Đánh giá Realme 7: không còn là kẻ “thêm dầu vào lửa” cho cuộc đua cấu hình

Đều đặn chu kỳ ra mắt sản phẩm mới với tốc độ “chóng mặt”, chỉ 5 tháng sau khi 2 mẫu Realme 6 và 6 Pro “chào đời”, Realme lại tiếp tục “xuất chuồng” thế hệ kế cận Realme 7 và 7 Pro đi kèm các nâng cấp về ngoại hình, camera, vi xử lý hay dung lượng pin.

Trong bài đánh giá Realme 6, đàn anh của Realme 7, tôi từng nhận định đây là mẫu smartphone “thêm dầu vào lửa” cho cuộc đua cấu hình. Bởi tại thời điểm đó, Realme 6 là điện thoại chính hãng duy nhất trong tầm giá 6 triệu được trang bị màn hình tần số quét cao 90Hz cùng sạc nhanh 30W. Máy còn đi kèm camera độ phân giải lớn 64MP, cấu hình mạnh mẽ với vi xử lý Helio G90T.

Trên tay Realme 7: kỳ phùng địch thủ với Poco X3 NFC

Realme 7 (màu xanh đen) bên cạnh đàn anh Realme 6 (màu trắng)

Dù thế, điều này không còn đúng với Realme 7. Kẻ ngáng đường Xiaomi đã kịp tung ra chiếc Poco X3 NFC với màn hình 120Hz đi kèm con chip Snapdragon 732G, dung lượng pin và công suất sạc nhanh đều nhỉnh hơn với mức giá tương đương, tuy lượng RAM có ít hơn đôi chút. Liệu Realme 7 có còn đủ sức thuyết phục những người dùng chuộng cấu hình? Hãy cùngVnReview đi tìm câu trả lời trong bài đánh giá chi tiết phía dưới.

Realme 7 hiện có giá bán niêm yết là 6,69 triệu đồng, tuy vậy một số hệ thống đang có chương trình khuyến mại chỉ còn khoảng 6 triệu. Sản phẩm có duy nhất một tùy chọn cấu hình 8GB RAM – 128GB bộ nhớ trong, với 2 lựa chọn màu sắc là trắng hoặc xanh đen.

Thiết kế giữ nguyên mặt trước, mặt sau biến tấu với phong cách nhám mờ

Nếu chỉ nhìn từ mặt trước, sẽ rất khó thấy sự khác biệt về thiết kế của Realme 7 so với đàn anh Realme 6. Toàn bộ thay đổi được tập trung ở mặt lưng. Thay vì mặt lưng bóng với hiệu ứng tia sáng lan tỏa, biến đổi thành nhiều hình dáng khi nghiêng ở các góc khác nhau trên đời trước, Realme 7 chuyển sang mặt lưng dạng nhám mờ với điểm nhấn là một dải màu chữ nhật chạy dọc bên cạnh máy.

Đánh giá Realme 7

Mặt trước của Realme 7 và Realme 6 hoàn toàn tương tự nhau

Cụm 4 camera sau cũng được làm mới, gần giống với phong cách “bếp từ” phổ biến hiện nay. Kiểu thiết kế mặt lưng này khiến Realme 7 trông như một chiếc máy ảnh compact khi cầm ngang. Mặt được gia công chắc chắn, cứng cáp. Tiếc là mặt lưng và khung máy chỉ làm từ nhựa nên cho cảm giác cầm nắm không thật đã tay.

Đánh giá Realme 7

Sự thay đổi về thiết kế tập trung hoàn toàn ở mặt sau

Một nhược điểm cố hữu trên các smartphone Realme và Oppo là phần màn hình nhô cao so với khung mãy vẫn xuất hiện trên Realme 7. Tuy vậy, phần cạnh màn hình đã được làm mịn hơn, đỡ cấn tay hơn so với các đời trước. Điểm bất ngờ là dù phải gánh viên pin khá lớn 5000 mAh nhưng Realme 7 lại không bị dày và nặng lên quá nhiều.

