạc siêu nhanh trong 40 phút, thiết kế bắt mắt, màn hình đẹp, camera chụp tốt và pin dùng được lâu. Tuy vậy, do định quá cao nên các ghi nhận từ thị trường cho thấy sức tiêu thụ của Oppo F17 Pro không thực sự tốt.
Tuy nhiên, Oppo không dễ dàng bỏ qua phân khúc cận cao cấp. Chiếc Oppo Reno chính là nỗ lực mới. Liệu sản phẩm mới này của Oppo có đủ thuyết phục người dùng với mức giá 13 triệu đồng hay không?
Thiết kế
Camera thụt thò năm nay trở thành giải pháp loại bỏ “tai thỏ” được nhiều hãng ưa chuộng, trong đó Oppo là hãng “nhiệt tình” nhất với trào lưu này. Nếu nhìn lại một chút lịch sử thì việc Oppo nhiệt tình với trào lưu camera thụt thò là điều dễ hiểu. Trước đó từ năm 2013, hãng này đã ra mắt giải pháp camera xoay lật tự động trên chiếc Oppo N3. Năm ngoái, Oppo cũng gây bất ngờ khi giới thiệu giải pháp camera thụt thò trên chiếc smartphone cao cấp Find X. Mới đây, hãng tiếp tục đưa camera thụt thò lên sản phẩm tầm trung F11 Pro rồi đến Reno cùng với phiên bản cao cấp Reno 10x Zoom.
Oppo rất nhiệt tình với trào lưu camera thụt thò để loại bỏ tai thỏ trên màn hình
Mặc dù thiết kế camera thụt thò giữa các máy Oppo có sự khác biệt như Find X thụt thò cả cụm camera trước sau, F11 Pro chỉ có một cụm camera trước thụt thò ở giữa và Reno thì camera thụt thù có dạng “vây cá mập” nhưng cơ chế vẫn tương tự. Cụm camera sẽ thò lên thụt xuống với tốc độ khá nhanh trong khoảng 1 giây, trơn tru và không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào.
Đèn flash kép của camera sau nằm trên cụm camera selfie thụt thò
Nhà sản xuất cũng tính đến khả năng đánh rơi, nên cụm camera “vây cá mập” sẽ thụt xuống khi có lực tác động. Oppo cho biết các thử nghiệm của họ cho thấy cơ chế thụt thò có thể hoạt động ít nhất 200.000 lần, tương đương với 5 năm sử dụng với cường độ thụt thò 100 lần mỗi ngày, nhiều hơn mức thông thường.
Cụm thụt thò “vây cá mập” của Reno có camera trước 16MP, loa thoại đóng cả vai trò làm loa ngoài thứ hai và đèn LED flash kép. Loa thoại nằm trong cụm camera thụt thò nhưng máy không cần mở cụm này lên khi gọi điện vì vẫn có khe nhỏ để thoát âm. Tuy vậy, khi cần dùng đèn flash cho camera sau sẽ phải kích hoạt cả cụm camera thụt thò lên.
Cụm camera kép của Reno được thiết kế phẳng, không lồi
Ở khía cạnh tích cực, việc ẩn đi cụm đèn LED flash vào camera thụt thò sẽ giúp mặt lưng của Reno đồng nhất về màu sắc hơn. Có lẽ đó cũng là ý đồ của Oppo bởi sự hiệu quả của các chế độ chụp tối trên điện thoại ngày nay đã khiến cho đèn flash trên điện thoại ít hữu dụng hơn. Một vấn đề nữa cũng cần nhắc đến là các camera thụt thò có một hạn chế chung là khá dễ bám bụi, cần thỉnh thoảng lau chùi để không ảnh hưởng đến chất lượng ảnh chụp.
Máy có thiết kế khung kim loại, độ dày 9mm tạo điều kiện cho cụm camera sau phẳng, không lồi lên như các smartphone khác.
Ngoài cụm camera thụt thò “vây cá mập” lạ mắt, Oppo Reno có thiết kế khung kim loại kẹp giữa hai mặt kính cường lực. Cả phần khung và mặt lưng đều được hoàn thiện tốt, bề mặt được xử lý mịn màng. Đặc biệt là cụm camera sau của Reno được thiết kế phẳng, không lồi lên như hầu hết smartphone khác. Điều này có được một phần do thân máy của Reno khá dày, 9mm, trọng lượng 185g. Reno cho cảm giác cầm đầm và chắc nhờ mặt lưng bo cong nhưng khá trơn khi không dùng ốp lưng. Phần màn hình và khung máy được gắn kết liền mạch, không bị cấn tay như trên những smartphone tầm trung của Oppo.