Màn hình vẫn nhô cao lên khung máy nhưng không gây cấn tay quá nhiều do cạnh được làm mịn

Dù có viên pin 5000 mAh nhưng độ dày, trọng lượng của Realme 7 (màu xanh) không nhỉnh hơn là bao so với Realme 6 (màu trắng)

Tương tự Realme 6, mặt trước của Realme 7 vẫn đi theo trào lưu “nốt ruồi” hot trend năm nay. Nhờ thiết kế nốt ruồi, màn hình của Realme 7 trông thoáng đãng. Phần viền 2 cạnh và viền trên được làm thon gọn, chỉ có phần cằm là hơi dày hơn đôi chút. Kích thước nốt ruồi vẫn tương đương thế hệ trước, hơi lớn và chiếm diện tích nhiều hơn các đối thủ như Poco X3 NFC. Để ý kỹ, còn có thể thấy xung quanh viền của nốt ruồi, màn hình vẫn bị tối đi.

Realme 7 tiếp tục sử dụng màn hình nốt ruồi lệch trái, 2 cạnh bên và cạnh trên mỏng gọn nhưng phần cằm vẫn dày

Cách bố trí cổng USB Type C, giắc âm thanh 3.5, loa ngoài, cụm phím tăng giảm âm lượng, phím nguồn hay khe sim, thẻ nhớ hoàn toàn tương tự Realme 6, không có khác biệt nào. Máy vẫn chỉ có loa đơn phía dưới, không sử dụng loa thoại làm loa ngoài thứ 2, tạo hệ thống loa kép stereo như một số smartphone đối thủ.

Đánh giá Realme 7: kỳ phùng địch thủ của Poco X3 NFC

Không có thay đổi nào về cách bố trí loa ngoài, cổng USB-C hay giắc cắm 3.5 trên Realme 7 (ở trên) so với Realme 6 (ở dưới)

Màn hình đã khắc phục được hiện tượng ám hồng và kém trong trẻo của đời trước

Các thông số màn hình của Realme 7 được giữ nguyên từ Realme 6 với tần số quét cao 90Hz trên kích thước 6.5 inch, độ phân giải Full HD+, tấm nền LCD, kính cường lực Corning Gorilla Glass 3. Màn hình đã khắc phục được hiện tượng ám hồng và kém trong trẻo của đàn anh. Trước đây, Realme 6 từng là smartphone có màn hình 90Hz giá thấp nhất thị trường, khởi điểm chỉ từ 6 triệu đồng. Ngôi vị đó đã không còn do sự xuất hiện của chiếc Oppo A53 (4,49 triệu đồng). Màn hình tần số quét cao vốn thường chỉ xuất hiện trên các điện thoại cao cấp tầm giá từ 15 triệu đồng trở lên thì nay đã phổ cập xuống các smartphone phổ thông.

Màn hình của Realme 7 đã trong trẻo và không còn bị ám hồng như trên Realme 6

Với màn hình 90Hz, trải nghiệm trên Realme 7 mượt mà ngay từ các thao tác vuốt thanh thông báo, cuộn trang khi duyệt web hay lướt bảng tin trong Facebook. Tất cả đều diễn ra trơn mịn, tựa như việc đang xem video 30fps lên 60fps vậy.

Giống như Realme 6, màn hình của Realme 7 có hỗ trợ cả HDR và xem được các video HDR trên YouTube. Dù vậy, độ sáng màn hình của máy vẫn không cao, tương phản cũng chưa ấn tượng khiến các video HDR YouTube không khác biệt nhiều so với SDR thông thường.