Viền màn hình mỏng tương đương smartphone cao cấp Oppo Find X
Ở mặt trước, màn hình không tai thỏ hay giọt nước của Reno có viền mỏng, đạt tỷ lệ hiển thị gần 87%, tương đương smartphone cao cấp Find X năm ngoái nhưng dày hơn chút so với viền của Galaxy S10 (tỷ lệ hiển thị 88%). Phía dưới màn hình là cảm biến vân tay quang học có tốc độ nhận diện nhanh hơn rất nhiều so với các biến vân tay quang học trên các sản phẩm chúng tôi từng trải nghiệm. Tiết diện của cảm biến lớn nên dễ định vị ngón tay trong quá trình sử dụng.
Cảm biến vân tay trên màn hình có tốc độ nhận diện nhanh
Trên các cạnh, Reno có đầy đủ các cổng và phím quen thuộc: giắc âm thanh, cổng USB Type C, hai SIM. Máy không có khe cắm thẻ nhớ nhưng dung lượng 256GB là quá thừa thãi để sử dụng. Máy còn được tặng kèm củ sạc nhanh VOOC 20W, ốp lưng nhựa và màn hình được dán sẵn tấm dán bảo vệ.;
Reno dùng cổng Type C hỗ trợ sạc nhanh VOOC 20W, có giắc âm thanh
Nhìn chung, thiết kế của Reno tương xứng với tầm giá. Máy có chất liệu và độ hoàn thiện tốt, bề mặt và màu sắc được xử lý bắt mắt, viền màn hình mỏng không tai thỏ hay giọt nước và bộ phần thụt thò “vây cá mập” hoạt động trơn tru. Điểm trừ đáng lưu ý trong thiết kế là máy khá trơn tay nếu không dùng ốp, không có khe cắm thẻ nhớ (nhưng bộ nhớ trong 256GB rất thoải mái) và không có chống nước.
Màn hình và âm thanh
Việc sử dụng cụm camera selfie thụt thò khiến màn hình của Reno tràn và mỏng đều cả 4 cạnh mà không có chi tiết nào lẹm vào màn hình. Màn hình được bảo vệ bởi tấm lớp kính cường lực Gorilla Glass 6 và Oppo cũng hiểu tâm lý người dùng nên dán sẵn tấm dán nhựa mỏng để tăng cường khả năng chống xước.
Reno sử dụng tấm nền AMOLED 6.4 inch độ phân giải Full-HD+ với mật độ điểm ảnh 402 PPI. Tấm nền màn hình có độ sáng khá cao (khoảng 445 PPI khi đo trên thiết bị chuyên dụng), đủ xem rõ ràng khi dùng ngoài trời. Khi chụp ảnh, độ sáng của tấm nền có thể thấy rõ hình ảnh hiển thị trên màn hình chụp ảnh. Màu sắc của màn hình tái tạo khá chuẩn, rực rỡ hơn chút so với thực tế do đặc trưng của tấm nền AMOLED.
Oppo không cung cấp nhiều tùy chọn chế độ màu sắc như Samsung, chỉ có tùy chọn chỉnh nhiệt màu giữa các mức lạnh, mặc định và ấm. Màn hình này cũng có góc nhìn rộng và màu đen sâu, là những đặc trưng của tấm nền AMOLED.
Về âm thanh, Reno sử dụng loa thoại làm loa thứ hai hỗ trợ cho loa chính ở dưới cạnh đáy. Tuy vậy, âm thanh đến từ loa thoại rất nhỏ, bẹt và không tạo ra hiệu ứng stereo rõ rệt như các sản phẩm của Apple. Song tin vui là loa chính có âm lượng lớn, độ chi tiết cao và không bị méo.
Phần mềm và hiệu năng
Reno hiện cài sẵn bản Color OS 6 bản mới nhất của Oppo tùy biến dựa trên Android 9. Điểm mới mẻ của Color OS 6 là giao diện nền sáng sủa với tông màu trắng, bộ phông chữ Oppo Sans mới và có khay ứng dụng, chi tiết Oppo từ lâu không đưa vào.
Ngoài những điểm mới này, Color OS 6 vẫn kế thừa đầy đủ các tính năng quen thuộc của Oppo: chế độ lái xe, bóng trợ lý giống iOS, các điều khiển cử chỉ thay thế phím điều hướng, thanh bên để mở nhanh các ứng dụng hay dùng, các thao tác cử chỉ trên màn hình, nhân bản ứng dụng để dùng 2 ứng dụng như Facebook và Messenger trên cùng điện thoại và chức năng không gian trò chơi hỗ trợ chơi game (lựa chọn thông báo được hiển thị khi chơi game, khóa độ sáng màn hình lúc chơi game và tùy chọn một số chế độ tối ưu cho hoạt động chơi game).
Về hiệu năng, phiên bản Reno thường dùng vi xử lý Snapdragon 710, không phải Snapdragon 855 như bản Reno 10x Zoom. Sản phẩm chính hãng bán ở Việt Nam sẽ có RAM 6GB và bộ nhớ trong 256GB, đủ thoải mái để không còn phải bận tâm đến việc máy không có khe cắm thẻ nhớ ngoài. Trong sử dụng thực tế, máy hoạt động nhanh nhẹn với các tác vụ thông thường. Với nhu cầu game, máy xử lý được các game nặng ở mức mượt mà nếu chấp nhận giảm chế độ đồ họa xuống mức trung bình. Nhưng rõ ràng hiệu năng không phải là điểm mạnh của bản Reno tiêu chuẩn bởi tầm giá này có nhiều máy trang bị chip xử lý mạnh mẽ hơn, đủ cân tốt các game nặng ở chế độ đồ họa cao.
Trên các ứng dụng đo hiệu năng, Reno đạt điểm thấp hơn đáng kể các máy cùng tầm giá ở cả điểm hiệu năng tổng thể đến khả năng xử lý của CPU và đồ họa của GPU. Sự chênh lệch này càng rõ hơn khi so sánh với những sản phẩm cao cấp đến từ Xiaomi, Asus hay các máy cao cấp đời cũ.
Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị
Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU
Bài test Manhattan trên ứng dụng GFX Bench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực (onscreen) của máy và độ phân giải mặc định Full-HD (offscreen).
Thời lượng pin
Oppo Reno có thân máy khá dày (9mm) nhưng do được ưu tiên tối ưu để cụm camera sau không lồi nên dung lượng viên pin chỉ ở mức trung bình, 3.765 mAh. Dung lượng không lớn nên thời lượng sử dụng ở mức trung bình khá dựa trên các kết quả đo với các hoạt động xem phim, lướt web và game. Qua các kết quả thử nghiệm của VnReview thì máy đủ sử dụng trong ngày với nhu cầu thông thường, không quá thường xuyên.
Thời gian xem phim chép về máy, xem ở độ sáng và âm lượng ở mức 70%, tính đến từ lúc đầy đến khi còn 10%.
Thời gian lướt web trên mạng Wi-Fi, độ sáng ở mức 70% và cũng tính từ lúc đầy đến khi còn 10%
Thời gian chơi game liên tục, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Điểm cộng ở khía cạnh pin của Reno là hỗ trợ công nghệ sạc nhanh VOOC 20W. Tổng thời giạn sạc đầy mất khoảng 80 phút nhưng nửa tiếng đầu tiên có thể sạc được 50% pin và 90% pin sau một giờ. So với các công nghệ sạc nhanh khác, công nghệ VOOC 20W của Oppo có ưu điểm là tổng thời gian sạc ngắn hơn và đặc biệt là tốc độ sạc nhanh kéo dài đến tận 90% pin đầu tiên.
Camera
Theo xu hướng hiện nay, camera chính phía sau của Oppo Reno có độ phân giải 48MP, sử dụng cảm biến Sony IMX 586 với khẩu f/1.7 và chiếc camera phụ 5MP để thu độ sâu ảnh cho chức năng chụp xóa phông. Ở phía trước, camera selfie thụt thò có độ phân giải 16MP.
Ảnh xuôi sáng ban ngày: Ở điều kiện ánh sáng thuận lợi, camera chính của Reno thể hiện rất tốt vai trò của mình. Ảnh nhiều chi tiết, có chiều sâu và cân bằng giữa các dải màu. Màu sắc thường trông rực rỡ hơn thực tế một chút nhưng không bị thái quá.
Ảnh chênh và ngược sáng: ở điều kiện ánh sáng phức tạp, camera nhận diện và xử lý các vùng sáng tối khá tốt, ảnh nhìn tự nhiên chứ không bị giả.