Màn hình của Realme 7 hỗ trợ HDR trên YouTube nhưng chất lượng chưa khác biệt nhiều so với SDR

Do vẫn sử dụng màn hình LCD nên Realme 7 không thể trang bị cảm biến vân tay trong màn hình. Giống với Realme 6, máy chuyển sang vân tay tích hợp vào nút nguồn bên cạnh phải. Vì vậy, nút nguồn được làm lớn, lõm hẳn xuống để ôm ngón tay hơn. Tốc độ nhận vân tay nhanh, độ chính xác cao.

Vân tay nút nguồn cho tốc độ tốt, tiện lợi hơn so với vân tay mặt lưng

Camera đa dụng chất lượng ổn nhưng camera macro vẫn chưa có cải thiện nào

Thông số 4 camera được nâng cấp với camera chính độ phân giải vẫn 64MP nhưng chuyển sang cảm biến Sony IMX682 thay cho cảm biến Samsung ISOCELL GW1. Các camera còn lại thông số tương tự đời trước với camera góc siêu rộng 8MP, camera macro 2MP và camera thu độ sâu 2MP. Camera selfie phía trước cũng giữ độ phân giải 16MP nhưng sử dụng cảm biến Sony IMX471.

Giao diện camera chưa có thay đổi nào, vẫn cung cấp những tính năng quen thuộc như chụp Đêm, chân dung xóa phông, chỉnh tay….Máy cho tốc độ chụp, lưu ảnh nhanh. Hiện tượng lấy nét chậm hoặc nhiều lúc không lấy nét được trên Realme 6 đã không còn xuất hiện trên Realme 7.

Trong điều kiện đủ sáng, camera 64MP và góc rộng 8MP của Realme 7 cho chất lượng ổn, màu sắc tươi tắn, chi tiết, độ nét hơi gắt, dải sáng khá. Máy có tính năng tăng cường sắc độ, giống với chế độ màu sắc siêu rực rỡ trên các máy Oppo. Trong một số tình huống trời âm u, thiếu nắng, hay nhá nhem tối, có thể sử dụng chế độ này để cải thiện màu sắc, độ sáng trong ảnh khá hữu dụng.

Phía dưới là một số ảnh chụp từ camera chính 64MP của Realme 7

Những ảnh bên dưới được chụp từ camera góc siêu rộng 8MP của Realme 7

Dù không có camera tele zoom quang 2X nhưng nhờ độ phân giải cao, hoàn toàn có thể sử dụng zoom số 2X trên Realme 7 mà chất lượng vẫn ở mức ổn.

Ảnh zoom số 2X từ camera 64MP của Realme 7

Khi thiếu sáng, camera 64MP của Realme 7 vẫn giữ được tốc độ chụp nhanh, độ sáng và chi tiết tốt, nhất là chi tiết ở những vùng tối trong ảnh dù xuất hiện nhiều nhiễu hạt (noise). Tuy nhiên, camera góc rộng 8MP lại không được như vậy, màu sắc và chi tiết ảnh giảm mạnh. May mắn là Realme 7 có chế độ chụp đêm, có thể sử dụng cả với camera 64MP và góc rộng, giúp cải thiện đáng kể chất lượng ảnh.

Ảnh chụp thiếu sáng với camera góc siêu rộng 8MP ở chế độ tự động

Ảnh chụp thiếu sáng với camera góc siêu rộng 8MP ở chế độ chụp đêm

Camera 2MP macro tiếp tục chỉ là tính năng vui vẻ, vô thưởng vô phạt. Độ phân giải thấp cùng khẩu độ, cảm biến hạn chế khiến độ chi tiết kém, màu sắc nhợt nhạt. Bên cạnh đó, tiêu cự chưa đủ dài cùng khoảng cách lấy nét 4cm vẫn còn xa nên các bức ảnh chụp với camera macro không để lại nhiều ấn tượng. Sử dụng camera chính 64MP với mức zoom 2X hay 3X bạn còn có thể tạo được những bức ảnh macro tốt hơn nhiều.

Ảnh chụp bằng camera chính 64MP

Ảnh chụp bằng camera chính 64MP zoom số 2X

Ảnh chụp bằng camera chính 64MP zoom số 3X

Ảnh chụp bằng camera macro 2MP

Hiệu năng mượt mà, tăng nhẹ khả năng xử lý đồ họa

Về hiệu năng,; Realme 7 là smartphone đầu tiên được trang bị vi xử lý MediaTek Helio G95, bản nâng cấp của Helio G90T trên Realme 6. Dung lượng RAM 8GB và bộ nhớ trong 128GB (có khe cắm thẻ nhớ nằm cạnh 2 SIM, hỗ trợ tối đa 256GB).

Điểm hiệu năng của Realme 7

So với Helio G90T, vi xử lý Helio G95 chủ yếu tập trung nâng cấp khả năng xử lý đồ họa khi GPU Mali-G76 MC4 được nâng xung lên 900MHz từ mức 800MHz của đời trước. Trong khi, thông số CPU giữ nguyên với 8 nhân (2 nhân 2.05 GHz Cortex-A76 và 6 nhân 2.0 GHz Cortex-A55). Đo nhanh bằng các phần mềm benchmark quen thuộc như AnTuTu, GeekBench, GFXBench, điểm hiệu năng của Realme 7 quả thật nhỉnh hơn đôi chút so với Realme 6 ở khả năng đồ họa.

Đánh giá hiệu năng Realme 6: cân ngon game nặng nhưng màn hình 90Hz chưa có nhiều

Điểm hiệu năng của Realme 6

Với các tác vụ thông thường, Realme 7 vẫn cho trải nghiệm rất mượt mà, đặc biệt là các hiệu ứng chuyển cảnh khi mở và đóng ứng dụng diễn ra nhanh “chóng mặt”. Các thao tác vuốt điều hướng về màn hình chính, vuốt mép để back hay vuốt mép dưới để chuyển nhanh giữa các app cũng hết sức nhanh nhẹn, trơn tru.

Khi chơi các tựa game quen thuộc như PUBG Mobile, Call of Duty Mobile, Liên Quân Mobile, Dead Trigger 2 hay Liên Minh Huyền Thoại Tốc Chiến, Helio G95 trên Realme 7 vẫn giữ vững phong độ khi vừa cho phép bật max settings tất cả các thiết lập đồ họa, lại có được số khung hình cao, độ ổn định tốt.

Máy cũng đã khắc phục được vấn đề nhiệt độ cao của các con chip Helio G90T, hoạt động hoàn toàn mát mẻ dù chơi game liên tục trong thời gian dài.

Thời lượng pin đủ dùng một ngày rưỡi, sạc nhanh nhẹn

Viên pin của Realme 7 như đã đề cập được nâng lên mức 5000 mAh, tăng đáng kể so với mức 4300 mAh của Realme 6. Nhưng khá bất ngờ khi Realme 7 lại không dày và nặng hơn Realme 6 là bao. Cục sạc đi kèm vẫn có công suất 30W với kích thước lớn, gần gấp đôi củ sạc thông thường.

Củ sạc của Realme 7 (bên trái) và Realme 6 (bên phải) có các thông số tương tự nhau, đều với đầu ra 5V -6A

Theo Realme, củ sạc này sử dụng công nghệ Dart Charge riêng của hãng nhưng thực chất đây vẫn là công nghệ VOOC từ công ty mẹ Oppo. Bằng chứng khi sử dụng củ sạc VOOC từ Realme 6, hay cả củ sạc Warp Charge từ OnePlus 8 Pro, máy vẫn nhận sạc nhanh Dart Charge. Realme công bố thời gian sạc đầy Realme 7 mất 65 phút bằng củ sạc 30W đi kèm.

Thực tế, tôi mất 67 phút để sạc đầy từ 0% lên 100% pin, trong đó 15 phút đầu tiên sạc được 34% và 30 phút sạc được 61%. Đây là tốc độ sạc pin khá nhanh nhẹn, tương đương với đàn anh Realme 6. Có thể thấy sạc 30W vẫn đủ để “gánh” tốt viên pin 5000 mAh của Realme 7.