Ảnh thiếu sáng và chế độ ban đêm: Khi thiếu sáng, camera chính của Reno thường đẩy sáng của bức ảnh lên khá nhiều so với môi trường thực tế. Vì vậy, nếu chỉ nhìn ảnh nhiều người tưởng bối cảnh chụp không thật thiếu sáng. Tuy nhiên, cách xử lý này phải đánh đổi độ chi tiết của ảnh thấp, bệt. Khi chuyển sang chế độ chụp đêm, ảnh cải thiện rõ rệt độ chi tiết, màu sắc và độ cân bằng giữa các vùng sáng tối của ảnh. Song cũng lưu ý là chế độ chụp đêm có thời gian phơi sáng khá lâu, khoảng 4 giây nên cần cầm máy chắc hoặc tốt hơn là có điểm tỳ hoặc dùng chân đế. Chế độ này cũng không phù hợp với những hình ảnh có đối tượng chuyển động.
Ảnh ở chế độ tự động (trên) và chế độ ban đêm (dưới)
Ảnh ở chế độ tự động (trên) và chế độ ban đêm (dưới)
Ảnh ở chế độ tự động (trên) và chế độ ban đêm (dưới)
Ảnh xóa phông: Với camera phụ 5MP, Reno nhận diện chủ thể ảnh để tách nền khá tự nhiên. Phần viền chủ thể ảnh và phông nền đằng sau hậu cảnh được xử lý khá mịn, không bị lem, đặc biệt khi chủ thể và hậu cảnh có khoảng cách xa. Với chủ thể là con người thì nước da được xử lý mịn, nhìn nịnh mắt, nhưng nếu chủ thể là hoa lá thì ảnh xóa phông làm màu sắc chủ thể nhạt hơn so với ảnh thông thường do máy áp dụng hiệu ứng làm mịn giống như kích hoạt chế độ làm đẹp.
Ảnh tự sướng từ camera trước: Oppo lâu nay vẫn có thế mạnh ở camera selfie và điều này tiếp tục thể hiện trên chiếc Reno. Cụm camera trước của Reno giống với chiếc camera trước trên chiếc Oppo F11 Pro và trải nghiệm cũng tương tự. Cụm camera này thò thụt nhanh trong khoảng 1 giây và hoạt động trơn tru, không phát ra tiếng ồn. Về chất lượng ảnh, nếu tắt hết các chế độ làm đẹp, ảnh thu được sắc nét, chi tiết cao, tái hiện đầy đủ các ưu, khuyết điểm trên gương mặt với màu sắc tươi tắn và sống động. Máy có hỗ trợ HDR khi selfie giúp cải thiện đáng kể dải sáng khi chụp selfie ngược sáng, chênh sáng.
Dù chỉ có 1 camera đơn nhưng máy vẫn có thể chụp selfie xóa phông. Một lưu ý là ảnh selfie xóa phông chỉ có độ phân giải 8MP, không phải là 16MP như ảnh thông thường nên độ nét, chi tiết giảm đi đôi chút. Khi xóa phông, hiệu ứng làm đẹp tự động được kích hoạt giúp gương mặt mịn màng, trắng hồng thấy rõ. Phần phông nền cũng được xóa mạnh tay nên trông khá “ảo”, thiếu tự nhiên và bị lẹm nhiều vào phần tóc.
Ảnh chụp ở chế độ thông thường
Ảnh xóa phông
Ảnh chế độ bình thường (trái) và bật chế độ làm đẹp ở mức thấp (phải)
Ảnh chế độ bình thường (trái) và chế độ xóa phông (phải)
Ảnh chụp ở môi trường thiếu sáng: chế độ bình thường (trái) và xóa phông (phải)
Tổng kết
Nhìn chung, Oppo Reno phù hợp với những người dùng muốn có smartphone thiết kế bóng bẩy, camera trước sau ổn đặc biệt là ảnh selfie đẹp, hiệu năng vừa đủ và sạc nhanh. Tuy nhiên, điện thoại này sẽ không phù hợp với những người muốn có một điện thoại để trải nghiệm game hay giải trí vì sức mạnh xử lý không đủ mạnh, viền mỏng nên tay dễ che vào loa khi trải nghiệm game.
Cái khó nữa của Oppo Reno là ở tầm giá 13 triệu đồng đang có khá nhiều lựa chọn với những ưu thế hơn hẳn ở hiệu năng hoặc được trang bị những tính năng cao cấp như sạc không dây, chống nước. Các sản phẩm có thể kể đến Xiaomi Mi 9 (Snapdragon 855, sạc không không dây, camera có chống rung quang và có thêm camera góc rộng) hay các smartphone cao cấp đời cũ Galaxy S9/S9+.
TT