Thời lượng pin của Realme 7 trong các bài test pin tiêu chuẩn của VnReview cũng ở mức tốt với 15 giờ 46 phút xem phim liên tục, 6 giờ 24 phút chơi game liên tục và 11 giờ 51 phút lướt web liên tục. Trong sử dụng thông thường hàng ngày, tôi thường đạt được thời gian on screen từ 8 – 9 tiếng với cường độ cao gồm duyệt web, chụp ảnh, chơi game, 4G, Bluetooth, GPS bật liên tục. Nếu chịu khó tắt bớt GPS khi không dùng đến, tôi hoàn toàn có thể trụ được 1 ngày rưỡi đến 2 ngày mới cần sạc. Kết quả test pin giữa màn hình 90Hz và 60Hz không có khác biệt nào quá lớn nên bạn có thể tự tin bật chế độ 90Hz để có trải nghiệm mượt mà.

Phần mềm thuần Google hơn, độ tùy biến cao, ép được Dark Mode cho Facebook

Về phần mềm, Realme 7 vẫn cài sẵn Android 10 chạy trên giao diện Realme UI 1.0. Về cơ bản, Realme UI được làm thuần Google hơn, bớt đi những tùy biến màu mè của ColorOS trên các thiết bị Realme và Oppo. Khay ứng dụng App Drawer được bổ sung để quản lý app khoa học hơn.

Các thao tác cử chỉ điều hướng đã mượt mà hơn nhiều. Bạn có thể vuốt ở mép dưới màn hình hoặc vuốt và giữ từ cạnh màn hình để chuyển qua lại giữa các app rất tiện lợi, tương tự như iOS.

Giao diện tối Dark Mode đã xuất hiện và điểm hay là Realme có thể “ép” cả những app chưa có Dark Mode như Facebook, Messenger hay Lazada sang giao diện này với độ tương thích cao, màu sắc hợp lý hơi xám nhẹ chứ không đen hẳn, dễ nhìn hơn, nhất là trong đêm tối.

Realme UI cũng cho phép tùy biến khá sâu giao diện hệ thống từ việc tinh chỉnh hình dáng, kích thước của các icon, đổi toàn bộ giao diện theo các chủ đề hay nhấp đúp vào màn hình để bật tắt, nên gần như không cần dùng đến phím nguồn nữa. 

Tuy nhiên, máy vẫn cài sẵn khá nhiều app dạng bloatware như TikTok, Lazada, Vn Ngày Nay, WPS Office….

Tổng kết

Ở tầm giá 6 – 7 triệu đồng chính hãng, Realme 7 tiếp tục hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố để tạo nên một chiếc smartphone hấp dẫn. Từ thiết kế, hiệu năng, thời lượng pin, chất lượng camera, phần mềm, tất cả đều được đại diện của Realme thể hiện từ khá đến tốt. Đáng giá nhất là màn hình tần số quét cao, hiệu năng nhanh nhẹn, đem lại trải nghiệm mượt mà cùng công nghệ sạc nhanh công suất lớn 30W, giúp rút ngắn đáng kể thời gian sạc. Những hạn chế trên thế hệ trước như camera lấy nét chậm hay thời lượng không quá “trâu bò” đều được khắc phục trên Realme 7.

“Đại kình địch” của Realme 7 chắc chắn không ai khác ngoài Xiaomi Poco X3 NFC. Điểm trội hơn của Realme 7 so với đối thủ là dung lượng RAM lớn hơn, dù thế Poco X3 NFC có mức giá bán tốt hơn và bảo hành lâu hơn, màn hình tần số quét cao hơn cùng việc trang bị chip Snapdragon, vốn có độ ổn định cao hơn.

Thành Đạt